Anh hùng ngành chip Hàn Quốc bị cáo buộc làm gián điệp cho Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Vụ việc là đặc biệt nghiêm trọng khi có liên quan tới một nhân vật nổi tiếng trong ngành công nghệ Hàn Quốc, với cáo buộc gián điệp công nghiệp trên quy mô lớn. Thất bại trong việc đánh cắp công nghệ của Mỹ, Trung Quốc đang quay sang những mục tiêu dễ dàng hơn như Hàn Quốc.

“Nhân vật quyền lực trong ngành công nghiệp chip Hàn Quốc”. “Bậc thầy về năng suất”. “Chuyên gia hàng đầu về kỹ thuật sản xuất bộ nhớ.”

Một chuyên gia kỳ cựu trong ngành công nghệ Hàn Quốc, người từng được ca ngợi với những danh hiệu này vì sự đổi mới, cách tiếp cận thực tế và sự cống hiến suốt ngày đêm, một lần nữa được dư luận chú ý. Chính phủ Hàn Quốc đã từng tôn vinh ông là anh hùng công nghệ quốc gia. Lần này, chính chính phủ này đang cáo buộc ông tội gián điệp công nghiệp trên quy mô lớn.

Trong khi đó, cuối tuần trước, Trung Quốc đã kêu gọi “cởi mở” và “hợp tác” trong ngành công nghiệp chip của mình để vượt qua các lệnh trừng phạt công nghệ của Mỹ.

Tội ác nghiêm trọng

Vào ngày 12/06, các công tố viên Hàn Quốc đã buộc tội cựu giám đốc điều hành của Samsung Electronics với cáo buộc ăn cắp dữ liệu thiết kế từ một nhà máy bán dẫn của Samsung Electronics và cố gắng xây dựng một nhà máy sao chép ở Trung Quốc.

Cựu giám đốc bị buộc tội theo Đạo luật bảo vệ công nghệ công nghiệp của Hàn Quốc và Đạo luật ngăn chặn cạnh tranh không lành mạnh với tội làm rò rỉ bí mật thương mại ra nước ngoài.

Vụ trộm cắp này rất đáng chú ý vì nó liên quan tới các dữ liệu đã được xác định là công nghệ cốt lõi quốc gia. Đó là danh mục các công nghệ có giá trị cao có thể ảnh hưởng xấu đến an ninh quốc gia và sự phát triển kinh tế của Hàn Quốc nếu nó rơi vào tay các quốc gia khác.

Do quy mô của tội ác - nghi phạm đã cố gắng sao chép và xây dựng hẳn một nhà máy bán dẫn ở Trung Quốc - bên công tố cho biết “rất khó để so sánh trường hợp này với các vụ rò rỉ công nghệ bán dẫn riêng lẻ”. Mức độ thiệt hại là đáng kinh ngạc, với thiệt hại đối với Samsung ước tính hàng trăm triệu USD.

Văn phòng công tố cho biết: “Đó là một tội ác nghiêm trọng có thể giáng một đòn nặng nề vào an ninh kinh tế của chúng ta bằng cách làm lung lay nền tảng của ngành công nghiệp chip trong nước vào thời điểm cạnh tranh ngày càng gay gắt trong lĩnh vực sản xuất chip”.

Bị cáo đã phủ nhận các cáo buộc.

Từ anh hùng dân tộc trở thành kẻ phản bội

Do luật về quyền riêng tư ở Hàn Quốc, các bị cáo thường không được nêu tên. Tuy nhiên, văn phòng công tố quận Suwon đã cung cấp thông tin chi tiết về bị cáo, một cựu nhân viên 65 tuổi tới từ cái gọi là “Công ty A”.

Các nhà chức trách Hàn Quốc cho biết bị cáo đã làm việc tại “Công ty A” - “công ty chiếm thị phần số một thế giới trong lĩnh vực bộ nhớ và chất bán dẫn” - trong khoảng 18 năm và sau đó giữ chức phó chủ tịch của một công ty khác, được gọi là “Công ty B”, trong khoảng 10 năm.

Dựa trên thông tin do các công tố viên cung cấp, “Công ty A” và “Công ty B” được xác định là hai gã khổng lồ chip toàn cầu Samsung và SK Hynix, 2 đối thủ chính của nhau.

Hàn Quốc: Anh hùng công nghệ chip bị cáo buộc làm gián điệp cho Trung Quốc
Một người đàn ông đi ngang qua logo của Samsung Electronics tại trụ sở chính của công ty ở Suwon, Hàn Quốc, vào ngày 13/06/2023. (Ảnh: JUNG YEON-JE / AFP qua Getty Images)

Các công tố viên đã mô tả bị cáo trong một tuyên bố là “chuyên gia hàng đầu được thừa nhận trong nước về sản xuất chất bán dẫn".

Các công tố viên cho biết, bị cáo sau đó đã thành lập các công ty sản xuất chip ở Trung Quốc và Singapore với sự hậu thuẫn của các nhà đầu tư Trung Quốc và Đài Loan, đồng thời lôi kéo hơn 200 chuyên gia chip từ Samsung và Hynix với mức lương cao hơn trước khi dàn xếp vụ lấy cắp các công nghệ quan trọng từ Samsung.

Tội ác nghiêm trọng nhất của bị cáo là nỗ lực xây dựng một nhà máy bán dẫn sao chép ở Tây An, Trung Quốc, chỉ cách nhà máy của Samsung một dặm, bằng cách sử dụng các bản thiết kế và bí mật kỹ thuật bị đánh cắp từ Samsung.

Làm thế nào mà một bậc thầy về chip của Hàn Quốc - về bản chất, là một anh hùng dân tộc - lại trở thành gián điệp công nghiệp cho Trung Quốc?

Huyền thoại công nghiệp

Trích dẫn “những người quen thuộc với vụ án”, Wall Street Journal cho biết bị cáo giấu tên là cựu giám đốc điều hành của Samsung họ Choi.

Ông Choi từng được biết đến là chuyên gia hàng đầu về kỹ thuật sản xuất bộ nhớ trong ngành công nghiệp bán dẫn của Hàn Quốc. Ông đã làm việc trong bộ phận bán dẫn bộ nhớ của Samsung trong 18 năm và từng là giám đốc điều hành của công ty. Trong thời gian đó, ông đã giành được một số giải thưởng nội bộ, Wall Street Journal cho biết.

Năm 2001, ông chuyển đến Hynix Semiconductor (nay là SK Hynix).

SK Hynix hiện là nhà sản xuất chip lớn thứ hai thế giới. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, nó nằm dưới sự quản lý của các chủ nợ do khủng hoảng thanh khoản, bị tụt hậu so với Samsung Electronics về mặt công nghệ.

Bằng cách cải tiến thiết bị, tái thiết kế và làm việc chăm chỉ, ông Choi đã cải thiện năng lực kỹ thuật của Hynix, hồi sinh công ty đang chết dần chết mòn và hướng nó vào con đường dẫn đến vị trí số hai toàn cầu trong ngành công nghiệp bán dẫn ngày nay.

Thành tích của ông Choi đã giúp ông ấy được thăng chức lên Giám đốc Công nghệ. Tuy nhiên, ông đã từ chức phó chủ tịch của Hynix vào năm 2010 sau khi không được bầu vào vị trí lãnh đạo cao nhất tại Hynix.

Ông Choi đã được chính phủ Hàn Quốc vinh danh vì những nỗ lực của mình. Năm 2009, ông nhận được Bằng khen Dịch vụ Công nghiệp của quốc gia vì những đóng góp của ông trong lĩnh vực sản xuất chip bán dẫn.

Sau khi rời Hynix, ông Choi đã có vài năm làm việc tại các công ty sản xuất khác của Hàn Quốc.

Hàn Quốc: Anh hùng công nghệ chip bị cáo buộc làm gián điệp cho Trung Quốc
Một nhân viên của Samsung Electronics quảng cáo cho chip và thẻ nhớ NAND 32-Gigabyte trong cuộc họp báo tại khách sạn Shilla vào ngày 11/09/2006 tại Seoul, Hàn Quốc. (Ảnh: Chung Sung-Jun/Getty Images)

Hợp tác với Trung Quốc

Bản cáo trạng cáo buộc rằng bị cáo sau đó đã thành lập một công ty có trụ sở tại Singapore, với các kế hoạch dài hạn để theo đuổi việc xây dựng một nhà máy sản xuất chip ở Tây An, Trung Quốc. Mặc dù bản cáo trạng không nêu tên công ty có trụ sở tại Singapore, nhưng được biết vào năm 2015, ông Choi đã thành lập công ty tư vấn công nghệ chip, Jin Semiconductor, tại Singapore.

Theo cáo trạng, năm 2018, ông Choi đã ký thỏa thuận đầu tư trị giá 8 nghìn tỷ KRW (won Hàn Quốc) (khoảng 6,3 tỷ USD) với một nhà sản xuất thiết bị điện tử Đài Loan để tài trợ cho các kế hoạch của mình, bao gồm việc thuê các chuyên gia từ Hàn Quốc với mức lương tăng cao.

Bên công tố cáo buộc rằng ông Choi đã thuê 200 chuyên gia chủ chốt trong ngành bán dẫn từ Samsung Electronics và SK Hynix.

Theo Wall Street Journal, ông Choi đã thành lập Zhenxin Semiconductor tại Trung Quốc vào năm 2019. Hồ sơ của công ty Trung Quốc tiết lộ mối liên hệ giữa công ty có trụ sở tại Singapore và công ty Trung Quốc, đồng thời liệt kê trang chủ của Jin Semiconductor như là trang web của Zhenxin Beijing Semiconductor.

Zhenxin Semiconductor sau đó trở thành nhà đầu tư lớn khi ông Choi làm việc với chính quyền thành phố Thành Đô, Trung Quốc, để thành lập công ty liên doanh bán dẫn có tên Công nghệ Gaozhen Thành Đô. Các công tố viên cho biết, liên doanh đã bắt đầu thử nghiệm sản xuất chất bán dẫn trong năm nay.

Bị cáo bị buộc tội chủ động ra lệnh cho nhân viên của công ty có trụ sở tại Singapore của mình mua công nghệ từ Samsung.

Nhà máy sao chép

Kế hoạch táo bạo nhất của ông Choi là xây dựng nhà máy sản xuất chip ở Tây An, sao chép lại nhà máy Samsung nằm cách đó chỉ 1,5 km.

Theo các công tố viên, nhà máy mới sử dụng BED (Dữ liệu kỹ thuật cơ bản) từ nhà máy Samsung gần đó, cùng với các bản vẽ bố trí quy trình, bản thiết kế và các thông tin bí mật thương mại khác.

BED là công nghệ bán dẫn cốt lõi tạo ra môi trường sản xuất tối ưu bằng cách ngăn chặn tạp chất trong không gian sản xuất (phòng sạch). Công nghệ bị đánh cắp bao gồm công nghệ sản xuất bộ nhớ flash DRAM và NAND dưới 30 nanomet, bao gồm cả công nghệ sản xuất điện thoại di động.

6 cựu nhân viên của Samsung Electronics và các công ty đối tác của Samsung Electronics đã bị buộc tội thu thập bất hợp pháp các chi tiết thiết kế từ nhà máy bán dẫn của Samsung theo hướng dẫn của ông Choi và sử dụng chúng mà không được phép.

Dự án đã thất bại khi không nhận được tài trợ như đã hứa từ Đài Loan.

Theo JoongAng Daily, mặc dù kế hoạch này đã không được hiện thực hóa, nhưng các nguồn tin trong ngành tin rằng các thông tin quan trọng có thể đã bị rò rỉ cho các công ty Trung Quốc, vì ông Choi đã điều hành CHJS có trụ sở tại Thành Đô từ năm 2020.

“Dữ liệu mà Samsung Electronics thu được sau hơn 30 năm nghiên cứu và phát triển, trị giá từ 300 tỷ đến hàng nghìn tỷ KRW (khoảng 200 triệu đến hàng tỷ USD). Đó không chỉ là bí mật thương mại của một công ty mà còn là công nghệ cốt lõi của quốc gia”, các công tố viên cho biết.

Trung Quốc săn lùng nhân tài Hàn Quốc

Hàn Quốc: Anh hùng công nghệ chip bị cáo buộc làm gián điệp cho Trung Quốc
Nhân viên làm việc tại công ty TongFu Microelectronics (TFME) ở Nam Thông thuộc tỉnh Giang Tô phía đông Trung Quốc vào ngày 14/11/2020 (Ảnh: Feature China / Future Publishing qua Getty Images)

Khi Mỹ tăng cường nỗ lực kiềm chế ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc, việc Trung Quốc săn lùng các tài năng công nghệ cao ở Hàn Quốc đã trở nên quyết liệt hơn.

Ngành công nghiệp bán dẫn Trung Quốc không chỉ sử dụng mức lương hàng năm cao để thu hút mà còn thành lập các trung tâm nghiên cứu và phát triển ở Hàn Quốc, khuyến khích các tài năng bán dẫn cấp cao từ bỏ công việc hiện tại bằng cách hứa với họ rằng họ sẽ không phải chuyển đến Trung Quốc.

Trong vài tháng qua, cảnh sát Hàn Quốc đã tiến hành một chiến dịch trấn áp đặc biệt nhằm phơi bày các vụ rò rỉ công nghệ công nghiệp. Vào ngày 11/06, Hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc đưa tin về 77 vụ bắt giữ liên quan đến 35 vụ gián điệp công nghiệp. Một cuộc điều tra tạm thời cho thấy 8 trong số các sự cố có liên quan đến rò rỉ công nghệ ra nước ngoài, bao gồm cả Trung Quốc.

Tờ Financial Times cho biết trong một bài báo ngày 16/05 rằng, Seoul coi vấn đề này nghiêm trọng đến mức họ đang tập hợp một cơ sở dữ liệu gồm thông tin về các kỹ sư chip làm việc cho các công ty Hàn Quốc để theo dõi việc họ ra vào nước này.

Theo Cơ quan Tình báo Quốc gia Hàn Quốc, thiệt hại ước tính do rò rỉ công nghệ công nghiệp từ năm 2018 đến năm 2022 lên tới khoảng 25 nghìn tỷ KRW (khoảng 19,6 tỷ USD).

Mục tiêu dễ dàng hơn

Vào ngày 15/06, ông Li Jixin, một kỹ sư điện tử làm việc tại Nhật Bản, nói với The Epoch Times rằng, mục tiêu chính của hành vi trộm cắp công nghệ của Trung Quốc vẫn là Mỹ.

Tuy nhiên, Mỹ đang đẩy lùi vấn nạn này, khiến Trung Quốc chuyển sang các mục tiêu dễ dàng hơn.

“Khi Mỹ bắt đầu nhận ra rằng công nghệ [của mình] đang bị đánh cắp một cách nghiêm trọng và bắt đầu rà soát nghiêm ngặt, mục tiêu trộm cắp chính bắt đầu mở rộng sang châu Âu và Nhật Bản; khi châu Âu và Nhật Bản bắt đầu đề phòng [nó], mục tiêu đánh cắp công nghệ chuyển sang Hàn Quốc, quốc gia vẫn đầu tư nhiều vào Trung Quốc và không có biện pháp ngăn chặn nghiêm ngặt”, ông nói.

Ông Li cho biết, các công ty bán dẫn của Hàn Quốc đã đầu tư rất nhiều vào Trung Quốc và dựa vào Trung Quốc để xuất khẩu, vì vậy “họ đã nhắm mắt làm ngơ trước hành vi vi phạm công nghệ của Trung Quốc, điều này khiến Trung Quốc thậm chí còn liều lĩnh hơn”.

Hàn Quốc “phải cảnh báo và rà soát kỹ lưỡng như Mỹ và Nhật Bản đã làm để chấm dứt tội phạm đánh cắp công nghệ của Trung Quốc”.

Trong khi đó, một chuyên gia bán dẫn Trung Quốc phát biểu tại một diễn đàn công nghiệp rằng, Trung Quốc cần tăng cường “sự cởi mở” và “hợp tác” trong ngành công nghiệp chip của mình để vượt qua các hạn chế và lệnh trừng phạt công nghệ của Mỹ.

Tại một diễn đàn công nghiệp ở Quảng Châu vào cuối tuần trước, ông Wei Shaojun, giám đốc Viện vi điện tử của Đại học Thanh Hoa, nói: “Mục tiêu của chúng ta là phá vỡ sự phong tỏa và kiềm chế để đạt được sự tự cung tự cấp, nhưng cần lưu ý rằng tự cung tự cấp không có nghĩa là tự đóng cửa”.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Anh hùng ngành chip Hàn Quốc bị cáo buộc làm gián điệp cho Trung Quốc