Lần đầu tiên một hằng tinh ‘đặc biệt’ được phát hiện bên ngoài Dải Ngân Hà

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một nhóm các nhà thiên văn học vừa công bố phát hiện mang tính đột phá: sự tồn tại của một hằng tinh có từ tính cực mạnh nằm bên ngoài Dải Ngân Hà. Đây là lần đầu tiên một thiên thể đặc biệt như thế được xác nhận bên ngoài thiên hà của chúng ta, mở ra những cánh cửa mới cho việc nghiên cứu về sự hình thành và tiến hóa của sao neutron, cũng như các vụ nổ tia gamma bí ẩn.

Vào tháng 11/2023, các nhà khoa học thuộc Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA) đã sử dụng kính viễn vọng tia X NuSTAR để quan sát thiên hà Cigar (M82) cách Trái Đất khoảng 12 triệu năm ánh sáng. Bất ngờ, họ ghi nhận một tia gamma cực mạnh chỉ kéo dài 1/10 giây phát ra từ thiên hà này.

Ban đầu, các nhà thiên văn học cho rằng đây là vụ nổ tia gamma thông thường, một hiện tượng vũ trụ cực đoan giải phóng một lượng năng lượng khổng lồ trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, sau khi phân tích dữ liệu, họ không phát hiện được tín hiệu tia X, ánh sáng khả kiến hay sóng hấp dẫn - những dấu hiệu thường đi kèm với vụ nổ tia gamma.

Điều này khiến các nhà khoa học đặt giả thuyết mới: tín hiệu có thể đến từ một hằng tinh có từ tính (magnetar). Hằng tinh có từ tính là những tàn dư của các ngôi sao khổng lồ sau khi chết, sở hữu từ trường cực mạnh, gấp hàng chục nghìn lần so với sao neutron thông thường.

Để xác nhận giả thuyết, các nhà khoa học đã sử dụng nhiều kính viễn vọng khác nhau để quan sát thiên hà Cigar trong vài giờ sau vụ va chạm. Kết quả, họ phát hiện ra một nguồn sáng mờ dần trong tia X, một đặc điểm điển hình của hằng tinh có từ tính.

Thiên hà Cigar (M82) thuộc chòm sao Đại Hùng (Ursa Major).(Ảnh: NASA, ESA)

Phát hiện này đánh dấu một cột mốc quan trọng trong lịch sử nghiên cứu vũ trụ. Đây là lần đầu tiên các nhà khoa học xác nhận sự tồn tại của hằng tinh có từ tính bên ngoài Dải Ngân Hà.

"Phát hiện này mở ra những khả năng mới cho việc nghiên cứu về hằng tinh có từ tính và các vụ nổ tia gamma," Tiến sĩ Ashley Chrimes, nhà nghiên cứu tại ESA, chia sẻ. "Chúng ta có thể tìm hiểu thêm về cách thức hình thành và tiến hóa của sao neutron, cũng như vai trò của hằng tinh có từ tính trong các vụ nổ tia gamma bí ẩn."

Trước đây, các nhà khoa học chỉ quan sát được 3 vụ nhấp nháy cực mạnh của hằng tinh có từ tính trong Dải Ngân Hà. Phát hiện mới cho thấy có thể có nhiều hằng tinh có từ tính khác bên ngoài thiên hà của chúng ta, mở ra hướng nghiên cứu mới cho các nhà khoa học.

Tiến sĩ Sandro Mereghetti, nhà vật lý thiên văn tại Viện Vật lý thiên văn quốc gia Ý, đồng tác giả nghiên cứu, cho biết: "Việc phát hiện ra hằng tinh có từ tính trong thiên hà Cigar cho thấy nó có thể là một sao neutron trẻ. Chúng tôi sẽ tiếp tục tìm kiếm thêm hằng tinh có từ tính trong các khu vực hình thành sao để hiểu rõ hơn về những thiên thể đặc biệt này."

Kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature ngày 24/04/2024.

Hằng tinh là gì?

  • "Hằng tinh” là các sao tự phát sáng và phát nhiệt, ngược lại “hành tinh” không hề có khả năng này. Hệ mặt trời do đó bao gồm một hằng tinh là mặt trời và 9 hành tinh khác là sao Thuỷ, Trái đất, sao Kim, sao Hoả, sao Mộc, sao Thổ, sao Thiên Vương, sao Hải Vương và sao Diêm Vương.
  • Các hằng tinh trong vũ trụ có nhiệt độ bề mặt từ mấy nghìn tới mấy vạn độ, vì vậy chúng phát ra các loại bức xạ (kể cả ánh sáng nhìn thấy). Mặt trời là hằng tinh gần chúng ta nhất.

Theo Epochtimes



BÀI CHỌN LỌC

Lần đầu tiên một hằng tinh ‘đặc biệt’ được phát hiện bên ngoài Dải Ngân Hà