Đảng Cộng hòa thúc giục Ngoại trưởng Mỹ thăm Đài Loan trên đường đến Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một nhóm các nhà lập pháp Đảng Cộng hòa đang thúc giục Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đến thăm Đài Loan trong chuyến công du Trung Quốc.

Theo một bản sao của bức thư mà The Epoch Times có được, các nhà lập pháp do Dân biểu Tom Tiffany dẫn đầu nói rằng chuyến dừng chân này là rất trọng yếu để chứng minh rằng chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) không thể áp đặt các điều khoản của các liên minh và các mối quan hệ đối tác của Hoa Kỳ.

“Nhân lúc ông lên kế hoạch cho chuyến thăm đến Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, một lần nữa chúng tôi viết thư này để kêu gọi ông cân nhắc đưa thêm một điểm dừng chân tại Đài Loan vào hành trình của mình”, bức thư viết.

“Điều đó sẽ gửi một thông điệp rõ ràng tới ĐCSTQ rằng Hoa Kỳ không cần sự cho phép của ĐCSTQ để gặp gỡ bạn bè và đồng minh của chúng ta ở Đài Loan - hay bất kỳ nơi nào khác".

Đồng ký vào bức thư còn có các nhà lập pháp Đảng Cộng hòa như: Buddy Carter, Dan Crenshaw, Byron Donalds, Nancy Mace, Andy Ogles và Scott Perry. Bức thư tiếp tục khuyến khích Ngoại trưởng Blinken xoa dịu những lo ngại của cả Đài Loan và Mỹ về sự chậm trễ trong việc vận chuyển vũ khí đến hòn đảo này.

Đài Loan là chìa khóa cho an ninh của Mỹ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương

Khi được hỏi về bức thư, ông Tiffany nói rằng Washington cần tăng cường tương tác với Đài Loan nếu không sẽ có nguy cơ gây tổn hại đến các lợi ích sống còn của Hoa Kỳ khi xoa dịu Trung Quốc mà không có lợi ích rõ ràng.

“Đài Loan là một đối tác kinh tế và an ninh trọng yếu của Hoa Kỳ trong khu vực", ông Tiffany nói với The Epoch Times.

"Việc bỏ qua sự phối hợp và liên lạc cấp cao để xoa dịu Bắc Kinh không làm giảm căng thẳng trong khu vực; thay vào đó, nó khuyến khích Trung Quốc tăng cường chính sách bắt nạt và chiến thuật bên miệng hố chiến tranh".

"Bên miệng hố chiến tranh" là chiến thuật đàm phán trong đó một bên tích cực theo đuổi đến cùng các điều khoản để bên kia phải đồng ý hoặc từ bỏ.

Kể từ chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên của Tổng thống Richard Nixon vào năm 1972, vấn đề liên lạc của Mỹ với Đài Loan đã trở thành tâm điểm trong quan hệ Mỹ - Trung.

ĐCSTQ khẳng định rằng Đài Loan dân chủ là một phần lãnh thổ của họ. Chế độ này chưa bao giờ kiểm soát bất kỳ phần lãnh thổ nào của Đài Loan, nhưng các quan chức ĐCSTQ vẫn tuyên bố sẽ phát động chiến tranh để đảm bảo rằng nền độc lập trên thực tế của hòn đảo này không được quốc tế công nhận.

Hoa Kỳ đã duy trì trạng thái cân bằng "không mấy dễ chịu" trong mối bang giao với Trung Quốc và Đài Loan kể từ năm 1979.

Một mặt, Hoa Kỳ công nhận nhưng không ủng hộ các yêu sách của ĐCSTQ đối với Đài Loan. Nói cách khác, Washington không duy trì quan hệ chính thức với chính phủ của hòn đảo, nhưng duy trì các mối quan hệ kinh tế trọng yếu với Đài Bắc.

Mặt khác, Hoa Kỳ duy trì nghĩa vụ pháp lý phải bán cho Đài Loan những vũ khí họ cần để bảo vệ nền độc lập trên thực tế của họ trước sự xâm lược của ĐCSTQ. Washington cũng duy trì các thỏa thuận với Bắc Kinh rằng không bên nào có thể đơn phương thay đổi hiện trạng này.

Mặc dù không có quan hệ chính thức, nhưng Mỹ và Đài Loan vẫn duy trì các cuộc đối thoại không chính thức tích cực trong nhiều thập kỷ. Ông Tiffany cho rằng chính quyền ông Biden quá mong muốn làm hài lòng ĐCSTQ bằng cách cắt giảm các mối quan hệ không chính thức như vậy.

“Trong nhiều năm, chính sách của Hoa Kỳ là khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc gặp giữa các quan chức cấp cao của Hoa Kỳ và những người đồng cấp của họ ở Đài Loan", ông nói.

“Bằng cách phớt lờ chính sách này và hoạt động theo những ràng buộc lỗi thời, tự áp đặt, chính quyền ông Biden đang cho phép ĐCSTQ ra lệnh cho những nhà lãnh đạo Mỹ có thể và không thể đối thoại với ai, và đó là điều sai trái".

Bức thư cũng khuyến khích Ngoại trưởng Blinken đến thăm Đài Loan để xoa dịu bất kỳ sự bất ổn nào phát sinh từ việc Hoa Kỳ không bàn giao các hệ thống vũ khí mà hòn đảo này đã mua.

Hiện có một lô thiết bị vũ khí tồn đọng trị giá 14 tỷ USD mà Đài Loan đã đặt hàng từ Hoa Kỳ nhưng vẫn chưa nhận được. Một số đơn đặt hàng có từ năm 2019.

Theo ông Tiffany, điểm dừng chân của Ngoại trưởng Blinken ở Đài Loan sẽ giúp xoa dịu đáng kể những lo ngại của Đài Bắc và giúp ích rất nhiều trong việc tạo ra sự minh bạch cho các quan chức Đài Loan và Mỹ về những gì chính quyền ông Biden đang làm để giải quyết vấn đề.

"Đài Loan đã thể hiện cam kết lâu dài đối với quốc phòng của chính họ thông qua việc thường xuyên mua vũ khí, vì vậy sự chậm trễ trong việc bàn giao các hệ thống đó là điều đáng lo ngại sâu sắc", ông Tiffany nói thêm.

"Các nhà hoạch định chính sách ở cả hai bờ Thái Bình Dương xứng đáng nhận được lời giải thích rõ ràng về điều gì đang ngăn cản quá trình chuyển giao này xảy ra và chính quyền ông Biden đang làm gì để khắc phục điều đó”.

(Từ trái sang phải) Chủ tịch Hạ viện lúc đó là Nancy Pelosi tham gia nghi lễ tuyên thệ nhậm chức với Dân biểu Tom Tiffany, cùng vợ Christine, tại Tòa nhà Quốc hội Hoa Kỳ ở Washington, hôm 19/5/2020. (Ảnh: Drew Angerer /Getty Images)
(Từ trái sang phải) Chủ tịch Hạ viện lúc đó là Nancy Pelosi tham gia nghi lễ tuyên thệ nhậm chức với Dân biểu Tom Tiffany, cùng vợ Christine, tại Tòa nhà Quốc hội Hoa Kỳ ở Washington, hôm 19/5/2020. (Ảnh: Drew Angerer /Getty Images)

Chuyến đi 'phản tác dụng và nguy hiểm' của Ngoại trưởng Mỹ

Ngoại trưởng Blinken hiện đang lên kế hoạch gặp các quan chức cấp cao của Trung Quốc trong một loạt cuộc hội đàm tại Bắc Kinh vào ngày 18/6 và 19/6. Ông sẽ tìm cách khôi phục đường dây liên lạc thường xuyên giữa Hoa Kỳ và ĐCSTQ.

Theo phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller, chuyến thăm là một phần trong nỗ lực lớn hơn của chính quyền ông Biden nhằm thiết lập các hàng rào bảo vệ xung quanh sự cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa hai cường quốc.

"Cạnh tranh khốc liệt đòi hỏi chính sách ngoại giao mạnh mẽ và cứng rắn để đảm bảo rằng cạnh tranh không dẫn đến đối đầu hay xung đột, và đó là những gì chúng tôi dự định thực hiện trong chuyến thăm này", ông Miller cho biết trong một cuộc họp báo hôm 14/6.

Ông Miller nói thêm rằng Blinken sẽ tìm cách đạt được ba mục tiêu lớn ở Bắc Kinh: tái thiết đường dây liên lạc thông thường, bảo vệ các giá trị và lợi ích của Mỹ, đồng thời xác định các con đường tiềm năng cho sự phát triển và hợp tác song phương.

Chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ diễn ra vào thời điểm ĐCSTQ cắt liên lạc quân sự giữa hai cường quốc, điều mà các quan chức Hoa Kỳ cho rằng có nguy cơ dẫn đến một tính toán sai lầm thảm khốc và kéo theo một cuộc xung đột.

Tuy nhiên, một số thành viên của Quốc hội Mỹ, chẳng hạn như Thượng nghị sĩ Bob Menendez, cho rằng chuyến thăm của ông Blinken sẽ giúp mở lại các kênh liên lạc và giảm bớt căng thẳng.

Ông Menendez nói với The Epoch Times: “Hy vọng rằng chúng ta có thể thiết lập một mức độ liên lạc nào đó (đặc biệt là ở khía cạnh quốc phòng) để có thể giảm thiểu xung đột”.

"Tại thời điểm này, giới lãnh đạo quân sự của Trung Quốc không sẵn sàng giao tiếp với quân đội Hoa Kỳ, đây là một vấn đề, đặc biệt là với hành vi nguy hiểm mà họ đã thực hiện".

Tuy nhiên, nhiều thành viên của Quốc hội Mỹ tin rằng mong muốn đàm phán mà không có điều kiện tiên quyết của Washington là điều không nên làm, đặc biệt là trước hành vi hung hăng ngày càng gia tăng của quân đội ĐCSTQ trong khu vực và chiến dịch gián điệp cũng như cuộc đàn áp đang diễn ra của chế độ này đối với người gốc Hoa sống ở Hoa Kỳ.

Dân biểu Mike Gallagher, Chủ tịch Ủy ban Chuyên trách của Hạ viện ứng phó với ĐCSTQ, là một trong số đó.

Ông Gallagher nói với đài NTD, một kênh truyền thông anh em của The Epoch Times rằng những nỗ lực của Washington nhằm khôi phục lại sự gắn kết với Bắc Kinh sau 20 năm thất bại sẽ chỉ khiến cho hoạt động phòng thủ của Hoa Kỳ chậm lại.

“Quan điểm của tôi là ông [Blinken] không nên thực hiện chuyến thăm vào thời điểm này, đặc biệt là sau những tiết lộ mà chúng ta đã biết vào tuần trước về khoản đầu tư của ĐCSTQ ở Cuba nhằm xây dựng một căn cứ gián điệp khổng lồ ngay trong khu vực cận kề với Mỹ".

Vì lý do đó, ông Gallagher nhận định rằng chuyến thăm Trung Quốc của Ngoại trưởng Mỹ sẽ không giúp ích gì đáng kể cho Hoa Kỳ trong cuộc cạnh tranh với Trung Quốc và thậm chí có thể cản trở an ninh của Washington.

Ông Gallagher lập luận: “Hết lần này đến lần khác, sự kết giao, đặc biệt là sự kết giao chỉ vì mục đích kết giao, đã làm suy yếu tính cấp bách mà Mỹ cần để thực sự giành chiến thắng trong cuộc cạnh tranh này”.

“Thực tế là chính quyền ông Biden đang cân nhắc nối lại mối liên hệ về ngoại giao và kinh tế như một trụ cột cốt lõi trong đại chiến lược của nước Mỹ. Tuy nhiên, tôi cho rằng điều đó là phản tác dụng và nguy hiểm”.

Tuy nhiên, những nhà lập pháp khác trong Quốc hội Mỹ lại coi chuyến đi của Ngoại trưởng Mỹ là lãng phí thời gian. Thượng nghị sĩ Josh Hawley nói với The Epoch Times rằng chuyến thăm của ông Blinken có tiềm năng to lớn nhưng rất có thể sẽ dẫn đến việc chính quyền Washington "quỳ gối trước Trung Quốc".

"Tôi hy vọng rằng ông [Blinken] sẽ đến đó và nói với họ [Trung Quốc] rằng thâm hụt thương mại là không thể chấp nhận được. Mỹ sẽ không cho phép họ gian lận thương mại nữa, chúng tôi sẽ không cho phép họ cướp công ăn việc làm của chúng tôi và chúng tôi sẽ giảm mức thâm hụt đó xuống con số 0”, ông nói.

“Nhưng đó không phải là điều ông ấy sẽ làm. Ông ấy sẽ đi qua đó rồi cầu xin và khom lưng uốn gối", ông kết luận.

Một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ đã từ chối bình luận về bức thư và nói rằng cơ quan này không bình luận về thư từ Quốc hội.

Theo The Epoch Times

Huyền Anh biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Đảng Cộng hòa thúc giục Ngoại trưởng Mỹ thăm Đài Loan trên đường đến Trung Quốc