Cách mạng Văn hóa ở Trung Quốc đã giết chết bao nhiêu người?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Cách mạng Văn hóa là phong trào chính trị lớn nhất do Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) phát động, là một thảm họa chưa từng có. Vậy có bao nhiêu người đã chết trong phong trào chính trị này? Cựu lãnh đạo ĐCSTQ Đặng Tiểu Bình từng thừa nhận rằng, đó là một con số thiên văn, một con số không bao giờ có thể tính hết được.

Từ tháng 5/1966 đến tháng 10/1976, ĐCSTQ đã phát động cuộc "Cách mạng Văn hóa" kéo dài 10 năm và gây ra hàng triệu vụ oan sai, không chỉ vô số trí thức và người dân Trung Quốc bị bức hại đến chết mà quan chức các cấp cũng không thoát khỏi nạn này, từ quan chức ở cấp cơ sở cho đến Chủ tịch nước.

Vậy có bao nhiêu người đã chết trong "Cách mạng Văn hóa"? Nhiều số liệu nghiên cứu và số liệu chính thức của chính quyền Trung Quốc chỉ ra rằng, có ít nhất hàng triệu người đã bị bức hại đến chết trong thời này.

Giáo sư Tô Dương (Su Yang) tại Đại học California, Irvine, đã thu thập dữ liệu về số người chết trong thời "Cách mạng Văn hóa" từ 1.520 cuốn biên niên sử do các huyện của Trung Quốc công khai xuất bản. Kết hợp với "các kho lưu trữ nội bộ" có thể tìm thấy và qua hồi ức của người trong cuộc, ông Tô suy luận rằng: trong thời "Cách mạng Văn hóa", ở các vùng nông thôn Trung Quốc, có ít nhất 750.000 đến 1,5 triệu người đã bị bức hại đến chết; số người bị đánh đập tới mức tàn tật cũng tương tự như trên; và có ít nhất 36 triệu người đã trải qua các mức độ bị đàn áp chính trị khác nhau. Mà dữ liệu này chưa bao gồm nạn nhân ở các thành phố lớn.

Ông Tô Dương viết trong chuyên khảo của mình rằng: Bởi vì tất cả các cuốn biên niên sử do chính quyền huyện công khai đều che đậy sự thật lịch sử ở các mức độ khác nhau, cho nên kết quả tính toán của ông vẫn có thể thấp hơn rất nhiều so với số người chết thực tế.

Cảnh báo: Cách mạng Văn hóa tại Mỹ
Một tấm áp phích được trưng bày vào cuối năm 1966 trên đường phố Bắc Kinh cho thấy cách đối phó với cái gọi là “kẻ thù của nhân dân” trong Cách mạng Văn hóa tại Trung Quốc. (Jean Vincent/AFP/Getty Images)

Giáo sư R. J. Rummel, một chuyên gia Mỹ về các vụ thảm sát trên thế giới, cho biết trong cuốn sách “Trung Quốc 100 năm đẫm máu” (China’s Bloody Century) rằng số người thiệt mạng trong "Cách mạng Văn hóa" là khoảng 7,73 triệu người.

Theo bài phát biểu của nguyên lão ĐCSTQ Diệp Kiếm Anh (Ye Jianying) tại lễ bế mạc Hội nghị Công tác Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc ngày 13/12/1978, trong "Cách mạng Văn hóa", có 20 triệu người đã chết, 100 triệu người bị chỉnh đốn - chiếm 1/9 dân số cả nước và 800 tỷ nhân dân tệ đã bị lãng phí.

"Cách mạng Văn hóa" đã gây tổn hại cực lớn cho giới tinh hoa Trung Quốc. Một lượng lớn các nhà văn, diễn viên, học giả, vận động viên… nổi tiếng đã phải chịu sự tra tấn nghiêm trọng về cả thể xác và tinh thần, nhiều người trong số họ đã tự sát vì không thể chịu được sự sỉ nhục. Bởi vì "Cách mạng Văn hóa" xảy ra trên phạm vi quá rộng nên tới nay vẫn không thể tính toán chính xác số người đã chết và mất tích một cách bất thường.

Theo cuốn "Tuyển tập Đặng Tiểu Bình", từ ngày 21-23/8/1980, ông Đặng Tiểu Bình đã được nữ nhà báo người Ý Oriana Fallaci phỏng vấn hai lần tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh. Câu đầu tiên bà Fallaci hỏi trong cuộc phỏng vấn là: “Có nên tiếp tục treo chân dung ông Mao Trạch Đông ở Quảng trường Thiên An Môn không?”. Câu thứ hai là: “Người Trung Quốc luôn nói rằng Cách mạng Văn hóa là do ‘Tứ nhân bang’ [1] gây ra, nhưng khi nói về bốn người này thì lại giơ ra năm ngón tay”.

Bà Fallaci sau đó tiếp tục hỏi ông Đặng Tiểu Bình: "Có bao nhiêu người đã chết trong Cách mạng Văn hóa?".

Ông Đặng trả lời: “Số người thực sự chết trong Cách mạng Văn hóa là một con số thiên văn, không bao giờ có thể ước tính được”.

Ông Đặng Tiểu Bình còn dẫn ra một vụ án oan kinh điển: Bí thư Tỉnh ủy Vân Nam Triệu Kiện Dân (Zhao Jianmin) bị ông Khang Sinh (Kang Sheng - một trong những người lãnh đạo ĐCSTQ chủ chốt thời kỳ đầu) đích thân chỉ định là kẻ phản bội, là đặc vụ của Quốc Dân Đảng. Ông Khang Sinh đã ra lệnh cho Bộ trưởng Công an Tạ Phú Trị (Xie Fuzhi) bắt ông Triệu Kiện Dân ngay tại chỗ và tống vào tù. Chỉ riêng vụ án của ông Triệu Kiện Dân đã liên lụy đến hơn 1,38 triệu người, đánh chết hơn 17.000 người và gây thương tật cho hơn 60.000 người. Chỉ riêng tại Côn Minh đã có 1.493 người thiệt mạng và 9.661 người bị đánh cho tàn tật.

Điều nghiêm trọng nhất là "Cách mạng Văn hóa" của ĐCSTQ đã gần như phá hoại hoàn toàn nền văn minh 5.000 năm của Trung Hoa. Một lượng lớn văn vật trên khắp nước này bị đập phá, các di tích lịch sử bị hư hại, thậm chí cả những di vật do tổ tiên để lại cũng bị Hồng vệ binh [2] phá hủy dưới khẩu hiệu “phá tứ cựu” [3], gây thiệt hại nghiêm trọng cho di sản văn hóa của Trung Quốc và thậm chí của cả nhân loại.

Tượng Phật bị đốt phá trong thời Đại Cách Mạng Văn Hóa. (Epoch Times)
Tượng Phật bị đốt phá trong thời Đại Cách Mạng Văn Hóa. (The Epoch Times)

Theo NTD tiếng Trung

Minh Lý biên dịch

Chú thích:

[1] Tứ nhân bang: hay còn được gọi là “bè lũ bốn tên”, là cụm từ để chỉ một nhóm lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã cấu kết với nhau để lộng quyền, kiểm soát các cơ quan quyền lực trong đảng và sát hại những người đối lập trong thời Đại Cách mạng Văn hóa (1966-1976), trong đó có bà Giang Thanh - người vợ thứ 4 của ông Mao Trạch Đông.

[2] Hồng vệ binh: hay còn gọi là Vệ binh đỏ, là danh xưng dùng để chỉ các thanh thiếu niên Trung Quốc được giáo dục tôn sùng chủ nghĩa Marx-Lenin và tư tưởng Mao Trạch Đông. Trong "Cách mạng Văn hóa" ở Trung Quốc hồi thập niên 1960, lực lượng này được coi là xung kích trong việc đấu tranh, phá bỏ những ‘tập tục cũ’ trong xã hội, nhưng dần dần họ đã trở nên quá khích, sử dụng bạo lực tra tấn, phá hoại và cướp đoạt tài sản, nhà cửa; bức tử, giết hại những cán bộ, đảng viên, tướng lĩnh và người dân bị họ cho là thiếu tin tưởng hoặc bất đồng chính kiến với ông Mao Trạch Đông và Đảng Cộng sản Trung Quốc.

[3] Phá tứ cựu: là khẩu hiệu hành động của phong trào "Cách mạng Văn hóa", nhằm phá bỏ “cựu tư tưởng, cựu văn hóa, cựu phong tục, cựu tập quán” của Trung Quốc.



BÀI CHỌN LỌC

Cách mạng Văn hóa ở Trung Quốc đã giết chết bao nhiêu người?