Trung Quốc: Bẫy 'bảo quản vàng', chủ tiệm vàng bỏ trốn, nhà đầu tư ôm hận

Giúp NTDVN sửa lỗi

Gần đây, nhiều vụ việc 'cửa hàng vàng đóng cửa, chủ bỏ trốn' xảy ra ở Trung Quốc khiến người tiêu dùng chịu thiệt hại nặng nề. Tập đoàn Vàng Trung Quốc đã thông báo sẽ hỗ trợ đền bù cho các nạn nhân. Vụ việc thu hút sự chú ý của dư luận Trung Quốc và các chuyên gia tài chính đã đưa ra phân tích về mánh lới lừa đảo "ký gửi vàng" và lý do khiến người tiêu dùng bị lừa.

Cửa hàng vàng chạy trốn, nhà đầu tư ôm hận

Cửa hàng "Trung Quốc Hoàng Kim" tại Bắc Kinh đã đóng cửa và chủ cửa hàng bỏ trốn, khiến các nhà đầu tư mất trắng hơn 30 triệu NDT (tương đương 4,3 triệu USD). Cửa hàng này trước đây từng chào mời dịch vụ "đặt mua vàng an tâm", hứa hẹn sẽ bảo quản vàng cho nhà đầu tư và tặng kèm quà tặng là vàng nguyên chất. Tuy nhiên, hơn 70 kg vàng cùng với nhân viên cửa hàng đã biến mất một cách bí ẩn vào tháng 12 năm ngoái.

Vào ngày 1/4/2024, Tập đoàn Vàng Trung Quốc (China Gold Group) đã thông báo về vụ việc "Cửa hàng Trung Quốc Hoàng Kim" tại Quảng trường Phúc Lợi Bắc Kinh đóng cửa. Cửa hàng này vi phạm hợp đồng nhượng quyền thương mại với China Gold Group và tự ý triển khai dịch vụ "Đặt chỗ an tâm" mà không được phép. Cửa hàng đã đóng cửa vào ngày 27/12/2023 và không thể thanh toán cho các sản phẩm mà khách hàng đã mua. Người điều hành thực tế của cửa hàng, ông Dương, đã bị bắt giam và vụ việc đang được tiến hành theo quy trình pháp lý.

Thông báo cũng nêu rõ công ty và các bên chịu trách nhiệm liên quan, với tinh thần trách nhiệm đối với quyền lợi của khách hàng, đã quyết định tiến hành tạm ứng trước các khoản thanh toán cho các khách hàng liên quan. Việc này nhằm mục đích bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng.

Tiệm vàng lừa người tiêu dùng: Mua vàng gửi vào kho rồi trả lãi

Trong vài năm qua, các cửa hàng của China Gold Group đã tung ra dịch vụ lưu ký vàng đặc biệt. Ví dụ: nếu khách hàng mua vài trăm gram vàng trong cửa hàng, cửa hàng sẽ nói rằng nếu nhà của bạn không đủ an toàn, khách hàng có thể được gửi vàng miễn phí vào cửa hàng. Cửa hàng vàng khuyến nghị dịch vụ "đặt chỗ an tâm", nghĩa là người tiêu dùng gửi vàng vào cửa hàng mà không cần lo lắng đồng thời được hưởng ưu đãi, ví dụ: nếu bạn gửi 100 gram vàng, bạn có thể nhận được thêm 2,5 gram vàng mỗi năm, tương đương với gửi tiền vào ngân hàng và hưởng lãi suất 2,5%.

Nhiều người tiêu dùng cho rằng đó là một việc tốt nên họ chọn cách gửi vàng vào các cửa hàng.

Tuy nhiên, khi giá vàng tiếp tục tăng vọt, cư dân mạng ở nhiều nơi ở Trung Quốc đã phàn nàn rằng khi họ muốn đổi mới hoạt động kinh doanh lưu ký vàng trong năm nay, họ phát hiện ra rằng các cửa hàng đã đóng cửa và vàng của họ biến mất. Khi khách hàng hỏi về việc này ở trụ sở chính thì họ nói "rất tiếc nhưng đây là những cửa hàng nhượng quyền chứ không phải cửa hàng do Tập đoàn trực tiếp điều hành". Nên các cửa hàng đó tự chịu trách nhiệm về lãi lỗ của mình, nếu bỏ trốn thì Tập đoàn không chịu trách nhiệm.

Không lâu sau vụ việc "Cửa hàng Trung Quốc Hoàng Kim" ở Bắc Kinh bỏ trốn, vụ việc "Cửa hàng vàng Sơn Đông" tại Bắc Kinh đóng cửa cũng bị vạch trần, vàng ký gửi của khách hàng biến mất, số tiền liên quan có thể lên đến hơn 400 triệu NDT (khoảng 57 triệu USD).

Bẫy ‘bảo quản vàng’: Giá vàng tăng vọt, các cửa hàng sụp đổ

Sự việc trên khiến nhiều người phải suy nghĩ. Cách đây vài ngày, một chuyên gia tài chính có tiếng trên mạng xã hội Trung Quốc, người có 3,36 triệu người theo dõi, đã đăng một video tiết lộ thủ đoạn lừa đảo của cửa hàng và phân tích nguyên nhân sâu xa của vụ việc. Ông cho rằng chính vì giá vàng tăng vọt nên nhiều cửa hàng vàng bị sụp đổ.

Ông chỉ ra rằng để có được mức lãi suất tương đương 2,5%, người tiêu dùng mua vàng đã bị cửa hàng lừa, mua hàng trăm gam vàng mà không lấy về, cho rằng mua vàng là để bảo toàn và gia tăng giá trị. Nếu giá vàng tăng, họ không chỉ kiếm được tiền mà còn nhận được tiền lãi từ cửa hàng hàng năm nên nhiều người tiêu dùng chọn cách gửi vàng vào cửa hàng.

“Vậy tại sao những cửa hàng vàng này lại giúp bạn tiết kiệm vàng miễn phí và trả lãi? Mục đích chính của những cửa hàng này gửi vàng cho bạn là để bán một vàng lấy hai, thậm chí một vàng lấy ba - bạn dùng tiền để mua vàng và cửa hàng nói với bạn rằng vàng đã được gửi trong cửa hàng của anh ta an toàn và bạn không thể mang vàng về. Trên thực tế, cửa hàng có thể không cần phải đầu tư thêm vàng nữa nhưng vẫn nhận được nhiều tiền từ khách hàng, tương đương với việc sử dụng vàng ảo, cửa hàng thực tế đi vay tiền từ người tiêu dùng và mang lại cho người tiêu dùng lãi suất 2,5% mỗi năm”.

Chuyên gia này cho biết, chi phí lãi vay này thấp hơn nhiều so với vay ngân hàng. Các cửa hàng vàng, giống như các đại lý ô tô 4S đều cần phải nhập kho một lượng lớn hàng hóa, dẫn đến việc, chiếm dụng một lượng vốn lớn. Do đó, chủ cửa hàng sử dụng "ký gửi vàng" như một cách để huy động vốn, thu về một lượng tiền lớn.

Chuyên gia chỉ ra rằng, nguy cơ lớn nhất của mô hình "ký gửi vàng" là khi giá vàng tăng cao, cửa hàng sẽ "mất trắng". Ví dụ, bạn mua vàng thỏi với giá 500 NDT/gram và ký gửi tại cửa hàng. Theo lý thuyết, cửa hàng cần có trách nhiệm trả lại vàng cho bạn bất cứ lúc nào bạn yêu cầu. Tuy nhiên, thực tế là họ không đổi tiền của bạn thành vàng thỏi. Hiện tại, giá vàng thỏi đã tăng lên 650-700 NDT/gram. Khi nhiều khách hàng muốn rút vàng do giá tăng cao, cửa hàng sẽ gặp áp lực lớn về thanh khoản và dẫn đến phá sản.

Chuyên gia cho rằng, có khả năng các cửa hàng đã chiếm dụng tiền của khách hàng. Kết hợp với việc giá vàng liên tục tăng cao, các cửa hàng không thể xoay sở được và dẫn đến việc bỏ trốn. Vụ việc này là lời cảnh tỉnh cho người tiêu dùng: Bất cứ lúc nào cũng không nên giao tiền và tài sản cho người khác. Lợi nhuận mà bạn nhắm đến chính là vốn gốc mà họ đang nhắm vào.

Nhiều cư dân mạng cho rằng hành vi của các cửa hàng vàng là "một cách gây quỹ bất hợp pháp trá hình dưới danh nghĩa gửi vàng. Nếu giá vàng tiếp tục giảm, tiền của người tiêu dùng sẽ mua thêm vàng và họ sẽ kiếm được bộn tiền. Tuy nhiên, giá vàng tăng mạnh, anh ta sẽ thua lỗ và không còn cách nào khác là phải bỏ chạy”.

Nhiều cư dân mạng ở Trung Quốc cho biết, hiện nhiều nạn nhân đã trình báo hành vi lừa đảo của các cửa hàng vàng và nhiều người đang có ý định khởi kiện dân sự. Nhưng vì những người này họ đã lên kế hoạch từ trước, nên việc truy tìm tài sản gặp nhiều khó khăn.

Theo The Epoch Times
Lý Ngọc biên dịch

Trung Quốc Góc nhìn


BÀI CHỌN LỌC

Trung Quốc: Bẫy 'bảo quản vàng', chủ tiệm vàng bỏ trốn, nhà đầu tư ôm hận