Kỹ năng thoát hiểm cần biết khi xảy ra hoả hoạn

Giúp NTDVN sửa lỗi

Theo thống kê, hàng năm xảy ra nhiều tai nạn thương tâm do hỏa hoạn, thường tại các khu chung cư, hộ gia đình, quán karaoke và đặc biệt là kiểu nhà ống tại các khu đô thị. Việc trang bị những kiến thức và kỹ năng thoát hiểm khi gặp hỏa hoạn là vô cùng cần thiết.

Dưới đây là kỹ năng thoát hiểm khi xảy ra cháy, giúp bản thân và người thân trong lúc khẩn cấp.

1. Giữ bình tĩnh

Tâm lý thông thường khi xảy ra cháy, chúng ta thường mất bình tĩnh và cố gắng tìm cách dập lửa. Tuy nhiên, hãy cố gắng bình tĩnh để xem nguồn cháy bắt đầu từ đâu, tìm cách dập ngay nếu có thể. Việc mất bình tĩnh sẽ dễ dẫn đến dập lửa sai cách, chạy chen lấn giẫm lên nhau, bị ngạt khói…

Đầu tiên, ngắt cầu dao để ngăn đám cháy bùng phát, lan rộng qua đường chập điện. Sau đó cố gắng dập lửa bằng bình chữa cháy, vặn gas hoặc dập tắt ngọn lửa.

Khi thấy đám cháy lớn gọi đội cứu hộ chữa cháy 114 ngay, đồng thời báo động cho mọi người xung quanh biết như: Hô lớn, phát loa, đánh kẻng kêu báo cháy.

Khi xảy ra hoả hoạn chúng ta cố gắng dùng mọi cách để dập tắt, nhưng đừng tốn quá nhiều thời gian vào việc đó. Vì cả căn phòng có thể biến thành biển lửa chỉ trong hai phút.

2. Nhanh chóng tìm đến lối thoát hiểm an toàn

Khi xảy ra hỏa hoạn, không nên cố lấy cho được tài sản mang theo. Hãy nhớ, mạng sống là tải sản lớn nhất, người còn của bị cháy mất có thể kiếm lại, người mất của còn thì có ý nghĩa gì. Nhanh chóng xác định lối thoát hiểm, đi ra khỏi nơi đang cháy càng nhanh càng tốt.

Pixabay

Trường hợp lửa lan rộng và cháy quá to từ tầng dưới, không nên chạy xuống phía dưới mà hãy chạy ngược lên sân thượng phát tín hiệu để cứu hộ, và mọi người xung quanh biết. Tuyệt đối không chạy vào phòng, đóng chặt cửa khi phòng đã có khói lan vào, hít nhiều khói sẽ khiến con người hôn mê, chết ngạt vì khói.

Với trường hợp đám cháy không xuất hiện ở phòng, tầng của mình, hãy xác định vị trí của ngọn lửa và nguồn khói để tìm lối thoát thích hợp.

Trong trường hợp luồng khói từ trên cao, hoặc ngay trong tầng, hãy nhanh chóng di chuyển ra cửa thoát hiểm chạy xuống các tầng dưới. Không nên sử dụng thang máy là khuyến cáo trong các trường hợp hỏa hoạn. Vì khi xảy ra hỏa hoạn, nguồn điện có thể đã bị ngắt, khi vào thang máy sẽ dễ bị kẹt trong thang. Lửa cháy đến, khói tràn vào trong thang rất nhanh nguy cơ tử vong nhanh hơn.

3. Hạn chế tối đa hít phải khói

Khi có hỏa hoạn, ngọn lửa không đáng sợ bằng khói. Khói từ đám cháy rất độc khiến nạn nhân bất tỉnh rất nhanh, trong khi phải rất lâu sau ngọn lửa mới cháy đến. Trong khoảng thời gian đó, nếu không bị hít phải khói thì có lẽ nạn nhân sẽ chạy kịp thoát khỏi nơi đang xảy ra cháy. Khói là nguyên nhân chính khiến nhiều người chết nhất. Vì thế, khi di chuyển cần cúi khom hoặc bò sát mặt sàn, vì khói độc sẽ ở trên cao.

Nếu có đủ thời gian, dùng chăn, khăn và khẩu trang ẩm ướt để che miệng, mũi khi di chuyển để tránh hít phải khói hoặc dùng băng dính bịt kín các khe cửa ngăn khói, khí độc tràn vào phòng trong lúc tìm cách thoát thân và chờ lực lượng chữa cháy đến cứu. Tránh xa những không gian gây ngạt như phòng kín và các địa điểm có thể gây nổ như bình gas, tủ lạnh, máy lạnh…

Trên đường thoát nạn không may bị lửa bén vào áo quần đang mặc: hãy bĩnh tĩnh, dừng lại nằm xuống lăn qua lăn lại để dập lửa rồi tiếp tục bò ra ngoài.

Pixabay

Với kỹ năng phòng tránh ngạt khói của mình, anh Nguyễn Việt Hùng đã giúp vợ là chị Nguyễn Thị Minh Hồng cùng hai con và ông nội thoát nạn trong vụ hoả hoạn tại chung cư mini số nhà 37 ngách 29/70 phố Khương Hạ, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân vào đêm 12, rạng sáng 13/9/2023 vừa qua.

Khi phát hiện có cháy, tòa nhà bị mất điện, tối om, anh dẫn cả nhà chạy thẳng lên sân thượng. Tuy nhiên, trên sân thượng khói bốc lên nhiều khiến người khó thở. Anh Hùng lại vội vàng nhất trí với vợ, đưa cả nhà quay lại phòng đóng cửa chính rồi bảo mọi người lật tung tủ quần áo lấy chăn, áo, gối... bất cứ thứ gì có thể làm ẩm ướt để chặn khe cửa chính và các phòng khác. Cửa sổ phòng ngủ mở, dùng quạt tay để quạt khói ra ngoài.

"Tôi và vợ trực tiếp theo dõi, cứ thấy khói từ tầng dưới bốc lên mạnh là đóng cửa sổ, bắt ông nội và các con ở tư thế nằm rạp xuống sàn, cúi thấp xuống sàn nhà, thở ở vùng thấp. Khi thấy khói đỡ hơn, lại mở cửa sổ cho không khí vào nhà và lại ra sức quạt" - anh Hùng chia sẻ trên Dân Trí.

4. Lưu ý khi di chuyển

Luôn kiểm tra các cánh cửa trước khi mở. Khi mở cửa cần chạm tay lên cửa để kiểm tra nhiệt độ. Khi mở hãy tránh mặt, tránh người sang một bên phòng lửa tạt. Nếu nhiệt độ quá cao, tuyệt đối không mở hãy tìm lối khác.

Nếu không có lối thoát phải chạy ra cửa sổ, ban công, nơi không có khói ra hiệu và gọi điện cho Cảnh sát phòng cháy chữa cháy. Dùng đèn pin, đồ sáng màu phát tín hiệu kêu cứu. Tuyệt đối không nên nấp dưới gầm giường hoặc phòng, tủ để đồ, nhà tắm. Hãy nằm sát sàn trong tư thế chờ đợi giải cứu. Trang bị nhiều khăn ướt bên cạnh và gọi điện thoại cho người bên ngoài nhờ hỗ trợ.

Ngọc Liên
(Tổng hợp)



BÀI CHỌN LỌC

Kỹ năng thoát hiểm cần biết khi xảy ra hoả hoạn