Trung Quốc: 'Cơn sốt' du học hạ nhiệt, đặc biệt là ngành STEM

Giúp NTDVN sửa lỗi

“Cho con đi du học” luôn là ước mơ của nhiều gia đình Trung Quốc. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, cơn sốt du học này đã hạ nhiệt, số lượng sinh viên ngành STEM - trong các trường đại học nổi tiếng ở Trung Quốc - đi du học thậm chí còn giảm 2/3. Có chuyên gia Trung Quốc cho rằng nguyên nhân là do ảnh hưởng của dịch bệnh và mối quan hệ quốc tế. Nhưng cư dân mạng Trung Quốc cho rằng còn có các lý do khác.

STEM là thuật ngữ dùng để chỉ các ngành học về Science (Khoa học), Technology (Công nghệ), Engineering (Kỹ thuật) và Mathematics (Toán học).

Mới đây, ông Trần Chí Văn (Chen Zhiwen), ủy viên Ủy ban Học thuật Học hội Chiến lược Phát triển Giáo dục của Trung Quốc, đã công bố dữ liệu nghiên cứu cho biết trong những năm gần đây, số lượng sinh viên ngành STEM tại các trường nổi tiếng như Đại học Thanh Hoa, Đại học Khoa học và Công nghệ Trung Quốc (USTC), Đại học Bách khoa Tây Bắc (NWPU) và Đại học Hàng không Vũ trụ Bắc Kinh… đi du học đã giảm đáng kể, thậm chí giảm 2/3.

Dữ liệu này cũng cho thấy, tại các điểm đến du học lý tưởng của sinh viên Trung Quốc, bao gồm Hoa Kỳ, Vương quốc Anh và Canada, các du học sinh Trung Quốc không còn dẫn đầu về số lượng và đã nhường chỗ cho Ấn Độ.

Theo số liệu mới nhất từ Báo cáo thường niên “Open Doors” (2023) do Viện Giáo dục Quốc tế (IIE) của Mỹ công bố, sau dịch bệnh, số lượng sinh viên Trung Quốc du học Mỹ đã giảm 4 năm liên tiếp, đến năm 2023 chỉ còn 290.000 người, giảm 20% so với thời trước đại dịch. Còn số sinh viên Ấn Độ học tập tại Mỹ lại tăng 35%.

Ông Trương Siêu (Zhang Chao), Phó Trưởng Ban Tổ chức Đảng ủy Đại học Thanh Hoa, nói với tờ The Paper rằng trước khi xảy ra dịch bệnh, tỷ lệ thạc sĩ và tiến sĩ ở Thanh Hoa đi du học là khoảng 15%, trong năm 2023 đã giảm xuống còn khoảng 8%.

Ông Trương Siêu cho rằng, các yếu tố ảnh hưởng đến sự thay đổi này là dịch bệnh và những thay đổi trong quan hệ quốc tế. Khi sinh viên nộp đơn xin du học vào các ngành nhạy cảm như máy tính, việc xin visa Mỹ trở nên khó khăn hơn, dẫn đến tỷ lệ sinh viên du học bị giảm.

Ông Trương cho biết, trước dịch bệnh, trong tổng số sinh viên Thanh Hoa đi du học thì có tới 70% là đến Mỹ; sau dịch bệnh, con số này đã giảm xuống còn 50%, số còn lại chủ yếu tới Đại học Quốc gia Singapore (NUS).

Trong ảnh là sinh viên Trung Quốc đang học tập tại Mỹ. (Lin Dan/The Epoch Times)

Cơn sốt du học hạ nhiệt, cư dân mạng cho rằng còn nguyên nhân khác

Có không ít cư dân mạng Trung Quốc cho rằng còn nhưng lý do khác khiến nhu cầu du học ở Trung Quốc hạ nhiệt:

  • "Bởi vì con nhà giàu được gửi ra nước ngoài ngay từ khi học tiểu học và trung học rồi".
  • "Hôm nay tôi vừa nói chuyện với một đồng nghiệp cũ. Cô ấy đã cho con đi học tiểu học ở Singapore".
  • "Tôi thì lại cho rằng ngày càng có nhiều người nộp đơn xin du học, nhưng vì tỷ lệ được nhận giảm nên số lượng sinh viên quốc tế đến Mỹ cũng giảm, và ngày càng có nhiều người đến Mỹ thông qua các cuộc bộ hành [mạo hiểm tính mạng, vượt núi vượt sông từ Nam Mỹ]".
  • "Điều này chắc chắn là có liên quan nhiều đến sự sụt giảm mạnh về dân số Trung Quốc, bởi vì số người tham gia kỳ thi tuyển sinh đại học hàng năm cũng đang giảm".
  • “Tôi thấy rằng nguyên nhân chủ yếu là vì mấy năm nay tiền tiết kiệm và thu nhập của nhiều người dân đã giảm, cộng thêm việc xin visa rất khó, du học xong về nước cũng không tìm được việc làm, nên nhiều người không muốn lãng phí tiền đi du học nữa”; v.v.

Tờ Sanlian Lifeweek của Trung Quốc cũng cho rằng, thu nhập của nhiều gia đình Trung Quốc đang bị thu hẹp, chi phí du học ngày càng vượt quá khả năng chi trả, đồng thời, nhiều gia đình cũng đã mất đi khả năng và dũng khí bất chấp tốn kém để cho con đi du học. Vì mục đích đầu tư cho con ra nước ngoài học là để có được việc làm và thu nhập tốt hơn khi về nước, nhưng khi khả năng sinh lợi ngày càng thấp, rất nhiều người đã chọn từ bỏ hướng đi này.

Trong vài năm gần đây, tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ Trung Quốc vẫn ở mức cao. Không chỉ sinh viên tốt nghiệp đại học trong nước khó tìm được việc làm, mà nhiều du học sinh sau khi trở về nước cũng phải đối mặt với tình trạng “thất nghiệp ngay khi tốt nghiệp”.

Vụ một nhân viên bảo vệ đâm chết một người giao đồ ăn ở thành phố Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông mới đây đã khiến nhiều bạn trẻ ớn lạnh. Người giao đồ ăn bị đâm chết là anh Lý (Li), từng du học ở Úc, bố mẹ anh này đã chi hơn 1 triệu nhân dân tệ (hơn 3 tỷ VND) để hỗ trợ con đi du học. Tuy đã về nước được 5 - 6 năm nhưng anh này vẫn không tìm được việc làm ổn định. Anh Lý gặp nạn sau khi mới bắt đầu công việc giao đồ ăn được 6 ngày.

Có cư dân mạng than thở rằng “thanh niên Trung Quốc tìm việc quá khó”, hay “đi du học về cũng chỉ có thể đi giao đồ ăn!”.

Theo The Epoch Times tiếng Trung

Minh Lý biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Trung Quốc: 'Cơn sốt' du học hạ nhiệt, đặc biệt là ngành STEM