Bình luận: Thất bại kinh tế và biện pháp khắc phục hài hước của Bắc Kinh

Giúp NTDVN sửa lỗi

Apple đang rời xa Trung Quốc, trong khi nỗ lực phục hồi chi tiêu của người tiêu dùng của Bắc Kinh dường như hoàn toàn không hiệu quả và mang tính chất hài hước.

Bài bình luận

Hai tin tức từ châu Á minh họa cùng một lúc các vấn đề kinh tế của Trung Quốc và sự kém cỏi của Bắc Kinh trong việc giải quyết chúng.

Một là quyết định của Apple về việc chuyển dây chuyền lắp ráp iPhone từ Trung Quốc sang các nơi khác ở châu Á. Thứ hai là những nỗ lực yếu ớt, gần như hài hước của Bắc Kinh nhằm kích thích chi tiêu của người tiêu dùng như một động lực kinh tế nhằm thay thế mối quan hệ xuất khẩu đang suy yếu đối với Hoa Kỳ, châu Âu và Nhật Bản, trong đó quyết định của Apple là một phần của cả xu hướng chung.

Trong khi Apple từng thực hiện gần như toàn bộ hoạt động lắp ráp iPhone tại Trung Quốc, phần lớn để xuất khẩu trở lại Mỹ và các nước còn lại trên thế giới, Giám đốc điều hành Tim Cook của công ty đã dành chuyến thăm châu Á gần đây để nói về kế hoạch đa dạng hóa nguồn cung ứng khỏi Trung Quốc. Công ty đã đưa ra một cam kết lớn với Việt Nam, chi khoảng 16 tỷ USD vào cơ sở vật chất ở Việt Nam trong 5 năm qua và theo bình luận của Apple về chuyến đi của ông Cook, công ty đang lên kế hoạch cho một cam kết còn lớn hơn.

Ngoài ra, trong chuyến thăm gần đây, ông Cook đã chỉ ra rằng Apple có kế hoạch mở rộng sản xuất iPhone tại Ấn Độ, nhanh chóng nâng sản lượng ở khu vực này lên 1/4 sản lượng toàn cầu của công ty. Khi dừng chân ở Indonesia, nơi Apple chưa có hiện diện, ông mô tả đất nước này có “tiềm năng đầu tư vô tận”. Tất cả sự phát triển này sẽ khiến Trung Quốc phải trả giá một cách tương đối và tuyệt đối.

Đây chỉ là ví dụ mới nhất về một loạt động thái của các doanh nghiệp phương Tây và Nhật Bản nhằm chuyển hướng đầu tư từ Trung Quốc sang các địa điểm khác, chủ yếu là ở những nơi khác ở châu Á. Nguyên nhân của sự thay đổi này và những vấn đề mà nó mang tới cho Trung Quốc có ba nguồn gốc.

Một là việc sản xuất của Trung Quốc không đáp ứng được nhu cầu của người mua nước ngoài trong đại dịch COVID-19, đặc biệt là sau khi thế giới mở cửa trở lại. Khi này, Bắc Kinh vẫn tiếp tục đóng cửa và cách ly với chính sách zero-COVID. Trải nghiệm tồi tệ này đã giết chết danh tiếng vững chắc một thời của Trung Quốc về độ tin cậy và do đó đã xóa bỏ sức hấp dẫn lớn đối với đầu tư nước ngoài và hoạt động tìm nguồn cung ứng của các công ty quốc tế.

Thứ hai là nỗi ám ảnh gần đây của Bắc Kinh về an ninh và gián điệp. Bắc Kinh luôn áp đặt các hạn chế đối với các hoạt động của nước ngoài tại Trung Quốc. Tuy nhiên, nỗi ám ảnh quá mức này đã dẫn đến các cuộc đột kích vào các doanh nghiệp nước ngoài và nói chung cản trở hoạt động kinh doanh hàng ngày, đặc biệt là khả năng các hoạt động thuộc sở hữu nước ngoài thực hiện nghiên cứu thị trường và liên lạc với trụ sở chính của họ ở nước ngoài. Hành vi như vậy có thể dễ dàng thuyết phục những người ra quyết định của các doanh nghiệp rằng hoạt động tại Trung Quốc sẽ mang lại ít lợi ích hơn và họ sẽ thu được nhiều lợi ích hơn từ các cơ sở mới ở Việt Nam, hay như Philippines và Indonesia, nơi các công ty khác đã thiết lập hoạt động.

Lý do thứ ba để rời khỏi Trung Quốc là mối quan hệ thương mại ngày càng căng thẳng giữa một bên là Bắc Kinh và một bên là Washington, Brussels và Tokyo. Có một thời, chính phủ ở các thủ đô này ủng hộ sự phát triển của Trung Quốc như một lợi ích đối với thương mại và hợp tác quốc tế. Tuy nhiên, các hành vi thương mại không công bằng và sự hiếu chiến của Bắc Kinh ở Biển Đông và Biển Hoa Đông đã thuyết phục các chính phủ này thay đổi suy nghĩ.

Hoa Kỳ đã áp đặt thuế quan đối với các sản phẩm của Trung Quốc và những bình luận gần đây của Tổng thống Joe Biden cho thấy thuế quan có thể sẽ tăng lên. Đối thủ chính trị của ông Biden tại Mỹ, cựu Tổng thống Donald Trump, cũng có quan điểm tương đồng. Brussels cũng đang xem xét việc áp dụng thuế quan như một hình phạt đối với những gì họ cho là việc Trung Quốc bán phá giá xe điện trên thị trường của mình. Cho đến nay, Nhật Bản vẫn chưa thảo luận về mức thuế mới, nhưng Tokyo đã cảnh báo về các hành vi của Trung Quốc và thực hiện các bước để tránh việc Trung Quốc ngừng cung ứng các sản phẩm quan trọng, đặc biệt là các nguyên tố đất hiếm.

Ngoài ra, những bất ổn do thái độ khắc nghiệt hơn của chính phủ Trung Quốc gây ra đã thuyết phục các doanh nghiệp rằng những nơi khác ngoài Trung Quốc ít rủi ro hơn. Những quyết định kinh doanh như vậy đã tước đi của Trung Quốc nguồn đầu tư vốn mà nền kinh tế nước này từng dựa vào, cũng như lấy đi hoạt động xuất khẩu, việc làm và thu nhập từng tới từ các cơ sở sản xuất mà các công ty nước ngoài xây dựng và thiết lập hoạt động ở Trung Quốc. Trung Quốc có thể muốn khuyến khích tiêu dùng trong nước như một động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thay thế cho sự mất mát trong hỗ trợ từ nước ngoài. Nhưng về vấn đề này, Bắc Kinh đã thể hiện sự kém cỏi một cách nổi bật.

Hiện tại, người tiêu dùng Trung Quốc không thể đóng vai trò thay thế như vậy. Họ đang chán nản vì di sản của việc phong tỏa zero-COVID. Mô hình hoạt động kinh tế gián đoạn mà chính sách này áp đặt đã làm suy yếu niềm tin của người lao động bình thường rằng họ có thể kiếm được tiền lương một cách đều đặn. Ngoài ra, sự miễn cưỡng của Bắc Kinh trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng bất động sản, khi nó bùng phát vào năm 2021, đã dẫn đến sự sụt giảm trong hoạt động xây dựng và mua nhà kéo dài cho đến ngày nay. Điều tồi tệ hơn là sự thờ ơ của Bắc Kinh đã làm giảm giá trị bất động sản đến mức làm tổn hại đến tài sản của các hộ gia đình. Tất cả những vấn đề này đã hạn chế chi tiêu của người tiêu dùng.

Sự yếu kém mà Bắc Kinh thể hiện trong việc khắc phục những áp lực này, đặc biệt là trong việc làm giảm nhẹ cuộc khủng hoảng bất động sản, khiến người tiêu dùng Trung Quốc sẽ tiếp tục hạn chế chi tiêu trong tương lai gần. Cho đến nay, nhiều nhất thì Bắc Kinh mới chỉ đưa ra nguồn tài trợ đặc biệt cho một số dự án bất động sản chọn lọc đang bị tạm dừng, mà các nhà hoạch định chính sách gọi là “danh sách trắng”. Nhưng số tiền liên quan quá nhỏ để tạo nên sự khác biệt. Cho đến nay, chương trình chỉ cung cấp được hơn 5% số tiền vỡ nợ của nhà phát triển bất động sản thất bại đầu tiên (Evergrande), chưa kể đến tất cả những nhà phát triển thất bại khác.

Một hỗ trợ chính sách khác liên quan đến việc cắt giảm lãi suất quy mô nhỏ của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC). Kể từ khi ngân hàng bắt đầu chính sách này, lãi suất đã giảm chưa đến nửa phần trăm. Những sự cắt giảm nhỏ như vậy hầu như không đủ để thúc đẩy các hộ gia đình, chứ đừng nói đến các doanh nghiệp. Đặc biệt là vì, cùng lúc đó, kinh tế Trung Quốc đã chuyển từ lạm phát ở mức thấp sang giảm phát ở mức thấp, nên những đợt cắt giảm lãi suất nhỏ cũng dẫn đến việc lãi suất thực tăng (sau khi điều chỉnh theo lạm phát và giảm phát), một yếu tố không thúc đẩy được kinh tế.

Sự trợ giúp duy nhất khác mà Bắc Kinh đưa ra là nâng cao giá trị tái chế của các thiết bị gia dụng và ô tô. Theo Bộ Thương mại Trung Quốc, điều này sẽ khuyến khích các hộ gia đình và cá nhân thay thế các mặt hàng thường xuyên hơn và mua sắm mạnh mẽ hơn. Bộ tuyên bố rằng nó sẽ kích thích nền kinh tế và giúp ích cho môi trường thông qua việc sở hữu rộng rãi hơn các sản phẩm mới, xanh hơn. Những chính sách như vậy dường như khó có thể khắc phục được tác động của zero-COVID và cuộc khủng hoảng bất động sản. Mặc dù vậy, chúng lại mang yếu tố hài hước. Xét cho cùng, nó gợi nhớ đến những nỗ lực của chính quyền Obama sau cuộc suy thoái năm 2009 ở Hoa Kỳ nhằm khuyến khích người dân bán ô tô cũ và mua ô tô mới nhằm kích thích chi tiêu của người tiêu dùng và thúc đẩy chương trình nghị sự xanh. Chương trình này được gọi là “Tiền mặt cho đồ cũ hỏng”, và chẳng có mấy tác dụng. Nỗ lực của Trung Quốc không có gì đáng chú ý hơn để khiến nó cho kết quả tốt hơn.

Nền kinh tế Trung Quốc cần được giúp đỡ. Các nhà hoạch định chính sách của Bắc Kinh cần tìm ra những cách tốt hơn để kích thích chi tiêu của người tiêu dùng so với những gì họ đã đưa ra cho đến nay. Một đợt tái cấp vốn lớn cho lĩnh vực bất động sản có thể hữu ích. Họ cần làm dịu đi sự thù địch đối với hoạt động thương mại với Trung Quốc ở Washington, Brussels và Tokyo, có lẽ bằng cách từ bỏ những hành vi rõ ràng là không công bằng của họ. Họ cần thuyết phục các doanh nghiệp ở Hoa Kỳ, châu Âu và Nhật Bản rằng điểm đến đầu tư tại Trung Quốc ít rủi ro hơn và đáng tin cậy hơn so với những gì nó đã trở thành trong khoảng 5 năm qua. Vì cho đến nay chưa có điều gì tương tự như những điều trên xuất hiện, nên các vấn đề kinh tế của Trung Quốc dường như sẽ tiếp tục kéo dài trong thời gian tới.

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTD Việt Nam.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch

Tác giả Milton Ezrati là biên tập viên của The National Interest - một chi nhánh của Trung tâm Nghiên cứu Nguồn Nhân lực tại Đại học Buffalo (SUNY), và là nhà kinh tế trưởng của Vested - công ty truyền thông có trụ sở tại New York. Trước khi gia nhập Vested, ông từng là nhà chiến lược thị trường và nhà kinh tế trưởng cho Lord, Abbett & Co. Ông thường xuyên viết bài cho City Journal và viết blog cho Forbes. Cuốn sách mới nhất của ông có nhan đề "Thirty Tomorrows: The Next Three Decades of Globalization, Demographics, and How We Will Live" (30 mươi năm sau: Ba thập kỷ tiếp theo của toàn cầu hóa, nhân khẩu học, và cách chúng ta sẽ sinh sống).



BÀI CHỌN LỌC

Bình luận: Thất bại kinh tế và biện pháp khắc phục hài hước của Bắc Kinh