Phân tích: Ba bất thường lớn xảy ra trong ngày đầu tiên của Lưỡng Hội Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Kể từ năm ngoái, nền kinh tế Trung Quốc đã có những biến động mạnh mẽ và tình hình chính trị ngày càng trở nên hỗn loạn. Ba điều bất thường lớn đã xảy ra vào ngày đầu tiên của Lưỡng Hội năm nay: Hủy bỏ cuộc họp báo của Thủ tướng với truyền thông; cựu Bộ trưởng Quốc phòng bất ngờ bị bãi nhiệm chức vụ đại biểu Quốc hội; không có kế hoạch bổ nhiệm nhân sự trong kỳ họp.

Lưỡng Hội là cuộc họp thường niên của Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc (gọi tắt là Chính Hiệp, tức Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc) và Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc Trung Quốc (tức Quốc hội). Năm nay, hai cuộc họp này lần lượt được khai mạc vào ngày 4/3 và 5/3.

Hủy bỏ cuộc họp báo của Thủ tướng với truyền thông

Đại hội toàn quốc của Trung Quốc được tổ chức vào ngày 5/3. Cuộc họp báo đầu tiên được tổ chức vào ngày 4/3. Trả lời câu hỏi của các phóng viên trong và nước ngoài, người phát ngôn Lỗ Khâm Kiệm cho biết: "Năm nay, sau khi bế mạc Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa 14 sẽ không tổ chức họp báo với Thủ tướng". "Nếu không có tình huống đặc biệt, trong những năm còn lại của nhiệm kỳ Quốc hội khóa 14 cũng sẽ không tổ chức họp báo với Thủ tướng".

Động thái này đã phá vỡ hơn 30 năm hoạt động trong giới chính trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc và thu hút sự chú ý lớn trong và ngoài nước.

Kể từ đầu những năm 1990, họp báo Thủ tướng Chính phủ được tổ chức hàng năm vào ngày bế mạc Đại hội toàn quốc tại Đại lễ đường Nhân dân, phóng viên các cơ quan truyền thông trong và ngoài nước có thể đặt câu hỏi với Thủ tướng Hội đồng Nhà nước.

Năm 1991, Thủ tướng Lý Bằng đã gặp gỡ các phóng viên từ trong nước, Hồng Kông, Ma Cao, Đài Loan và nước ngoài để trả lời các câu hỏi. Sau năm 1993, họp báo thủ tướng đã trở thành thông lệ, sau khi Chu Dung Cơ trở thành thủ tướng năm 1998, họp báo trở thành tâm điểm của Lưỡng Hội.

Ông Ôn Gia Bảo thường trích dẫn thơ ca khi trả lời câu hỏi của phóng viên; ông Lý Khắc Cường trong họp báo năm 2020, thừa nhận rằng 600 triệu người Trung Quốc có thu nhập chỉ 1000 NDT/tháng, gặp khó khăn trong việc thuê nhà ở thành phố và chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh, ông Lý Khắc Cường đã tiết lộ một phần sự thật về khoảng cách giàu nghèo và thu nhập quốc dân ở Trung Quốc.

Đại hội toàn quốc bất ngờ quyết định hủy cuộc họp báo thường kỳ của Thủ tướng, khiến nhiều thành viên tham gia Hội nghị hiệp thương chính trị nhân dân Trung Quốc ngạc nhiên.

Theo tờ Lianhe Zaobao của Singapore, chiều 4/3, khi Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ, Tạ Phong tham dự lễ khai mạc Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc (Hội nghị Chính hiệp) với tư cách là Ủy viên Chính hiệp. Khi được hỏi về việc hủy họp báo Thủ tướng sau Lưỡng Hội, ông Tạ Phong sững sờ một lúc mới nói: "Đây là lần đầu tiên tôi nghe thấy tin này".

Cựu Bộ trưởng Quốc phòng bị cách chức đại biểu Quốc hội

Trong hai phiên họp, số phận của cựu Bộ trưởng Quốc phòng Lý Thượng Phúc cũng thu hút nhiều sự chú ý từ thế giới bên ngoài.

Khi rời cuộc họp, ông Lỗ Khâm Kiệm, người phát ngôn của Hội nghị, đã trả lời câu hỏi của phóng viên Lianhe Zaobao và nói rằng ông Lý Thượng Phúc không thể tham gia hai phiên họp vì ông không còn là đại biểu Quốc hội.

Tháng 10/2022, ông Lý Thượng Phúc trong kỳ họp vào tháng 3 năm ngoái, ông được bổ nhiệm làm Ủy viên Quân ủy Trung ương Trung Quốc; Ủy viên Quốc vụ viện, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Nhưng ông đã biến mất khỏi tầm nhìn của công chúng vào cuối tháng 8/2023. Hai tháng sau, ông Lý Thượng Phúc bất ngờ bị cách chức Ủy viên Quân ủy Trung ương, Ủy viên Quốc vụ viện và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Cho đến nay vẫn chưa có lời giải thích chính thức nào được đưa ra.

Ngày 26/2 năm nay, trang web chính thức của Bộ Quốc phòng xóa tên ông Lý Thượng Phúc khỏi danh sách Quân ủy Trung ương Trung Quốc. Tuy nhiên, ông Lý Thượng Phúc vẫn có tên trong danh sách đại biểu quân sự của Đại biểu toàn quốc.

Mãi cho đến khi người phát ngôn Lỗ Khâm Kiệm Hội nghị trả lời câu hỏi của phóng viên từ Lianhe Zaobao, thế giới bên ngoài mới biết rằng ông Lý Thượng Phúc không còn là đại biểu Quốc hội.

Quốc hội không có nhân sự để bổ nhiệm Bộ trưởng Ngoại giao

Trong năm qua, quân đội và ngoại giao của Trung Quốc gặp bất ổn lớn, ông Lý Thượng Phúc và ông Tần Cương bị cách chức chỉ sau vài tháng nhậm chức. Cuối năm ngoái, cựu Tư lệnh Hải quân Đổng Quân, người không phải là Ủy viên Quân ủy Trung ương, trở thành Bộ trưởng Quốc phòng, và Vương Nghị, Chủ nhiệm Văn phòng Đối ngoại Trung ương Trung Quốc tiếp quản với tư cách là Bộ trưởng Ngoại giao.

Hai kỳ họp năm ngoái là kỳ họp đầu tiên sau Đại hội toàn quốc lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Chính quyền Trung Quốc đã thay đổi một thế hệ lãnh đạo mới. Hai kỳ họp năm nay, một trong những tâm điểm đáng chú ý là ai sẽ là người kế vị Bộ trưởng Ngoại giao. Tuy nhiên, chưa có kế hoạch bổ nhiệm nhân sự tại Đại hội lần này.

Ông Lỗ Khâm Kiệm cho biết, Hội nghị khai mạc vào sáng ngày 5/3 và bế mạc vào chiều ngày 11/3. Hội nghị sẽ kéo dài trong bảy ngày, bao gồm 3 phiên họp toàn thể. Chương trình nghị sự của kỳ họp gồm 7 nội dung, không bao gồm nội dung thảo luận về việc bổ nhiệm nhân sự.

So sánh với kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa 13 sau Đại hội toàn quốc lần thứ 19 được tổ chức cách đây 5 năm, chương trình nghị sự của kỳ họp lần này không có nội dung "thẩm tra và biểu quyết về các đề án bổ nhiệm và miễn nhiệm".

Đấu tranh gay gắt trong nội bộ chính quyền Trung Quốc

Nhà bình luận chính trị Lý Lâm Nhất cho rằng, những dấu hiệu không bình thường này đều cho thấy sự hỗn loạn trong nội bộ Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã đạt đến một mức độ nhất định. Việc chính quyền hủy bỏ cuộc họp báo của Thủ tướng, mặc dù có thể là do nhu cầu bảo vệ quyền lực của lãnh đạo ĐCSTQ, nhưng cũng phản ánh sự gay gắt trong cuộc đấu tranh nội bộ của ĐCSTQ, và đặc biệt là sự lo lắng sâu sắc của lãnh đạo Tập Cận Bình trước viễn cảnh mất quyền lực. Nói cách khác, ông Tập không còn có thể dung thứ cho các thành viên khác trong Ban Thường vụ xuất hiện để lợi dụng mình. Việc chọn người kế nhiệm cho vị trí Bộ trưởng Ngoại giao lần này có khả năng gặp khó khăn, là một điều khó hiểu hơn nữa. Ông Tần Cương bị cách chức ngoại trưởng vào tháng 7 năm ngoái và ông Vương Nghị lên thay. Cho đến thời điểm hiện tại, ứng cử viên cho vị trí ngoại trưởng mới vẫn chưa được xác định, ngoài việc cho thấy cuộc đấu tranh quyền lực trong cấp cao đang trở nên khốc liệt và làm cho ông Tập Cận Bình bất ổn định, không có lý do nào khác được đưa ra.

Theo The Epoch Times
Lý Ngọc biên dịch

Trung Quốc Góc nhìn


BÀI CHỌN LỌC

Phân tích: Ba bất thường lớn xảy ra trong ngày đầu tiên của Lưỡng Hội Trung Quốc