Giá dầu kiên trì leo thang trong khi nguồn dự trữ dầu chiến lược của Mỹ giảm mạnh

Giúp NTDVN sửa lỗi

Khủng hoảng nguồn cung và lạm phát giá năng lượng dường như vẫn trên con đường trở nên tồi tệ hơn, giá dầu thô tiếp tục leo thang hàng tuần. Rõ ràng, sách lược xả dầu dự trữ chiến lược để kiềm chế giá dầu thô và lạm phát của chính quyền tổng thống ông Biden đã không hiệu quả.

Giá dầu thô WTI đã tăng 4% trong tuần, lên tới 115 USD/thùng vào thứ Sáu (27/5/2022), mức cao nhất trong 14 năm qua. Giá dầu thô tăng cao trong bối cảnh lo ngại dai dẳng về nguồn cung toàn cầu thắt chặt hơn và nhu cầu tăng.

Nhà phân tích Giovanni Staunovo của UBS cho biết: “Giá dầu đã tăng lên mức cao nhất kể từ cuối tháng 3, giá dầu bị thêm áp lực từ sự sụt giảm mới trong kho dự trữ dầu của Mỹ".

Dữ liệu mới nhất của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ hôm thứ Tư cho thấy tồn kho dầu thô của Mỹ giảm nhiều hơn dự kiến vào tuần trước do xuất khẩu tăng vọt cho thấy nguồn cung toàn cầu đang bị thắt chặt khi các chính sách trừng phạt Nga được triển khai và cuộc chiến tranh Nga - Ukraine vẫn tiếp tục leo thang. Dự trữ xăng của Mỹ đã giảm 482.000 thùng trong tuần trước xuống còn 219,7 triệu thùng.

Uỷ ban Châu Âu tiếp tục tranh cãi với Hungary về việc cấm vận nhập khẩu dầu từ Nga. Uỷ ban này hy vọng có thể đạt được thoả thuận về chính sách cấm vận vào ngày 30/5 tới đây. Tuy nhiên, một phụ tá hàng đầu của Hungary cho biết nước này cần 3 năm rưỡi đến 4 năm để cắt bỏ hoàn toàn sự phụ thuộc dầu thô của Nga. Họ cần phải đầu tư rất nhiều để điều chỉnh nguồn cung đầu vào cho nền kinh tế. Bởi vậy, Hungary không thể ủng hộ đề xuất cấm vận dầu mỏ của EU cho đến khi có một thỏa thuận về tất cả các vấn đề, phụ tá cho biết.

Trong một diễn biến khác, khối OPEC+ được cho là sẽ tuân theo thoả thuận cũ về lượng cung khai thác dầu từ năm ngoái tại cuộc họp ngày 2/6 tới đây, nâng mức sản lượng mục tiêu tháng 7/2022 lên 432.000 thùng/ngày (theo Reuters).

“Mùa lái xe ở Mỹ và nhu cầu đi lại mạnh mẽ sẽ giúp ích (giá cả). Với sự tăng trưởng nguồn cung và tốc độ tăng trưởng nhu cầu, thị trường dầu có khả năng tiếp tục cung cấp trong tình trạng cung không đủ cầu. Do đó, chúng tôi vẫn lạc quan về triển vọng giá dầu thô”, Staunovo nói thêm.

Bank of America cho biết: “Chúng tôi tin rằng xuất khẩu dầu của Nga giảm mạnh có thể gây ra một cuộc khủng hoảng dầu bùng phát từ những năm 1980 và đẩy Brent vượt ngưỡng 150 USD/thùng”.

Giá dầu tăng vọt sau cuộc cách mạng Iran năm 1979 và cuộc chiến kéo dài giữa Iran và Iraq (1980–88) đã gây ra các cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính đi kèm sau đó.

Giá đã tăng khoảng 50% trong năm nay.

Thanh Đoàn



BÀI CHỌN LỌC

Giá dầu kiên trì leo thang trong khi nguồn dự trữ dầu chiến lược của Mỹ giảm mạnh