Argentina kiên quyết từ chối BRICS bất chấp Bắc Kinh 've vãn'

Giúp NTDVN sửa lỗi

Xoay trục sang Mỹ, Argentina kiên quyết từ chối việc tham gia BRICS, vốn là một tổ chức bị Bắc Kinh lợi dụng để chống lại ảnh hưởng của phương Tây.

Như một sự phản đối mạnh mẽ trước sự kết hợp giữa đe dọa và tâng bốc của Trung Quốc, chính phủ mới của Argentina, dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Javier Milei, đã kiên quyết từ chối gia nhập nhóm BRICS. Quyết định này đánh dấu một bước lùi đáng kể cho tham vọng mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc ở Mỹ Latinh.

Liên minh BRICS gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi dần dần được coi là một nhóm địa chính trị do Bắc Kinh dẫn dắt nhằm mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc và xác định lại hệ thống thứ bậc toàn cầu.

Trái ngược hoàn toàn với người tiền nhiệm thân ĐCSTQ (Đảng Cộng sản Trung Quốc), Tổng thống Milei vẫn duy trì lập trường chống ĐCSTQ một cách mạnh mẽ, làm phức tạp thêm các nỗ lực ngoại giao của Trung Quốc. Trong một tuyên bố với Bloomberg News vào tháng 8, ông Milei nhấn mạnh: “Mọi người không được tự do ở Trung Quốc, họ không thể làm những gì họ muốn và khi họ làm điều đó, họ sẽ bị giết… Bạn có giao dịch với một tên sát thủ không?”

Argentina kiên quyết từ chối BRICS bất chấp Bắc Kinh ‘ve vãn’
Tổng thống Argentina Alberto Fernandez (trái) và tổng thống mới đắc cử Javier Milei chụp ảnh trong cuộc họp tại dinh thự Olivos của chính phủ, ở Buenos Aires, Argentina, vào ngày 21/11/2023. (Ảnh: Maria Eugenia Cerutti/Presidencia Argentina qua Getty Images )

Cố gắng gây ảnh hưởng đến ông Milei, lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhanh chóng gửi thư chúc mừng chiến thắng bầu cử. Bức thư đã được chuyển đến vào ngày 21/11 thông qua đại sứ Trung Quốc tại Argentina. Bất chấp giọng điệu nhã nhặn và những hứa hẹn về lợi ích kinh tế, cử chỉ này của Bắc Kinh đã không thể làm lung lay được giới lãnh đạo Argentina.

Trung Quốc đã kỳ vọng rằng ông Milei sẽ tiếp tục kế hoạch gia nhập BRICS của người tiền nhiệm trước ngày 1/1/2024. Tuy nhiên, lập trường của ông Milei vẫn không bị khuất phục. Ông xác định Argentina là "đồng minh của Mỹ, Israel và phương Tây", kiên quyết phản đối liên minh với các chế độ phi dân chủ.

Ngoại trưởng sắp nhậm chức của Argentina, bà Diana Mondino, nhấn mạnh thêm lập trường này trong bài phát biểu của bà với RIA Novosti, một hãng thông tấn nhà nước của Nga, tuyên bố tạm dừng các tương tác ngoại giao với Brazil và Trung Quốc.

Diễn biến này đã báo động Bắc Kinh, vì Mỹ Latinh đại diện cho một khu vực chiến lược trong cuộc giằng co toàn cầu với Mỹ. ĐCSTQ đã chuyển sang sử dụng chiến lược kép vừa xoa dịu vừa đe dọa trong quan hệ với chính quyền mới của Argentina.

Bà Mao Ninh, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, cảnh báo trong cuộc họp báo rằng việc cắt đứt quan hệ với các đối tác thương mại quan trọng như Trung Quốc có thể là một sai lầm ngoại giao nghiêm trọng.

Tuyên bố về thương mại này, theo ông Anders Corr, người sáng lập Corr Analytics, nhà xuất bản của Tạp chí Rủi ro Chính trị, là “một mối đe dọa ngầm hướng đến trừng phạt Argentina về mặt kinh tế, thứ có thể sẽ tấn công vào điểm dễ tổn thương của đất nước này do cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay của nó”.

Ông Corr nói với The Epoch Times rằng “Việc ông Millei rời bỏ Trung Quốc có thể sẽ bao gồm việc cải thiện mối quan hệ với Mỹ và Đài Loan, đồng thời gây khó khăn lớn hơn cho ĐCSTQ ở châu Mỹ Latinh”.

Bối cảnh kinh tế khó khăn

Argentina phải đối mặt với những thách thức kinh tế gây nản lòng, với tỷ lệ lạm phát tăng vọt lên 138% trong tháng 9 và dự đoán còn tiếp tục leo thang. JPMorgan dự đoán tỷ lệ lạm phát sẽ đạt mức đỉnh là 210% vào cuối năm, trong khi các nhà phân tích ngân hàng trung ương dự đoán con số này là khoảng 180%.

Dự trữ ngoại hối của Argentina đang ở mức thấp nhất kể từ năm 2016, tình hình càng trầm trọng hơn do hạn hán nghiêm trọng ảnh hưởng đến các loại cây trồng quan trọng. Nền kinh tế lớn thứ ba ở Mỹ Latinh được dự đoán sẽ suy giảm 2,8% trong năm nay, đẩy 2/5 dân số xuống dưới mức nghèo khổ.

Tuy nhiên, trong một bài đăng trên mạng xã hội ngày 30/11, bà Mondino tái khẳng định quyết định của chính phủ không tham gia BRICS, nhấn mạnh cam kết của Argentina đối với các nguyên tắc ngoại giao và kinh tế của nước này.

Trung Quốc lợi dụng BRICS để chống lại ảnh hưởng của phương Tây

Argentina kiên quyết từ chối BRICS bất chấp Bắc Kinh ‘ve vãn’
Từ trái sang phải: Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, tại Hội nghị thượng đỉnh BRICS ở Johannesburg, Nam Phi, ngày 23/8/2023. (Ảnh: ALET PRETORIUS/POOL/AFP qua Getty Images)

BRIC ban đầu là từ viết tắt tài chính vào năm 2001 (chữ "S" của Nam Phi (South Africa) được thêm vào năm 2010), nhưng đã trở thành một tổ chức được thiết lập vững chắc vào năm 2009 và đã phát triển thành một thực thể địa chính trị quan trọng, thường tự đặt mình vào thế đối lập với sự thống trị của phương Tây do Mỹ lãnh đạo. Trung Quốc đã lợi dụng BRICS về mặt chiến lược để thách thức ảnh hưởng kinh tế toàn cầu của G7.

Trước thềm hội nghị thượng đỉnh BRICS ở Johannesburg, Nam Phi, vào tháng 8 năm nay, các cuộc thảo luận đã tăng cường xung quanh việc thúc đẩy “phi đô la hóa” toàn cầu, một động thái thể hiện chiến lược rộng lớn hơn của Trung Quốc nhằm gây bất ổn định cho quyền bá chủ của đồng USD. Đề xuất của Brazil về đồng tiền BRICS vào đầu năm nay càng nhấn mạnh tham vọng xác định lại trật tự kinh tế toàn cầu.

Nhằm mở rộng liên minh chống phương Tây này, Trung Quốc đã tích cực mời gọi thành viên mới. Năm 2022, ông Tập Cận Bình gửi lời mời Argentina gia nhập BRICS. Hội nghị thượng đỉnh vào tháng 8 đã thông báo kết nạp Argentina, Iran, Ai Cập, Ethiopia, Ảrập Xêút và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất làm thành viên bắt đầu từ ngày 1/1/2024.

Tuy nhiên, đến cuối tháng 11, chính phủ mới của Argentina kiên quyết từ chối lời mời này, báo hiệu sự thay đổi trong chính sách đối ngoại của nước này.

Argentina xoay trục sang Mỹ

Tổng thống mới đắc cử Javier Milei, người chưa nhậm chức, đã khẩn trương đến thăm Washington, D.C., để tìm kiếm sự hỗ trợ cho cuộc khủng hoảng kinh tế của Argentina. Kế hoạch phục hồi được đề xuất của ông bao gồm đô la hóa nền kinh tế và cải cách kinh tế khắc khổ.

Trong chuyến thăm ngày 28/11, ông Milei đã làm việc với các quan chức hàng đầu của Mỹ và các đại diện Quỹ Tiền tệ Quốc tế để thảo luận về việc định hình lại chính sách đối ngoại và chiến lược kinh tế của Argentina. Đáng chú ý, các cuộc gặp với Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan và ông Juan Gonzalez, giám đốc cấp cao về Tây bán cầu tại Hội đồng An ninh Quốc gia, đều có tính chất then chốt.

Tòa Bạch Ốc tiết lộ rằng các cuộc thảo luận với ông Milei xoay quanh việc tăng cường quan hệ kinh tế song phương và các ưu tiên chung như đầu tư vào công nghệ và năng lượng sạch.

Châu Mỹ Latinh từ lâu đã là đấu trường của cạnh tranh Mỹ - Trung. Trong khi Mỹ đang bận tâm đến các cuộc xung đột ở Afghanistan và Iraq thì Trung Quốc đã đạt được những tiến bộ đáng kể ở châu Mỹ Latinh. Những năm đầu thế kỷ 21 chứng kiến sự trỗi dậy của các chính phủ thiên tả trong khu vực, thường được gọi là “thủy triều hồng”, ở các quốc gia bao gồm Argentina, Bolivia, Brazil, Ecuador và Venezuela.

Ảnh hưởng của Trung Quốc tăng lên thông qua việc mua đáng kể các mặt hàng Mỹ Latinh như đồng, thịt lợn và đậu nành cũng như hoạt động đầu tư cơ sở hạ tầng ở mức đáng kể, vượt qua Mỹ để trở thành đối tác thương mại chính của khu vực.

Cho đến gần đây, chính quyền Argentina đã thể hiện xu hướng thân Bắc Kinh mạnh mẽ. Ví dụ, vào tháng 2 năm ngoái, chính quyền đất nước này đã công bố các dự án cơ sở hạ tầng do Trung Quốc tài trợ trị giá khoảng 24 tỷ USD. Chính quyền Argentina nhiệt tình đón nhận sự tham gia của Trung Quốc, với những đề xuất vui vẻ về mối quan hệ đối tác “Argenchina”.

Tuy nhiên, việc ông Milei lên nắm quyền thể hiện một sự thay đổi đáng kể đối với liên kết địa chính trị của Argentina, đánh dấu bước thụt lùi cho tham vọng của Trung Quốc ở Mỹ Latinh.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Argentina kiên quyết từ chối BRICS bất chấp Bắc Kinh 've vãn'