Trí tuệ nhân tạo - công cụ để thúc đẩy tự do

Giúp NTDVN sửa lỗi

Những lo ngại về việc trí tuệ con người bị AI vượt mặt dường như là không có cơ sở. Trong khi đó, việc phe cánh tả đang hoảng loạn trước AI cho thấy đây có thể là công cụ để thúc đẩy tự do.

Sự xuất hiện bùng nổ của mô hình ngôn ngữ AI ChatGPT được đi kèm với sự gia tăng tương ứng những báo động về sự nguy hiểm của trí tuệ nhân tạo. Báo động đang vang lên từ tất cả các phe phái chính trị, từ The New York Times [cánh tả] đến Phòng chiến tranh của Steve Bannon [cánh hữu]. Người ta bày tỏ mối lo ngại về tình trạng mất việc làm trên diện rộng, những vấn đề với thông tin sai lệch, việc tạo điều kiện cho sự áp bức của các chế độ độc tài, cho đến sự hủy diệt của loài người.

Những mối quan tâm của các phe phái cũng là khác nhau. Cánh tả chủ yếu tập trung vào góc độ thông tin sai lệch; trong khi khả năng gia tăng áp bức là mối lo ngại chính của cánh hữu. Mọi người có vẻ lo lắng rằng nhân loại có thể đã mở chiếc hộp Pandora mà cuối cùng sẽ dẫn đến sự hủy diệt của chính mình.

Trí tuệ nhân tạo - công cụ để thúc đẩy tự do
Các màn hình hiển thị logo của OpenAI và ChatGPT tại Toulouse, tây nam nước Pháp, vào ngày 23/01/2023. (Ảnh: LIONEL BONAVENTURE/AFP qua Getty Images)

AI còn lâu mới đuổi kịp con người

Chúng tôi đồng ý rằng ChatGPT-3.5 (và phiên bản kế nhiệm 4.0 của nó) đại diện cho một bước tiến vượt bậc về khả năng của AI. Điều này chắc chắn sẽ dẫn đến sự gián đoạn lớn cho cuộc sống con người theo những cách có thể tưởng tượng được và không thể tưởng tượng được. Tuy nhiên, khi đánh giá nghiêm túc về tình trạng hiện nay của AI, chúng ta sẽ thấy rằng những công nghệ này còn lâu mới đạt được trí thông minh “giống con người”, chứ đừng nói đến việc vượt qua nó. Quan trọng hơn, việc cánh tả đang hoảng loạn khiến ta nghi ngờ rằng AI có thể là một công cụ để thúc đẩy tự do.

Trí tuệ nhân tạo tiên tiến nhất là học máy, thứ đã phát triển các thuật toán phức tạp để khám phá các mối tương quan tinh tế trong dữ liệu. Một ví dụ quen thuộc là việc Netflix sử dụng cơ sở dữ liệu khổng lồ của mình để theo dõi những gì người đăng ký xem theo chủ đề, thể loại, đạo diễn, diễn viên, v.v. Công nghệ máy học hoạt động bằng cách “đào tạo” máy dự đoán các lựa chọn phim của người đăng ký dựa trên mối tương quan với hành vi xem trước đây của những người đăng ký “tương tự”. Với hàng tấn dữ liệu (mà Netflix có), các dự đoán trở nên khá tốt. Google, Amazon và Facebook đều sử dụng công nghệ này để tác động tới người dùng, hướng họ tới nội dung hoặc quảng cáo bổ sung.

Công nghệ đáng chú ý ChatGPT là một ứng dụng của cùng một công nghệ tìm kiếm mối tương quan được Netflix và những bên khác sử dụng để dự đoán sở thích mua hàng của bạn. Nói một cách lỏng lẻo, ChatGPT hoạt động bằng cách dự đoán từ tiếp theo có khả năng nhất trong một cuộc “trò chuyện”, từng từ một, dựa trên một kho dữ liệu văn bản khổng lồ (bao gồm các nguồn như Wikipedia, một số lượng lớn các trang web, sách và các văn bản khác). Các cuộc trò chuyện GPT cực kỳ thuyết phục, chính bởi vì tập dữ liệu được sử dụng để đào tạo nó lớn không thể tưởng tượng được.

Mặc dù điều này thể hiện độ chính xác đáng kinh ngạc mà máy có thể xác định các mối tương quan khi được cung cấp đủ dữ liệu, nhưng nó không thể hiện trí thông minh thực sự. Ví dụ: ChatGPT thỉnh thoảng bị “ảo giác” khi thuật toán dự đoán từ tiếp theo của nó bị lệch. ChatGPT không biết gì tốt hơn thế. Hơn nữa, nó không thể phân biệt quan hệ nhân quả với mối tương quan. Ví dụ, dữ liệu cho thấy mức tiêu thụ kem và tội phạm có mối tương quan thuận. Tuy nhiên, ngay cả một đứa trẻ 12 tuổi cũng biết rằng cố gắng giảm tội phạm bằng cách cấm ăn kem là một ý tưởng ngớ ngẩn.

Trong khi đó, con người có khả năng kinh ngạc trong việc đưa ra quyết định trong những tình huống mới lạ - một hiện tượng mà các nhà khoa học máy tính gọi là học “một lần”. Lĩnh vực AI đạt được rất ít tiến bộ về vấn đề này.

Cuối cùng, máy móc không thể, ngay cả trên nguyên tắc, nắm bắt ý nghĩa trong các khái niệm trừu tượng. Ví dụ, một nhà toán học hiểu định lý Pythagore không chỉ là một tập hợp các công thức và quy tắc mà còn là một khái niệm cơ bản về mối quan hệ giữa các cạnh của một tam giác vuông. Cái nhìn sâu sắc của ông về bản chất của định lý vượt ra ngoài biểu thức công thức đơn thuần của nó.

Công cụ áp bức chính trị

Vấn đề gây lo ngại còn lại là việc áp dụng các công nghệ này cho mục đích áp bức chính trị. Trong bài phát biểu gần đây của mình tại The Heritage Foundation, Tucker Carlson lưu ý rằng chúng ta không còn ở trong một thế giới mà mọi người đều muốn điều tốt cho quốc gia nhưng lại bất đồng về cách tốt nhất để đạt được điều đó. Thay vào đó, ông Carlson tiếp tục, các đối thủ chính trị của ông là những kẻ thù hùng mạnh muốn thúc đẩy sự xấu xa, hỗn loạn và hủy diệt vì lợi ích của chính họ. Nói cách khác, đây là cái ác. Khi được hỏi điều gì đã thay đổi nhiều nhất, có ảnh hưởng đến cuộc sống của những người Mỹ bình thường, ông trả lời: việc tập trung hóa và kiểm soát thông tin đã khiến hàng triệu người Mỹ không nhận thức được những sự thật thiết yếu về những gì đang xảy ra xung quanh họ.

Nhiều người bảo thủ sẽ đồng ý rằng đây là một bản tóm tắt chính xác về tình huống đáng lo ngại mà chúng ta đang gặp phải. Do đó, những người bảo thủ có lý khi lo ngại rằng AI, giống như mọi thứ khác, sẽ bị các thế lực hùng mạnh sử dụng để chống lại các đối thủ chính trị của họ một cách tàn nhẫn. Tuy nhiên, ở đây có một vấn đề. Nếu AI cung cấp những cơ hội tuyệt vời như vậy cho cánh tả, tại sao họ lại phải hoảng sợ? Và có một sự hoảng loạn: Ireland, Úc và Canada đều đã thông qua luật trao cho chính phủ của họ về cơ bản quyền kiểm soát toàn quyền đối với thông tin mà công dân của họ xem. Dự luật “TikTok” của Mỹ, nếu được thông qua, sẽ trao cho chính phủ Mỹ quyền hạn tương tự.

“Cách mạng màu” là một phương pháp được các cơ quan an ninh quốc gia mài giũa để gây bất ổn và tìm cách thay thế các chính phủ nước ngoài mà họ không hài lòng. Quá trình này liên quan đến việc cổ vũ và khai thác những nỗi sợ hãi và bất bình hiện có trong người dân địa phương thông qua tuyên truyền và thông tin sai lệch, tạo ra sự bất ổn kinh tế và thao túng các cuộc bầu cử để phá hoại và cuối cùng là lật đổ chế độ hiện tại. Những kỹ thuật này đã được áp dụng thành công trong việc chống lại chính người dân Mỹ.

Ví dụ, nỗi sợ hãi về COVID-19 đã được khuếch đại bởi các cơ quan của nhà nước và các thành viên tư nhân của "băng đảng" thông tin, nhằm tập trung quyền lực bằng cách tước đi quyền công dân của công chúng vốn đang sợ hãi sẵn sàng chấp nhận điều đó. Giờ đây, chúng ta không ngừng nghe về những nguy cơ đáng sợ của AI kèm theo đề xuất quen thuộc là giải quyết “vấn đề” bằng cách trao cho chính phủ nhiều quyền kiểm soát hơn.

Tại sao cánh tả lại sợ AI?

Tại sao lại là AI và tại sao lại là bây giờ? Câu trả lời nằm ở điều mà phe cánh tả nói là họ lo sợ: “thông tin sai lệch” - thứ mà đối với phe cánh tả là bất kỳ thông tin nào làm gián đoạn tuyên truyền của họ (nói cách khác, đó là việc nói những điều đúng sự thật). Những người có quyền lực chính xác là lo sợ về khả năng những tiến bộ gần đây trong AI có thể bị những người bất đồng chính kiến sử dụng để chống lại họ.

Để xem vấn đề từ góc nhìn của họ, hãy lưu ý rằng một khả năng tuyệt vời của ChatGPT là viết mã. Chúng tôi có những đồng nghiệp không biết gì về ngôn ngữ lập trình cụ thể, sử dụng ChatGPT để viết các chương trình làm những việc như trợ giảng tự động. Và họ thực hiện các chương trình này trong vài ngày.

Các chương trình tự viết vốn là một thứ thúc đẩy dân chủ. ChatGPT phá vỡ nhu cầu về đội ngũ kỹ sư phần mềm khổng lồ để đạt được các kết quả phức tạp. Điều này, và các công nghệ tương tự, có khả năng trao quyền cho những người dân thường bất đồng chính kiến, giúp họ có ​​khả năng chống lại và cuối cùng là phá vỡ bộ khóa về thông tin của băng đảng quyền lực.

Chatbot GIPPR lấy cảm hứng từ Tổng thống Reagan được giới thiệu gần đây và trình duyệt TUSK không bị kiểm duyệt đang hứa hẹn những bước phát triển theo hướng này. Thật vậy, mối nguy hiểm của chúng đối với sự độc quyền quyền lực vượt ra ngoài các cuộc chiến thông tin vì AI có thể đọ sức với AI theo kiểu tấn công để phá vỡ các hệ thống áp bức khác.

Tóm lại, những tiến bộ trong AI là có thật và sẽ mang tính đột phá. Tuy nhiên, chúng ta vẫn chưa tới bờ vực bị vượt mặt bởi những cỗ máy có trí thông minh siêu phàm. Những gì chúng ta có, với tư cách là những người bất đồng chính kiến ​​chống lại sự độc quyền quyền lực tàn bạo, là một công cụ lật ngược tình thế có tiềm năng cân bằng cán cân.

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTD Việt Nam.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch

Tác giả Michael Ryall là Giáo sư Quản lý Chiến lược và Giám đốc Phòng thí nghiệm Phát triển Đạo đức Điều hành tại Đại học Toronto.

Tác giả - Tiến sĩ Siri A. Terjesen là phó trưởng khoa, giám đốc điều hành sáng lập của Trung tâm Sáng tạo Giá trị Madden.



BÀI CHỌN LỌC

Trí tuệ nhân tạo - công cụ để thúc đẩy tự do