'Giấc mộng Trung Quốc' tan tành, người Trung Quốc 'bôn ba' nơi biên giới Mỹ - Mexico

Giúp NTDVN sửa lỗi

Dưới áp lực chính trị của chế độ Bắc Kinh, ngày càng nhiều người Trung Quốc chạy trốn sang các nước khác, họ lựa chọn hình thức "bộ hành bôn ba". Học giả Thượng Hải cho rằng, "giấc mộng Trung Quốc" của ông Tập đã tan thành mây khói sau đại dịch.

Chính sách zero-Covid cực đoan của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) trong ba năm qua đã khiến ngày càng nhiều người Trung Quốc mạo hiểm tính mạng vượt núi vượt sông, đi bộ qua các quốc gia ở Mỹ Latinh đến biên giới Mexico - Mỹ ở phía đông nam tiểu bang Texas, và cuối cùng hướng đến Hoa Kỳ.

Ngày 3/5, Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) đăng bài viết của một học giả chính trị Thượng Hải nói rằng, những người “bộ hành” hiện nay hầu hết là những người thuộc tầng lớp trung và hạ lưu ở Trung Quốc, họ không có quyền công khai ý kiến cũng như không có đãi ngộ đặc biệt về mặt chính trị, họ thực sự là đa số im lặng. Do thuộc những tầng lớp này nên họ có thể là nhóm nạn nhân lớn nhất của chính sách zero-Covid kéo dài ba năm.

Bài viết nói rằng, sau khi dịch bệnh kết thúc, họ đang trên bờ vực phá sản, "Giấc mộng Trung Quốc" cũng đã tan tành, nhưng tầng lớp trung lưu không có đủ kiến ​​​​thức và điều kiện để được di dân hợp pháp. Tất cả những gì họ có là chút tài sản cuối cùng, một thân thể vẫn còn sức lao động, và các video "bộ hành bôn ba" được lan truyền trên mạng xã hội, đặc biệt là Douyin (TikTok phiên bản nội địa Trung Quốc). Đi bộ xuyên biên giới và tự do ở bên kia đại dương đã trở thành hy vọng sống cuối cùng của họ, giống như những người "đào tẩu" Triều Tiên.

Ngay cả trước khi dịch bệnh xảy ra, hầu hết những người đi theo con đường này đều đã cảm nhận được mối nguy hiểm to lớn nếu ở lại Trung Quốc, vậy nên cuối cùng họ vẫn chọn con đường mà những người vượt biên Phúc Kiến từng đi qua.

Bài viết chỉ ra rằng, mối nguy hiểm ấy chính là "Bức tường Berlin mới" đứng sừng sững bao quanh Trung Quốc. Bức tường Berlin này không chỉ bao gồm tường lửa Internet và hàng rào thép gai ở biên giới, mà còn là hệ thống kiểm soát đi lại, xuất nhập cảnh nghiêm ngặt của nhà cầm quyền ĐCSTQ trong và sau dịch bệnh.

Vào ngày 26/4, ĐCSTQ đã thông qua dự thảo sửa đổi “Luật Chống gián điệp”. Cụ thể, chính quyền này đã mở rộng định nghĩa về hành vi gián điệp và quyền hạn của "cơ quan an ninh quốc gia", qua đó cho phép hạn chế xuất cảnh đối với bất kỳ công dân Trung Quốc hoặc người nước ngoài nào đang bị điều tra.

Bài viết của học giả chính trị Thượng Hải nói rằng, vì mối lo sợ vô cớ và cực kỳ tùy tiện của ĐCSTQ, bất kỳ ai cũng có thể bị hạn chế xuất nhập ảnh và bị điều tra. Trong một tuần qua, nhiều doanh nghiệp nước ngoài vốn vẫn còn do dự có nên rời đi hay không đã bắt đầu quá trình rút khỏi Trung Quốc.

Ngoài ra, trước sự đàn áp tùy ý của chính quyền địa phương cũng như ảnh hưởng của chính sách zero-Covid, các doanh nghiệp tư nhân cũng phải chịu tổn thất nặng nề và mất niềm tin vào chính quyền ĐCSTQ.

Còn đối với những người dân Trung Quốc bình thường, đây thực sự là một nỗi sợ tập thể. Điều họ sợ hãi không phải là "Bức tường Berlin mới" mà họ chưa từng nhìn thấy, cũng không phải là bức tường sừng sững ở biên giới Mỹ - Mexico mà họ sắp phải vượt qua để có được tự do, mà là sự tồn tại của "cơn ác mộng” mang tên zero-Covid.

Bài viết kết luận rằng, chừng nào nhà cầm quyền ĐCSTQ còn tiếp tục che giấu nguồn gốc của virus corona mới, còn tiếp tục trốn tránh trách nhiệm vì thực thi chính sách zero-Covid, còn tiếp tục dùng nhiều cách khác nhau để bế quan tỏa cảng đất nước và hạn chế quyền tự do cơ bản của người dân trong nước, thì “Bức tường Berlin mới” sẽ ngày càng được củng cố, cả Trung Quốc và thế giới sẽ bị kéo vào một cuộc Chiến tranh Lạnh mới, tiến trình tách rời sẽ càng nhanh hơn. Vậy thì, dòng người “bộ hành” sẽ mãi mãi nối đuôi nhau không ngớt.

Reuters đưa tin vào ngày 2/5 rằng, theo một báo cáo mới được công bố bởi nhóm nhân quyền Safeguard Defenders, chính quyền Trung Quốc đang tăng cường ngăn cấm mọi người, bao gồm cả các giám đốc điều hành nước ngoài, rời khỏi Trung Quốc.

Báo cáo nói rằng, kể từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền vào năm 2012, Trung Quốc đã mở rộng phạm vi áp dụng luật hạn chế xuất cảnh và sử dụng luật này thường xuyên hơn, thậm chí là trong trường hợp không có cơ sở pháp lý. Bắc Kinh đã tiến hành đàn áp xuyên quốc gia và các hành vi cưỡng chế khác, bất kỳ ai cũng có thể là mục tiêu, từ các nhà hoạt động cho đến các nhà báo nước ngoài.

Báo cáo cho biết, những người bị cấm rời khỏi Trung Quốc bao gồm những người Trung Quốc bình thường nhưng bị cuốn vào các cuộc tranh chấp tài chính, các nhà hoạt động nhân quyền và luật sư, và những người thuộc dân tộc thiểu số như người Duy Ngô Nhĩ, v.v.

Trước đó, tờ Wall Street Journal từng đưa tin rằng, từ tháng 10/2022 đến tháng Hai năm nay, các nhân viên của Cục Hải quan và Bảo vệ Biên giới Hoa Kỳ đã bắt giữ 4.271 công dân mang quốc tịch Trung Quốc tại biên giới phía tây nam của Mỹ, con số này gấp 12 lần so với cùng kỳ năm trước.

Bà Trương (Zhang), một nhà hoạt động nhân quyền mới trốn khỏi Trung Quốc gần đây, nói với NTDTV rằng, dưới sự đàn áp của ĐCSTQ, họ không có quyền tự do ngôn luận và không gian sinh tồn ở Trung Quốc, nhiều người đã trốn khỏi Trung Quốc và đến Hoa Kỳ.

Bà Trương nói: "Những người bảo vệ nhân quyền bị cấm xuất cảnh, tình huống của họ khó khăn hơn những người khác. Họ (ĐCSTQ) nói rằng chúng tôi bất mãn với chế độ, nói xấu chế độ, nhưng khi chúng tôi ở Trung Quốc, chúng tôi bị bỏ tù và bị kết án ngay khi chúng tôi mở miệng nói. Trong số những người mà tôi quen biết, có không ít người đã bỏ trốn. Chính phủ Mỹ rất nhân từ, những người đã tới đây và nhập cảnh trái phép đều có thể nhận được thẻ lao động".

Bà Trần Bình (Chen Ping), 60 tuổi, đến từ Thẩm Dương, Trung Quốc. Bà không nói được tiếng Anh và chưa từng đi máy bay. Vào đầu tháng 3 năm nay, bà đã không chút do dự và bước lên con đường xin tị nạn ở nước ngoài.

Hôm 25/3, bà Trần Bình đã sử dụng mạng Internet ở sân bay Niš Constantine the Great Airport tại Serbia và trả lời phỏng vấn của The Epoch Times. Bà nói: "Ở đất nước này (Trung Quốc) không còn đường sống. Nếu có nghị lực, dù khó khăn đến đâu cũng có thể chạy thoát được. Dù sao đi nữa, tôi cũng thoát được rồi”.

Trước khi ra nước ngoài, bà Trần Bình nói với con trai mình: "Đất nước này không còn đường sống nữa, mẹ đã trải qua cuộc bức hại khốc liệt như vậy. Nếu không đi, ở lại đất nước do ĐCSTQ thống trị cũng không có gì tốt đẹp, ĐCSTQ cũng không thể tốt lên được, đợi nó diệt vong thôi”.

Theo NTD tiếng Trung

Minh Lý biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

'Giấc mộng Trung Quốc' tan tành, người Trung Quốc 'bôn ba' nơi biên giới Mỹ - Mexico