Biến thể FLiRT lan rộng tại Mỹ, làm thế nào để phòng ngừa virus này?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), hiện cứ 3 ca nhiễm COVID-19 ở Mỹ thì có 1 trường hợp mắc biến thể mới FLiRT này.

FLiRT, cái tên đặt theo đặc điểm đột biến của nó, với hai đột biến then chốt so với biến thể JN.1 trước đó.

Một đột biến là "F456L", đại diện cho sự thay đổi mã axit amin từ "F" thành "L" ở vị trí axit amin thứ 456 của chuỗi protein gai.

Đột biến khác, "R346T", đại diện cho sự thay đổi mã axit amin từ "R" thành "T" ở vị trí 346. Những đột biến này chịu trách nhiệm cho hành vi của các biến thể mới.

Trở thành biến thể thống trị sau hai tháng

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), hiện cứ 3 ca nhiễm COVID-19 ở Mỹ thì có 1 trường hợp mắc biến thể mới này.

FLiRT bao gồm KP.2, KP.1.1, KS.1 và JN.1.16.1. Hai thành viên quan trọng nhất của họ FLiRT là KP.2 và KP.1.1.

KP.2 tăng từ 1,4% lên 28,2% trong số tất cả các biến thể COVID-19 lưu hành từ tháng 3 – tháng 5. Sự gia tăng này xảy ra nhanh chóng giống như JN.1, biến thể thay thế EG.5 từ tháng 10 – tháng 12/2023.

KP.1.1 ít phổ biến hơn, chiếm 7,1% tổng số ca bệnh ở Hoa Kỳ. Cùng với KP.2, FLiRT hiện chiếm 35,3%, tương đương hơn một phần ba số ca nhiễm mới.

Biến thể COVID mới, FLiRT, đang lây lan nhanh chóng ở Hoa Kỳ. (Nguồn: CDC)

Ở Ấn Độ, KP.2 chiếm 30% tổng số ca COVID-19, theo cập nhật mới nhất vào tháng 5. Báo cáo của WHO vào ngày 1 tháng 5 liệt kê KP.2 là một biến thể đang được theo dõi chặt chẽ.

Dễ lây nhiễm hơn một chút

Theo một báo cáo nghiên cứu in trước gần đây, ái lực gắn kết của KP.2 (chỉ báo tốc độ lây nhiễm của biến thể mới đối với người) tăng 1,2 lần so với biến thể JN.1.

Các nhà nghiên cứu đã sử dụng một bài kiểm tra ái lực gắn kết, trong đó đưa thụ thể enzyme chuyển đổi angiotensin 2 (ACE2) (nơi virus liên kết và xâm nhập vào tế bào người) và các biến thể vào một hệ thống tương tự ống nghiệm.

Loại xét nghiệm này nhanh chóng, đơn giản và dễ kiểm soát, nhưng điểm yếu của nó là không phản ánh toàn bộ bức tranh về những gì xảy ra trong cơ thể người.

Dữ liệu này cho thấy tỷ lệ nhiễm của KP.2 cao hơn một chút, nhưng dường như không tương thích với tốc độ lây lan hiện tại của nó. Điều này cho thấy phải có những lý do khác dẫn đến sự lây lan nhanh chóng của virus.

Khi đánh giá khả năng lây nhiễm và khả năng lây lan nhanh chóng trong cộng đồng của một biến thể, cần phải xem xét thêm nhiều protein, phân tử và yếu tố khác bên trong cơ thể người.

Thoát ‘kháng thể’

Trong khi hầu hết các phương tiện truyền thông sử dụng thuật ngữ “thoát miễn dịch”, tôi (tác giả gốc của bài viết) thích sử dụng thuật ngữ “thoát kháng thể” vì nó chính xác hơn. Đây là lý do tại sao.

Khi virus xâm nhập cơ thể, hệ thống miễn dịch có nhiều phương pháp để chống lại kẻ xâm lược. Một trong những cách được nghiên cứu nhiều nhất là sản xuất kháng thể.

Kháng thể là protein bảo vệ do các tế bào miễn dịch sản xuất để loại bỏ virus và các chất lạ gây bệnh khác. Nó còn được gọi là kháng nguyên.

Báo cáo nghiên cứu in trước cho thấy rằng, ngay cả khi một người bị nhiễm bệnh trước đó hoặc đã tiềm mũi vaccine tăng cường mới nhất (dựa trên biến thể Omicron XBB) đều không cung cấp khả năng bảo vệ chống lại FLiRT.

Các nhà khoa học đã nghiên cứu 5 nhóm người tái nhiễm COVID-19 do các tổ hợp khác nhau của biến thể Omicron. Họ đã kiểm tra khả năng trung hòa của kháng thể trong máu của những bệnh nhân này với các biến thể khác nhau.

3 trong số 5 nhóm đã có tiền sử tiêm chủng.

Kết quả cho thấy, so với JN.1, mức độ kháng thể trung hòa giảm 1,5 – 1,9 lần khi đáp ứng với các biến thể FLiRT. Điều này có nghĩa là người dân sẽ không đạt được khả năng bảo vệ đủ để chống lại FLiRT từ nhiễm trùng COVID-19 trước đó hoặc tiêm vaccine.

Các họ hàng gần khác của FLiRT cũng cho thấy xu hướng tương tự. Cụ thể, một phân nhóm biến thể với tên gọi là KP.3 có khả năng trốn tránh hệ miễn dịch mạnh nhất, với mức độ kháng thể trung hòa giảm 1,9 – 2,4 lần so với JN.1.

Ổ khóa và chìa khóa

Kể từ khi Omicron xuất hiện, việc theo kịp tốc độ đột biến liên tục của các biến thể đã gây khó khăn cho việc phát triển các mũi vaccine tăng cường.

Hai đột biến chính trong FLiRT - F456L và R346T, nằm gần các phần liên kết thụ thể được biết là liên quan đến khả năng thoát kháng thể.

Sự tương tác giữa thụ thể ACE2 và virus SARS-CoV-2 giống như chìa khóa được đưa vào ổ khóa để vào tế bào.

Các đột biến của virus làm thay đổi hình dạng của các phần của “chìa khóa” tiếp xúc với thụ thể, giúp việc mở “ổ khóa” dễ dàng hơn. Sự gia tăng ái lực liên kết này cho phép virus xâm nhập vào tế bào và lây nhiễm sang người nhanh chóng.

Trong khi đó, sự thay đổi ở các phần quan trọng của chìa khóa cũng ảnh hưởng đến khả năng liên kết và loại bỏ chúng của kháng thể. Đây là lý do tại sao hiệu quả của vaccine có thể giảm.

Kể từ thời JN.1, virus đã có thêm các mánh khóe khác - bao gồm đột biến “FLip” (F456L + L455F) và đột biến protein không gai - để làm suy yếu thêm tác dụng trung hòa của kháng thể và thoát khỏi khả năng miễn dịch đã được thiết lập.

Là hậu duệ của họ JN.1, FLiRT đã thừa hưởng những đặc điểm tương tự.

Hệ miễn dịch tự nhiên của con người

Một số người lo ngại về làn sóng bùng phát sắp tới liên quan đến FLiRT, và một số khác đề nghị tạo ra một loại vaccine tăng cường khác dựa trên biến thể JN.1 mới.

Điều này có vẻ hợp lý, vì nghiên cứu đã chỉ ra rằng khả năng miễn dịch tự nhiên và do vaccine tạo ra đều giảm dần. Tuy nhiên, việc thay đổi thiết kế vaccine có thể không khả thi mỗi khi virus thay đổi mã gen.

Liệu khả năng miễn dịch của cơ thể đối với virus chỉ phụ thuộc vào kháng thể hay chúng ta có những cách khác hiệu quả hơn để chống lại?

Khả năng miễn dịch của chúng ta không bị mất đi khi tình trạng thoát kháng thể xảy ra. Nó chỉ xảy ra khi hệ thống miễn dịch bị suy yếu.

Cơ thể chúng ta có nhiều vũ khí mạnh mẽ chống lại virus, và kháng thể không phải là công cụ duy nhất chúng ta có. Hệ miễn dịch của trẻ chưa có khả năng tạo ra kháng thể, nhưng đã chứng tỏ khả năng phục hồi hoàn toàn sau khi bị nhiễm virus như sởi.

Khả năng miễn dịch tự nhiên của chúng ta có thể chống lại virus hiệu quả, bất kể biến thể đột biến như thế nào.

Ví dụ, khi virus xâm nhập vào cơ thể, nó sẽ kích hoạt cơ chế phòng thủ liên quan đến interferon.

Interferon là một protein chống virus quan trọng được tiết ra bởi các tế bào biểu mô khi virus bám vào. Nó kích hoạt trạng thái chống virus, điều phối các cơ chế chống virus then chốt ở hạ nguồn.

Hai bài báo gần đây được đăng trên tạp chí Nature và Science tiết lộ rằng người lớn tuổi sản xuất ít interferon hơn, điều này giải thích tại sao các trường hợp nghiêm trọng có nhiều khả năng xảy ra ở nhóm tuổi này khi nhiễm virus.

Cách chúng ta suy nghĩ cũng có thể ảnh hưởng đến khả năng sản xuất interferon. Những người có lòng trắc ẩn đã chứng minh được mức độ interferon cao hơn. Khi càng lớn tuổi, chúng ta thường trở nên đồng cảm và quan tâm đến người khác hơn.

Những lợi ích về sức khỏe đi kèm với những thay đổi tích cực này có khả năng chống lại tác động tiêu cực của việc lão hóa.

Hơn nữa, nghiên cứu khoa học gần đây đã phát hiện ra nhiều hàng rào phòng thủ miễn dịch mới, vốn là thứ chưa được khám phá trước đây.

Interferon kích hoạt một loạt các vũ khí chuyên dụng để chống lại nhiễm trùng. Một trong những vũ khí này, được gọi là protein liên kết guanylate (GBP), hoạt động như một vệ sĩ cảnh giác chống lại các kẻ xâm lược khác nhau, bao gồm virus và vi trùng.

John MacMicking, giáo sư về bệnh lý vi sinh vật và miễn dịch học tại Trường Y Yale, gần đây đã mô tả GBP1 là một “cỗ máy nano khổng lồ” có thể bẫy mọi loại vi khuẩn và virus xâm nhập trong cơ thể chúng ta.

Khi một mầm bệnh xâm nhập vào cơ thể, các tế bào miễn dịch giải phóng protein GBP1. Các protein này hoạt động giống như dây thừng dính và quấn quanh mầm bệnh, tạo thành một lưới bẫy nó.

Trong thời gian ngắn, vi khuẩn bị bao bọc bởi một lớp áo bó không thể thoát ra được. Có tới 30.000 protein GBP1 có thể bao bọc mầm bệnh, nhốt nó trong một loại túi đựng xác một cách hiệu quả.

GBP1 đóng một vai trò quan trọng trong phòng thủ chống lại nhiều loại virus, bao gồm virus viêm miệng mụn nước, virus viêm cơ tim não và virus sốt xuất huyết.

Vậy cơ thể chúng ta còn sở hữu bao nhiêu vũ khí mạnh mẽ khác mà chưa được khám phá?

Chúng ta sở hữu khả năng chữa lành và chống lại nhiễm trùng bẩm sinh, là một công cụ mạnh mẽ mà chúng ta không được bỏ qua.

Bằng cách tập trung vào việc bảo vệ khả năng miễn dịch tự nhiên và cải thiện sức mạnh chữa bệnh thông qua lối sống lành mạnh, chúng ta có thể giảm thiểu lo ngại về biến thể FLiRT.

Theo Yuhong Dong - The Epoch Times
Bảo Vy

Bác sĩ Yuhong Dong là nhà báo thuộc chuyên mục y tế cấp cao của The Epoch Times. Cô là cựu chuyên gia khoa học y tế cấp cao kiêm lãnh đạo cảnh giác dược tại trụ sở Novartis ở Thụy Sĩ và từng bốn lần đoạt giải thưởng Novartis. Cô có kinh nghiệm nghiên cứu tiền lâm sàng về virus học, miễn dịch học, ung thư, thần kinh và nhãn khoa, đồng thời có kinh nghiệm lâm sàng về bệnh truyền nhiễm và nội khoa. Cô có bằng bác sĩ y khoa và tiến sĩ về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Bắc Kinh, Trung Quốc.



BÀI CHỌN LỌC

Biến thể FLiRT lan rộng tại Mỹ, làm thế nào để phòng ngừa virus này?