Cung điện nguy nga trên tảng đá khổng lồ: Bí ẩn vẫn chưa lời giải

Giúp NTDVN sửa lỗi

Cách thủ đô Colombo của Sri Lanka khoảng 170 km về phía đông bắc, có một cung điện Sigiriya hay còn gọi là "Lion Rock" (Đá Sư Tử) - di tích lịch sử được du khách tham quan nhiều nhất tại quốc gia này. Đây là một quần thể kiến trúc kết hợp giữa cung điện và pháo đài quân sự, được xây dựng trên đỉnh một khối đá granit khổng lồ màu đỏ cam cao khoảng 200 mét.

Được mệnh danh là "Kỳ quan thứ 8 của thế giới", cung điện Sigiriya được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới vào năm 1982. Quá trình xây dựng "cung điện trên mây" này vẫn luôn là chủ đề thu hút sự tò mò của các nhà khảo cổ học và kiến trúc sư. Làm thế nào con người có thể xây dựng trên vách đá dựng đứng, cách họ vận chuyển vật liệu lên đỉnh, cho đến nay vẫn còn là những bí ẩn chưa lời giải.

Cung điện Sigiriya được xây dựng trên đỉnh một cột đá khổng lồ màu đỏ cam cao khoảng 200 mét. (Shutterstock)
Nhìn từ trên cao cung điện Sigiriya. (Shutterstock)

Cung điện Sigiriya, di tích cung điện cổ được xem như "báu vật quốc gia" của Sri Lanka, không chỉ thể hiện trí tuệ của người xưa mà còn ẩn chứa câu chuyện lịch sử đầy hấp dẫn về một cuộc đảo chính trong cung điện.

Theo ghi chép trong "Mahishi", một tài liệu lịch sử cổ của Sri Lanka, vào thế kỷ thứ 5, Hoàng tử Kassapa (hay Kasyapa, Kashyapa) thuộc triều đại Anuradhapura đã sát hại vua cha để chiếm đoạt ngai vàng, còn người em cùng cha khác mẹ của ông là Mogalan (Moggallana) buộc phải chạy trốn sang Ấn Độ.

Để ngăn chặn sự trả thù của người em Moggallana, sau khi lên kế vị, Kassapa đã dời đô về cố đô Sigiriya và dành nhiều năm tâm huyết để xây dựng một cung điện nguy nga như một pháo đài trên đỉnh tảng đá khổng lồ cao 200 mét này. Nhằm mục địch phòng thủ tốt hơn, các bậc thang dẫn vào cung điện được xây dựng dọc theo vách đá, nhỏ hẹp và dốc đứng. Ngoài ra, ông còn ra lệnh xây dựng hào và tường thành dưới chân đá.

Tuy nhiên, vị vua này chỉ hưởng thụ được 7 năm trong "lâu đài trên mây" này. Cuối cùng, ông bị em trai truy sát và Moggallana đã giành lại ngai vàng. Vị vua mới dời đô về lại Anuradhapura, và cung điện Sigiriya từ đó bị bỏ hoang. Mãi đến năm 1831, di tích cung điện ẩn mình hơn một nghìn năm đã được một thợ săn người Anh vô tình phát hiện ra.

Cung điện Sigiriya, sự kết hợp giữa đá tự nhiên và nhân tạo, đã trở thành một điểm đến thu hút rất nhiều khách du lịch. (Shutterstock)
Khuôn viên của cung điện Sigiriya (Shutterstock)

Nằm sâu trong khu rừng rậm rạp và đầm lầy, Sigiriya sừng sững như một biểu tượng huyền bí của Sri Lanka. Khối đá granit màu cam cao 200 mét với đỉnh bằng phẳng rộng gần 2 ha là nơi tọa lạc của một cung điện nguy nga tráng lệ, khiến du khách kinh ngạc bởi sự xa hoa và kỹ thuật xây dựng phi thường.

Bên trong cung điện là những công trình kiến trúc độc đáo như: ngai vàng bằng đá của vua, bể chứa nước, hồ bơi, phòng tiệc, phòng họp và phòng ngủ của vua. Hệ thống bể chứa nước được xây dựng tinh vi, tận dụng nước mưa để cung cấp cho toàn bộ cung điện trong suốt một năm. Khi mực nước cao, nước sẽ tràn qua các khe hở trên đỉnh núi, tạo thành những "vòi phun" tự nhiên đẹp mắt, chảy xuống khu vườn rộng lớn dưới chân núi.

Điểm nhấn ấn tượng nhất của Sigiriya là tượng đá sư tử khổng lồ sừng sững ở lối vào cung điện, chính là nguồn gốc của tên gọi "Lion Rock" (Đá Sư Tử). Tuy nhiên, sau hơn 1000 năm chịu ảnh hưởng của thời gian và thiên nhiên, hiện nay chỉ còn lại hai bàn chân sư tử bằng đá to lớn nằm lẻ loi.

Một bức tượng sư tử đá khổng lồ đứng ở lối vào cung điện, sau hơn một nghìn năm bị hao mòn và phong hóa, giờ đây chỉ còn lại hai bàn chân sư tử đá to lớn lẻ loi. (Shutterstock)
Cung điện Sigiriya, sự kết hợp giữa đá tự nhiên và đá nhân tạo, đã trở thành một điểm đến rất thu hút khách du lịch. (Shutterstock)

Nổi tiếng nhất trong di tích Sigiriya là những bức tranh tường tinh xảo trong các hang động. Vách đá như một kho tàng tranh khổng lồ, với diện tích tranh từng bao phủ khu vực dài 140 mét và cao 40 mét. Những bức tranh này mô tả các phi tần của vua Kassapa I, các tiên nữ và những hình ảnh phụ nữ xinh đẹp khác. Họ đội mão hoa, khoác lụa mỏng, lơ lửng trên những đám mây huyền ảo, với tư thế uyển chuyển như đang bay lượn và rải hoa. Các bức tranh có hình khối sinh động, màu sắc rực rỡ, thể hiện kỹ thuật hội họa điêu luyện.

Theo ghi chép, ban đầu có hơn 500 bức tranh được vẽ trên vách đá xung quanh Sigiriya, nhưng hiện nay chỉ còn lại 22 bức. Tuy phần lớn đã bị hư hại, du khách vẫn có thể cảm nhận được vẻ đẹp lộng lẫy của những bức tranh khi chúng mới được hoàn thành. Những bức tranh còn sót lại là báu vật nghệ thuật của Sri Lanka và là một trong bốn di tích nghệ thuật quan trọng nhất của Đông Nam Á cổ đại.

Kết hợp hài hòa giữa thiên nhiên và kiến trúc nhân tạo, Sigiriya đã trở thành điểm du lịch nổi tiếng tại địa phương. Cho đến ngày nay, công trình kiến trúc kỳ vĩ này vẫn ẩn chứa nhiều bí ẩn, thu hút du khách từ khắp nơi trên thế giới đến khám phá.

Bể chứa nước. (Shutterstock)
Nhìn toàn cảnh cung điện Sigiriya trên cao (Shutterstock)

Theo Trương Vũ Phi - Epoch Times tiếng Trung

Khả Vy biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Cung điện nguy nga trên tảng đá khổng lồ: Bí ẩn vẫn chưa lời giải