Bình luận: Tại sao Trung Quốc không có được lạm phát?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trái với tư duy thông thường, chính sách giảm lãi suất hiện nay tại Trung Quốc có thể dẫn đến giảm phát chứ không phải lạm phát. Nhưng Bắc Kinh lại không có ý định thay đổi chính sách này.

Bài bình luận

Các nhà kinh tế và công chúng thường nghĩ lạm phát là điều xấu.

Lạm phát làm xói mòn sức mua, khiến hàng hóa và dịch vụ trở nên đắt đỏ hơn theo giá trị thực và khiến mọi người ít chắc chắn hơn về các quyết định trong tương lai, chẳng hạn như các quyết định về đầu tư và nơi làm việc. Tuy nhiên, Trung Quốc lại gặp phải vấn đề ngược lại là giá cả đi ngang, theo sau một đợt giảm giá gần đây. Vậy nếu Trung Quốc cần có lạm phát thì tại sao nó lại không thể đạt được điều này?

Thực ra, sẽ là sai lầm khi nghĩ rằng các nhà kinh tế không muốn có bất kỳ lạm phát nào. Trên thực tế, sự đồng thuận chung về kinh tế cho rằng các ngân hàng trung ương nên nhắm tới tỷ lệ lạm phát thấp, chẳng hạn như khoảng 2% và duy trì nó ở mức ổn định. Tỷ lệ lạm phát 2–2,5% được cho là tỷ lệ cân bằng chung trong những thời kỳ bình thường. Nó không quá cao để ngăn cản tăng trưởng, nhưng đồng thời chỉ đủ cao để trong thời kỳ suy thoái, tỷ lệ này có thể được hạ xuống để thúc đẩy tăng trưởng.

Mặc dù hầu hết công chúng ít chú ý đến kỳ vọng lạm phát, nhưng các nhà kinh tế lại có xu hướng chú ý nhiều hơn đến việc các ngân hàng trung ương tiêu tốn nhiều năng lượng như thế nào trong vấn đề này. Kỳ vọng lạm phát có ý nghĩa vô cùng quan trọng vì chúng thúc đẩy rất nhiều quyết định mà người tiêu dùng và doanh nghiệp đưa ra và tạo ra một vòng lặp tự tồn tại. Nếu người tiêu dùng mong đợi giá sẽ tăng trong tương lai, họ có thể mua thứ gì đó ngay bây giờ, khiến giá tăng và củng cố cho kỳ vọng của họ. Các ngân hàng trung ương nhắm mục tiêu duy trì kỳ vọng ổn định về mức tăng giá thấp.

Tất cả các quốc gia, đặc biệt là các quốc gia mắc nợ cao như Trung Quốc và chính phủ liên bang Hoa Kỳ (quốc gia này đang ngày càng trở nên như vậy), cần lạm phát và lãi suất thấp. Lấy một ví dụ đơn giản: Nếu chính phủ trả lãi suất 1% cho trái phiếu dài hạn nhưng tỷ lệ lạm phát trung bình là 2% thì chính phủ thực sự đang trả lãi suất thực âm là 1%.

Để quản lý tăng trưởng, lạm phát và kỳ vọng lãi suất, các ngân hàng trung ương cho rằng vấn đề ngay từ đầu là do nhu cầu dư thừa. Có thể lãi suất là quá thấp, các doanh nghiệp và người tiêu dùng vay mượn quá nhiều, hoặc chính phủ đang thâm hụt quá lớn, điều này đang đẩy hoạt động kinh tế lên cao hơn xu hướng dài hạn, thúc đẩy lạm phát. Tuy nhiên, điều gì sẽ xảy ra nếu điều này là sai và nguyên nhân gây ra lạm phát không đến từ dư thừa cầu mà đến từ nguồn cung?

Trung Quốc có tỷ lệ tiêu dùng rất thấp, với hầu hết hoạt động kinh tế được thúc đẩy bởi hoạt động đầu tư vào mọi thứ, từ bất động sản đến cơ sở hạ tầng và phát triển công nghiệp. Khi có thêm một ngành nào đó, từ bất động sản đến sản xuất hàng hóa, bị dư cung, giá hàng hóa sẽ giảm. Vì vậy, nếu động lực giảm phát ở một quốc gia xuất phát từ tình trạng dư cung quá mức, đẩy giá cả xuống thấp, trong khi chính phủ lại tập trung vào tăng cường đầu tư công nghiệp, thì lãi suất thấp hơn sẽ mang lại kết quả gì?

Nếu vấn đề của giảm phát là do nhu cầu quá ít thì việc giảm lãi suất sẽ giúp tăng nhu cầu bằng cách kích thích đầu tư. Tuy nhiên, nếu vấn đề là nguồn cung quá nhiều, việc giảm lãi suất sẽ chỉ làm tăng đầu tư và nguồn cung, khiến giá giảm kéo dài. Nói cách khác, trái ngược với quan điểm thông thường, việc giảm lãi suất sẽ không làm tăng lạm phát mà làm giảm mức giá cả.

Trên thực tế, đây là vấn đề mâu thuẫn mà Trung Quốc phải đối mặt. Cho vay đối với lĩnh vực sản xuất và công nghiệp tăng trưởng mạnh trong năm qua, ngay cả khi cho vay bất động sản đi ngang. Giá nhà sản xuất ở mức âm trước khi bùng phát dịch bệnh COVID-19 và trải qua một đợt tăng vọt sau đại dịch, khi giá sản xuất tăng trở lại nhưng sau đó lại chuyển sang mức âm, giảm 5% vào tháng 7/2023 và lần giảm gần đây nhất là 3%.

Với hầu hết các lĩnh vực chính phụ thuộc nhiều vào trợ cấp và khuyến khích của chính phủ để duy trì hoạt động, nguồn tài chính mới sẽ chảy vào các công ty vốn nên rời khỏi thị trường hoặc xây dựng thêm công suất sản xuất trong một thị trường vốn đã tràn ngập sản phẩm. Giảm lãi suất, thường được xem là kênh tốt nhất để thúc đẩy lạm phát, có khả năng làm trầm trọng thêm lạm phát khi năng lực sản xuất mới xuất hiện và các công ty phải đấu tranh để tồn tại.

Thực tế đây là một quyết định chính trị và tình hình không thể được thay đổi một cách đơn giản. Trong khi các ngân hàng trung ương ở Hoa Kỳ và Châu Âu bảo vệ sự độc lập của mình thì Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc là một cơ quan chính trị phục tùng Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), giống như mọi thứ khác ở Trung Quốc. Bắc Kinh đã tuyên bố ý định thống trị lĩnh vực sản xuất, đặc biệt là trong các lĩnh vực then chốt và công nghệ cao. Nói cách khác, mặc dù điều này có thể dẫn đến giảm phát, ĐCSTQ không có ý định thay đổi chính sách tiền tệ của mình để thúc đẩy tăng trưởng chất lượng cao hơn.

Nếu kinh tế là quan trọng, thì việc phân tích chính sách và những việc cần làm với lãi suất sẽ trở nên đơn giản hơn, mặc dù ở đây chúng nằm ngoài khuôn khổ tư duy thông thường. Tuy nhiên, dưới sự dẫn dắt của ĐCSTQ, những cuộc thảo luận vốn không được dẫn dắt bởi tư duy kinh tế.

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTD Việt Nam.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch

Tác giả Christopher Balding từng làm việc tại Đại học Fulbright Việt Nam và Trường Kinh doanh HSBC thuộc Đại học Bắc Kinh. Ông chuyên nghiên cứu về kinh tế, thị trường tài chính và công nghệ Trung Quốc. Là thành viên cao cấp của tổ chức Henry Jackson Society, ông đã sống ở Trung Quốc và Việt Nam trong hơn một thập kỷ trước khi chuyển đến Mỹ.



BÀI CHỌN LỌC

Bình luận: Tại sao Trung Quốc không có được lạm phát?