Nghiên cứu mới: Trà đen và trà xanh có thể vô hiệu hóa các biến thể phụ của Omicron

Giúp NTDVN sửa lỗi

Các nhà nghiên cứu Nhật Bản đã khám phá ra nhiều loại thực phẩm và nguyên liệu có thể làm bất hoạt virus SARS-CoV-2: Trà đen và trà xanh

Theo thời gian chủng virus gây bệnh COVID-19 sẽ đột biến, các biến thể và biến thể phụ khác với chủng virus ban đầu sẽ xuất hiện nhiều. Một nghiên cứu gần đây được thực hiện tại Nhật Bản cho thấy trà xanh (sencha Nhật Bản), matcha và trà đen có thể tác dụng vô hiệu hóa một số biến thể phụ của Omicron rất hiệu quả. Ngoài ra, nước bọt tiết ra sau khi ăn kẹo có chứa trà xanh hoặc trà đen cũng có đặc tính vô hiệu hóa virus trong ống nghiệm, giảm sự lây lan của virus.

Virus gây bệnh COVID-19 chủ yếu lây lan qua nước bọt của những người nhiễm bệnh, bao gồm cả những người mang mầm bệnh không có triệu chứng. Nước bọt chứa virus tiết ra khi nói chuyện, hắt hơi hoặc ho, tạo thành các giọt nhỏ và khí dung phát tán vào không khí.

Giáo sư Osam Mazda và nhóm nghiên cứu của ông tại Đại học y khoa tỉnh Kyoto ở Nhật Bản cho rằng việc vô hiệu hóa virus trong nước bọt có vai trò rất quan trọng để ngăn ngừa Covid-19. Do đó, họ đã tìm ra nhiều loại thực phẩm và nguyên liệu khác nhau có thể làm bất hoạt chủng virus SARS-CoV-2 gây ra bệnh COVID-19. Một nghiên cứu trước đây do nhóm này tiến hành đã phát hiện ra rằng polyphenol có trong trà xanh hoặc trà đen làm giảm khả năng lây nhiễm của virus trong nước bọt con người ở môi trường ống nghiệm, thể hiện đặc tính bất hoạt virus. Các polyphenol trong trà có thể liên kết với protein gai của virus, ngăn chặn virus lây nhiễm vào tế bào.

Nhóm nghiên cứu đã công bố nghiên cứu mới này vào ngày 3 tháng 10 trên tạp chí Scientific Reports, chỉ ra rằng trà xanh, matcha và trà đen có tác dụng bất hoạt một số biến thể phụ của Omicron một cách nhanh chóng và hiệu quả.

Một trong những thử nghiệm của nghiên cứu này được tiến hành trên 7 tình nguyện viên khỏe mạnh ăn kẹo có chứa hoặc không chứa thành phần trà xanh, trà đen, đồng thời thu mẫu nước bọt của những người này. Các nhà nghiên cứu phát hiện rằng nước bọt được lấy ngay sau khi ăn kẹo có chứa trà xanh hoặc trà đen có nồng độ polyphenol cao, trong đó gồm có epigallocatechin gallate (EGCG) và theaflavin digallate. Khi trộn mẫu nước bọt với chủng virus Omicron BA.1 trong thời gian 10 giây, các nhà nghiên cứu đã quan sát thấy virus nhanh chóng bị bất hoạt bởi nước bọt có chứa thành phần polyphenol trong trà. Tuy nhiên, tác dụng vô hiệu hóa virus giảm dần trong khoảng từ 5 đến 15 phút sau khi ngừng ăn kẹo.

Nhóm nghiên cứu cho rằng nếu những người bị nhiễm virus này khi ăn kẹo có chứa thành phần trà xanh hoặc trà đen có thể giúp vô hiệu hóa virus, giảm lượng virus ở miệng và đường tiêu hóa, đồng thời ngăn chặn virus lây lan sang những người khỏe mạnh xung quanh.

Một thử nghiệm khác tiến hành ngâm trà đen, trà xanh hoặc matcha trong nước nóng và sau đó trộn huyền phù virus với dung dịch này trong 10 giây và đánh giá độc lực của virus. Kết quả cho thấy khả năng lây nhiễm của biến thể phụ BA.1 và các biến thể phụ Omicron khác giảm xuống dưới 1%.

Trà mới pha không chỉ có tác dụng bất hoạt virus mà nước trà xanh đóng chai ở các cửa hàng tạp hóa cũng làm giảm đáng kể khả năng lây nhiễm của các biến thể phụ Omicron như BA.1, BA.5 và BQ.1.1. Tuy nhiên loại nước trà đóng chai này không có hiệu quả chống lại biến thể BA. 2,75.

Nghiên cứu cũng cho thấy các biến thể phụ Omicron khác nhau có độ nhạy khác nhau với polyphenol trong trà. Ví dụ, EGCG ở nồng độ 1000 μM có thể làm bất hoạt hơn 99% biến thể BA.1 và BA.5. Tuy nhiên, biến thể BA.2, BA.2.75, XBB.1 và BQ.1.1 vẫn có khả năng lây nhiễm ở nồng độ EGCG này.

Trà đen được sản xuất bằng cách oxy hóa lá trà xanh, có màu đỏ cam do sự biến đổi của polyphenol trong lá trà thành theaflavin. Các nhà nghiên cứu đã trộn nhiều loại virus Omicron khác nhau với nồng độ theaflavin tương tự nồng độ có trong trà đen và quan sát thấy độc lực của các biến thể BA.1, XE, BA.5, XBB.1 và BQ.1.1 giảm đáng kể. Tuy nhiên, cùng nồng độ theaflavin này lại ít có ảnh hưởng đến biến thể BA.2 và BA.2.75.

Nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng cơ chế chống virus của EGCG là khiến virus không hoạt động và khi được sử dụng để điều trị cho tế bào, chất này không có tác dụng chống virus trong tế bào.

Trước đó, nhóm nghiên cứu đã từng đề xuất rằng ngậm nước trà trong miệng khoảng 10 giây trước khi nuốt có thể tạm thời vô hiệu hóa virus trong nước bọt, làm giảm nguy cơ lây truyền virus qua giọt bắn và lây nhiễm cho người khác. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu cũng chỉ ra rằng mặc dù hàm lượng catechin trong lá trà cao nhưng rất khó để chất này vào máu và phát huy tác dụng trên toàn bộ cơ thể.

Catechins ức chế sự nhân lên của virus

Ngoài tác dụng liên kết với protein gai của virus và khiến virus không có khả năng lây nhiễm, những nghiên cứu trước đó đã tiết lộ các đặc tính chống virus khác của polyphenol trong trà. Qua các nghiên cứu trên động vật, các nhà nghiên cứu tại Đại học Sư phạm Quốc gia Đài Loan đã phát hiện rằng catechin có thể ức chế sự nhân lên của virus corona, tăng cường khả năng đáp ứng miễn dịch thích nghi và cải thiện tổn thương phổi cấp tính.

Trưởng khoa sáng lập, giáo sư nổi tiếng của Trường Khoa học Đời sống tại Đại học Sư phạm Quốc gia Đài Loan, giáo sư Chiang-Ting Chien cùng với nhóm nghiên cứu của mình cho biết rằng nồng độ catechin đạt trên 195 microgam/ml có thể ức chế một loại enzyme có liên quan đến sự nhân lên và lây nhiễm của virus. Những dữ liệu từ việc sử dụng catechin của con người cũng cho thấy các tế bào T CD8+ có chức năng miễn dịch có thể duy trì mức cao nhất trong khoảng từ 4 đến 5 giờ. Đối với một người trưởng thành nặng 50 kg, khi sử dụng tổng cộng 2,5 gam catechin hàng ngày, chia làm 2 đến 3 lần, có thể đạt được đủ nồng độ trong máu để ức chế sự nhân lên của virus corona trong cơ thể người.

Giáo sư Chien cũng chỉ ra rằng mặc dù uống trà xanh có thể cung cấp một lượng catechin nhưng liều lượng này không đủ để ức chế virus. Hơn nữa, catechin được sử dụng trong thí nghiệm được chiết xuất bằng kỹ thuật chuyên nghiệp và không chứa caffeine, khác với catechin có trong các loại trà xanh bán trên thị trường.

Chih-Ching Yang, giám sát kỹ thuật của Bộ Y tế và Phúc lợi Đài Loan và tác giả chính của nghiên cứu, cho biết trong đại dịch SARS-CoV-2 đã có nhiều trường hợp nhiễm virus mặc dù đã được tiêm hai liều vaccine. Các nhà nghiên cứu hy vọng rằng việc sử dụng catechin có thể tăng cường khả năng miễn dịch và sức đề kháng chống lại virus Covid-19.

Ngoài ra, EGCG còn có tác dụng ức chế nhiều loại virus khác. Tạp chí The British Journal of Pharmacology đã biên soạn một danh sách các loại virus mà EGCG có thể ức chế, trong đó bao gồm virus HIV, virus viêm gan B, virus cúm và nhiều loại virus khác.

Tăng cường khả năng miễn dịch với lá trà giàu vitamin và khoáng chất

Trên chương trình Sức khỏe 1+1, Sean Lin, một chuyên gia virus học người Mỹ và là cựu giám đốc Khoa Virus học tại Viện Nghiên cứu Quân đội Hoa Kỳ, cho biết rằng những phát hiện trong các thử nghiệm trong môi trường ống nghiệm liên quan đến lá trà không nhất định sẽ phản ánh tác dụng thực tế của việc uống trà. Tuy nhiên, lá trà rất giàu chất dinh dưỡng, có tác dụng tốt cho sức khỏe đồng thời giúp tăng cường khả năng miễn dịch.

Sean Lin chỉ ra rằng lá trà có chứa các chất dinh dưỡng quan trọng giúp tăng cường chức năng miễn dịch. Vitamin A có tác dụng bảo vệ màng nhầy đường hô hấp và ngăn ngừa quá trình nhiễm trùng. Vitamin C kích thích sản xuất kháng thể và các tế bào miễn dịch. Vitamin D giúp điều hòa các protein chống lại mầm bệnh và có đặc tính chống viêm. Vitamin E giúp duy trì tính toàn vẹn của màng tế bào. Sắt hỗ trợ sản xuất các enzyme hỗ trợ tế bào miễn dịch, kẽm có vai trò hỗ trợ các phản ứng miễn dịch. Trong thời kỳ đại dịch, nếu bổ sung các chất dinh dưỡng này một cách thích hợp có thể giúp tăng cường chức năng miễn dịch.

Lựa chọn giữa trà đen và trà xanh

Trà đen và trà xanh chứa nhiều loại polyphenol khác nhau. Tất cả những loại polyphenol này đều có đặc tính kháng virus. Vậy chúng ta nên chọn cái nào? Trong một bài báo (article), Lin Gui, một bác sĩ y học cổ truyền người Đài Loan, cho biết rằng theo y học cổ truyền, lá trà có đặc tính làm mát. Tuy nhiên, quá trình chế biến như rang và oxy hóa có thể làm thay đổi đặc tính này. Trà xanh, chưa trải qua quá trình oxy hóa, có tính chất mát, trong khi đó trà đen đã trải qua quá trình oxy hóa có đặc tính ấm hơn.

Lin Gui giải thích rằng những người có cơ thể “nóng”, ví dụ như những người thường xuyên bị khô miệng, đắng miệng, táo bón và dễ bị mụn trứng cá nên uống trà xanh. Ngược lại, những người có cơ thể “mát” như những người thường xuyên bị lạnh tứ chi, nhạy cảm với gió lạnh, thường xuyên đi ngoài phân lỏng sẽ thích hợp uống trà đen hơn. Một điều quan trọng cần lưu ý là phụ nữ trong thời kỳ hành kinh không nên uống quá nhiều trà xanh.

Theo The Epoch Times

Đức Nhân biên dịch

Tác giả: Ellen Wan



BÀI CHỌN LỌC

Nghiên cứu mới: Trà đen và trà xanh có thể vô hiệu hóa các biến thể phụ của Omicron