Thủ đoạn bóp méo thị trường của Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Các chuyến đi ra nước ngoài do nhà nước tài trợ của các công ty Trung Quốc nhằm thúc đẩy doanh số bán hàng chỉ là một phương thức nhằm thao túng cạnh tranh trên thị trường của ĐCSTQ.

Chính quyền địa phương Trung Quốc đang tích cực tài trợ cho các phái đoàn thương mại để thúc đẩy kinh doanh ở thị trường nước ngoài. Các nhóm lớn bao gồm các quan chức thành phố và doanh nghiệp Trung Quốc đã thực hiện hàng trăm chuyến đi ra nước ngoài kể từ đầu tháng 12.

Trong khi đó, một báo cáo thương mại gần đây của Mỹ đã chỉ trích Bắc Kinh tiếp tục tạo lợi thế bất công cho các công ty Trung Quốc và nói rằng Washington sẽ bảo vệ khả năng cạnh tranh của các công ty Mỹ.

Khi các chính quyền địa phương tại Trung Quốc cố gắng đạt được các mục tiêu tăng trưởng và việc làm, các nhà chức trách đang trao các khoản trợ cấp tài chính cho các công ty ngoại thương để “lấy đơn đặt hàng mới, mở rộng thị trường”.

Trong đoạn phim trực tuyến do chính quyền địa phương đăng tải, khẩu hiệu trên đã được một phái đoàn gồm 200 người từ Giang Tô hô vang vào tháng 12 khi lên máy bay riêng tới châu Âu.

Sáng kiến của chính quyền địa phương

Theo thông tin đăng trên trang web chính thức của chính quyền tỉnh Giang Tô vào ngày 03/04, kể từ đầu năm 2023, “các doanh nghiệp trên toàn tỉnh đã đổ xô ra nước ngoài để ‘lấy đơn đặt hàng’". Bài báo khoe khoang về các chính sách ưu đãi cho các công ty Trung Quốc nhằm tăng cường sự hiện diện của họ trên thị trường quốc tế bằng “sức mạnh cứng” [sức mạnh cưỡng ép, có thể bằng quân sự hoặc kinh tế]. Giang Tô là một tỉnh sản xuất lớn và đã được xếp hạng gần đứng đầu Trung Quốc về sản lượng công nghiệp trong nhiều năm.

Chính quyền địa phương trên khắp Trung Quốc đang có những nỗ lực tương tự. Chính quyền tỉnh Thiểm Tây đã công bố vào ngày 28/03 rằng họ sẽ trợ cấp phí gian hàng và chi phí di chuyển cho các cuộc triển lãm thương mại quốc tế. Chính quyền Thiểm Tây đang cung cấp các khoản trợ cấp lên tới 1 triệu CNY (nhân dân tệ) (khoảng 150.000 USD) cho các công ty có xuất khẩu đạt hơn 65 triệu USD vào năm 2022.

Quận Hoàng Phố của Thượng Hải cũng đã công bố các chính sách vào ngày 31/03 để hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia triển lãm ở nước ngoài, trợ cấp tới 50% phí gian hàng cho các công ty đủ điều kiện.

Thủ đoạn bóp méo thị trường của Trung Quốc
Tàu vận chuyển container dọc sông Hoàng Phố ở Thượng Hải, Trung Quốc, vào ngày 05/03/2021. (Ảnh: Hector Retamal/AFP qua Getty Images)

Hồ Châu, một trung tâm sản xuất tơ lụa lớn, đã tổ chức “100 nhóm mở rộng thị trường và 1.000 doanh nghiệp”, một sáng kiến để cạnh tranh giành các đơn đặt hàng. “Thành phố bắn ra ‘phát súng đầu tiên’ để giành lấy các đơn đặt hàng quốc tế” là tiêu đề trên trang web của thành phố, thông báo rằng Hồ Châu có kế hoạch gửi hơn một trăm phái đoàn ra nước ngoài trong năm nay.

Chính quyền địa phương ở Trung Quốc đã bắt đầu tổ chức các chuyến bay thuê bao cho các thương nhân ngay cả trước khi Trung Quốc dỡ bỏ các hạn chế zero-COVID-19 vào tháng 12/2022. Chuyến bay thuê bao doanh nghiệp đầu tiên do Ninh Ba, một thành phố ở tỉnh Chiết Giang, tài trợ đã rời đi tới châu Âu vào ngày 10/07.

Sau khi các chính sách zero-COVID của Trung Quốc được nới lỏng, các chuyến công tác thương mại do chính phủ tài trợ đã tăng lên mạnh mẽ. Đến tháng 12/2022, Ninh Ba đã tổ chức 263 chuyến công tác thương mại và ít nhất 8 tỉnh đã tổ chức các chuyến đi tìm kiếm đơn đặt hàng ở nước ngoài.

Trong vài tháng qua, hàng trăm phái đoàn đã ra nước ngoài tìm kiếm cơ hội kinh doanh. Họ thường đi cùng với các quan chức chính quyền địa phương.

Nỗ lực vô ích?

Bất chấp những nỗ lực này, xuất khẩu của Trung Quốc đã giảm 6,8% so với một năm trước đó trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 2, theo dữ liệu chính thức. Nhà kinh tế Li Songyun nói với The Epoch Times vào ngày 04/04 rằng lý do thực sự không phải là do nhu cầu toàn cầu giảm, mà là do sự dịch chuyển trong chuỗi cung ứng sản xuất.

Ông Li cho biết, sự hỗ trợ từ chính quyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) - cho phép các công ty địa phương tham dự các hội chợ thương mại ở nước ngoài, thăm khách hàng và thu hút đơn đặt hàng - không phải là câu trả lời. Nó không xử lý được vấn đề lớn nhất khiến xuất khẩu của Trung Quốc suy yếu. Vấn đề lớn nhất không phải là nhu cầu toàn cầu yếu, “mà là chuỗi cung ứng sản xuất, bao gồm của cả các công ty nước ngoài và công ty Trung Quốc, đã bắt đầu chuyển ra khỏi Trung Quốc đến các nước ở Đông Nam Á và Nam Mỹ, dẫn đến đơn hàng xuất khẩu sụt giảm”.

Ông Li cho biết, vị thế công xưởng thế giới của Trung Quốc đã bắt đầu sụp đổ. Một trong những ví dụ nổi bật nhất là thành phố Côn Sơn của Trung Quốc, nơi từng là một trong những trung tâm xuất khẩu nhộn nhịp nhất cả nước. Bây giờ, nhiều người di cư đến Côn Sơn để tìm việc làm đã không thể có được công việc.

Ông Li cho biết: “Những lý do chính khiến chuỗi cung ứng di rời khỏi Trung Quốc bao gồm việc ĐCSTQ ngày càng tăng cường kiểm soát về kinh tế và chính trị đối với toàn xã hội, sự gia tăng căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ cũng như rủi ro địa chính trị gia tăng”. “Chừng nào các yếu tố này không thay đổi, xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng sẽ không bị đảo ngược. Ngay cả khi các công ty Trung Quốc ra nước ngoài để lấy đơn đặt hàng, tác động thúc đẩy xuất khẩu [của nó] sẽ bị hạn chế”.

Chỉ số đơn đặt hàng xuất khẩu mới của Trung Quốc đã vượt ngưỡng 50% và tiến vào vùng mở rộng vào tháng 2, nhưng lại bắt đầu giảm vào tháng Ba. Theo Chỉ số nhà quản lý mua hàng (PMI) do Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố ngày 31/03, chỉ số đơn đặt hàng xuất khẩu mới của ngành sản xuất đã giảm 2,0% so với tháng trước xuống 50,4% trong tháng 3. Trong khi đó, chỉ số đơn đặt hàng xuất khẩu mới cho các ngành phi sản xuất giảm 3,8% so với tháng trước xuống 48,1%.

Hơn nữa, trong khi dữ liệu hải quan mới công bố vào tháng 4 cho thấy xuất khẩu tăng bất ngờ so với một năm trước đó, các nhà phân tích cho rằng mức tăng này có nhiều khả năng liên quan đến việc các nhà xuất khẩu gấp rút hoàn thành các đơn đặt hàng tồn đọng đã bị gián đoạn do đại dịch trong những tháng trước và cảnh báo rằng triển vọng đơn đặt hàng toàn cầu vẫn bị hạn chế.

Trong một lưu ý, các nhà phân tích của Capital Economics nhấn mạnh “viễn cảnh vẫn còn ảm đạm đối với nhu cầu nước ngoài”, dự đoán rằng “sự suy thoái trong xuất khẩu của Trung Quốc vẫn sẽ tiếp diễn trước khi chạm đáy trong năm nay”.

Trung Quốc bóp méo và phá vỡ thị trường

Các chuyến đi do nhà nước tài trợ cho các công ty Trung Quốc để thúc đẩy doanh số bán hàng chỉ là một phương thức nhằm thao túng cạnh tranh trên thị trường của ĐCSTQ.

Vào ngày 31/03, văn phòng của bà Katherine Tai - Đại diện thương mại Mỹ - đã công bố Báo cáo ước tính thương mại quốc gia năm 2023 về các rào cản ngoại thương (báo cáo NTE). Báo cáo chỉ ra rằng sự hỗ trợ tài chính của Bắc Kinh dành cho các công ty Trung Quốc và sự phân biệt đối xử diễn ra đồng thời đối với các đối thủ nước ngoài tiếp tục mang lại cho các công ty Trung Quốc lợi thế không công bằng.

Báo cáo khẳng định rằng Bắc Kinh cung cấp hỗ trợ về tài chính, quy định và các ưu đãi khổng lồ khác cho các công ty Trung Quốc, đồng thời áp đặt các chính sách và quy định chính thức và không chính thức gây bất lợi cho các đối thủ cạnh tranh nước ngoài.

Báo cáo cho biết, Trung Quốc đang “thiết lập và theo đuổi các mục tiêu sản xuất và thị phần mà chỉ có thể đạt được thông qua các biện pháp phi thị trường”. Do đó, các chuyến đi do chính phủ tài trợ được thực hiện nhằm theo đuổi một mục tiêu kép: thay thế cạnh tranh nước ngoài tại thị trường trong nước và sau đó theo đuổi sự thống trị trên thị trường toàn cầu.

Tuy nhiên, chiến lược đó có thể “bóp méo và phá vỡ thị trường”, báo cáo tiếp tục, bằng cách tạo ra “công suất dư thừa nghiêm trọng và dai dẳng”. Báo cáo trích dẫn các tình cảnh hiện tại trong ngành công nghiệp thép, nhôm và năng lượng mặt trời làm ví dụ.

Văn phòng đại diện thương mại Mỹ “quyết tâm vận dụng tất cả các công cụ thương mại trong nước hiện có để bảo vệ khả năng cạnh tranh của người lao động và doanh nghiệp Mỹ, đồng thời sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các đối tác thương mại có cùng chí hướng để đối phó với những thách thức chung do các chính sách công nghiệp có hại của Trung Quốc gây ra”, báo cáo NTE cho biết.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Thủ đoạn bóp méo thị trường của Trung Quốc