Giáo viên tiểu học Trung Quốc: 3 năm Zero Covid là 3 năm Đại Cách mạng Văn hóa tái diễn

Giúp NTDVN sửa lỗi

Bà Quách Tùng (Guo Song), một giáo viên tiểu học với hơn 30 năm kinh nghiệm giảng dạy tại Trung Quốc, mới đến New Zealand cách đây không lâu. Vào tháng 5 năm nay, bà đã đấu tranh cho vụ án oan của em trai mình, nhưng bị Đội chuyên án thành phố Thẩm Dương bắt giữ, tra tấn và đe dọa, vì vậy bà đã từ bỏ công việc tại Trung Quốc và chạy ra nước ngoài. Gần đây bà đã kể lại nỗi kinh hoàng trong 3 năm Zero Covid.

Bà Quách chia sẻ: "Tôi thực sự không muốn rời đi, tôi thực sự bị ép buộc. Tôi yêu bục giảng của mình, tôi thích nhìn vào đôi mắt của mỗi một đứa trẻ… Thượng đế đã phù hộ để tôi thoát ra. Bất cứ khi nào có cơ hội, tôi đều sẽ lên tiếng".

Ảnh chụp gần đây của bà Quách Tùng khi ở New Zealand. (Ảnh do bà Quách Tùng cung cấp)

Ba năm dịch bệnh, người dân sống trong kinh hoàng

Bà Quách Tùng gần đây nói với giới truyền thông rằng, trong ba năm xảy ra dịch bệnh, Trung Quốc đã tiêu tán số tiền quỹ bảo hiểm y tế tiết kiệm được trong nhiều thập kỷ - đây là chiếc bánh lớn. Trong thời gian xảy ra dịch bệnh, chi phí làm xét nghiệm axit nucleic (PCR) và tiêm vaccine đều được chi từ quỹ trên.

Vào tháng 2 năm nay, những người cao tuổi ở Vũ Hán, Đại Liên… đã xuống đường để phản đối việc chính phủ cắt giảm phúc lợi bảo hiểm y tế, cắt giảm phúc lợi trong tài khoản cá nhân của công nhân viên chức và đưa những số tiền đó vào quỹ chung.

Bà Quách Tùng cho hay: “Bây giờ tiền bảo hiểm y tế của những người dân thường (đã bị cắt giảm), như tôi trước đây mỗi tháng trừ hơn 200 tệ, sau đó nhà nước cấp cho bạn hơn 200 tệ, nhưng bây giờ đã trở thành khấu trừ của bạn hơn 200 tệ và chỉ cấp cho 50 - 60 hoặc 70 - 80 tệ".

"Đó là chưa kể, trước đây có hàng ngàn loại thuốc có thể được hoàn trả phí, nhưng bây giờ lại phải tự chi trả. Ngay cả khi bạn nhập viện, những loại thuốc này cũng không được bảo hiểm y tế hoàn trả. Lần này người dân thường đúng là càng khổ hơn, tiền đóng bảo hiểm y tế của mình lại phải đưa cho người khác lấp lỗ hổng”.

Bà Quách cho rằng phòng chống dịch bệnh chỉ là lừa dối người dân. Trong ba năm đại dịch, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã hành hạ người dân Trung Quốc, khiến họ phải sống trong sợ hãi mỗi ngày, “Đại Cách mạng Văn hóa” lại xuất hiện.

"Người dân bị khủng bố tới mức độ nào? Một người mà bị dương tính, toàn bộ người trong khu chung cư đó sẽ bị đưa đi [cách ly], huy động tới mấy chục chiếc xe buýt. Những người bước từ trên những chiếc xe đó xuống, chúng tôi gọi họ là Đại Bạch (Big Whites, từ để chỉ lực lượng phòng chống dịch của ĐCSTQ), vì họ mặc đồ trắng từ đầu trên chân, giống như cương thi vậy. Họ đưa tất cả mọi người lên xe buýt, còn gõ cửa từng nhà, không ra mở cửa là không được. Họ đưa tất cả mọi người vào bệnh viện cabin, nó như cái chuồng chó, mỗi người một ô.

"Hoặc là họ sẽ đưa bạn đến những cái lều lớn trống không ở Triển lãm ô tô Thẩm Dương, bên trong là hàng dãy giường. Nếu ai đó thực sự nhiễm Covid, và mọi người bị nhốt ở đây như nhốt lợn, họ có thể không bị nhiễm bệnh sao? Người đang khỏe cũng sẽ bị lây nhiễm. Đó là vì tốt cho người dân sao? Bọn họ (phía chính quyền) đều vì kiếm tiền, cứ thêm người tới là họ có thể chia nhiều tiền hơn. Tôi thấy thật quá ác. Cuối cùng, toàn bộ số tiền trong quỹ bảo hiểm y tế đã bị tiêu hết".

Bà Quách Tùng nhớ lại rằng, mỗi ngày trong khu dân cư đều có loa phóng thanh hô hào đi xét nghiệm axit nucleic, ngày ngày chọc cổ họng, buộc người dân phải tiêm phòng. Trường học nơi bà công tác có hơn 3.000 học sinh, tất cả đều đã tiêm vaccine, nếu không tiêm sẽ không được đến trường, không được vào cổng trường. Khi vào cổng phải lấy thẻ, quét mã QR, ngày nào cũng quét, hiện mã xanh lá thì được vào, mã đỏ thì không. Trong trường chỉ có một vài giáo viên tránh được tiêm vaccine vì lý do sức khỏe.

Bà Quách cũng nhất quyết không tiêm chủng và yêu cầu các học sinh viết "không tự nguyện" khi điền vào mẫu đơn. Bà cho biết, nếu xảy ra hậu quả thì bản thân người tiêm sẽ phải tự chịu trách nhiệm, cho nên phải nghĩ xem chích ngừa có thực sự tốt cho sức khỏe của lũ trẻ hay không? Tuy nhiên, một số phụ huynh lại nói với bà rằng, con họ hễ tới trường thì cái gì cũng phải chi tiền, nay tiêm vaccine lại không mất tiền, kêu tiêm thì tiêm đi vậy.

Sau khi Trung Quốc chính thức dỡ bỏ Zero Covid vào cuối năm ngoái, một lượng lớn người đã bị dương tính. Bà Quách nói: "Tôi cũng bị sốt, sốt trong một ngày, tôi uống Paracetamol là khỏi. Còn những người đã tiêm vaccine, triệu chứng lại nghiêm trọng hơn, bị sốt trong vài ngày, đầu đau như sắp phát nổ, nửa đêm chỉ muốn đập đầu vào tường”.

Qua vụ án oan, nhận rõ bộ mặt thật của ĐCSTQ

Kể từ khi ra nước ngoài, mỗi ngày bà Quách Tùng đều xem Twitter và đọc tin tức từ The Epoch Times cũng như NTDTV. "Tôi chỉ muốn nghe những điều này và biết được thế giới hiện nay đang ra sao. Tôi nghĩ các kênh truyền thông này đang làm rất tốt. Bạn có biết tôi cảm thấy thế nào không? Nếu tôi ra khỏi [Trung Quốc] sớm hơn 10 hay 20 năm, hoặc chỉ cần sớm hơn 5 hay 8 năm thôi, và biết được ĐCSTQ tà ác như thế thì tôi đã không để em trai mình phải chịu nỗi khổ này”.

“Tranh luận với nó (ĐCSTQ) về đúng sai quả là vô ích, bạn không bao giờ có thể thắng được. Cỗ máy xay thịt đó nghiền nát con người thành từng mảnh và làm người ta không thể khá lên được. Không còn cách nào khác, [sống trong chế độ đó thì] người nào càng tốt lại càng phải chịu đựng nhiều đau khổ", bà nói.

Em trai của bà Quách Tùng, ông Quách Hoằng (Guo Hong), là cán bộ cấp phòng của Cục Thỉnh nguyện thành phố Thẩm Dương. Vào 8 năm trước, ông Quách Hoằng tố cáo cục trưởng Trần Quốc Cường (hiện đã bỏ trốn) biển thủ hàng trăm triệu nhân dân tệ trong quỹ duy trì ổn định, nhưng cuối cùng chính ông lại bị tra tấn để bức cung. Cuộc tra tấn khiến ông bị thương ở tai trái, xương cổ, xương sống thắt lưng, v.v.

Trong thời gian diễn ra Đại hội 20 của ĐCSTQ vào tháng 10 năm ngoái, ông Quách Hoằng đã tự mình lái xe đến Bắc Kinh. Tại điểm dừng chân Bàn Cẩm, ông đã bị hơn 10 chiếc ô tô và hơn 30 người từ Cục Thỉnh nguyện và Công an thành phố Thẩm Dương bao vây 9 ngày 9 đêm. Sau đó ông bị bắt và đến nay vẫn bị giam ở trại tạm giam thành phố Thẩm Dương.

Để giải cứu em trai mình, bà Quách Tùng đã đi kêu oan và nộp tài liệu khắp nơi, nhưng bà lại bị cảnh sát theo dõi và đe dọa trong một thời gian dài. Cảnh sát cũng đưa tất cả bạn bè của bà đến đồn cảnh sát và đe dọa họ.

Bà Quách Tùng nói rằng qua chuyện này, bà đã nhận ra sự tà ác của ĐCSTQ. Bà hy vọng rằng ĐCSTQ sẽ diệt vong càng sớm càng tốt để trả lại cho người dân quyền tự do ngôn luận, tự do tôn giáo và tự do tín ngưỡng. Trong quá trình bảo vệ quyền lợi, bà Quách Tùng còn nhận được sự giúp đỡ từ các luật sư nhân quyền và từ những người dân oan khác cũng đi thỉnh nguyện, điều đó khiến bà tin rằng trên đời vẫn còn lòng chính nghĩa và sự thiện lương.

“Họ (chính quyền ĐCSTQ) không thực sự muốn giải quyết vấn đề cho người dân, đi thỉnh nguyện sẽ bị bắt”. Bà Quách Tùng tiết lộ, qua những người bảo vệ nhân quyền ở Thẩm Dương, bà biết được rằng Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã đến Bắc Kinh vài ngày trước và nghe nói vào khoảng 9 giờ tối ông Tập Cận Bình đã đến Cục Thỉnh nguyện Nhà nước; khi đó cảnh sát đã đuổi tất cả những người thỉnh nguyện đến một nơi cách đó 2 km; 2 - 3 ngày sau, tất cả họ đều bị bắt đi.

"Khi họ bị đưa đến [trung tâm dịch vụ cứu tế] Cửu Kính Trang [ở Bắc Kinh], họ bị trục xuất về nơi cư trú”. Bà Quách Tùng nói, "Bạn còn không biết thế chế ở Trung Quốc sao? Một khi lão đại đến là những người bên dưới khiếp sợ. Tập Cận Bình có thể đi gặp dân oan không? Không đời nào. Nếu ông ấy thực sự có thể gặp dân oan, thì ở Trung Quốc sẽ không có nhiều dân oan như vậy".

Người trong thể chế ĐCSTQ cũng kêu oan

Vì vụ án của em trai mình, bà Quách Tùng cũng từng xếp hàng tại Cục Thỉnh nguyện Nhà nước và nộp tài liệu cho Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương và Bộ Công an. Bà nói rằng phải xếp hàng từ lúc nửa đêm.

"Chúng tôi giống như phạm nhân vậy. Đứng ở đấy không thoải mái gì, xung quanh là lan can sắt lớn, nơi ấy giống như lò giết mổ gia súc, đường đi rất hẹp. Dù là Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương hay Bộ Công an, hai bên đều có lan can, người ta xô đẩy nhau vào, còn có người đánh nhau”.

“Hôm đó tôi đợi cả ngày, tôi đi từ sáng và phải đợi đến gần 4 giờ chiều mà vẫn chưa được vào. Nhưng tôi tự nhủ trong lòng rằng, xin Thượng đế phù hộ, hôm nay con nhất định phải vào được. Tôi cứ thầm cầu nguyện như thế, khi sắp tới mình, tôi thấy còn 20 phút nữa [thì hết giờ làm]. Cuối cùng họ cho 5 người đi vào và tôi là người áp chót”.

Sau khi đi vào, bà Quách Tùng trò chuyện với những người đứng phía trước và phía sau. Trước mặt bà là một người đàn ông cao và gầy, đầu bịt kín, đội mũ, đeo khẩu trang và đeo kính râm. Ông này nói với bà Quách Tùng rằng ông làm việc trong bộ phận tư pháp ở Bắc Kinh và đang đi tố cáo lãnh đạo đơn vị. Ông ấy cũng nhắc nhở bà Quách Tùng rằng hãy thu thập tài liệu thật đầy đủ và đừng để người khác xem chúng.

Đằng sau bà Quách Tùng, người cuối cùng bước vào là một người phụ nữ trên tay cầm rất nhiều tài liệu, giọng nói đặc sệt khẩu ngữ Bắc Kinh. Bà ấy nói với bà Quách Tùng rằng bản thân làm tại cục thuế, phụ trách kiểm tra sổ sách xem các doanh nghiệp nhà nước lớn có gian lận, lập quỹ đen và tham nhũng hay không. Nhưng vì nói ra sự thật, bà đã bị xử lý. Sau đó, chính quyền mang công việc của con gái bà ra để đe dọa, yêu cầu bà không được tiếp tục kiện cáo nữa. Nhưng hiện giờ bà đã nghỉ hưu, bà sẽ tiếp tục kiện. Bà nói, "Những chuyên gia thuế đó đều do tôi đào tạo ra, kết quả là bây giờ họ đang đàn áp tôi".

Bà Quách Tùng hơi sốc khi thấy ngay cả người dân địa phương ở Bắc Kinh cũng đến thỉnh nguyện. Bà nói, mới đi một lần mà bà gặp hai người Bắc Kinh tới thỉnh nguyện, nếu ngày nào bà cũng tới đó thỉnh nguyện thì sẽ còn gặp được bao nhiêu người dân Bắc Kinh nữa?

"Thế nên cái đảng này (ĐCSTQ), họ vì tốt cho người dân sao? Họ có coi chúng tôi là nhân dân không? Họ không coi chúng tôi là nhân dân, họ không coi chúng tôi như người nhà, họ coi chúng tôi như nô lệ và cắt xén chúng tôi như ‘rau hẹ'. Nếu ĐCSTQ không làm thế (hút máu từ dân), nó nhất định sẽ diệt vong".

Bà Quách Tùng còn cho biết, ngoài Cục Thỉnh nguyện, bà còn thấy bệnh viện cũng chật kín người. “Cả đời người dân Trung Quốc phải chịu vất vả, chịu khổ, không có tôn nghiêm, chút tiền tích góp được kia cũng là phải ăn tiêu tiết kiệm mới có được, nhưng hễ mắc bệnh nặng là khuynh gia bại sản, cuối cùng thì cũng tiêu hết tiền, không giữ được tính mạng, người cũng không còn. Đây là kết cục bi thảm của người dân Trung Quốc".

Theo The Epoch Times tiếng Trung

Minh Lý biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Giáo viên tiểu học Trung Quốc: 3 năm Zero Covid là 3 năm Đại Cách mạng Văn hóa tái diễn