Bức tường Jerusalem cổ đại xác nhận Kinh Thánh là đúng, các nhà khảo cổ tuyên bố

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một bước đột phá khoa học đã hé lộ sự thật về một địa điểm tại Jerusalem cổ đại, lật đổ hiểu biết trước đây và chứng thực lại một ghi chép trong Kinh Thánh.

Cho đến nay, các chuyên gia tin rằng một đoạn tường thành nằm ngay trung tâm của thành phố cổ được Hezekiah, Vua xứ Judah, xây dựng vào khoảng thế kỷ thứ 7 và 8 trước Công nguyên. Họ cho rằng, khi chứng kiến Đế chế Assyria tiêu diệt người láng giềng ở phía bắc, vương quốc Israel, Hezekiah đã cho xây dựng bức tường để phòng thủ.

Tuy nhiên, một nghiên cứu kéo dài gần một thập kỷ đã tiết lộ rằng bức tường đó thực ra được Uzziah, cụ cố của Hezekiah, xây dựng sau một trận động đất lớn. Và điều phù hợp với ghi chép trong Kinh Thánh. Theo đó, bức tường nằm trong Thành phố của David - khu di tích lịch sử được cho là một phần thị trấn Jerusalem thời đầu.

Ông Joe Uziel thuộc Cơ quan Cổ vật Israel (IAA) cho biết: "Trong nhiều thập kỷ, người ta cho rằng bức tường này được xây dựng bởi Hezekiah, Vua xứ Judah. Nhưng giờ đây, bằng chứng cho thấy nó có niên đại từ thời Vua Uzziah, giống như gợi ý trong Kinh Thánh”.

Uziel nói thêm: “Hiện tại, bằng chứng cho thấy bức tường ở phía đông, thuộc khu vực Thành phố của David, đã được xây dựng sớm hơn, ngay sau trận động đất lớn ở Jerusalem, và là một phần trong quá trình xây dựng thành phố”.

Kinh Thánh Cựu Ước đã miêu tả công trình xây dựng này trong Sách Sử biên 2.

Cuốn sách ghi: “Uzziah xây các tháp ở Jerusalem, tại Cổng Góc, Cổng Thung Lũng và góc tường, và ông đã gia cố thêm cho chúng”.

Kinh Thánh cũng đề cập đến hoạt động địa chấn. Sách Amos trong Cựu Ước ghi là "hai năm trước trận động đất, Uzziah làm vua xứ Judah".

Nghiên cứu này, một dự án hợp tác giữa IAA, Đại học Tel Aviv và Viện Khoa học Weizmann, đã làm rõ nguồn gốc của bức tường cổ bằng cách sử dụng phương pháp xác định niên đại bằng đồng vị phóng xạ carbon-14. Trong đó, các nhà khoa học sẽ đo sự phân rã của carbon-14 để xác định độ tuổi của các vật thể.

Theo IAA, trước đây, các nhà khoa học coi giai đoạn lịch sử này là một "hố đen" đối với phương pháp xác định niên đại bằng carbon-14, do mức độ biến động của đồng vị này trong khí quyển vào thời điểm đó. Nhưng bằng cách sử dụng các vòng cây cổ đại từ châu Âu, họ đã có thể lập biểu đồ những biến động này theo từng năm.

Elisabetta Boaretto thuộc Viện Khoa học Weizmann cho biết: “Độ chính xác của phép đo carbon-14 trước đây rất thấp, sai số 200-300 năm; không thể giúp chúng ta phân biệt được bất cứ điều gì. Trong nghiên cứu đã thực hiện tại Thành phố của David, chúng tôi đã thành công đạt trong việc đạt được độ chính xác với sai số dưới 10 năm, đây thực sự là kết quả rất mới và mang tính đột phá”.

Các nhà khoa học đã lấy mẫu vật từ các đồ tạo tác hữu cơ được tìm thấy tại bốn địa điểm khai quật khác nhau ở trung tâm cổ đại của Jerusalem - Thành phố của David. Trong số này có hạt nho, hột chà là và thậm chí cả bộ xương dơi. Tất cả đều được làm sạch, chuyển đổi thành than chì, rồi được đưa vào máy gia tốc hạt với tốc độ 3.000km/giây để tách carbon-14 khỏi các vật liệu hữu cơ. Sau đó, việc đo lường carbon sẽ tiết lộ tuổi thực sự của mẫu vật.

Yuval Gadot của Đại học Tel Aviv cho biết phương pháp này cũng tiết lộ rằng quá trình mở rộng về phía tây của thành phố xảy ra sớm hơn.

Gadot nói: “Hầu hết các nhà nghiên cứu đều liên kết sự phát triển của Jerusalem về phía tây với thời kỳ của Vua Hezekiah - cách đây hơn 2.700 năm. Cho đến nay, các quan điểm thường cho rằng thành phố mở rộng do những người tị nạn từ Vương quốc Israel ở phía bắc đến, sau cuộc lưu đày do người Assyria gây ra”.

Ông nói thêm: “Tuy nhiên, những phát hiện mới củng cố quan điểm cho rằng Jerusalem đã phát triển về quy mô và mở rộng về phía Núi Zion ngay từ thế kỷ thứ 9 trước Công nguyên. Việc này diễn ra dưới thời trị vì của Vua Jehoash - một trăm năm trước cuộc lưu đày do người Assyria gây ra. Xét trong bối cảnh này, nghiên cứu mới cho thấy sự mở rộng của Jerusalem là kết quả của sự gia tăng dân số trong nội bộ của xứ Judah và việc thiết lập các hệ thống chính trị và kinh tế”.

Ngoài ra, điều này cho thấy thành phố lớn hơn so với suy nghĩ trước đây trong thời kỳ trị vì của David và Solomon.

Tiến sĩ Uziel nói: “Trong thế kỷ thứ 10 trước Công nguyên, thời đại của David và Solomon, nghiên cứu này cho thấy thành phố đã có người cư trú ở các khu vực khác nhau, và có vẻ như rộng lớn hơn những gì chúng ta nghĩ trước đây. Chúng tôi có thể xác định các tòa nhà cụ thể và liên hệ chúng với các vị vua được đề cập trong Kinh Thánh”.

Vương quốc Judah tồn tại cho đến năm 587 trước Công nguyên, khi người Babylon bao vây và phá hủy thủ đô Jerusalem, cùng với Đền thờ Solomon - hay còn có tên gọi là Đền thờ Thứ nhất.

Theo Daily Mail



BÀI CHỌN LỌC

Bức tường Jerusalem cổ đại xác nhận Kinh Thánh là đúng, các nhà khảo cổ tuyên bố