Bí quyết giữ ấm cho trẻ trong thời tiết giá lạnh

Giúp NTDVN sửa lỗi

Những ngày thời tiết xuống dưới 10 độ, việc giữ ấm cho trẻ là hết sức quan trọng để đảm bảo an toàn và bảo vệ sức khoẻ cho bé. Làm thế nào để tắm cho bé mà không bị cảm lạnh, mặc quần áo thế nào là đủ ấm, bảo vệ da cho bé trong thời tiết khắc nghiệt như thế nào?

Cách tắm cho bé không cảm lạnh

Trời lạnh việc tắm cho trẻ nhỏ làm sao để giữ vệ sinh thân thể đồng thời không khiến bé bị nhiễm lạnh quả là việc đau đầu với các phụ huynh. Tuy nhiên cũng có những giải pháp hữu ích, giúp giữ ấm cho trẻ trong khi tắm giữa trời giá lạnh.

Trước khi cho bé tắm, nên bật đèn sưởi trong phòng tắm khoảng 15 phút. Tuy nhiên phải lưu ý không để đèn sưởi quá gần, dễ chạm vào da bé gây bỏng rát, hoặc bị nước tạt vào gây chập điện.

Chuẩn bị đầy đủ sữa tắm, khăn tắm và quần áo mặc sau khi tắm để sẵn sát cửa ngoài phòng tắm, tuyệt đối không để bé cởi quần áo xong mới đi tìm sữa tắm, và tắm xong mới đi lục tìm quần áo trong tủ thay cho trẻ.

Thử nước tắm cho bé trước khi tắm, không nên quá nóng dễ bỏng hoặc làm khô da. Có thể thử bằng tay hoặc sử dụng nhiệt kế đo nhiệt độ nước, lý tưởng là 38 độ, gần bằng nhiệt độ cơ thể.

Mặc quàn áo đúng cách để giữ ấm

Nên cho bé mặc nhiều lớp quần áo mỏng hơn là chỉ mặc 1,2 áo dầy. Lý do là trẻ vận động chạy nhảy khiến cơ thể nóng lên thì có thể cởi bớt từng lớp áo. Mặc quá ấm cho bé cũng chưa hẳn là tốt vì nếu mặc nóng quá mồ hôi dễ đổ ra làm ướt áo khiến trẻ nhiễm lạnh. Thứ tự nên là 1 áo cotton mỏng lót, 1 áo cotton dài tay cao cổ ôm sát người để giữ nhiệt, rồi đến các áo len, áo khoác bên ngoài.

Giữ ấm cho bé khi ngủ

Babycenter và các tổ chức y khoa khuyến cáo rằng nhiệt độ phòng mùa đông cho bé nên từ 20-22 độ.

Bố mẹ có thể dùng điều hòa chế độ nóng, đèn sưởi, lò sưởi đều được, chỉ đảm bảo bé sẽ không chạm vào các thiết bị sưởi và bị bỏng. Bố mẹ cũng nên chú ý điều chỉnh độ ẩm trong phòng, tốt nhất nên mua một thiết bị đo nhiệt độ và độ ẩm trong phòng. Độ ẩm thích hợp trong phòng ngủ cho bé là khoảng 60-70%.

Những ngày mùa đông hanh khô của vùng Bắc Bộ, độ ẩm xuống dưới 50% là rất khô, bố mẹ có thể tăng độ ẩm trong phòng bằng các loại máy tạo ẩm không khí, hoặc dùng đèn xông tinh dầu có phun hơn nước.

Lưu ý, "nhiệt độ phòng" ở đây là nhiệt độ không khi đo được trong phòng, chứ phải nhiệt độ hiển thị trên điều khiển của máy lạnh, điều hoà. Chuẩn xác hơn cả thì nên mua 1 chiếc nhiệt kế kiêm ẩm kế cho phòng.

Trong mùa đông, bố mẹ thường sợ trẻ bị quá lạnh, nhưng nếu quá nóng, bé sẽ bị ra mồ hôi và dễ nhiễm lạnh, nguy hiểm không kém gì bị lạnh. Vì vậy, với các em bé nhỏ chưa biết nói hoặc lúc bé ngủ, bố mẹ nên tự kiểm tra để biết bé có bị quá nóng hoặc quá lạnh hay không. Sờ tay, chân bé không phản ánh đúng tình trạng nóng lạnh của bé bởi vì tay, chân bé vẫn thường lạnh hơn so với cơ thể. Bố mẹ hãy kiểm tra bằng cách sờ vào bụng, lưng hoặc phía sau gáy của bé.

Bảo vệ da cho trẻ

Mùa đông thời tiết thường hanh khô nên da bé dễ bị khô, nẻ. Bố mẹ nên tắm cho bé bằng nước không quá nóng, dùng sữa tắm trung tính, không màu, không mùi. Sau khi tắm xong, bố mẹ nên bôi sữa dưỡng ẩm toàn thân cho bé (lưu ý đọc kỹ nhãn mác để chọn đúng loại cho đúng độ tuổi của bé).

Ngoài ra, cần lưu ý bổ sung nước thường xuyên cho bé bằng cách để ý lượng bú hàng ngày (với bé sơ sinh) hoặc cho bé uống nhiều nước ấm để đề phòng thiếu nước (với các bé lớn hơn).

Chơi ngoài trời lạnh

Cho dù là mùa đông, bố mẹ cũng nên cho bé chơi ngoài trời để hít thở không khí trong lành, tăng cường miễn dịch để khỏe mạnh và vui vẻ hơn.

Về cơ bản, nếu thời tiết không quá lạnh, bé có thể chơi ở ngoài trời với điều kiện mặc quần áo đủ ấm và vào nhà nghỉ ngơi, uống nước ấm và kiểm tra quần áo thường xuyên.

Giảm thân nhiệt là một vấn đề hết sức nguy hiểm vào mùa đông. Trẻ em thường bị giảm thân nhiệt nhanh hơn người lớn khi chơi ngoài trời lạnh mà không mặc quần áo đủ ấm hoặc quần áo bị ướt. Khi bị giảm thân nhiệt, trẻ sẽ lờ đờ, chậm chạp, nói lắp bắp và người lạnh toát. Hãy ngay lập tức gọi cứu thương và cho trẻ vào nhà, cởi quần áo ướt ra, quấn trẻ trong khăn ấm, quần áo ấm.

Một hiện tượng nữa cũng không kém phần nguy hiểm là tê cóng, da trẻ bị đóng đá lại. Ngón tay, ngón chân, tai và mũi là những bộ phận thường bị tê cóng. Khi tê cóng, da bé sẽ trở nên xám, trắng bệch lên và trẻ sẽ bảo da trẻ bị bỏng, nóng. Nếu trường hợp này xảy ra, hãy ngay lập tức cho trẻ vào nhà và ngâm phần bị tê cóng vào nước ấm, khoảng 40 độ. Sau vài phút, hãy lau khô rồi phủ khăn ấm lên phần da đó rồi cho bé uống một cốc nước ấm. Nếu phần da vẫn tiếp tục tê cóng, hãy gọi bác sĩ.

Nếu bé thường bị chảy máu cam trong mùa đông, hãy dùng máy làm ẩm trong phòng bé vào buổi tối. Nhỏ vài giọt nước muối hoặc nước biển sâu vào máy làm ẩm để hạn chế tình trạng này.

An Hạnh



BÀI CHỌN LỌC

Bí quyết giữ ấm cho trẻ trong thời tiết giá lạnh