Ngoại trưởng Mỹ gặp Chủ tịch Tập Cận Bình và nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong ngày cuối cùng của chuyến công du Trung Quốc nhằm cải thiện mối quan hệ căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, chỉ vài giờ sau khi kết thúc cuộc hội đàm với nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc Vương Nghị tại Nhà khách Quốc gia Điếu Ngư Đài.

Ngoại trưởng Mỹ Blinken đã đặt chân đến Trung Quốc vào ngày 17/6 để bắt đầu chuyến thăm hai ngày, chuyến đi đánh dấu nỗ lực của chính quyền ông Biden tìm cách duy trì các đường liên lạc cởi mở với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

Hôm Chủ nhật (18/6), Ngoại trưởng Blinken đã hội đàm với Ủy viên Quốc vụ kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương. Cuộc hội đàm được giới chức của cả hai bên mô tả là “thẳng thắn” và “mang tính xây dựng”.

Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc, cuộc gặp giữa ông Tập và ông Blinken sẽ sớm diễn ra.

Trước đó vài giờ, Ngoại trưởng Mỹ Blinken và ông Vương Nghị đã bắt tay và chụp ảnh trước khi cuộc họp kín bắt đầu.

Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết trong một tuyên bố sau cuộc hội đàm với ông Vương Nghị rằng Ngoại trưởng Mỹ đã “nhấn mạnh tầm quan trọng của việc quản lý cạnh tranh một cách có trách nhiệm giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc thông qua các kênh liên lạc mở để đảm bảo cạnh tranh không dẫn đến xung đột".

Trong cuộc hội đàm, ông Vương Nghị đã cáo buộc Hoa Kỳ có “nhận thức sai lầm” về Trung Quốc, từ đó đã dẫn đến căng thẳng hiện nay trong quan hệ song phương, theo tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc. Do đó, ông Vương Nghị đề nghị phía Mỹ "suy nghĩ thấu đáo" và hợp tác với Bắc Kinh.

Theo tuyên bố của phía Trung Quốc, ông Vương Nghị cũng yêu cầu Mỹ dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với Trung Quốc và ủng hộ yêu sách lãnh thổ của nước này đối với Đài Loan.

Trong những năm gần đây, chính phủ Mỹ đã áp đặt các hạn chế thương mại đối với các công ty và thực thể Trung Quốc. Vào tháng 3, Mỹ đã liệt 28 thực thể Trung Quốc vào danh sách đen vì cáo buộc có liên hệ với quân đội Iran.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken (trái) bắt tay với Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Đối ngoại Trung ương Trung Quốc Vương Nghị tại Nhà khách Điếu Ngư Đài ở Bắc Kinh, Trung Quốc, hôm 19/6/2023. (Ảnh: Leah Millis/POOL/AFP/Getty Images)

Trước chuyến đi của ông Blinken, một nhóm các nhà lập pháp Đảng Cộng hòa đã viết thư cho Ngoại trưởng và yêu cầu ông thêm một điểm dừng chân ở Đài Loan vào lịch trình của mình. Giới lãnh đạo ĐCSTQ đã nhiều lần đe dọa thôn tính hòn đảo tự trị bằng vũ lực.

Chuyến đi của ông Blinken, đánh dấu việc quan chức cấp cao nhất của Hoa Kỳ đặt chân đến Trung Quốc kể từ khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức vào năm 2021, đã bị một số đảng viên Đảng Cộng hòa và giới phân tích chỉ trích là sai lầm. Một số nhà lập pháp thậm chí đã chỉ ra những động thái gây hấn gần đây của Trung Quốc đối với Hoa Kỳ.

Đầu năm nay, quân đội Mỹ đã bắn hạ một khinh khí cầu do thám của Trung Quốc sau khi vật thể này bay qua lục địa Hoa Kỳ trong khoảng một tuần. Chính quyền ông Biden gần đây đã xác nhận rằng Trung Quốc đang điều hành một căn cứ gián điệp có khả năng thu thập thông tin tình báo ở Cuba.

Chuyến đi dự kiến ​​hồi tháng 2 của Ngoại trưởng Mỹ tới Trung Quốc đã bị hoãn lại sau sự cố khinh khí cầu do thám của Trung Quốc. Vào thời điểm đó, ông Blinken cho biết vụ việc “đã gây ra những điều làm suy yếu mục đích của chuyến đi".

Các mối quan ngại xung quanh chuyến thăm Trung Quốc

Cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ dưới thời Chính quyền Trump, ông H.R. McMaster đã cảnh báo hôm 18/6 rằng ông Blinken có thể đã đặt Mỹ vào thế yếu khi đến thăm Trung Quốc.

Ông McMaster nói với chương trình “Face the Nation” của đài CBS: “Chuyến thăm của Ngoại trưởng Blinken tới Trung Quốc đã bộc lộ một chút yếu thế [của Mỹ]”.

Ông McMaster tiếp tục: “Tôi cho rằng Mỹ đã rất mong muốn có cuộc hội đàm này với người Trung Quốc, và người Trung Quốc đã thực sự nỗ lực hết mình để đạt được mục tiêu trong cuộc hội đàm này. Theo tôi, những gì Trung Quốc hy vọng là tạo ra nhận thức rằng Washington sẽ bày tỏ lòng kính trọng đối với ĐCSTQ và tôi chắc rằng Ngoại trưởng Blinken cũng nhận thức rõ điểm này”.

"Tôi tin rằng Trung Quốc đang gửi một thông điệp tới phương Tây và Mỹ rằng: 'Này, chúng tôi đang chịu trách nhiệm ở [khu vực này]. Các ông đã xong việc rồi’”, ông McMaster nói thêm.

"Và tôi tin rằng đó là dấu hiệu cho thấy những gì họ hy vọng đạt được... đó là tạo ra một khu vực ưu việt loại trừ trên khắp khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Chẳng hạn, họ đã đưa ra tuyên bố chủ quyền đối với Biển Đông”.

Ông Gordon Chang, tác giả kiêm thành viên cao cấp của Viện Gatestone, đã đặt câu hỏi tại sao Hoa Kỳ muốn duy trì đối thoại với Trung Quốc.

“‘Tại sao chúng ta phải nỗ lực ‘duy trì liên lạc’ [với Bắc Kinh]? Trung Quốc sẽ lên tiếng khi họ muốn và ngược lại. Chúng ta không nên cầu xin sự liên lạc”, ông Chang viết trên Twitter vào ngày 18/6 và bổ sung thêm rằng việc cầu xin ‘duy trì đường dây liên lạc’ là vô nghĩa và nó sẽ tạo đòn bẩy cho Bắc Kinh.

Một số người đặt câu hỏi liệu Ngoại trưởng Blinken có sử dụng các cuộc gặp mặt trực tiếp của mình với các quan chức ĐCSTQ để bày tỏ quan ngại về hồ sơ vi phạm nhân quyền của Trung Quốc hay không.

"Tôi hy vọng Ngoại trưởng Blinken sẽ đề cập đến nạn diệt chủng người Duy Ngô Nhĩ, cuộc đàn áp ở Hong Kong, cũng như việc chính quyền Trung Quốc đàn áp tự do tôn giáo và nhân quyền trong các cuộc hội đàm 'trung thực' này!", Mục sư Patrick Mahoney, Giám đốc Liên minh Bảo vệ Cơ đốc giáo, đã đăng trên Twitter hôm 18/6.

Ở Trung Quốc, ĐCSTQ đã bức hại một cách có hệ thống các Cơ Đốc nhân, học viên Pháp Luân Công, người Tây Tạng và người Duy Ngô Nhĩ. Ở vùng Tân Cương, miền viễn Tây của Trung Quốc, hơn một triệu người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm thiểu số Hồi giáo khác hiện đang bị giam giữ trong các trại tập trung của Trung Quốc, nơi họ phải đối mặt với lao động cưỡng bức, tra tấn, lạm dụng tình dục, truyền bá chính trị, cưỡng bức phá thai và cưỡng bức triệt sản.

Ông Kenneth Roth, cựu Giám đốc điều hành của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch - HRW), cho biết ông Blinken nên đề cập đến cuộc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ của Trung Quốc, mà chính phủ Hoa Kỳ đã chỉ định là tội ác diệt chủng.

“Sẽ là sự thoái thác hoàn toàn trách nhiệm của Ngoại trưởng Blinken nếu quan điểm công khai duy nhất về nhân quyền của ông ở Trung Quốc là gây áp lực đòi trả tự do cho công dân Mỹ mà không đề cập đến một triệu người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ bị giam giữ vì ép buộc truyền bá giáo lý", ông Roth viết trên Twitter vào ngày 18/6.

Theo The Epoch Times

Huyền Anh biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Ngoại trưởng Mỹ gặp Chủ tịch Tập Cận Bình và nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc