Chuyên gia: Cuộc chiến ngầm và thỏa hiệp giữa ông Tập với gia tộc các nguyên lão trong đảng

Giúp NTDVN sửa lỗi

Sau Đại hội toàn quốc lần thứ XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc, ông Tập Cận Bình bước vào nhiệm kỳ thứ ba và tất cả thân tín của ông này đều được thăng chức. Gần đây khi có nhiều thay đổi nhân sự liên quan đến con cái của các gia tộc quyền lực trong đảng (thái tử đảng, hậu duệ đỏ), cuộc chiến ngầm và thỏa hiệp giữa ông Tập với các nguyên lão cũng đã thu hút sự chú ý.

“Thái tử đảng” là một danh xưng không chính thức dùng để chỉ tầng lớp con cháu của các quan chức cao cấp nổi bật và có ảnh hưởng trong ĐCSTQ. Bằng một cách không chính thức, tầng lớp này thường được hưởng nhiều đặc ân của nhà nước và có nhiều cơ hội để được đề bạt làm lãnh đạo trong tương lai, dù cho hình thức bên ngoài vẫn là thông qua bầu cử dân chủ; hoặc có các cơ hội kinh doanh, tích lũy khối lượng tài sản khổng lồ mà những người dân thường không thể nào có được.

Một số ‘hậu duệ đỏ’ được thăng chức, một số lại thất thế

Tờ Caixin của Trung Quốc ngày 18/1 đưa tin, bà Lý Đồng (Li Tong), Giám đốc điều hành của BOC International (Công ty TNHH Cổ phần Quốc tế Ngân hàng Trung Quốc), đã từ chức. Nguyên nhân có thể là liên quan đến việc quyền hạn của bà này bị thu hẹp sau khi điều chỉnh cơ cấu quản lý.

Bà Lý Đồng năm nay 54 tuổi, là con gái của ông Lý Trường Xuân - cựu Ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Bà Lý đã làm việc cho BOC International khoảng 19 năm và được thăng lên chức Giám đốc điều hành vào năm 2011.

Ngoài ra, vào ngày 12/12 năm ngoái, Tập đoàn Điện lực Thượng Hải thông báo tại cuộc họp cán bộ rằng ông Ngô Lỗi (Wu Lei) đã được bổ nhiệm làm Bí thư Đảng ủy Tập đoàn và được đề cử làm Chủ tịch HĐQT.

Ông Ngô Lỗi mới 46 tuổi, là con trai của ông Ngô Bang Quốc - cựu Ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị ĐCSTQ.

Đáng chú ý nhất là vào ngày 16/1 vừa qua, ông Hồ Hải Phong (Hu Haifeng), con trai của cựu lãnh đạo ĐCSTQ Hồ Cẩm Đào, được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Nội vụ.

Ông Hồ Cẩm Đào từng bị buộc phải rời khỏi lễ bế mạc Đại hội Đảng XX vào ngày 22/10/2022. Khi đó, mâu thuẫn nội bộ giữa ông Tập Cận Bình, ông Hồ Cẩm Đào và phe Đoàn Thanh niên đã trở thành tin nóng trên truyền thông quốc tế.

Cũng sau đó, trong hơn một năm qua, cái tên Hồ Hải Phong đã trở thành “từ cấm” trên mạng xã hội Weibo ở Trung Quốc. Tuy nhiên, khi ông Hồ Hải Phong được thăng chức Thứ trưởng, lệnh cấm này cũng đã bị dỡ bỏ.

Trước đó, tin tức ông Hồ Hải Phong được thăng chức từng được đồn đoán rất nhiều lần, nhưng mãi đến thời điểm này thì mới được xác nhận. Có người cho rằng đây là động thái xoa dịu của ông Tập Cận Bình sau vụ “xốc nách” ông Hồ Cẩm Đào tại Đại hội XX, nhưng cũng có quan điểm cho rằng mục đích ông Tập điều động ông Hồ Hải Phong về thủ đô là để có thể theo dõi sát sao hơn, nhằm ngăn chặn các thế lực chính trị tụ họp tại địa phương.

Bố trí nhân sự cấp cao trước Đại hội Đảng 20: Con trai ông Hồ Cẩm Đào là tâm điểm
Ông Hồ Hải Phong (Hu Haifeng), con trai duy nhất của cựu lãnh đạo Trung Quốc Hồ Cẩm Đào. (Ảnh tổng hợp)

Giáo sư Viên Hồng Băng (Yuan Hongbing), một học giả luật tại Úc, từng giảng dạy tại Khoa Luật của Đại học Bắc Kinh Trung Quốc, nói với The Epoch Times vào ngày 22/1 rằng trong số các hậu duệ của các gia tộc quyền lực trong ĐCSTQ, một số thì được thăng chức, một số khác thì lại thất thế, đây là nỗ lực của ông Tập Cận Bình nhằm chia rẽ và làm tan rã họ. Ông Tập sẽ không bắt giữ tất cả mọi người cùng một lúc. Có một số người được thăng chức nhưng đây chỉ là hiện tượng đơn lẻ.

Nhà bình luận thời sự Chung Nguyên (Zhong Yuan) nói với The Epoch Times vào ngày 22/1 rằng ông Tập Cận Bình hiện đang phải đối mặt với cục diện hỗn loạn trong đảng và không mấy tin tưởng vào bất kỳ ai, bất cứ ai bị nghi ngờ có vấn đề cũng sẽ bị xử lý hoặc ít nhất là bị giám sát. Nhưng ông Tập không thể loại bỏ tất cả. Ngược lại, khi càng cảm thấy bất an thì càng có nhiều khả năng ông Tập sẽ vừa đánh nhóm này, vừa lôi kéo nhóm kia.

Theo ông Chung, "Với những người đã bày tỏ rõ thái độ rằng họ sẽ không chống lại ông Tập, bây giờ ông Tập càng cần phải kéo họ lại để ngăn tình huống tứ bề thọ địch. Ví dụ, ông Hồ Cẩm Đào chưa bao giờ tham gia phe chống Tập, và đã hợp lực cùng với ông Tập để chống lại phe Giang Trạch Dân - Tăng Khánh Hồng. Có lẽ hiện giờ ông Tập vẫn cần ông Hồ Cẩm Đào đứng cùng phe mình, vậy nên ít nhất sẽ không đẩy ông Hồ sang phía đối lập”.

Biến động trong các gia tộc quyền lực của ĐCSTQ

Con trai trưởng của cựu lãnh đạo ĐCSTQ Đặng Tiểu Bình - ông Đặng Phác Phương - đã từ chức chủ tịch danh dự Liên đoàn Người khuyết tật Trung Quốc vào tháng 9 năm ngoái. Cháu trai của ông Đặng Tiểu Bình - ông Đặng Trác Đệ - từng bị tiết lộ là đang giữ chức Phó bí thư Huyện ủy Bình Quả, Bí thư Trấn ủy Tân An ở tỉnh Quảng Tây vào tháng 3/2016, nhưng đã thôi giữ các chức vụ này vào cùng năm và từ đó “biến mất” khỏi giới quan trường.

Ông Đặng Phác Phương, con trai trưởng của cựu lãnh đạo ĐCSTQ Đặng Tiểu Bình, tham dự phiên khai mạc Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ XVIII tổ chức tại Đại lễ đường Nhân dân vào ngày 8/11/2012 tại Bắc Kinh, Trung Quốc. (Feng Li/Getty Images)

Trong gia tộc ông Diệp Kiếm Anh - một trong 10 nguyên soái của ĐCSTQ, trưởng nam Diệp Tuyển Bình (cựu Phó Chủ tịch Chính Hiệp Toàn quốc - tương đương với Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc) và thứ nam Diệp Tuyển Ninh (Thiếu tướng quân đội Trung Quốc) đều đã qua đời, sự nghiệp của chắt trai Diệp Trọng Hào cũng không mấy khởi sắc. Vào ngày 12/8/2014, tờ Caijing đưa tin ông Diệp Trọng Hào đã được bổ nhiệm làm Giám đốc Khu công nghệ cao thành phố Vân Phù, tỉnh Quảng Đông. Vào tháng 6/2020, ông Diệp Trọng Hào giữ chức vụ Ủy viên Đảng ủy, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Hằng Kiện Quảng Đông (Guangdong Hengjian Investment Holding Co., Ltd.).

Ông Lý Tiểu Bằng, con trai của cựu Thủ tướng Trung Quốc Lý Bằng, đã có chỗ đứng vững chắc trong giới quan chức, hiện giữ chức Bộ trưởng và Bí thư Đảng tổ của Bộ Giao thông vận tải.

Ông Lưu Lạc Phi, trưởng nam của ông Lưu Vân Sơn, cựu Ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị ĐCSTQ, đã rời khỏi CITIC Securities sau vụ sụp đổ thị trường chứng khoán năm 2015. Hiện ông Lưu Lạc Phi là Chủ tịch HĐQT của hai công ty quản lý quỹ đầu tư CITIC PE và CPE Fund.

Fantasia là công ty bất động sản do bà Tăng Bảo Bảo, cháu gái của ông Tăng Khánh Hồng - cựu Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị ĐCSTQ, thành lập. Công ty này liên tục gặp khó khăn trong vài năm gần đây và đã công bố vỡ nợ vào ngày 4/10/2021. Tính đến ngày 31/12/2022, tổng số nợ do vi phạm hợp đồng của họ là 43,5 tỷ nhân dân tệ. Fantasia đã bị đình chỉ giao dịch vào tháng 4/2022 và tiếp tục được giao dịch từ ngày 11/8/2023.

Tăng Khánh Hồng và cháu gái Tăng Bảo Bảo (Ảnh: Epoch Times)
Ông Tăng Khánh Hồng và cháu gái Tăng Bảo Bảo. (Ảnh: The Epoch Times tổng hợp)

Ông Vương Quân Đào (Wang Juntao), Chủ tịch Ủy ban Toàn quốc Đảng Dân chủ Trung Quốc ở hải ngoại, từng tiết lộ với The Epoch Times rằng gia tộc ông Tăng Khánh Hồng hiện đã giao ra một phần tài sản của họ để đổi lấy việc không truy cứu ông này. “Chỉ có hai gia tộc lớn có thể không phải giao nộp [tài sản], là [gia tộc] Hồ Cẩm Đào và Giang Trạch Dân; các gia tộc khác đều đã giao nộp rồi, bao gồm cả Ôn Gia Bảo".

Vào ngày 28/9 năm ngoái, chính quyền Trung Quốc thông báo đã bắt giữ ông Hứa Gia Ấn, người sáng lập tập đoàn bất động sản khổng lồ Evergrande; ông Hứa được mệnh danh là “găng tay trắng của giới quyền lực”. “Găng tay trắng” là từ để chỉ các doanh nhân phục vụ chính trị gia, các chính trị gia đứng sau chỉ đạo, còn các doanh nhân này sẽ ra mặt thực thi.

Chuyên gia: Vụ bắt giữ Chủ tịch Evergrande Hứa Gia Ấn mở đường cho cuộc thanh trừng lớn
Ông Hứa Gia Ấn, Chủ tịch hội đồng quản trị của Tập đoàn Evergrande, phát biểu trong cuộc họp báo ở Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 6/3/2016. (Ảnh: Etienne Oliveau/Getty Images)

Có nhà phân tích cho rằng ông Hứa Gia Ấn, giống như “cá sấu tài chính” Tiêu Kiến Hoa - người sáng lập Tomorrow Group, có thể đã tiết lộ nhiều điều về các giao dịch quyền - tiền trong thời gian bị giam giữ, điều này sẽ động chạm đến nhiều nhân vật lớn đứng sau họ.

Giáo sư Viên Hồng Băng cho rằng sức ảnh hưởng của vụ Hứa Gia Ấn có thể sánh ngang với vụ Tiêu Kiến Hoa. Sự khác biệt giữa hai người này là, ông Tiêu Kiến Hoa tuy cũng đóng vai trò là “găng tay trắng” của gia tộc quyền lực trong đảng nhưng trong lòng lại có một số động cơ chính trị, ông này đã phát động một cuộc đảo chính tài chính nhưng cuối cùng đã thất bại. Còn ông Hứa Gia Ấn chỉ thuần túy là “găng tay trắng”, đồng thời là một gian thương hoàn toàn hủ bại. Tuy nhiên, vụ án của hai người này đều ảnh hưởng sâu sắc đến giới quan chức của ĐCSTQ.

'Cá sấu tài chính’ Trung Quốc lập công gì mà được hưởng mức án khoan hồng?
'Cá sấu tài chính' Trung Quốc - ông Tiêu Kiến Hoa (trái) đã bị kết án 13 năm tù vào năm 2022. Ông này được cho là doanh nhân phục vụ cho các lãnh đạo cấp cao thuộc phe Giang Trạch Dân và Tăng Khánh Hồng (phải). (Ảnh tổng hợp)

Chuyên gia: Có 2 kiểu ‘gia tộc quyền lực’ trong đảng, ông Tập đã ‘kéo lưới’ được số tài sản tham nhũng khổng lồ

Ông Viên Hồng Băng nói rằng, cái gọi là gia tộc quyền lực trong ĐCSTQ về cơ bản được chia thành 2 kiểu: một là gia tộc của các ‘hồng nhị đại’ (thế hệ đỏ thứ hai, con cháu của các lãnh đạo ĐCSTQ thời kỳ đầu), ‘thái tử đảng’ và cả ‘hồng tam đại’ (thế hệ đỏ thứ ba); hai là một lượng lớn các quan chức có xuất thân bình thường nhưng đã vươn lên trở thành các Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị và Ủy viên Bộ Chính trị, phần lớn là người đã nghỉ hưu, như các ông Lý Trường Xuân, Ngô Bang Quốc, v.v.

Ông Viên cho rằng, nếu muốn phân tích số phận trong tương lai của những gia tộc quyền lực này thì phải xem động thái hiện tại của ông Tập Cận Bình. Ông Tập sẽ không ngần ngại dùng vũ lực để giải quyết vấn đề Đài Loan trước Đại hội XXI của Đảng Cộng sản Trung Quốc (tức năm 2027), để đặt nền móng cho sự cầm quyền suốt đời của mình.

Theo ông Viên, một mặt, ông Tập Cận Bình hiện nhận thấy rằng những người do chính mình đề bạt đều đang bằng mặt mà không bằng lòng với mình, nên ông này sẽ tiếp tục tiến hành các cuộc thanh trừng nội bộ; mặt khác, do kinh tế suy thoái khó kiềm chế, động thái không ngừng thanh trừng nội bộ của ông Tập cũng là nhằm tịch thu tài sản của các quan chức tham nhũng được dung dưỡng từ thời ông Giang Trạch Dân, số tài sản của những quan chức này có thể sánh ngang với tài sản của nhà nước.

Giang Trạch Dân và Tăng Khánh Hồng - hai cây “đại thụ” tham nhũng của ĐCSTQ vẫn luôn ung dung ngoài vòng pháp luật. (Ảnh: NTD Việt Nam tổng hợp)
Ông Giang Trạch Dân (trái; đã qua đời) và ông Tăng Khánh Hồng - hai cây “đại thụ” tham nhũng của ĐCSTQ vẫn luôn ung dung ngoài vòng pháp luật. (Ảnh: NTD Việt Nam tổng hợp)

Học giả này nói rằng, có báo cáo trong nội bộ ĐCSTQ rằng sau hơn 10 năm thanh trừng tham nhũng, tổng số tài sản mà ông Tập Cận Bình tịch thu được từ các quan chức tham nhũng tương đương với 1/2 tổng sản phẩm quốc dân (GNP) trong 10 năm của Trung Quốc.

Ông Viên nói: "Ông Tập Cận Bình đã sử dụng số tài sản này cho 3 việc. Một phần dùng làm chi tiêu quân sự để chuẩn bị cho chiến tranh và dùng cho chi tiêu quân sự bí mật khác; một phần dùng để duy trì sự ổn định và thiết lập một hệ thống mật vụ khổng lồ để duy trì sự ổn định; phần còn lại được dùng để làm giảm bớt khó khăn trong cuộc khủng hoảng tài chính của Trung ương".

Hôm 8/1, ông Tập Cận Bình đã có bài phát biểu tại Phiên họp toàn thể Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương ĐCSTQ và nói rằng tham nhũng trong các lĩnh vực tài chính, doanh nghiệp nhà nước, năng lượng, y tế và các dự án cơ sở hạ tầng… cần phải được chấn chỉnh.

Ông Viên nói, tài chính, doanh nghiệp nhà nước và năng lượng là những lĩnh vực đã bị giới quyền lực của ĐCSTQ lũng đoạn trong một thời gian dài. Việc ông Tập Cận Bình “kéo lưới” thông qua chiến dịch chống tham nhũng chắc chắn đã động chạm tới lợi ích của các gia tộc quyền lực trong ĐCSTQ, mà nhóm này lại chính là những người dám công khai gây chiến với ông Tập.

Trước đó, ông Viên đã dẫn lời nguồn tin khả tín trong nội bộ ĐCSTQ tiết lộ rằng, ông Tập Cận Bình đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng nhất kể từ khi lên nắm quyền. Nhóm ‘hậu duệ đỏ’ với nòng cốt là ông Lưu Nguyên, con trai của cựu Chủ tịch nước Trung Quốc Lưu Thiếu Kỳ, đã hình thành sự đồng thuận chính trị. Họ đang lên kế hoạch lật đổ ông Tập Cận Bình và thành lập một đảng chính trị mới, họ sẽ có những hành động tiếp theo vào năm 2024. Về phần các cựu Ủy viên Thường vụ như Lý Trường Xuân và Ngô Bang Quốc - những người từ quan chức bình thường trở thành lãnh đạo quốc gia - họ không có đủ năng lực và sự gan dạ để chống lại ông Tập Cận Bình.

Theo The Epoch Times tiếng Trung

Minh Lý biên dịch

Trung Quốc Góc nhìn


BÀI CHỌN LỌC

Chuyên gia: Cuộc chiến ngầm và thỏa hiệp giữa ông Tập với gia tộc các nguyên lão trong đảng