Tại sao tầng lớp trung lưu Trung Quốc lại di cư bất hợp pháp, đầy rủi ro để đến Mỹ?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tình trạng bất ổn kinh tế, nợ nần và tuyệt vọng đẩy nhiều gia đình trung lưu Trung Quốc phải vượt rừng đến biên giới Mexico.

Số người Trung Quốc di cư đến Mỹ tăng đột biến

Số người di cư Trung Quốc qua biên giới Mỹ - Mexico đã tăng vọt vào năm 2023. Mặc dù con số thực tế khó nắm bắt, nhưng hơn 37.000 công dân Trung Quốc đã bị giam giữ ở biên giới với Mexico vào năm ngoái, theo Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Hoa Kỳ (CBP). Con số này lớn gấp 10 lần so với những năm trước đại dịch.

Trong số những người đến Hoa Kỳ, các gia đình có trẻ em là nhóm tăng trưởng đặc biệt nhanh. Dữ liệu của CBP cho thấy các đặc vụ tuần tra biên giới của Hoa Kỳ đã chạm trán các gia đình di cư Trung Quốc 6.645 lần từ tháng 10/2022 đến 9/2023 và 7.081 lần kể từ tháng 10/2023 đến nay, nhiều hơn đáng kể so với 1.151 lần từ tháng 10/2021 đến tháng 9/2022.

Ông Kurt Campbell, Thứ trưởng Ngoại giao, phát biểu tại một cuộc họp: “Nhiều người di cư Trung Quốc đã phải chi một số tiền khổng lồ để [đến Mỹ]… Việc này chưa nhận được đủ sự quan tâm, nhưng đó là một điều đáng chú ý”. “Tôi nghĩ thật công bằng khi nói rằng chính phủ Trung Quốc đã biết về điều đó, có lẽ hơi lo ngại về vấn đề này, nhưng tôi không nghĩ họ đã thực hiện các bước vào thời điểm này để hạn chế việc di cư này”.

Tuy nhiên, ông Campbell cho biết, số lượng lớn người di cư đang "gây lo ngại" ở Mỹ. Thật vậy, khi cuộc bầu cử sắp diễn ra vào tháng 11, an ninh biên giới và quan hệ Mỹ - Trung đang trở thành hai trong số những chiến trường nóng nhất giữa Tổng thống Joe Biden và ông Donald Trump.

Theo hãng tin AP, vào năm 2022, Trung Quốc đã tạm dừng hợp tác với Mỹ về vấn đề di cư bất hợp pháp khi căng thẳng gia tăng nhưng sau đó lặng lẽ nối lại các chuyến bay hồi hương những người di cư bất hợp pháp vào mùa xuân 2024. Vấn đề này dường như khiến Bắc Kinh bối rối và vẫn là nguồn gốc căng thẳng giữa hai nước: “Trung Quốc kiên quyết phản đối việc Mỹ lấy vấn đề nhập cư bất hợp pháp làm cái cớ để bôi nhọ Trung Quốc”, người phát ngôn của Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington cho biết vào ngày 14/5.

Các chuyên gia cho rằng sự gia tăng gần đây của công dân Trung Quốc đến Mỹ theo cách bất hợp pháp đã cho thấy một bức tranh mờ mịt về tình hình của họ ở quê nhà. Dữ liệu do Liên Hợp Quốc tổng hợp cho thấy trong năm 2022 và 2023, tổng số lượng di cư hàng năm đã tăng lên hơn 300.000 người, so với mức trung bình khoảng 190.000 người hàng năm trong một thập kỷ trước. Tỷ lệ di cư giảm mạnh vào năm 2020, khi đại dịch COVID-19 xảy ra.

Ông Victor Shih, một chuyên gia về chính sách kinh tế Trung Quốc tại Đại học California, San Diego, cho biết: “Thật bất thường khi một quốc gia có thu nhập trung bình và tốc độ tăng trưởng kinh tế tích cực, như trường hợp của Trung Quốc, lại có dòng người di cư bất hợp pháp lớn. Sẽ rất rủi ro khi đi theo con đường bất hợp pháp”.

Ông Shih nói thêm: “Vì vậy, tôi nghĩ đối với họ, điều đó cho thấy mức độ tuyệt vọng của họ khi ở trong nước. Thật khó để giải thích từ góc độ kinh tế thuần túy, tôi nghĩ phần lớn điều đó liên quan đến chính sách công ở Trung Quốc”. “Trung Quốc có mạng lưới an toàn xã hội nhưng lại cực kỳ tối thiểu… Nếu bạn rơi vào thảm họa về sức khỏe hoặc việc làm, thực sự có rất ít nguồn lực của chính phủ để giúp bạn”.

Hầu hết người di cư Trung Quốc trước đây đều chọn những con đường dễ dàng hơn, như xin thị thực du lịch hoặc đăng ký vào các trường đại học Hoa Kỳ. Nhưng đối với một nhóm nhỏ tầng lớp trung lưu Trung Quốc những lựa chọn này lại không có sẵn. Du học rất tốn kém và việc xin thị thực ngày càng khó khăn khi quan hệ Mỹ - Trung ngày càng xấu đi. Nhưng nhiều người sẵn sàng bất chấp nguy cơ bị cướp, đi thuyền mạo hiểm, gặp phải cảnh sát tham nhũng, gặp lở đất và nguy cơ tử vong trong rừng… để có cơ hội sống ở Mỹ. Mỗi gia đình nhập cư đều có một câu chuyện đau lòng của riêng mình.

Một nhóm lớn người nhập cư đã được những kẻ buôn lậu Mexico đưa đến một khu vực hẻo lánh ở biên giới Mỹ - Mexico để vượt qua và xin tị nạn chính trị tại Hoa Kỳ. (Ảnh: John Moore/Getty Images)

Cuộc sống khó khăn nơi quê nhà

Nhiều gia đình Trung Quốc đã phải trải qua chuyến đi đầy mạo hiểm đến Hoa Kỳ qua Nam Mỹ. Họ đã từng sống cuộc sống thoải mái ở Trung Quốc. Sau ba năm Trung Quốc thực hiện chính sách zezo-Covid và thị trường bất động sản sụp đổ, các chủ doanh nghiệp và nhân viên công ty đang phải vật lộn để tồn tại.

Nhiều gia đình trung lưu ở Trung Quốc đã chọn dấn thân vào cuộc hành trình nguy hiểm xuyên Mexico khi mất hết hy vọng vào tương lai ở Trung Quốc, đặc biệt là con cái họ.

Ông Vương, một người Trung Quốc vừa trải qua hành trình nguy hiểm để đến Hoa Kỳ, nói với Nikkei Asia: “Bạn thấy những bi kịch xảy ra xung quanh mình mà tin tức thậm chí không đề cập đến”. “Và hãy nhìn vào cuộc khủng hoảng tài sản. Một cuộc khủng hoảng tài chính sẽ sớm xảy ra, và ngành nào có thể tồn tại trong môi trường này?” Ông Vương đang đề cập đến bong bóng bất động sản đang xì hơi của Trung Quốc, vốn đã xóa sạch tiền tiết kiệm của nhiều gia đình trung lưu kể từ năm 2021.

Sự bi quan đặc biệt lan tràn trong các chủ doanh nghiệp nhỏ. Ông Vương từng sở hữu một nhà máy may mặc ở thành phố công nghiệp Ôn Châu phía nam Trung Quốc, chuyên xuất khẩu áo cánh phụ nữ sang châu Âu, chủ yếu là Pháp và Ý. Trước đại dịch, công ty ông có 30 đến 40 công nhân và kiếm được khoảng 30.000 đến 60.000 USD lợi nhuận mỗi năm. Vợ chồng ông sống thoải mái, có nhà, có xe.

Nhưng đại dịch đã buộc ông Vương phải đóng cửa nhà máy của mình. Sau đó, ông gặp phải gánh nặng với việc trả nợ.

Theo báo cáo tháng 2 của Học viện Tài chính Toàn diện Trung Quốc tại Đại học Nhân Dân, hơn một phần ba doanh nghiệp nhỏ ở Trung Quốc không bền vững về mặt tài chính do các vấn đề như không đủ tiền mặt và thiếu khả năng vay vốn, điều này có thể ảnh hưởng đến việc làm của 18 triệu công nhân. Báo cáo này dựa trên cuộc khảo sát 2.349 công ty nhỏ, chủ yếu thuộc lĩnh vực sản xuất và bán lẻ.

Ông Shih nói: “Đối với các doanh nghiệp quy mô nhỏ, rất khó để thành lập và phát triển. Họ hoặc phải trả những khoản hối lộ khổng lồ để được làm việc với chính phủ, hoặc phải chịu các hành vi bóc lột”.

Sau khi đóng cửa nhà máy vào năm 2021, ông Vương trở thành tài xế trên nền tảng gọi xe của Didi Chuxing, nơi ông gặp những tài xế khác, nhiều người trong số họ từng là doanh nhân, “chủ yếu kinh doanh xuất khẩu”, ông Vương nói. Ông có một ít tiền tiết kiệm nhưng gánh nặng kinh tế ngày càng nặng nề hơn.

Anh trai của ông Vương, người đang sống ở Los Angeles, nói với ông về "con đường đi bộ" đến Mỹ. Ông Vương nhanh chóng tìm hiểu cách thực hiện chuyến đi.

Những video về người di cư Trung Quốc đã khiến ông Vương hy vọng rằng sự chăm chỉ làm việc có thể mang lại kết quả xứng đáng cho gia đình ông khi đến Mỹ. Ông Vương được biết rằng trẻ em nhập cư có thể học trường công ở Mỹ miễn phí. Sau đó, vợ chồng ông đã bán nhà và ô tô, thu gom toàn bộ tiền tiết kiệm của gia đình rồi rời đi.

Theo đuổi hy vọng

Anh Pan Mengen, chủ tiệm làm tóc 32 tuổi ở thị trấn Tô Châu, tỉnh An Huy, đến Mỹ vào tháng 1/2023 cùng vợ, con gái 12 tuổi và con trai 9 tuổi.

“Nền kinh tế tồi tệ, không có khái niệm về dân quyền hay tự do, các con tôi sẽ mất nếu chúng lớn lên ở Trung Quốc”, anh Pan nói. "Tôi có thể thấy điều gì đang chờ đợi các con tôi trong tương lai, sẽ không có cách nào để chúng vượt lên trên tầng lớp xã hội hiện tại. Chúng tôi phải rời đi".

Mặc dù thu nhập của anh Pan được coi là cao ngay cả ở những thành phố như Bắc Kinh, nhưng anh sợ cuối cùng sẽ mất tất cả khi chính trị ngày càng bất ổn và chi tiêu tiêu dùng ở Trung Quốc vẫn yếu.

Việc thiếu mạng lưới an toàn xã hội là nỗi lo lắng của nhiều người Trung Quốc. Cả anh Pan và ông Vương đều cho biết, họ chưa từng biết ai bị mất việc có thể nhận được trợ cấp thất nghiệp. Hầu hết bạn bè và gia đình của họ không tin vào an sinh xã hội. Những gì họ làm ra là tất cả những gì họ có.

Hiện tại, cả ông Vương và anh Pan đã ổn định cuộc sống mới ở Hoa Kỳ. Ông Vương đã tổ chức một sự kiện tình nguyện cho người di cư Trung Quốc. Ông đang xếp hàng mọi người để nhận thức ăn và đồ uống được quyên góp.

Trong khi đó, Pan bắt đầu làm việc tại một tiệm làm tóc thuộc sở hữu của người Trung Quốc ở Irvine, một cộng đồng được quy hoạch cao cấp ở Quận Cam phía nam Disneyland. Sau một năm tìm kiếm khách hàng thông qua bạn bè và mạng xã hội, cùng với kinh nghiệm làm chủ tiệm làm tóc ở Trung Quốc, Pan đã trở thành quản lý, với thu nhập hàng tháng hiện đã vượt quá 10.000 USD.

Anh Pan nói, "đây mới là cuộc sống mà tôi luôn mong muốn".

(Bài viết có tham khảo nội dung từ Nikkei Asia)

Trung Quốc Góc nhìn


BÀI CHỌN LỌC

Tại sao tầng lớp trung lưu Trung Quốc lại di cư bất hợp pháp, đầy rủi ro để đến Mỹ?