Thoát hiểm bằng thang máy khi xảy ra hỏa hoạn rất nguy hiểm

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ngày nay, các tòa nhà cao tầng mọc lên ngày càng nhiều, đi cùng với đó là vấn đề an toàn, các vụ cháy nhà cao tầng cũng xảy ra nhiều hơn. Khi hỏa hoạn xảy ra, mọi người thường muốn thoát khỏi hiện trường đám cháy một cách nhanh nhất, lúc này thang máy trở thành sự lựa chọn của mọi người khi hoảng loạn, nhưng nó có an toàn?

Trên thực tế, việc đi thang máy khi có hỏa hoạn có thể nguy hiểm hơn.

Ngày 25/8/2017, tại hành lang của một tòa nhà dân cư ở Hoa viên Thái Hồ, quận Tân Ngô, Vô Tích, Giang Tô, Trung Quốc mấy chiếc xe máy điện đang sạc bất ngờ bốc cháy, nhiều cư dân không kịp thoát ra ngoài và bị mắc kẹt trong tòa nhà.

Khi hỏa hoạn phát sinh, hai người đàn ông tầng trên cùng nhau đi thang máy để xuống dưới ra ngoài, lúc đi xuống tầng một, cửa thang máy vừa mở ra thì có một luồng hơi nóng xả thẳng vào trong, hai người đàn ông định đóng cửa thang máy quay trở về tầng trên thì hệ thống điều khiển không thể đóng cửa thang máy lại được nữa. Một người đàn ông lao ra khỏi thang máy nhưng lối ra bị bao bọc bởi khói lửa, người đàn ông này liền theo thang bộ chạy lên sân thượng để thoát hiểm. Không may, người đàn ông đi cùng thang máy đã không thể thoát ra ngoài, dẫn đến một người chết và một người bị thương.

Qua trường hợp trên có thể thấy, đi thang máy để thoát hiểm khi có hỏa hoạn là một cách vô cùng nguy hiểm.

(Pexels/khaled damlakhi)

Khi xảy ra hỏa hoạn, vì sao không nên sử dụng thang máy?

Theo khuyến cáo của chuyên gia phòng cháy chữa cháy, để thoát nạn an toàn khi xảy ra cháy ở nhà cao tầng, mọi người chỉ nên dùng thang bộ, tuyệt đối không nên dùng thang máy để thoát nạn. Bởi vì hệ thống điện cung cấp cho thang máy có thể bị mất trong khi xảy ra cháy. Thang sẽ dừng lại đột ngột ở vị trí bất kỳ, người bị nạn sẽ kẹt trong thang có thể hít phải khói, khí độc trong thang máy dẫn đến tử vong trong thời gian ngắn.

Hơn nữa, khi hoả hoạn, thang máy là trục dẫn thẳng lên tất cả các tầng của tòa nhà, trở thành đường chính để khói tỏa lên trên. Khi khói tràn vào trục thang máy rất dễ hình thành một "hiệu ứng ống khói". Thang máy cũng không có khả năng chịu được nhiệt độ cao, khi xảy ra hỏa hoạn cabin thang máy dễ bị mất kiểm soát, thậm chí bị biến dạng, kẹt cứng những người trong thang máy chẳng khác nào đang ở trong “lò nướng”. Vì vậy, khi có hỏa hoạn đừng bao giờ đi thang máy để sơ tán, thoát thân.

Trên đường di chuyển thoát nạn, cần thông báo cho mọi người ở các căn hộ liền kề và nhấn nút báo cháy khẩn cấp để mọi người trong tòa nhà biết có sự cố cháy, kịp thời thoát nạn.

Trường hợp nếu cửa chính ra vào căn hộ và hành lang dẫn đến buồng thang thoát nạn đều bị khói lửa bao trùm, mọi người không thể thoát ra khỏi phòng, thì nhanh chóng đóng cửa và có các biện pháp ngăn khói, lửa lan truyền vào căn hộ.

Vậy câu hỏi đặt ra là làm thế nào để thoát hiểm khi cháy nhà cao tầng?

3 cách thoát hiểm và tự cứu hộ trong nhà cao tầng

1. Thoát hiểm nhanh chóng khi chưa có khói: Khi hành lang chưa có khói, hãy dùng khăn ướt che miệng và mũi nhanh chóng chạy xuống phía dưới để ra ngoài.

2. Bình tĩnh ứng phó khi có khói: Hành lang có ít khói, nên đeo mặt nạ phòng độc hoặc dùng khăn ướt che miệng, mũi rồi nhanh chóng thoát ra bên ngoài qua cầu thang thoát hiểm, không được đi thang máy.

(Pixabay)

3. Khói đặc lùi lại chờ viện trợ: Trong hành lang có khói đặc, nên đóng cửa phòng chờ viện trợ, kịp thời gọi 119 báo cảnh sát về vị trí của bạn. Vẫy các đồ vật có màu sắc rực rỡ ở những nơi dễ thấy như làm ban công để phát tín hiệu cầu cứu, thu hút sự chú ý của lính cứu hỏa, chờ cứu viện.

Tóm tắt: Chạy nhanh với ngọn lửa nhỏ, đóng cửa khi có khói dày đặc và không hành động mù quáng nếu xảy ra hỏa hoạn cấp độ cao.

Tuyết Liên
(Tổng hợp)



BÀI CHỌN LỌC

Thoát hiểm bằng thang máy khi xảy ra hỏa hoạn rất nguy hiểm