Binance nhận tội rửa tiền và nộp phạt 4,3 tỷ USD, CEO từ chức

Giúp NTDVN sửa lỗi

Các tài liệu của tòa án cho thấy Binance thừa nhận ưu tiên tăng trưởng và lợi nhuận hơn là tuân thủ luật pháp Mỹ, dẫn đến việc không thực hiện các biện pháp chống rửa tiền.

Ông Triệu Trường Bằng (CZ - Changpeng Zhao), người sáng lập sàn giao dịch tiền mã hóa lớn nhất thế giới Binance, đã nhận tội đối với các cáo buộc rửa tiền và đồng ý từ chức và nộp phạt 50 triệu USD, trong khi bản thân Binance phải đối mặt với khoản tiền phạt hơn 4 tỷ USD để dàn xếp các cáo buộc hình sự và phải thực hiện "sự rút lui hoàn toàn" khỏi Mỹ.

Sau cuộc điều tra kéo dài nhiều năm về hoạt động của sàn giao dịch tiền mã hóa, Binance và ông Triệu đã đồng ý tham gia một thỏa thuận nhận tội với một loạt cơ quan liên bang Mỹ, bao gồm Bộ Tư pháp (DOJ) và Bộ Tài chính.

Là một phần của thỏa thuận, Binance đã đồng ý nhận tội hình sự và trả hơn 4 tỷ USD tiền phạt như một phần của thỏa thuận dàn xếp.

Theo hồ sơ tòa án, nền tảng tiền mã hóa này bị buộc ba tội danh, bao gồm rửa tiền, âm mưu tiến hành hoạt động kinh doanh chuyển tiền không có giấy phép và vi phạm các lệnh trừng phạt của Mỹ.

Ông Triệu, người hôm thứ 3 (21/11) đã xuất hiện tại tòa án ở Seattle, Washington để nhận tội vì đã không duy trì chương trình chống rửa tiền hiệu quả tại Binance, đã đồng ý từ chức Giám đốc điều hành của công ty.

"Hôm nay, tôi từ chức CEO của Binance. Phải thừa nhận rằng việc buông bỏ không hề dễ dàng về mặt cảm xúc. Nhưng tôi biết đó là điều đúng đắn. Tôi đã phạm sai lầm và tôi phải chịu trách nhiệm", ông nói trên một bài đăng trên X.

Theo thỏa thuận nhận tội, Binance đã đồng ý giao nộp 2,5 tỷ USD và nộp phạt hình sự 1,8 tỷ USD, theo DOJ.

“Binance đã trở thành sàn giao dịch tiền mã hóa lớn nhất thế giới một phần vì những tội phạm mà nó đã gây ra – giờ đây nó phải trả một trong những khoản phạt doanh nghiệp lớn nhất trong lịch sử Mỹ”, Bộ trưởng Tư pháp Merrick Garland cho biết trong một tuyên bố.

Binance nhận tội rửa tiền và nộp phạt 4,3 tỷ USD, CEO từ chức
Người sáng lập và Giám đốc điều hành Binance, ông Triệu Trường Bằng, người Canada gốc Trung Quốc, còn được gọi là CZ, trong cuộc phỏng vấn tại hội chợ khởi nghiệp và đổi mới công nghệ ở Paris, Pháp, vào ngày 16/5/2022. (Ảnh: ERIC PIERMONT/AFP qua Getty Images)

Giám sát tuân thủ

Bên cạnh việc bị phạt tổng cộng 4,3 tỷ USD, Binance còn đồng ý duy trì một cơ quan giám sát tuân thủ độc lập và tăng cường các chương trình tuân thủ lệnh trừng phạt và chống rửa tiền.

Theo Bộ Tài chính Mỹ, các vi phạm của Binance bao gồm việc không ngăn chặn và báo cáo các giao dịch đáng ngờ với các nhóm khủng bố, bao gồm Lữ đoàn Al-Qassam của Hamas, Jihad Hồi giáo Palestine, Al Qaeda và ISIS.

“Binance đã nhắm mắt làm ngơ trước các nghĩa vụ pháp lý của mình để theo đuổi lợi nhuận”, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen cho biết trong một thông cáo báo chí. “Những thất bại cố ý của nó đã cho phép tiền chảy vào tay những kẻ khủng bố, tội phạm mạng và những kẻ lạm dụng trẻ em thông qua nền tảng của nó”.

Theo Bộ Tài chính, công ty tiền mã hóa này cũng không thể ngăn chặn và báo cáo các giao dịch đáng ngờ từ hàng loạt kẻ tấn công ransomware (mã độc tống tiền), kẻ rửa tiền và các kẻ phạm tội khác, cũng như các giao dịch khớp lệnh giữa người dùng Mỹ và những người ở các quốc gia bị trừng phạt như Iran và Triều Tiên.

Tiền từ khoản tiền phạt áp dụng cho Binance sẽ được chia cho các cơ quan chính phủ khác nhau, với 3,4 tỷ USD sẽ được chuyển đến Mạng lưới Thực thi Tội phạm Tài chính (FinCEN) của Bộ Tài chính.

Dàn xếp của FinCEN cũng áp đặt sự giám sát trong 5 năm và yêu cầu “Binance hoàn toàn rời khỏi Mỹ”, Bộ Tài chính cho biết trong một tuyên bố, trong đó lưu ý rằng việc công ty vi phạm luật trừng phạt và chống rửa tiền của Mỹ đã làm suy yếu “an ninh quốc gia và tính toàn vẹn của hệ thống tài chính quốc tế”.

Binance cũng sẽ trả khoản tiền phạt 969 triệu USD cho Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài (OFAC). Cơ quan này yêu cầu Binance tuân theo một loạt nghĩa vụ tuân thủ mạnh mẽ đối với các biện pháp trừng phạt.

“Để đảm bảo rằng Binance hoàn thành các điều khoản dàn xếp của mình - bao gồm cả việc không cung cấp dịch vụ cho người Mỹ - và để đảm bảo rằng hoạt động bất hợp pháp được giải quyết, Bộ Tài chính sẽ giữ quyền truy cập vào sổ sách, hồ sơ và hệ thống của Binance trong thời gian 5 năm thông qua một công cụ giám sát", Bộ Tài chính nói.

Bộ Tài chính cho biết việc Binance không tuân thủ các nghĩa vụ dàn xếp của mình có thể khiến công ty phải chịu các hình phạt bổ sung “đáng kể”. Điều này bao gồm khoản phạt bị đình chỉ trị giá 150 triệu USD, sẽ được FinCEN thu nếu Binance không tuân thủ các điều khoản giám sát và các cam kết tuân thủ khác.

Binance nhận tội rửa tiền và nộp phạt 4,3 tỷ USD, CEO từ chức
Logo Binance được hiển thị trên màn hình vào ngày 06/6/2023 tại San Anselmo, California, Mỹ. (Ảnh: Justin Sullivan/Getty Images)

Ưu tiên cho tăng trưởng và lợi nhuận

Theo DOJ, các tài liệu của tòa án cho thấy Binance thừa nhận ưu tiên tăng trưởng và lợi nhuận hơn là tuân thủ luật pháp Mỹ, dẫn đến việc không đăng ký với FinCEN và thực hiện các biện pháp chống rửa tiền.

Mặc dù đã thông báo chặn khách hàng Mỹ vào năm 2019, Binance vẫn giữ lại những khách hàng quan trọng ở Mỹ, bao gồm cả những khách hàng "VIP" có giá trị. Sàn giao dịch thiếu các giao thức nhận biết khách hàng (KYC) hiệu quả, không giám sát các giao dịch một cách có hệ thống và chưa bao giờ gửi báo cáo hoạt động đáng ngờ (SAR).

Việc không tuân thủ của Binance đã cho phép sàn có lượng giao dịch hàng nghìn tỷ USD, tạo ra lợi nhuận hơn 1,6 tỷ USD. Thông tin liên lạc nội bộ cho thấy việc thiếu các giao thức để cảnh báo rủi ro rửa tiền, điều này thu hút các chủ thể bất hợp pháp vào sàn giao dịch. Ngoài ra, Binance còn cố tình tạo điều kiện thuận lợi cho các giao dịch giữa người dùng Mỹ và những người ở các khu vực pháp lý bị trừng phạt, thu về hơn 898 triệu USD trong các giao dịch như vậy từ năm 2018 đến năm 2022.

“Ngay từ khi bắt đầu tồn tại, Binance và người sáng lập Triệu Trường Bằng đã chọn sự tăng trưởng và sự giàu có cá nhân thay vì tuân theo các quy định tài chính nhằm ngăn chặn hoạt động rửa tiền từ tội phạm”, Quyền Công tố viên Mỹ Tessa M. Gorman của Quận Tây của Bang Washington cho biết trong một tuyên bố.

DOJ cho biết Binance đã nhận được sự ghi nhận một phần cho sự hợp tác trong cuộc điều tra, mặc dù cơ quan này lưu ý rằng Binance “đã không tiết lộ kịp thời và tự nguyện về hành vi sai trái”.

Với việc ông Triệu đồng ý từ chức, ông Richard Teng đã được bổ nhiệm làm Giám đốc điều hành mới của Binance.

Ông nói trong một tuyên bố: “Thật vinh dự và với sự khiêm tốn sâu sắc nhất, tôi bước vào đảm nhận vai trò Giám đốc điều hành mới của Binance”.

Ông Teng từng là Giám đốc Toàn cầu về Thị trường Khu vực tại Binance trước khi được bổ nhiệm làm Giám đốc điều hành mới.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Binance nhận tội rửa tiền và nộp phạt 4,3 tỷ USD, CEO từ chức