Cựu kỹ sư NASA tuyên bố phát minh ra một động cơ đẩy không cần nhiên liệu 

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tiến sĩ Charles Buhler, một kỹ sư từng làm việc tại NASA đang nghiên cứu động cơ đẩy không cần nhiên liệu tuyên bố rằng, thiết bị này có thể tạo ra đủ lực đẩy đủ để bay lên trong trọng trường Trái đất, dựa trên một hiệu ứng mà theo hiểu biết hiện tại của chúng ta về vật lý thì điều đó không thể xảy ra.

Buhler trước đây đã tham gia nhiều chương trình khi ở NASA. Sau đó, ông đã đồng sáng lập Exodus Propulsion Technologies, một công ty đã nộp đơn xin cấp bằng sáng chế vào năm 2019 cho hệ thống mà họ khẳng định có thể tạo ra lực bằng cách sử dụng áp suất tĩnh điện không đối xứng. Theo bằng sáng chế, hệ thống tạo ra chênh lệch điện áp trên một bề mặt dẫn điện.

Bằng sáng chế ghi rõ: "Chênh lệch điện áp được áp dụng để tạo ra một điện trường, dẫn đến một lực áp suất tĩnh điện tác động lên ít nhất một bề mặt của vật thể. Sự không đối xứng trong các vector lực áp suất tĩnh điện tạo ra một lực áp suất tĩnh điện điện tổng hợp tác dụng lên vật thể”.

Bằng sáng chế cho biết thêm rằng phát minh này có thể được sử dụng để làm động cơ để đẩy tàu vũ trụ. "Độ lớn của lực áp suất tĩnh điện tổng hợp phụ thuộc vào hình dạng bề mặt dẫn điện, hiệu điện thế áp dụng và hằng số điện môi của bất kỳ vật liệu nào có mặt trong khoảng cách giữa các điện cực”.

Theo Buhler, nhóm của ông đã có thể tạo ra một lực đủ lớn để vật thể (rất nhỏ) vượt qua lực hấp dẫn của Trái Đất bằng phương pháp này.

Lực đẩy đó nghe có vẻ như không đáng kể – nhưng trong môi trường gần như chân không gần của không gian, nó có thể giúp vật thể của bạn tăng tốc (tất nhiên, điều này còn tùy thuộc vào khối lượng của vật thể). Nếu bạn có thể liên tục duy trì gia tốc có độ lớn 1G (gia tốc trọng trường trên Trái đất), thì bạn không những có thể tận hưởng lực hấp dẫn nhân tạo tương đương với trên hành tinh của chúng ta, mà còn có thể bay được những khoảng cách khổng lồ. Nhưng làm như vậy sẽ đòi hỏi một lượng lực đẩy vượt quá sức tưởng tượng so với những gì chúng ta có thể tạo ra với chất đẩy hiện nay.

Tuyên bố của Buhler, nếu được chứng minh là đúng và không phải là kết quả của một lực đã biết khác mà nhóm không tính đến, sẽ là một bước đột phá lớn. Trong quá trình thử nghiệm, nhóm khẳng định đã tìm thấy một kết quả gây ngạc nhiên hơn nữa; thiết bị đôi khi dường như có thể duy trì lực đẩy này mà không cần cung cấp điện liên tục.

Buhler nói với The Debrief: "Thông điệp quan trọng nhất cần truyền đạt cho công chúng là một phát hiện lớn đã diễn ra. Phát hiện về một Lực Mới mang tính nền tảng ở chỗ chỉ riêng trường điện đã có thể tạo ra một lực bền vững lên một vật thể, và cho phép dịch chuyển khối tâm của vật thể đó mà không phải bỏ ra khối lượng nào”.

Có nhiều lý do để hoài nghi về những tuyên bố như vậy, bởi vì nó vi phạm định luật bảo toàn động lượng và định luật mọi tác động đều có một phản lực tương ứng. Các thiết bị khác, đáng chú ý là EmDrive, từng được cho là đã tạo ra lực đẩy mà không cần chất đẩy. Các nhóm sau đó cố gắng tái tạo lực đẩy bí ẩn do EmDrive tạo ra đã phát hiện rằng tất cả đều có thể được giải thích bằng vật lý thông thường và hiệu ứng nhiệt.

Giáo sư Martin Tajmar giải thích với trang web Đức GrenzWissenschaft-Aktuell: "Với sự trợ giúp của một cấu trúc thang đo mới và các điểm treo khác nhau của cùng một động cơ, chúng tôi đã có thể tái tạo các lực đẩy hiển thị tương tự như những lực mà nhóm NASA đo được, nhưng cũng có thể làm chúng biến mất bằng điểm treo".

"Khi điện năng chảy vào EmDrive, động cơ sẽ nóng lên. Điều này cũng làm cho các phần bắt cứng trên thang đo bị cong vênh, khiến thang đo di chuyển đến một điểm cân bằng mới. Chúng tôi đã có thể ngăn chặn điều đó xảy ra trong một cấu trúc được cải tiến. Các phép đo của chúng tôi bác bỏ tất cả các tuyên bố về EmDrive ít nhất 3 bậc độ lớn”.

Nếu lực đằng sau thiết kế của Exodus Propulsion Technologies được chứng minh là kết quả của áp suất tĩnh điện không đối xứng, và nó có thể áp dụng trên các quy mô lớn hơn, thì đây sẽ là một cuộc cách mạng đối với du hành vũ trụ.

Buhler nói thêm: "Có những quy tắc bao gồm nguyên lý bảo toàn năng lượng, nhưng nếu được thực hiện đúng cách, người ta có thể tạo ra những lực mà loài người chưa từng làm trước đây. Đây chính là lực mà chúng ta sẽ sử dụng để thúc đẩy các vật thể trong 1.000 năm tới... cho đến khi có thứ mới hơn ra đời”.

Nhưng tuyên bố này đòi hỏi bằng chứng xác nhận. Buhler đang mời các nhà khoa học khác xem xét kết quả và cố gắng giải thích nguyên lý vật lý đằng sau nó. Có thể chính Buhler, hoặc người khác, sẽ tìm ra rằng vật lý thông thường là nguyên nhân của lực đẩy không cần nhiên liệu này.

Theo iflscience

Khoa học Công nghệ


BÀI CHỌN LỌC

Cựu kỹ sư NASA tuyên bố phát minh ra một động cơ đẩy không cần nhiên liệu