'Láng giềng' đáng sợ: Phát hiện hố đen chỉ cách Trái đất 2.000 năm ánh sáng

Giúp NTDVN sửa lỗi

Với khả năng nuốt chửng toàn bộ các hành tinh, hố đen có lẽ là những vật thể đáng sợ nhất vũ trụ. Thật không may, các nhà khoa học ở Pháp đã tìm thấy một hố đen khác trong hệ Ngân Hà - và nó “cực kỳ” gần chúng ta về mặt thiên văn.

Được gọi là Gaia BH3, nó nằm trong chòm sao Aquila cách Trái Đất khoảng 2.000 năm ánh sáng. Điều này khiến nó trở thành hố đen gần Trái Đất thứ hai được biết đến, sau Gaia BH1, cách khoảng 1.500 năm ánh sáng. Khoảng cách này nghe có vẻ đáng lo ngại, nhưng Tiến sĩ Pasquale Panuzzo, một nhà thiên văn học tại Đài quan sát Paris, cho biết chúng ta “không có lý do gì để sợ hãi”.

Panuzzo nói với MailOnline: “Hố đen này ở gần trên quy mô hệ ngân hà của chúng ta. Nhưng nó vẫn cách chúng ta tới 2000 năm ánh sáng, xa hơn 500 lần so với Proxima Centaury (ngôi sao gần nhất), và sẽ không bao giờ tiến tới quá gần chúng ta trong tương lai”.

Hố đen Gaia BH3 không tồn tại trong một hệ sao riêng, mà nằm trong một “hệ nhị phân” gồm hố đen và một ngôi sao. Điều thú vị là, do quay quanh hố đen, ngôi sao chuyển động “lắc lư” một cách kỳ lạ trên quỹ đạo. Kính thiên văn không gian Gaia của Cơ quan Không gian châu Âu, đặt cách Trái Đất khoảng 1,5 triệu km, đã đo lường sự lắc lư này trong nhiều năm.

Theo dữ liệu bổ sung từ các kính thiên văn khác, bao gồm Kính viễn vọng Rất Lớn của ESO ở Chile, khối lượng của hố đen này gấp 33 lần Mặt Trời của chúng ta. Tiến sĩ Panuzzo và các đồng nghiệp nói rằng Gaia BH3 là một “hố đen sao”, một hố đen hình thành bởi sự suy sụp hấp dẫn của một ngôi sao, cho nên nó không phải là một hố đen lớn. Tuy nhiên, Gaia BH3 vẫn là hố đen lớn thứ hai trong thiên hà của chúng ta. Hố đen lớn nhất là Sagittarius A*, nằm ở trung tâm thiên hà. Nó có khối lượng gấp khoảng 4 triệu lần Mặt trời và quay nhanh đến mức có hình dạng giống một quả bóng.

Nhưng Sagittarius A* cách Trái Đất tới 26.670 năm ánh sáng, gấp 13 lần khoảng cách của Gaia BH3.

Câu hỏi về cách thức mà hệ thống nhị phân mới được tìm thấy ra đời sẽ là chủ đề của nghiên cứu trong tương lai. Tuy nhiên, Tiến sĩ Panuzzo, tác giả chính của nghiên cứu, cũng đưa ra một số giả thuyết.

Panuzzo cho biết: “Kịch bản cổ điển sẽ là hệ thống được tạo thành bởi một ngôi sao khối lượng lớn (đã sụp đổ và tạo thành hố đen) và một ngôi sao khối lượng bé (ngôi sao mà chúng ta thấy ngày nay). Một kịch bản khác là hố đen đã bắt giữ ngôi sao đồng hành có khối lượng thấp sau khi nó sinh ra. Chúng ta có một số dấu hiệu cho thấy rằng kịch bản sau có nhiều khả năng xảy ra hơn”.

Nổi tiếng là nguồn cảm hứng cho các bộ phim khoa học viễn tưởng như “Event Horizon” (Tạm dịch: Chân trời sự kiện), hố đen là các vùng không gian thời gian nơi lực hút của trọng lực mạnh đến mức ánh sáng cũng không thể thoát ra. Chúng hoạt động như các nguồn hấp dẫn mạnh mẽ, hút hết các vật chất xung quanh như bụi và khí gas, cũng như các hành tinh và thậm chí cả các hố đen khác.

Các phát hiện mới đã được công bố trên Astronomy & Astrophysics.

Theo Daily Mail



BÀI CHỌN LỌC

'Láng giềng' đáng sợ: Phát hiện hố đen chỉ cách Trái đất 2.000 năm ánh sáng