Điều gì đang 'đánh cắp' thời gian của bạn?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Có lẽ nhiều người thường cảm thấy mình có quá nhiều việc phải làm nhưng lại không đủ thời gian. Vậy tại sao chúng ta cứ luôn cảm thấy không đủ thời gian để hoàn thành mọi việc như vậy?

Bạn có cảm giác mình chưa kịp làm gì đã hết ngày, chưa làm được gì mà đã hết năm không? Thời gian tất cả mọi người đều giống nhau mà tại sao mình lúc nào cũng thấy không đủ thời gian như vậy.

Ngoài khối lượng công việc thì yếu tố tâm lý luôn đứng sau suy nghĩ và cảm giác áp lực về thời gian. Chuyên gia tâm lý học tổ chức, bác sĩ Myra Altman, đến từ Modern Health (Mỹ), chia sẻ: “Ý thức về thời gian là chủ quan và dựa trên rất nhiều yếu tố bên trong và bên ngoài. Vì vậy, nhiều khi áp lực thời gian phụ thuộc vào phản ứng cảm xúc của chúng ta với việc đang làm. Chúng ta hào hứng hơn khi dành thời gian cho việc yêu thích so với những nhiệm vụ mà chúng ta đang sợ”.

Bên cạnh đó, những nguyên nhân dưới đây luôn làm bạn cảm thấy không đủ thời gian:

Công nghệ “đánh cắp” thời gian nghỉ ngơi của bạn

Cuộc sống ngày càng hiện đại hóa, công nghệ giúp chúng ta tiết kiệm chi phí và sức lực nhưng đồng thời nó cũng lấy đi thời gian của chúng ta. Điều này nghe có vẻ nghịch lý nhưng thực tế là như vậy. Những khoảng thời gian nghỉ ngơi của chúng ta liên tục bị gián đoạn bởi các thiết bị công nghệ. Tình trạng này ảnh hưởng tiêu cực tới khả năng nhận thức và phân chia thời gian rảnh rỗi của mỗi người.

Cụ thể, sau một ngày làm việc thì buổi tối sẽ là thời gian bên gia đình, nghỉ ngơi của mỗi người, nhưng cứ một lúc lại phải kiểm tra hoặc trả lời thông báo, email hay tin nhắn. Những gián đoạn tưởng như rất nhỏ này, về lâu dài và khi cộng dồn vào sẽ chiếm một khoảng thời gian không nhỏ và làm gián đoạn thời gian nghỉ ngơi của bạn, khiến bạn luôn “ngập” trong công việc, thực tế thời gian nghỉ ngơi rất ít.

Công nghệ có thể giữ đầu óc bận rộn, nhưng nó lại là một cái bẫy góp phần gây ra căng thẳng và thiếu thời gian. Việc liên tục kết nối với các thiết bị công nghệ sẽ ngăn não phục hồi, khiến mức độ căng thẳng tăng cao.

Quá coi trọng tiền bạc, đánh giá thấp thời gian

Chúng ta được dạy một cách sai lầm rằng tiền bạc (chứ không phải thời gian) mang lại nhiều hạnh phúc hơn: Có tiền mua gì cũng được, có tiền sẽ hưởng cuộc sống sung túc, giàu có,... Vì vậy, ai cũng làm ngày làm đêm, bất kể thời gian. Nghiên cứu cho thấy rằng tiền bảo vệ chúng ta khỏi nỗi buồn nhưng không mua được niềm vui. Có tiền chắc chắn bảo vệ chúng ta khỏi căng thẳng, cầm tiền mặt trong tay thậm chí còn mang lại cảm giác an tâm. Tuy nhiên, việc ngăn chặn kết quả tiêu cực khác với việc tạo ra những điều hạnh phúc.

Có không ít người nghĩ rằng, trở nên giàu có hơn về tài chính sẽ giàu có hơn về thời gian. Thực ra đây là sai lầm bởi việc theo đuổi sự giàu có và của cải là không có hồi kết.

Trong nền văn hóa ám ảnh với tiền bạc, nhiều người đánh đổi thời gian để bảo vệ tiền của mình. Chúng ta luôn chọn phương án với chi phí thấp nhất theo phản xạ, kể cả khi đó không phải phương án tối ưu.

Ví dụ, khi bạn đặt chuyến bay có transit (nối chuyến) để được rẻ hơn một chút, bạn đang rơi vào một cái bẫy thời gian. Bạn có thể tiết kiệm 300 USD nhưng sẽ mất thêm 8 tiếng trong kỳ nghỉ và thấy mệt mỏi và căng thẳng hơn.

Rất khó để đo lường giá trị thời gian nên bạn sẽ dễ đưa ra những lựa chọn sai lầm. Bạn vẫn có thể cảm thấy rằng sự đánh đổi này là xứng đáng, nhưng việc tính toán đơn giản này đặt ra một cách nhìn khác về giá trị của thời gian, thứ mà chúng ta hay có xu hướng đánh giá thấp.

Coi bận rộn là thành công

Chúng ta cảm thấy giá trị của bản thân được quyết định bởi công việc và năng suất, lúc nào cũng bận rộn với nhiều việc khiến chúng ta cảm thấy hài lòng và cho rằng bản thân có giá trị. Ngược lại, tập trung sự chú ý vào một thứ khác ngoài công việc khiến chúng ta cảm thấy địa vị của mình bị đe dọa. Chúng ta muốn được coi là nhân viên làm việc nhiều giờ nhất, ngay cả khi những giờ này không hiệu quả.

Thói quen trì hoãn

Hầu hết chúng ta đều quá lạc quan về tương lai của mình luôn cho rằng ngày mai chúng ta sẽ có nhiều thời gian hơn hôm nay, việc chưa xong thì mai làm.

Tâm trí của chúng ta thường đánh lừa rằng sau này chúng ta sẽ có nhiều thời gian hơn bây giờ. Sự lạc quan thái quá này tạo ra sự dồn ứ công việc, để rồi cuối cùng chúng ta chẳng còn lại chút thời gian nào.

Tuyết Liên (sưu tầm)



BÀI CHỌN LỌC

Điều gì đang 'đánh cắp' thời gian của bạn?