Cẩm nang thiết yếu về Hội chứng mệt mỏi mãn tính: Triệu chứng, nguyên nhân, điều trị và các biện pháp tự nhiên

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hội chứng mệt mỏi mãn tính (CFS), còn được gọi là viêm não tủy cơ (ME), là một rối loạn phức tạp và gây tàn tật, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) ước tính ảnh hưởng đến khoảng 2,5 triệu người Mỹ. Có tới 90% người mắc bệnh không được chẩn đoán. CDC ước tính căn bệnh này gây thiệt hại cho nền kinh tế Mỹ khoảng 17 đến 24 tỷ USD mỗi năm do chi phí y tế và mất thu nhập.

Tình trạng này gây ra tình trạng mệt mỏi về thể chất và tinh thần cực độ kéo dài ít nhất sáu tháng và thường gặp ở phụ nữ nhiều hơn nam giới. Các triệu chứng trở nên trầm trọng hơn với hoạt động thể chất hoặc tinh thần, và không giống như trải nghiệm mệt mỏi thông thường, chúng không cải thiện đáng kể ngay cả khi nghỉ ngơi.

Do thiếu hiểu biết rõ ràng về căn bệnh này nên nguyên nhân, phòng ngừa và điều trị của nó đều là chủ đề nghiên cứu và tranh luận trong y học.

Các triệu chứng và dấu hiệu sớm của hội chứng mệt mỏi mạn tính

Những người mắc CFS sẽ cảm thấy mệt mỏi quá mức và không cải thiện khi nghỉ ngơi. Người bệnh không thể thực hiện các hoạt động thông thường hoặc không thể thực hiện được ở mức độ giống như trước khi mắc bệnh. Đôi khi, CFS có thể khiến người bệnh phải nằm yên tại giường.

CFS thường có xu hướng nặng hơn khi thực hiện các hoạt động thể chất hoặc tinh thần. Các bác sĩ gọi đây là tình trạng mệt mỏi sau gắng sức (PEM). Những triệu chứng khác của CFS gồm có rối loạn giấc ngủ (mất ngủ hoặc chất lượng giấc ngủ không tốt), các vấn đề về suy nghĩ và tập trung (“hội chứng sương mù não”), chóng mặt và các cơn đau không đặc hiệu.

Có thể nhìn bề ngoài, những người mắc CFS có vẻ không bị bệnh. Tuy nhiên, họ:

  • Không thể hoạt động như trước khi mắc bệnh.
  • Suy giảm khả năng thực hiện các công việc hàng ngày như rửa chén hoặc nấu một bữa ăn.
  • Gặp khó khăn khi làm việc, học tập và trong đời sống gia đình và xã hội.

CFS có thể trở thành bệnh mạn tính và gây tàn phế nặng. Theo CDC, ít nhất 1 trong 4 bệnh nhân phải nằm liệt giường hoặc ở nhà trong thời gian dài khi mắc bệnh.

Các triệu chứng khác gồm có:

  • Rối loạn giấc ngủ ví dụ như mất ngủ.
  • Đau cơ và/hoặc đau khớp.
  • Đau đầu.
  • Đau họng hoặc đau các tuyến mà không sưng.
  • Các triệu chứng nặng hơn khi hoạt động gắng sức về tinh thần hoặc thể chất.
  • Các vấn đề về khả năng tập trung, trí nhớ ngắn hạn và gặp khó khăn khi giao tiếp hoặc hiểu lời nói
  • Các triệu chứng giống cúm.
  • Chóng mặt hoặc buồn nôn.
  • Nhịp tim nhanh hoặc không đều.

Nguyên nhân gây ra Hội chứng mệt mỏi mãn tính (CFS)

Các nhà nghiên cứu vẫn chưa tìm ra nguyên nhân gây ra CFS, nhưng có một số khả năng. Một số yếu tố có thể bao gồm di truyền, chấn thương hoặc các vấn đề về sử dụng năng lượng; tuy nhiên, các lý thuyết chính bao gồm nhiễm trùng trước đó, thay đổi tự miễn dịch, căng thẳng và rối chức năng ty thể.

Nhiễm trùng trước đó

Đối với một số người, sự khởi phát của CFS gợi nhớ đến việc bị cúm. Cúm này thường đặc biệt nghiêm trọng và kéo dài bất thường - được ít nhất một chuyên gia gọi là "cúm chết người". Do đó, chẩn đoán ban đầu cho CFS thường là "mệt mỏi sau virus (PVF)", thường được chuyển thành hội chứng mệt mỏi mãn tính khi các triệu chứng không cải thiện sau sáu tháng.

Điều này khiến một số nhà nghiên cứu nghi ngờ rằng nhiễm trùng gây ra CFS. Gần 1 trong 10 người bị nhiễm virus Epstein-Barr, virus Ross River hoặc Coxiella burnetti sẽ phát triển các triệu chứng đáp ứng các tiêu chí của CFS. Những người có các triệu chứng nghiêm trọng với các bệnh nhiễm trùng này có nhiều khả năng phát triển CFS sau này hơn những người có triệu chứng nhẹ. Nhưng không phải tất cả những người mắc CFS đều từng bị những bệnh nhiễm trùng này, vì vậy nhiễm trùng trước đó không phải là dấu hiệu xác định.

Các bệnh nhiễm trùng khác đã được nghiên cứu liên quan đến CFS là:

  • Virus herpes ở người
  • Enterovirus
  • Rubella
  • Candida albicans
  • Bornavirus
  • Mycoplasma
  • Virus gây suy giảm miễn dịch ở người (HIV)

Tuy nhiên, CDC cho biết không phát hiện được mối liên hệ trực tiếp nào giữa những bệnh nhiễm trùng này và CFS.

Các mô tả về hội chứng COVID kéo dài cũng gần giống với mô tả của PVF và CFS. Do đó một số chuyên gia hàng đầu về CFS cho rằng không thể phân biệt được hội chứng này và hội chứng COVID kéo dài.

Những thay đổi trong hệ miễn dịch

CFS có thể do những thay đổi trong hệ miễn dịch và cách hệ miễn dịch phản ứng với nhiễm trùng hoặc căng thẳng gây ra. CFS có một số đặc điểm của bệnh lý tự miễn (những bệnh do hệ miễn dịch của một người tấn công các mô khỏe mạnh trong cơ thể của chính người đó, ví dụ như viêm khớp dạng thấp). Ví dụ, CFS và hầu hết các bệnh tự miễn đều phổ biến hơn ở phụ nữ và đều có đặc điểm gia tăng tình trạng viêm gia. Tuy nhiên, các dấu hiệu khác của bệnh tự miễn ví dụ như tổn thương mô chưa được phát hiện ở bệnh nhân mắc CFS.

Rối loạn chức năng ty thể

Một nghiên cứu gần đây ở Anh cho thấy tế bào của bệnh nhân CFS ít có khả năng tạo ra năng lượng bổ sung để đối phó với căng thẳng. Cụ thể, ty thể trong những tế bào này ít có khả năng tăng sản xuất năng lượng hơn và chỉ tăng sản xuất năng lượng lên đến 44%. Điều này trái ngược với các tế bào bình thường có khả năng tăng sản xuất năng lượng lên tới 98% để đối phó với căng thẳng. Khi căng thẳng, các tế bào bình thường có thể tiêu thụ lượng oxy gấp đôi so với tế bào của bệnh nhân CFS.

Nguyên nhân của CFS vẫn chưa được hiểu rõ, tuy nhiên có các giả thuyết như tình trạng nhiễm trùng trước đó, những thay đổi trong hệ miễn dịch hoặc tình trạng viêm và rối loạn chức năng ty thể. (The Epoch Times)

Căng thẳng và trục dưới đồi - tuyến yên - thượng thận (HPA)

Một số bác sĩ cho rằng CFS là tình trạng rối loạn chức năng trục hạ đồi-tuyến yên-tuyến thượng thận (trục HPA). Trục HPA là một mạng lưới phức tạp kiểm soát các phản ứng của cơ thể với trạng thái căng thẳng đồng thời điều chỉnh một loạt các quá trình khác như phản ứng miễn dịch, tiêu hóa, sử dụng năng lượng và cảm xúc. Căng thẳng về thể chất hoặc tinh thần có thể ảnh hưởng đến trục này.

Sự điều hòa trục HPA liên quan đến sự kết nối giữa ba phần của hệ thần kinh là vùng dưới đồi, tuyến yên và tuyến thượng thận. Những vùng này giải phóng các hormone ví dụ như hormone giải phóng corticotrophin (CRH), hormone hướng vỏ thượng thận (ACTH), cortisol và các loại hormone khác. Khi những hormone này mất cân bằng, nhiều hệ thống và chức năng của cơ thể, trong đó bao gồm cả cả phản ứng miễn dịch, sẽ bị ảnh hưởng.

Một nguyên nhân có thể gây ra CFS là rối loạn chức năng của trục HPA. (The Epoch Times)

Cortisol, còn được gọi là “hormone căng thẳng”, giúp giảm viêm và làm dịu phản ứng miễn dịch. Mặc dù nồng độ cortisol quá cao có liên quan đến tình trạng lo lắng, tăng cân, huyết áp cao và hội chứng Cushing. Tuy nhiên, nồng độ cortisol thấp cũng có thể gây suy nhược. Nồng độ cortisol thấp làm tăng tình trạng viêm và khiến hệ thống miễn dịch rơi vào trạng thái kích hoạt mạn tính.

Những người mắc CFS thường ghi nhận trạng thái căng thẳng về thể chất hoặc tinh thần trước mắc bệnh. Một số bệnh nhân CFS có nồng độ cortisol thấp hơn người khỏe mạnh nhưng vẫn ở mức bình thường. Một số bác sĩ sẽ kê đơn cortisol cho bệnh nhân CFS có nồng độ cortisol thấp hơn bình thường.

Có một số cách giúp bạn tăng nồng độ cortisol một cách tự nhiên như duy trì thói quen ngủ đều đặn, ăn bưởi, uống các chất bổ sung như cam thảo — không phải ở dạng kẹo mà là dạng thực phẩm bổ sung trong chế độ ăn — sắt và nhân sâm Panax. Tránh các loại bột và đường tinh chế cũng như tránh ăn thực phẩm giàu chất sắt cũng cũng có thể làm tăng nồng độ cortisol.

Nếu bạn được khám bệnh với một bác sĩ nội tiết chuyên điều trị CFS, có thể bác sĩ sẽ xét nghiệm máu để xác định nồng độ hormone của bạn. Nếu có tình trạng rối loạn hormone, có thể bạn sẽ được chỉ định các phương pháp điều trị bằng hormone để cố gắng khắc phục tình trạng mất cân bằng của trục HPA. Một số bệnh nhân đã giảm đáng kể các triệu chứng nhờ sử dụng các phương pháp này.

Ai có nhiều khả năng mắc hội chứng mệt mỏi mạn tính?

Các yếu tố nguy cơ của hội chứng mệt mỏi mạn tính gồm có:.

  • Tuổi: CFS có thể xuất hiện ở bất kỳ thời điểm nào trong cuộc đời nhưng phổ biến nhất là ở những người trong độ tuổi từ 21 đến 60.
  • Giới tính: Phụ nữ được chẩn đoán mắc CFS nhiều hơn gấp bốn lần so với nam giới. Điều này có thể do phụ nữ có thường thảo luận các triệu chứng với bác sĩ nhiều hơn.
  • Các bệnh lý y khoa khác: Những người có tiền sử mắc các bệnh lý y khoa phức tạp khác như đau cơ xơ hóa hoặc hội chứng nhịp tim nhanh tư thế, sẽ có nhiều khả năng mắc CFS hơn.
  • Căng thẳng: Những người căng thẳng mạn tính có thể khiến hệ nội tiết tố và trục HPA hoạt động quá mức, dẫn đến suy giảm chức năng của hệ này, gây ra CFS.

Hội chứng mệt mỏi mạn tính được chẩn đoán như thế nào?

Không có xét nghiệm đặc hiệu nào để chẩn đoán CFS. Tuy nhiên quá trình đánh giá sẽ được thực hiện bằng cách tìm hiểu bệnh sử và thăm khám cơ thể. Những xét nghiệm có thể thực hiện như xét nghiệm máu và nước tiểu sẽ loại trừ các bệnh lý khác ví dụ như thiếu máu (thiếu hồng cầu), tuyến giáp hoạt động kém hoặc các vấn đề về gan, thận. Để chẩn đoán CFS cần có thời gian vì đầu tiên cần phải loại trừ tất cả các bệnh khác.

Hướng dẫn do Viện Y học Hoa Kỳ đã xác định đặc điểm mệt mỏi của CFS là:

  • Ảnh hưởng đáng kể vào khả năng tham gia vào các hoạt động trước khi mắc bệnh.
  • Kéo dài hơn sáu tháng nhưng không kéo dài suốt đời.
  • Không giảm đáng kể khi nghỉ ngơi.
  • Triệu chứng nặng hơn khi gắng sức về thể chất, tinh thần hoặc cảm xúc.

Để đáp ứng được các tiêu chuẩn chẩn đoán CFS của Viện Y học, người bệnh cần phải có ít nhất một trong hai triệu chứng sau:

  • Gặp khó khăn về sự tập trung và trí nhớ.
  • Chóng mặt nặng hơn khi đứng dậy từ tư thế ngồi hoặc nằm

Các hướng dẫn cũng lưu ý rằng những triệu chứng này phải kéo dài ít nhất sáu tháng và xuất hiện “ít nhất một nửa thời gian có cường độ vừa phải, đáng kể hoặc nghiêm trọng”.

Bệnh nhân cũng có thể có một số triệu chứng khác đã được nhắc đến trong phần Triệu chứng.

CFS có làm tăng nguy cơ mắc các bệnh khác không?

Một số bệnh lý chồng lấp với CFS đã được xác định như ù tai, hội chứng ruột kích thích (IBS) và trầm cảm. Tuy nhiên không có mối liên hệ nhân quả giữa những bệnh lý này. Nghiên cứu cho thấy có sự khác biệt rõ giữa trầm cảm liên quan đến CFS và chẩn đoán trầm cảm điển hình trên lâm sàng. Một số nghiên cứu đã tìm ra sự liên quan giữa CFS và tình trạng tăng cao tỷ lệ của một số loại ung thư, đặc biệt là ung thư hạch không Hodgkin. CFS cũng có liên quan đến tỷ lệ tự tử cao trên mức bình thường. Tuy nhiên, cần các nghiên cứu sâu hơn để xác nhận mối tương quan này.

Nhìn chung, các biến chứng của CFS mang tính chất cá nhân cũng như liên quan đến tài chính và hành vi vì nhiều người mắc bệnh không thể sống, làm việc và giao tiếp xã hội giống như trước khi mắc bệnh.

Các phương pháp điều trị hội chứng mệt mỏi mạn tính

Mặc dù không có phương pháp điều trị hay quản lý CFS nào phù hợp với tất cả mọi người nhưng vẫn có một số lựa chọn điều trị.

Bác sĩ sẽ thảo luận với bạn về tất cả các lựa chọn điều trị, đồng thời giải thích lợi ích và rủi ro của từng phương pháp. Bạn cần phải xây dựng một kế hoạch điều trị phù hợp với mức độ mệt mỏi và hoàn cảnh của bạn.

Có thể bạn sẽ cần thêm lời khuyên về thay đổi lối sống và các phương pháp điều trị chuyên biệt. Có một số phương pháp điều trị chuyên biệt để điều trị CFS.

Liệu pháp nhận thức hành vi (CBT)

Nếu bạn mắc CFS mức độ nhẹ hoặc trung bình, có thể bạn sẽ đáp ứng với liệu pháp nhận thức nhận thức (CBT). CBT là một phương pháp điều trị tâm lý giúp bạn kiểm soát triệu chứng bằng cách thay đổi lối suy nghĩ và hành vi. Hãy chọn một nhà trị liệu CBT có kinh nghiệm với CFS và có thể điều trị tâm lý cá nhân.

Sử dụng CBT không có nghĩa là CFS là một bệnh tâm lý. CBT là một phương pháp được sử dụng để giúp chúng ta quản lý nhiều bệnh lý về lâu dài.

Quản lý năng lượng

Quản lý năng lượng là phương pháp hướng dẫn bạn cách tận dụng mức năng lượng trong cuộc sống hàng ngày một cách tốt nhất đồng thời không làm cho triệu chứng nặng hơn. Trong quá trình điều trị, bạn sẽ được bác sĩ khuyên nên theo dõi các hoạt động hàng ngày bằng nhật ký hoặc ứng dụng điện thoại.

Một số bệnh nhân CFS nhận thấy rằng chương trình tập thể dục có thể giúp họ giảm bớt triệu chứng. Tuy nhiên với một số bệnh nhân khác, tập thể dục không tạo ra khác biệt hoặc thậm chí còn khiến triệu chứng nặng hơn. Nếu bạn cho rằng tập thể dục có thể giúp ích cho mình, hãy thảo luận về lập kế hoạch cá nhân hóa với bác sĩ (có thể là bác sĩ vật lý trị liệu) có kinh nghiệm làm việc với bệnh nhân CFS. Nói chung, người bệnh nên tăng cường các hoạt động thể chất càng nhiều càng tốt mà không làm nặng thêm triệu chứng.

Thuốc

Không có loại thuốc cụ thể nào được sử dụng điều trị CFS, tuy nhiên vẫn có một vài loại thuốc có thể làm giảm một số triệu chứng.

Có thể sử dụng thuốc giảm đau không kê đơn để điều trị tình trạng đau đầu hoặc đau cơ, đau khớp liên quan đến CFS. Các bác sĩ cũng có thể kê các thuốc giảm đau mạnh hơn nhưng thường chỉ trong thời gian ngắn.

Thỉnh thoảng, có thể sử dụng thuốc chống trầm cảm cho những bệnh nhân CFS bị đau hoặc khó ngủ hoặc để đối phó tình trạng trầm cảm có thể xảy ra ở những bệnh nhân này. Amitriptyline là một loại thuốc chống trầm cảm ba vòng liều thấp thỉnh thoảng được kê đơn để giúp giảm đau cơ.

Một số bác sĩ phát hiện ra rằng sử dụng zolpidem không liên tục có thể giúp bệnh nhân CFS có giấc ngủ sâu hơn và dài hơn. Đây là điều khó đạt được với những bệnh nhân CFS. Hiệu quả của loại thuốc này nhanh chóng và người bệnh nên lên giường ngủ trong vòng vài phút sau khi uống thuốc. Sử dụng zolpidem thường xuyên và lâu dài có thể gây ra hiện tượng dung nạp

Tư duy ảnh hưởng như thế nào đến hội chứng mệt mỏi mạn tính?

Trong cuộc khảo sát về phương thức điều trị của Hiệp hội Hội chứng mệt mỏi mạn tính và Viêm não tủy đau cơ (AMECFSS) năm 2010, gần 50% (pdf) bệnh nhân CFS báo cáo rằng kỹ thuật thiền và thư giãn rất hữu ích. Những người thiền định thường xuyên cho biết họ cảm thấy bình tĩnh hơn và có cái nhìn tích cực hơn về cuộc sống. Thiền cũng có hiệu quả kiểm soát cơn đau do hệ thần kinh phản ứng quá mức gây ra. Cũng như khi nghỉ ngơi, thiền định không gây hại và có thể mạng lại cảm giác cải thiện chung.

Những bệnh nhân mắc CFS, đặc biệt là những người đang bị trầm cảm, lo lắng, sợ hãi và tức giận, có thể nhận được rất nhiều từ việc thực hành thiền định và triết lý “buông bỏ”.

Các phương pháp tự nhiên để điều trị hội chứng mệt mỏi mạn tính

Không có phương pháp nào của y học cổ truyền phương Tây hoặc y học thay thế có thể điều trị CFS. Tuy nhiên, một số nghiên cứu cho thấy Đông y và một số phương pháp trị liệu tâm trí/cơ thể có thể có tác dụng.

Đông y

CFS is thought to involve the following syndromes in traditional Chinese medicine:

CFS có liên quan đến các hội chứng trong Đông y như:

  • Tỳ khí hư
  • Thận âm hư
  • Thận dương hư
  • Khí hư

Nghiên cứu cho thấy các phương pháp Đông y như thảo dược, châm cứu, khí công và bấm huyệt có thể giúp điều trị CFS.

Trị liệu tâm trí/cơ thể

Những người mắc CFS có thể bị căng thẳng, lo lắng và trầm cảm. Tuy nhiên CDC lưu ý rằng các loại thuốc điều trị những tình trạng này có thể làm nặng thêm triệu chứng của CFS.

Vì vậy, các chuyên gia khuyên người bệnh nên thử các liệu pháp không dùng thuốc như thở sâu kết hợp thư giãn cơ, xoa bóp, kéo giãn, yoga và khí công.

Một nghiên cứu phân tích tổng hợp được công bố trên BMC Complementary and Alternative Medicine vào năm 2011 cho thấy khí công và thôi nã có tác động tích cực đến các triệu chứng CFS, trong khi đó phương pháp vi lượng đồng căn và chữa bệnh từ xa không hiệu quả hơn so với giả dược. Nghiên cứu này cũng phát hiện trong số rất nhiều chất bổ sung, chỉ có nicotinamide adenine dinucleotide hydride (NADH) và magiê có lợi cho bệnh nhân CFS.

Chế độ ăn và thực phẩm bổ sung

Nghiên cứu về mối liên hệ giữa chế độ ăn và CFS vẫn còn tương đối ít và chưa có kết luận, nhưng vẫn có một số phương pháp có lợi.

Các nghiên cứu vẫn chưa xây dựng được một chế độ ăn cụ thể có hiệu quả trong điều trị CFS. Tuy nhiên, AMECFSS vẫn công nhận giá trị của chế độ ăn uống lành mạnh, hạn chế các thức ăn làm tăng nặng triệu chứng trong việc kiểm soát triệu chứng CFS

Một bài đánh giá năm 2018 về các phương pháp điều trị bằng dinh dưỡng cho CFS được công bố trên tạp chí Biomedicine and Pharmacotherapy cho thấy nhiều người mắc CFS bị thiếu hụt vitamin, khoáng chất và axit béo thiết yếu. Theo phân tích, vitamin A và vitamin E là những vitamin tiềm năng cần được nghiên cứu thêm.

Một đánh giá về các nghiên cứu về chế độ ăn uống và chất bổ sung năm 2017 được công bố trên Tạp chí Journal of Nutrition and Humạn Dietetics đã tìm thấy bằng chứng cho thấy một số chất bổ sung giúp cải thiện tình trạng mệt mỏi và các triệu chứng khác. Những chất này gồm có:

  • Probiotic
  • Coenzym Q10
  • Polyphenol (đặc biệt là từ sôcôla đen)
  • Nicotinamide adenine dinucleotide hydrua (NADH)

In addition to these, other doctors have recommended:

Ngoài ra, một số bác sĩ còn khuyến cáo sử dụng:

  • Vitamin C liều cao (1.000 đến 3.000 mg/ngày)
  • Vitamin B12 tiêm tĩnh mạch
  • Bổ sung magiê
  • Bổ sung phức hợp vitamin B

Một nghiên cứu cho thấy một số polyphenol cụ thể trong sôcôla đen giúp giảm các triệu chứng CFS. Những polyphenol này còn có trong các loại thực phẩm như trà xanh, quả mọng và các loại đậu nhưng chưa được nghiên cứu.

Polyphenol và các loại chất chống oxy hóa khác có tác dụng đảo ngược các tổn thương do gốc tự do gây bệnh. Một giả thuyết về cơ chế cơ bản của CFS là vai trò của hiện tượng stress oxy hóa. Các chất chống oxy hóa có thể chống lại gốc tự do gây ra hiện tượng này.

Một bài đánh giá của 22 nghiên cứu cũng cho thấy rằng bổ sung axit béo D-ribose hoặc omega-3 có thể làm giảm một số triệu chứng của CFS.

Những nghiên cứu này tập trung chủ yếu vào việc bổ sung chế độ ăn vì nhiều người mắc CFS có chế độ ăn nghèo dinh dưỡng. Ăn các loại thực phẩm giàu những chất dinh dưỡng này có thể giúp giảm bớt các triệu chứng, có thể dùng kèm hoặc không dùng kèm với thực phẩm chức năng.

Làm thế nào để phòng ngừa hội chứng mệt mỏi mạn tính?

Do nguyên nhân của CFS chưa rõ nên không có phác đồ rõ ràng để phòn ngừa căn bệnh này. Căng thẳng mạn tính có thể khiến chúng ta dễ bị nhiễm trùng hơn, có thể gây ra CFS cũng như dẫn đến rối loạn chức năng của trục HPA. Do đó, giảm căng thẳng, ngủ và ăn uống tốt cũng như thực hành các thói quen tốt cho sức khỏe tâm thần đều có thể giúp giảm tỷ lệ mắc CFS.

Ngủ, nghỉ ngơi và thư giãn

Một số nghiên cứu đã khám phá mối liên hệ tiềm ẩn giữa CFS và tình trạng thiếu ngủ. Các bằng chứng cho thấy những người mắc CFS ngủ ít hơn và giấc ngủ chuyển động mắt nhanh (REM) kém hơn so với những người không mắc bệnh này. Đây là một lĩnh vực vẫn đang được nghiên cứu.

Bạn có thể gặp một số vấn đề về giấc ngủ khiến các triệu chứng CFS nặng hơn, ví dụ như:

  • Khó vào giấc ngủ
  • Ngủ không ngon giấc hoặc bồn chồn.
  • Ngủ quá nhiều.
  • Ngủ vào ban ngày và mất ngủ vào ban đêm.

Bệnh nhân CFS cần có một giấc ngủ bình thường. Ngủ quá nhiều thường không cải thiện được triệu chứng và ngủ vào ban ngày có thể làm mất ngủ ban đêm. Bạn hãy thảo luận thêm với các bác sĩ để có giấc ngủ phù hợp sinh lý

Tổ chức Giấc ngủ cung cấp các hướng dẫn hữu ích để cải thiện chất lượng giấc ngủ bằng cách thay đổi về hành vi, môi trường và chế độ ăn. Nếu giấc ngủ không được cải thiện khi thực hiện những điều này, có thể bạn có những vấn đề tiềm ẩn khác về giấc ngủ khác cần kiểm tra.

Nếu bạn cần phải nghỉ ngơi trong ngày, các bác sĩ sẽ giúp bạn chọn cách nghỉ ngơi tốt nhất. Ví dụ, bạn có thể giới hạn thời gian nghỉ ngơi xuống còn nửa giờ và thử sử dụng các kỹ thuật thư giãn ví như tập hít thở.

Nhiều bệnh nhân CFS có tình trạng nhạy cảm với ánh sáng và tiếng ồn. Ví dụ, nhiều bệnh nhân phát hiện rằng khi làm việc dưới ánh đèn huỳnh quang, tình trạng mệt mỏi thể chất và tinh thần nặng hơn. Khi đó, thay đổi ánh sáng trong nhà và không gian làm việc từ đèn huỳnh quang sang đèn LED và đèn sợi đốt có thể giúp cải thiện mức năng lượng của họ.

CFS là một tình trạng khuyết tật đã được công nhận theo Đạo luật về Người khuyết tật Hoa Kỳ (ADA). Vì vậy bạn thảo luận với cấp trên để có thể điều chỉnh không gian làm việc của mình một cách hợp lý.

Nghỉ ngơi tại giường quá nhiều có thể gây ra các biến chứng như loét do tỳ đè và huyết khối. Bạn có thể thảo luận cách phòng ngừa những biến chứng này với bác sĩ hoặc người chăm sóc của mình

Tập thể dục

Tập thể dục quá nhiều có thể dẫn đến tình trạng mệt mỏi sau gắng sức (PEM). Trong trường hộp này, người bệnh có ít năng lượng hơn sau khi tập thể dục và có thể phải cần nhiều ngày (hoặc lâu hơn) để phục hồi. Vấn đề tập thể dục cho bệnh nhân CFS vẫn còn nhiều tranh cãi. Một số nghiên cứu cho thấy rằng liệu pháp tập thể dục có phân cấp (GET) có thể mạng lại lợi ích cho người bệnh. Tuy nhiên một bài báo trên Tạp chí Tâm lý Sức khỏe vẫn đặt câu hỏi về phương pháp này. Câu hỏi rằng liệu tập thể dục có tốt cho bệnh nhân hay không và nếu có thì ở mức độ nào vẫn là một câu hỏi chưa có câu trả lời. Các nghiên cứu trong lĩnh vực này vẫn đang diễn ra ở phòng khám Mayo Clinic.

Mặc dù có những khác biệt nhỏ trong cách tiếp cận nhưng cả CDC và Hiệp hội ME của Vương quốc Anh đều khuyến cáo người bệnh nên tập thể dục theo nhịp độ và tăng dần — và thường dưới sự hướng dẫn của chuyên gia đã được đào tạo.

Các tài liệu có thể tham khảo

Bộ công cụ CDC cho CFS

Đây là một nguồn thông tin rất hữu ích, giúp bạn chuẩn bị để thảo luận với bác sĩ về các triệu chứng trong buổi khám. Chẩn đoán CFS thường mất khoảng một năm hoặc lâu hơn kể từ khi phát hiện. Bộ công cụ này có thể giúp bạn giảm bớt thời gian từ khi khởi phát đến khi xác định chẩn đoán.

“Từ mệt mỏi đến tuyệt vời!” Tái bản lần thứ 4, bác sĩ Jacob Teitelbaum

Đây là cuốn sách bán chạy nhất về CFS và được nhiều bác sĩ đánh giá là cuốn sách hay nhất dành cho người không chuyên. Bác sĩ Teitelbaum đã nghiên cứu và điều trị CFS trong môi trường lâm sàng trong hơn 30 năm. Ấn bản mới nhất của ông bao gồm tất cả các phương thức điều trị được đề cập ở trên cũng như một phần về liệu pháp “kết nối tâm trí/cơ thể/tinh thần (MBS)”.

Hiệp hội ME

Đây là một tổ chức của Vương quốc Anh cung cấp các tài liệu hữu ích về CFS, tình trạng mệt mỏi sau nhiễm virus và hội chứng COVID kéo dài. Tổ chức này hoạt động từ năm 1980. Ở một số phương diện, hoạt động điều trị và nghiên cứu về CFS ở Anh tiến xa hơn so với Hoa Kỳ vì ở Anh có ít sự hoài nghi hơn về sự tồn tại và tính nghiêm trọng của CFS so với Hoa Kỳ.

Hiệp hội Hội chứng mệt mỏi mạn tính và viêm não tủy đau cơ Hoa Kỳ

Đối tác của Hiệp hội ME Vương quốc Anh, AMECFSS có một trang web cung cấp các hỗ trợ và cách tiếp cận với các bác sĩ chuyên điều trị CFS, cũng như thông tin về nghiên cứu mới nhất, v.v.

Ăn gì khi bạn mắc hội chứng mệt mỏi mạn tính

Tài liệu này cung cấp cái nhìn tổng quan về các nghiên cứu chế độ ăn, dinh dưỡng và CFS với các lời khuyên thực tế về chế độ ăn và thực phẩm bổ sung.

Được đánh giá y tế bởi Bác sĩ Beverly Timeding.

Theo David Charbonneau, The Epoch Times
Đức Nhân biên dịch

Tiến sĩ David Charbonneau là một nhà báo tự do, giảng viên văn học và viết bài ở cấp đại học trong 25 năm. Ngoài Epoch Times, các bài viết của ông cũng xuất hiện trên The Defender, Medium, và các nền tảng in ấn và trực tuyến khác. Ông cũng là người ủng hộ nhiệt thành cho quyền tự do y tế. Hiện tại ông sống và làm việc tại Pasadena, California.



BÀI CHỌN LỌC

Cẩm nang thiết yếu về Hội chứng mệt mỏi mãn tính: Triệu chứng, nguyên nhân, điều trị và các biện pháp tự nhiên