Bức tranh lợi nhuận ảm đạm báo trước những đợt cắt giảm nhân sự tại Mỹ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Đối mặt với mức lợi nhuận đang giảm dần, các doanh nghiệp sẽ phải thực hiện các hành động cắt giảm chi phí như thu hẹp bộ máy nhân sự.

Trong khi người ta phải bất ngờ về tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ, bức tranh lợi nhuận lại đang báo hiệu những đợt cắt giảm sắp tới.

Mặc dù mức lợi nhuận và tỷ suất lợi nhuận đã giảm trong khoảng một năm qua, nhưng phần lớn doanh nghiệp đã tránh được việc cắt giảm nhân sự. Thật vậy, các công ty vẫn đang tiếp tục tuyển dụng. Có vẻ như mặc dù mức sản lượng và doanh số bán hàng chậm lại, các nhà quản lý đang tích trữ lao động, có lẽ bị ám ảnh bởi tình trạng thiếu hụt nhân sự khiến họ không thể phục hồi nhanh chóng sau khi lệnh phong tỏa và kiểm dịch do COVID-19 được dỡ bỏ vào năm 2021. Lợi nhuận đã bị ảnh hưởng dưới sức nặng của chi phí tiền lương bổ sung này. Những mô hình như vậy không thể tiếp tục vô thời hạn. Với lợi nhuận giảm trở lại trong quý mùa xuân (quý II), xu hướng tích trữ lao động như vậy sẽ sớm kết thúc. Sau đó, các đợt cắt giảm sẽ bắt đầu.

Cho đến nay, chỉ có một ít dữ liệu chính thức về lợi nhuận của các công ty từ tháng 4 đến tháng 6. Tuy nhiên, các nhà quản lý công ty đã đưa ra các thông tin hướng dẫn và tất cả đều chỉ ra rằng lợi nhuận đang bị thu hẹp. Các ước tính về các công ty trong S&P 500 cho thấy lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu giảm 8,1% so với quý mùa xuân năm ngoái. Đây là một con số đáng kinh ngạc vì quý hai năm ngoái đủ yếu để khiến một mức lợi nhuận tầm thường cũng trở nên tốt khi so sánh với nó. Khi tính đến sự sụt giảm số lượng cổ phiếu đang lưu hành do hoạt động mua lại và các động thái tương tự, con số sụt giảm 8,1% trên mỗi cổ phiếu cho thấy thu nhập ròng giảm 11,4%.

Tất nhiên, các ước tính thường quá bi quan. Các nhà quản lý có xu hướng đưa ra những thông tin thấp tiêu cực trong hướng dẫn công khai của họ để cuối cùng họ có thể mang lại sự ngạc nhiên thú vị cho các nhà phân tích và nhà đầu tư. Nhưng thông tin của họ không bao giờ quá sai lệch so với thực tế đến mức kỳ vọng về sự suy giảm này cuối cùng có thể biến thành sự tăng trưởng hoặc thậm chí là hiệu suất đi ngang so với một năm trước.

Điểm đáng chú ý nhất liên quan đến việc làm là kỳ vọng rằng doanh thu trên mỗi cổ phiếu S&P 500 trong quý II cũng được dự kiến ​​sẽ giảm chỉ dưới 1,0%. Với sự khác biệt giữa con số này và mức giảm lợi nhuận dự kiến, có vẻ như tỷ suất lợi nhuận sụt giảm rõ rệt. Kết quả này là hợp lý. Đặc biệt là khi doanh nghiệp dường như đang tích trữ lao động, nó mang lại một khoản chi phí đáng kể khiến cho bất kỳ sự sụt giảm doanh thu nào cũng có tác dụng đòn bẩy lớn đối với kết quả kinh doanh.

Những điều này được làm rõ trong bảng kế toán năng suất và nhân sự của Bộ Lao động Mỹ. Ở đây, tác động của việc tích trữ lao động trở nên rõ ràng. Tăng trưởng sản lượng rõ ràng đã chậm lại. Sản xuất chỉ tăng 2,2% trong năm ngoái và với tỷ lệ hàng năm là 0,9% trong quý đầu tiên của năm nay, giai đoạn gần đây nhất có dữ liệu. Tuy nhiên, số lượng nhân viên, tính theo số giờ làm việc, đã tăng 3,9% trong năm ngoái và ở mức 2,7% hàng năm trong quý đầu tiên. Năng suất - sản lượng mỗi giờ làm việc - theo đó đã giảm mạnh, giảm 1,6% vào năm ngoái và với tốc độ 1,7% hàng năm trong quý đầu tiên.

Cắt giảm và cắt giảm

Bức tranh lợi nhuận báo trước những đợt cắt giảm tại Mỹ
Một cửa hàng bán lẻ Amazon Go được nhìn thấy tại trụ sở của Amazon.com Inc. ở Seattle, Washington, Mỹ, vào ngày 14/11/2022. (Ảnh: David Ryder/Getty Images)

Áp lực do tình huống này gây ra đã khiến các công ty công nghệ bắt đầu cắt giảm nhân viên. Điều này cũng đúng với việc làm cổ cồn trắng nói chung. Ví dụ, Meta thực sự đã bắt đầu đợt cắt giảm chi phí vào mùa thu năm ngoái với việc cắt giảm 11.000 nhân viên, xóa bỏ thành quả của toàn bộ đợt bùng nổ tuyển dụng năm 2021. Tháng 3 vừa qua, ban quản lý Meta đã cắt giảm thêm 10.000 nhân viên. Google vào tháng 1 đã công bố ý định cắt giảm 12.000 nhân viên. Amazon còn làm hơn thế, thông báo cắt giảm 18.000. Ngành công nghiệp ô tô đã cắt giảm gần 31.000 việc làm. Citigroup, Intel, HP, Microsoft, Johnson & Johnson, Phillips 66 và Disney cũng đã đưa ra thông báo cắt giảm.

Tỷ lệ tăng trưởng nhân sự tổng thể mạnh mẽ được ghi nhận đồng thời ngụ ý việc tuyển dụng ở nơi khác đang làm được nhiều hơn việc bù đắp cho những động thái này, nhưng bức tranh lợi nhuận tiếp tục yếu cho thấy áp lực sẽ khiến những người đang tích cực tuyển dụng hiện nay nghiêng về phía những nhà lãnh đạo trên.

Ngay cả báo cáo việc làm tích cực vào tháng 6 của Bộ Lao động cũng mang những ám chỉ về thứ áp lực đang gia tăng này. Các ngành sản xuất hàng hóa đã thuê khoảng 29.000 người trong tháng 6 - một kết quả không tệ nhưng thấp hơn đáng kể so với mức 50.000 được ghi nhận vào thời điểm này một năm trước. Các công ty dịch vụ đã thuê 120.000 người - một lần nữa là tốt, nhưng chưa bằng một nửa so với 332.000 của một năm trước. Nếu không có sự bùng nổ đột ngột về tuyển dụng trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và giáo dục, thì ngành dịch vụ sẽ có rất ít tăng trưởng. Thương mại bán buôn, thương mại bán lẻ và kho bãi đều cắt giảm nhân sự trong tháng 6.

Cũng không có lý do gì để ta có thể mong đợi một sự gia tăng đột ngột trong hoạt động kinh tế, điều có thể sử dụng hết số lượng nhân sự dư thừa này và do đó cứu vớt được tỷ suất lợi nhuận. Cục Dự trữ Liên bang tiếp tục tăng lãi suất và hứa sẽ giữ lãi suất cao trong một thời gian. Châu Âu đang suy thoái, và tin tức từ châu Á cho thấy Trung Quốc đang đối mặt với các vấn đề kinh tế. Trong trường hợp không có sự giải cứu từ hoạt động kinh tế đang gia tăng, doanh nghiệp Mỹ sẽ tiếp tục đối mặt với việc lợi nhuận đang giảm dần và kết quả là phải thực hiện các hành động cắt giảm chi phí. Những hành động đó chắc chắn sẽ bao gồm cắt giảm nhân sự.

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTD Việt Nam.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch

Tác giả Milton Ezrati là biên tập viên của The National Interest - một chi nhánh của Trung tâm Nghiên cứu Nguồn Nhân lực tại Đại học Buffalo (SUNY), và là nhà kinh tế trưởng của Vested - công ty truyền thông có trụ sở tại New York. Trước khi gia nhập Vested, ông từng là nhà chiến lược thị trường và nhà kinh tế trưởng cho Lord, Abbett & Co. Ông thường xuyên viết bài cho City Journal và viết blog cho Forbes. Cuốn sách mới nhất của ông có tựa đề "Thirty Tomorrows: The Next Three Decades of Globalization, Demographics, and How We Will Live" (30 mươi năm sau: Ba thập kỷ tiếp theo của toàn cầu hóa, nhân khẩu học, và cách chúng ta sẽ sinh sống).



BÀI CHỌN LỌC

Bức tranh lợi nhuận ảm đạm báo trước những đợt cắt giảm nhân sự tại Mỹ