Sức hấp dẫn về kinh tế của Thượng Hải suy giảm

Giúp NTDVN sửa lỗi

Thượng Hải đã mất vị thế thành phố công nghiệp hàng đầu Trung Quốc vào tay Thâm Quyến. Sau những đợt phong tỏa COVID hà khắc, sức hút của thành phố giảm mạnh. Các vấn đề về dân số cũng đang rất đáng lo ngại.

Thượng Hải từng là thủ phủ thương mại thịnh vượng của Trung Quốc. Tuy nhiên, theo số liệu thống kê mới nhất, Thượng Hải đã không còn là thành phố công nghiệp hàng đầu của đất nước này. Theo thông tin từ chính quyền địa phương, thành phố này đã mất ít nhất một phần tư triệu lao động nhập cư trong bối cảnh chính quyền áp dụng các chính sách hà khắc để đối phó COVID-19.

Là đô thị đông dân nhất ở Trung Quốc, Thượng Hải là một trung tâm quốc tế, tự hào là nơi tập trung nhiều trụ sở khu vực nhất của các công ty đa quốc gia tại Trung Quốc.

Tuy nhiên, theo bảng xếp hạng GDP năm 2022 của Trung Quốc về 10 thành phố công nghiệp hàng đầu được công bố gần đây, Thâm Quyến dẫn đầu với giá trị gia tăng ngành công nghiệp là 1,13 nghìn tỷ CNY (nhân dân tệ) (khoảng 164 tỷ USD), vượt qua mức 1,08 nghìn tỷ CNY (khoảng 157 tỷ USD) của Thượng Hải, trong khi Tô Châu xếp ở vị trí thứ 3.

Sự thay đổi này mang một ý nghĩa vô cùng lớn. Thượng Hải vốn là thành phố đã giữ vị trí đứng đầu trong hơn một thập kỷ.

Mặc dù là trung tâm tài chính của Trung Quốc đại lục nhưng Thượng Hải không còn dẫn đầu về số dư tiền gửi. Đánh giá số dư tiền gửi của các tổ chức tài chính tại các thành phố lớn của Trung Quốc tính đến cuối năm 2022, tổng lượng tiền gửi của Thượng Hải là khoảng 19,23 nghìn tỷ CNY (khoảng 2,8 nghìn tỷ USD), thấp hơn con số 21,86 nghìn tỷ CNY (khoảng 3,18 nghìn tỷ USD) của Bắc Kinh.

Thượng Hải có số lượng tổ chức tài chính lớn nhất ở Trung Quốc và Sở giao dịch chứng khoán Thượng Hải. Tuy nhiên, một lượng lớn tiền đã bị chuyển ra khỏi thành phố.

GDP của Thượng Hải là 4,456 nghìn tỷ CNY (khoảng 648,7 tỷ USD) vào năm ngoái, đứng đầu trong số các thành phố của Trung Quốc. Mặc dù vậy, tốc độ tăng trưởng GDP của thành phố được báo cáo đã giảm 0,2% so với năm trước, mức suy giảm duy nhất trong số 10 thành phố có GDP hàng đầu.

Trong 8 năm liên tiếp - từ 2012 đến 2019 - Thượng Hải được đánh giá là “thành phố hấp dẫn nhất Trung Quốc trong mắt các tài năng nước ngoài”. Tuy nhiên, vào năm 2020 và 2021, nó đã nhường lại danh hiệu này cho Bắc Kinh.

Các đợt phong tỏa hà khắc kéo dài vài tháng vào năm ngoái đã giáng một đòn nặng nề vào khả năng cạnh tranh quốc tế của Thượng Hải.

Sức hấp dẫn về kinh tế của Thượng Hải suy giảm
Khu Phố Đông bị phong tỏa ở Thượng Hải, Trung Quốc, vào ngày 30/03/2022. (Ảnh: Hector Retamal/AFP qua Getty Images)

Theo "Tài liệu vị thế Thượng Hải" (Shanghai Position Paper) mới nhất, một báo cáo thường niên do Phòng Thương mại Liên minh châu Âu tại Trung Quốc công bố, nhiều công ty đa quốc gia không còn tự tin đặt trụ sở tại Thượng Hải. Đưa tin về báo cáo trên, một bài báo của Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) lưu ý rằng chỉ có 12% doanh nghiệp châu Âu sẵn sàng thành lập trụ sở châu Á - Thái Bình Dương của họ tại Thượng Hải.

Trong khi đó, theo Đài tiếng nói Hoa Kỳ, ít nhất 500 công ty Trung Quốc đã tiến hành đặt trụ sở tại các quốc gia khác do sự gián đoạn gây ra bởi các đợt phong tỏa tại Thượng Hải. Ngoài ra, sự sụt giảm cư dân nước ngoài ở Thượng Hải đang thu hút được nhiều sự quan tâm. VOA cho biết khoảng 25% công dân Đức rời thành phố sau lệnh phong tỏa năm 2022, trong khi công dân Pháp và Ý mỗi nước giảm 20%.

Vào ngày 03/04, nhà kinh tế Li Songyun nói với The Epoch Times rằng Thượng Hải đã trở thành một trung tâm kinh tế ở Trung Quốc phần lớn nhờ vào khả năng thu hút đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, cách xử lý hà khắc các đợt bùng phát COVID-19 vào năm ngoái đã thúc đẩy người nước ngoài di cư khỏi thành phố và khiến sức hấp dẫn của thành phố giảm mạnh.

“Cùng với tăng trưởng dân số âm và dân số già đi, những gì Thượng Hải trải qua là một mô hình thu nhỏ của Trung Quốc nói chung”, ông Li nói.

Nỗi lo khủng hoảng dân số

Một cuộc khảo sát gần đây cho thấy số lượng lao động nhập cư từ nông thôn ra thành thị - những người chiếm tỷ lệ lớn trong lực lượng công nhân nhà máy ở Thượng Hải - đã giảm một phần tư triệu. Thành phố hiện cũng là một xã hội già hóa, với gần 20% tổng dân số vào năm 2022 là những người từ 65 tuổi trở lên. Trong khi đó, khoảng 60% người dân Thượng Hải không có kế hoạch sinh thêm con, theo một cuộc khảo sát của Cục Thống kê được Yicai Global đưa tin.

Vào ngày 28/03, Cục Thống kê thành phố Thượng Hải đã công bố dữ liệu khảo sát dân số năm 2022. Dữ liệu chỉ ra rằng dân số Thượng Hải năm 2022 là 24,759 triệu người. Con số đó bao gồm 14,696 triệu người dân địa phương và 10,063 triệu người lao động từ các tỉnh khác của Trung Quốc hoặc nước ngoài.

So với năm 2021, trong năm 2022, thành phố chứng kiến sự sụt giảm 257.000 lao động nhập cư từ nông thôn ra thành thị, nguyên nhân chính khiến dân số giảm.

Trung Quốc không cho phép công dân của mình di cư tự do giữa các tỉnh. Trong hầu hết các trường hợp, nơi cư trú chính của người dân sẽ vẫn là ở tỉnh nơi họ sinh ra trừ khi họ đáp ứng các yêu cầu cụ thể đối với di cư hoặc cư trú dài hạn ở các tỉnh khác.

Dữ liệu cho thấy khoảng 71% những người từ các tỉnh khác muốn cư trú dài hạn ở Thượng Hải đang tìm kiếm cơ hội việc làm. Với việc làm là động cơ chính, 88,2% những người đến Thượng Hải là người lao động trong độ tuổi từ 15 đến 64.

Mặc dù chính quyền Trung Quốc đã nới lỏng các hạn chế sinh đẻ, thực hiện “chính sách hai con” vào năm 2016 và “chính sách ba con” vào năm 2021, hầu hết các gia đình ở Thượng Hải chọn chỉ sinh một con, chủ yếu là do chi phí sinh hoạt cao của thành phố.

Theo khảo sát, 58,5% cư dân Thượng Hải cho biết họ chỉ muốn có một con, bao gồm 70,8% người dân địa phương và 45,0% người từ các tỉnh khác. Trong khi đó, 36,7% muốn có hai con, 2,6% muốn có ba con và hơn 2% không muốn có đứa con nào, Yicai Global cho biết.

Khi được hỏi về những lý do chính dẫn đến việc “không có kế hoạch sinh thêm con”, 41,8% cho biết họ “hài lòng với hiện trạng”, 28,5% cho biết đó là do “chi phí nuôi con cao và gánh nặng tài chính nặng nề” và 13% cho biết đó là do “tuổi tác hoặc các lý do sức khỏe khác”.

Dữ liệu chính thức cho thấy tỷ lệ sinh ở Thượng Hải là 6,77‰ vào năm 2022, giảm so với mức 7,52‰ vào năm 2021. Trong khi đó, tỷ lệ tử vong ở Thượng Hải năm ngoái là 7,37‰, tăng từ mức 7,18‰ vào năm 2021. Trung Quốc đã trải qua một sự sụt giảm dân số ròng là 850.000 người, mức giảm hàng năm đầu tiên kể từ năm 1961.

Những người từ 60 tuổi trở lên ở Thượng Hải chiếm 25,0% tổng dân số thành phố, tăng 1,0% so với năm trước, trong khi những người từ 65 tuổi trở lên chiếm 18,7% tổng dân số, tăng 1,3% so với năm trước.

Tính trên toàn Trung Quốc, Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho biết những người từ 60 tuổi trở lên chiếm 19,8% tổng dân số cả nước vào năm 2022 và những người từ 65 tuổi trở lên chiếm 14,9%. Các con số này lần lượt thấp hơn 5,2% và 3,8% so với Thượng Hải.

Sức hấp dẫn về kinh tế của Thượng Hải suy giảm
Người dân xếp hàng để ăn trưa tại cộng đồng người già Yanyuan ở ngoại ô Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 05/12/2018. (Ảnh: Greg Baker/AFP qua Getty Images)

Theo nhiều tiêu chuẩn già hóa quốc tế, khi tỷ lệ dân số trên 65 tuổi ở một quốc gia hoặc khu vực nằm trong khoảng từ 7% đến 14% thì nó được gọi là “xã hội đang già hóa”. Khi tỷ lệ phần trăm nằm trong khoảng từ 15 đến 20%, nó trở thành một “xã hội đã già hóa” và một xã hội có 21% dân số trở lên trên 65 tuổi là một “xã hội siêu già”. Theo những tiêu chuẩn này, Thượng Hải đã trở thành một “xã hội đã già hóa”.

Ông Peng Xizhe, Phó chủ tịch điều hành của Viện Phát triển Phúc Đán ở Thượng Hải, gần đây đã nói với The Paper - hãng truyền thông nhà nước Trung Quốc - rằng, Trung Quốc đã trải qua đỉnh điểm về tỷ lệ sinh vào năm 1963, bù đắp cho giai đoạn suy giảm trước đó. Bắt đầu từ năm nay, phân khúc dân số này bước sang tuổi 60. Do vậy, lượng dân số già của Trung Quốc sẽ chỉ tăng nhanh hơn từ thời điểm này trở đi.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Sức hấp dẫn về kinh tế của Thượng Hải suy giảm