Vì sao Trung Quốc không 'trải thảm đỏ' tiếp đón Ngoại trưởng Mỹ?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hôm 18/6, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã có cuộc hội đàm trực tiếp kéo dài 7 tiếng rưỡi với Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương tại Nhà khách Điếu Ngư Đài ở Bắc Kinh. Tuy nhiên Bắc Kinh không 'trải thảm đỏ' để tiếp đón nhà ngoại giao hàng đầu của nước Mỹ. Truyền thông Mỹ đã phân tích những lý do đằng sau sự thờ ơ của Trung Quốc.

Quan hệ Mỹ - Trung: Cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt

Hình ảnh và video đăng tải trên các phương tiện truyền thông xã hội hôm 18/6 dường như cho thấy Ngoại trưởng Blinken được chào đón bởi các nhà ngoại giao cấp thấp hơn của Trung Quốc và Đại sứ Mỹ Burns trong chuyến công du đến Bắc Kinh.

Là nhà ngoại giao cấp cao đầu tiên của Hoa Kỳ đến thăm Trung Quốc sau 5 năm, Bắc Kinh đối xử với ông Blinken lạnh lùng hơn nhiều so với buổi lễ trải thảm đỏ xa hoa để tiếp đón Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong chuyến thăm Trung Quốc vào tháng 4.

Với màn đón tiếp này, Bắc Kinh dường như đang gửi một thông điệp tới Washington rằng quan hệ Mỹ - Trung đang "cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt".

Đầu năm 2023, cả Bắc Kinh và Washington đều hy vọng sẽ nối lại các cuộc đối thoại về địa chính trị, thương mại, kinh tế cùng nhiều vấn đề khác. Trong khi đó, Ngoại trưởng Blinken cũng dự kiến ​​​​đến thăm Trung Quốc vào tháng 2/2023.

Tuy nhiên, những kế hoạch trên đã đổ bể sau sự cố khinh khí cầu do thám của Trung Quốc bay qua không phận Mỹ với cáo buộc thu thập thông tin tình báo từ các địa điểm quân sự nhạy cảm của nước này.

Bắc Kinh khẳng định khinh khí cầu thực hiện sứ mệnh dân sự là thu thập dữ liệu thời tiết, nhưng chính quyền ông Biden thẳng thừng bác bỏ lời giải thích đó, đồng thời Ngoại trưởng Mỹ cũng lập tức hoãn chuyến thăm Bắc Kinh.

Sự cố khinh khí cầu đã làm gia tăng căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc. Khi Tổng thống Mỹ Joe Biden gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bali vào tháng 11/2022, hai bên cũng hy vọng có thể hạ nhiệt căng thẳng. Chuyến thăm của ông Blinken cũng nhằm xoa dịu căng thẳng giữa hai nước và nối lại các kênh liên lạc giữa hai cường quốc.

Bộ Ngoại giao Mỹ không cung cấp thông tin chi tiết về cuộc hội đàm của Ngoại trưởng Mỹ tại Bắc Kinh nhưng cho biết: "Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh tầm quan trọng của ngoại giao và duy trì các đường dây liên lạc cởi mở về tất cả các vấn đề nhằm giảm nguy cơ hiểu lầm và tính toán sai lầm".

“Ngoại trưởng Mỹ nói rõ rằng Hoa Kỳ sẽ luôn bảo vệ lợi ích và giá trị của người dân Mỹ, đồng thời sẽ hợp tác với các đồng minh và đối tác của mình để thúc đẩy tầm nhìn chung về một thế giới tự do, cởi mở và duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật lệ”.

Trong khi đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Robert Miller cho biết: “Mối quan hệ của chúng tôi với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là một trong những mối quan hệ phức tạp và quan trọng nhất. Điều quan trọng là chúng tôi duy trì đường dây liên lạc giữa hai nước”.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh, đã đăng lên Twitter vào hôm 18/6: “Hy vọng cuộc hội đàm này có thể giúp đưa quan hệ Mỹ - Trung trở lại sự đồng thuận mà hai nguyên thủ quốc gia đã đạt được ở Bali”.

Tổng thống Mỹ hy vọng gặp ông Tập ‘trong những tháng tới’

Phát biểu trước báo giới hôm 17/6, ông Biden nói rằng ông sẵn sàng gặp lại ông Tập trong tương lai gần.

“Tôi hy vọng rằng trong những tháng tới tôi có thể gặp lại ông Tập Cận Bình để thảo luận về những lĩnh vực mà hai nước có những khác biệt chính đáng và cách thức để hai bên hòa hợp với nhau”, Tổng thống Mỹ nói.

Mâu thuẫn gay gắt nhất giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc là vấn đề Đài Loan. Hoa Kỳ đã phản ứng lại mối đe dọa của Trung Quốc bằng cách gia tăng các hoạt động của Hải quân Mỹ quanh Eo biển Đài Loan và đoàn kết các nền dân chủ để chống lại sự hung hăng của Bắc Kinh.

Mặt khác, giới chức Mỹ cũng chỉ trích việc Trung Quốc từ chối lên án cuộc xâm lược Ukraine của Nga và nêu quan ngại về việc Bắc Kinh xây dựng các căn cứ quân sự trên các đảo tranh chấp ở Biển Đông, việc Bắc Kinh tiếp tục đàn áp các quyền tự do và dân chủ ở Hong Kong cũng như tội ác diệt chủng đối với người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ.

Với danh sách dài các vấn đề kể trên, Washington có rất ít hy vọng về những đột phá trong chuyến thăm Bắc Kinh của Ngoại trưởng Mỹ.

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương Daniel J. Kritenbrink cho biết: “Chúng tôi đến Bắc Kinh với chủ nghĩa hiện thực, sự tự tin và mong muốn thực sự quản lý sự cạnh tranh của mình theo cách có trách nhiệm nhất có thể”.

Những lý do đằng sau sự thờ ơ của Trung Quốc

Theo nhiều nguồn thạo tin, khi ông Vương Nghị bay tới Munich để tham dự một hội nghị an ninh cấp cao vào giữa tháng 2, Bắc Kinh đặc biệt nổi giận trước việc Washington phá hoại nỗ lực cải thiện quan hệ của Trung Quốc với châu Âu.

Ông Blinken đã tuyên bố tại hội nghị thượng đỉnh ở Munich rằng Hoa Kỳ có thông tin tình báo cho thấy Trung Quốc đang cân nhắc chuyển giao vũ khí cho Nga để giúp họ tấn công Ukraine.

Theo các nguồn thạo tin, cuộc hội đàm giữa Ngoại trưởng Mỹ và người đồng cấp Trung Quốc diễn ra không mấy suôn sẻ, với việc ông Blinken lên án Bắc Kinh vì đã ủng hộ Nga trong cuộc chiến ở Ukraine và sự cố khinh khí cầu do thám của Trung Quốc bay lơ lửng trên không phận Mỹ.

Kể từ đó, Trung Quốc đã nhiều lần từ chối các đề nghị đàm phán cấp cao của Hoa Kỳ và đổ lỗi cho Washington về mọi vấn đề giữa hai nước.

Tại một cuộc họp báo ở Brussels (Bỉ) hôm 16/6, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin cho biết ông đã không liên lạc với người đồng cấp Trung Quốc kể từ khi họ bắt tay tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore hồi đầu tháng. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cho biết ông sẵn sàng nối lại liên lạc giữa hai nhà lãnh đạo quân sự.

"Tôi cho rằng điều quan trọng là các quốc gia có quân đội mạnh và năng lực phải tìm cách đối thoại với nhau để có thể quản lý các cuộc khủng hoảng tiềm ẩn và đảm bảo mọi thứ không vượt quá tầm kiểm soát một cách không cần thiết”, ông Austin nói.

Những kế hoạch của Bắc Kinh phía sau hậu trường

Tờ Wall Street Journal phân tích rằng Bắc Kinh cần giải thích cho công chúng lý do tại sao Trung Quốc tái can dự với Mỹ sau nhiều tháng phớt lờ Washington về sự cố khinh khí cầu.

Nguồn tin chính thức của phương tiện truyền thông Trung Quốc về cuộc gọi điện đàm giữa ông Tần Cương và ông Blinken hôm 14/6 có nội dung rất ngắn gọn. Phía Bắc Kinh nói rằng ông Tần Cương kêu gọi Washington tôn trọng "các mối quan tâm cốt lõi của Trung Quốc" như chủ quyền của Đài Loan, ngừng can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc và ngừng làm suy yếu chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển của Trung Quốc dưới danh nghĩa cạnh tranh.

Tuy nhiên, ở phía sau hậu trường, Bắc Kinh có thể ấp ủ những kế hoạch khác, chẳng hạn như dọn đường cho ông Tập tham dự hội nghị thượng đỉnh thường niên của các nhà lãnh đạo châu Á - Thái Bình Dương tại San Francisco vào tháng 11. Rất có thể sẽ có một cuộc gặp riêng giữa hai nguyên thủ Mỹ - Trung vào thời điểm đó.

Ngoài ra, một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ tiết lộ rằng trong cuộc hội đàm, ông Tần Cương và ông Blinken đã đồng ý hợp tác để tăng số lượng chuyến bay giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.

Trong một cuộc phỏng vấn với Wall Street Journal, ông David Dollar, một học giả cấp cao tại Viện Brookings, phân tích rằng một phần lý do khiến Trung Quốc sẵn sàng tiếp đón ông Blinken và tái thiết các kênh liên lạc là để cho châu Âu và các đồng minh khác của Mỹ thấy Bắc Kinh sẵn sàng hợp tác và ngăn chặn một vòng luẩn quẩn.

Mỹ gần đây đã tìm cách lôi kéo các đồng minh như Hà Lan, Nhật Bản và Hàn Quốc tham gia vào việc hạn chế xuất khẩu chip sang Trung Quốc, đồng thời nỗ lực hạn chế đầu tư vào công nghệ then chốt của Bắc Kinh. Họ hy vọng rằng những nỗ lực này sẽ giành được sự ủng hộ của các đồng minh cũng như đối tác châu Âu và châu Á.

Một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ tiết lộ rằng trong chuyến thăm Trung Quốc của Ngoại trưởng Blinken, ông cũng đã hội đàm với những người đồng cấp Nhật Bản và Hàn Quốc để đạt được thỏa thuận về vấn đề Trung Quốc.

Một mục tiêu quan trọng khác của nhà lãnh đạo Trung Quốc là các đồng minh của Mỹ ở châu Âu và châu Á, trong bối cảnh Bắc Kinh đang tăng cường nỗ lực ngăn chặn các quốc gia có công nghệ tiên tiến khác hợp tác với Washington để trừng phạt các công ty Trung Quốc.

Tuy nhiên, một số đồng minh của Mỹ đã phản đối việc áp đặt nhiều hạn chế hơn đối với hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc, với lý do điều đó sẽ gây tổn hại đến lợi ích kinh tế của chính họ đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và mối lo ngại về mối quan hệ Mỹ - Trung sẽ dần dần xấu đi. Những lo ngại của các đồng minh đã mở ra cơ hội cho Bắc Kinh tách rời khỏi Washington.

Cho đến nay, trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc ngày càng suy thoái, Bắc Kinh đã quan tâm nhiều hơn đến việc lôi kéo các quan chức kinh tế cấp cao làm việc với những người đồng cấp Mỹ.

Vào tháng trước, ông Tập Cận Bình đã cử Bộ trưởng thương mại Trung Quốc tới Washington để hội đàm với người đồng cấp Mỹ Gina Raimondo, đánh dấu cuộc gặp cấp nội các đầu tiên giữa hai quốc gia tại Washington dưới chính quyền ông Biden.

Bà Raimondo và Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen đều bày tỏ mong muốn đến thăm Trung Quốc như một phần trong nỗ lực của Mỹ nhằm duy trì các cuộc đàm phán cấp cao giữa hai nước.

Ông Ryan Haas, cựu cố vấn an ninh quốc gia về Trung Quốc và châu Á dưới thời chính quyền Obama, cho biết ông dự đoán rằng giới truyền thông Trung Quốc sẽ tiếp tục "vô cảm" với ông Blinken trong khoảng thời gian ông đến thăm Bắc Kinh.

Ông Haas nói: “Đây sẽ là một phép thử đối với Ngoại trưởng Blinken và nhóm của ông trong việc loại bỏ những ồn ào và tập trung vào thông điệp mà người Trung Quốc đang gửi đi sau những cánh cửa đóng kín”.

Huyền Anh tổng hợp



BÀI CHỌN LỌC

Vì sao Trung Quốc không 'trải thảm đỏ' tiếp đón Ngoại trưởng Mỹ?