Nghệ thuật của thế kỷ mới: Quay trở về với Chân - Thiện - Nhẫn (8)

Giúp NTDVN sửa lỗi

Thế giới này có chính nghĩa không? Cán cân bóng tối và ánh sáng còn nghiêng trong bao lâu? Sức mạnh của tinh thần và đức tin thực sự đến mức nào? Trong cuộc triển lãm nghệ thuật lưu diễn khắp thế giới, các họa sĩ đã trả lời những câu hỏi muôn thuở này bằng những bức tranh đầy kiên trì và đi sâu vào tâm hồn con người. Thông thường, những người đến xem triển lãm nghệ thuật đều chấn động, ngoài sức tưởng tượng

Châu Mỹ

Năm 2007, cuộc triển lãm nghệ thuật được trưng bày trên Đường 35 nằm giữa Đại lộ 5 và Đại lộ 6 nhộn nhịp ở Manhattan, dòng người đến xem triển lãm nối liền không ngớt. Bức tranh “Thệ ước” đã thu hút Jenny đến từ Bắc Kinh, cô nóng lòng nói: “Con người đều là khách đến từ Thiên thượng, đến đây cùng với thệ ước, câu nói này thật sự đã thu hút tôi, tôi thực sự cảm thấy mình là một sinh mệnh đến từ Thiên thượng và cần quay trở về”.

Năm 2009, Triển lãm Nghệ thuật Chân - Thiện - Nhẫn đã đến Tòa nhà Rayburn của Quốc hội Hoa Kỳ. Linda Good - Nhân viên thuộc Ủy ban Giám sát và Cải cách Chính phủ, đã rơi nước mắt sau khi xem triển lãm, và chia sẻ rằng cô vô cùng xúc động. Cô cảm thấy những bức tranh này rất đẹp, chính là dùng bút pháp vô cùng ưu mỹ để kể về một câu chuyện khiến người ta không khỏi đau lòng.

Cô cho biết mình cũng là người mẹ của ba đứa con, nên rất buồn khi xem bức tranh miêu tả một người mẹ đến trại lao động để đón người con trai bị bức hại đến chết vì tu luyện Pháp Luân Công (bức tranh “Bảo lãnh chữa bệnh”). Đôi mắt, biểu cảm của bà mẹ, thậm chí từng yếu tố trong bức tranh đều in sâu vào tâm trí cô, nỗi đau khó quên đó sẽ in sâu trong ký ức và không bao giờ có thể quên được.

Hình 1: Cô Linda Good (bên phải) đang lắng nghe hướng dẫn viên triển lãm diễn giải

Cô còn nói rằng từ trong những bức tranh này có thể nhìn thấy cảnh giới tinh thần của người tu luyện, thực sự rất đẹp và vô cùng cảm động, là niềm khích lệ đối với con người, khiến con người hướng thượng. Cô nói: “Đối với tôi, họ là niềm khích lệ tốt nhất, khiến tôi nhìn lại nội tâm mình, từ nay, tôi sẽ cố gắng làm một người tốt”.

Năng lượng thiện lương và sự bình tĩnh mà những người tu luyện Pháp Luân Công biểu hiện ra trong khi bị bức hại thực sự rất vĩ đại, “Tôi thực sự hy vọng mình có thể bình tĩnh và tường hòa như họ”.

Quan chức chính phủ tiểu bang Virginia Ibrahims Mohamed cho biết: “Là một công dân Mỹ, chúng tôi có trách nhiệm và nghĩa vụ bảo vệ bé gái trong bức tranh đó, chúng tôi có nghĩa vụ bảo vệ nam học viên đó, và đảm bảo rằng nội tạng của anh ấy không bị chính quyền (Trung Quốc) thu hoạch. Cuộc triển lãm này có thể tổ chức tại Quốc hội là đang đi theo hướng mà mọi người mong đợi, đối với tôi, bản thân điều này đã thể hiện một loại hy vọng”.

Hình 2: Anh Mohamed nghiêm túc xem triển lãm.

Năm 2008, triển lãm nghệ thuật được trưng bày tại Đại học Waterloo thuộc tỉnh Ontario, Canada. Mario Boido là một giáo sư trẻ tuổi tham gia nghiên cứu về Mỹ Latinh, anh nói: “Thông điệp mà bức tranh ‘Gặp nạn ở Trung Nguyên’ truyền tải cho tôi là một loại cộng hưởng mạnh mẽ, là điều mà các phương tiện truyền thông khác không thể làm được. Mặc dù những gì cô ấy thể hiện không có âm thanh, nhưng đích thực đã khiến người khác cảm động”.

Châu Phi

Năm 2006, trong buổi Triển lãm Nghệ thuật Chân - Thiện - Nhẫn tại Đại học KwaZulu-Natal ở thành phố Durban, Nam Phi, các khán giả đã cất lời chính nghĩa:

  • “Tôi sẽ cầu nguyện cho các học viên Pháp Luân Đại Pháp”.
  • “Những bức tranh này rất có năng lượng. Các nghệ sĩ đã sáng tác ra những tác phẩm cảm động như vậy từ chính tâm hồn và tinh thần của họ”.
  • “Vô cùng cảm ơn các bạn đã mở rộng tầm mắt của chúng tôi, để chúng tôi hiểu được những hành vi bất công đang xảy ra ở nơi khác trên thế giới”.

Năm 2008, tại Triển lãm Nghệ thuật Chân - Thiện - Nhẫn ở Cape Town, Nam Phi, các khán giả không dám tưởng tượng rằng, ở Trung Quốc ngày nay lại có chuyện như vậy xảy ra, họ liên tục đưa ra câu hỏi: “Tại sao cuộc bức hại này lại xảy ra ở Trung Quốc?”

Châu Đại Dương

Năm 2009, tại khu North Shore, thành phố Auckland, New Zealand, tù trưởng bộ tộc Maori Amato Akarana đã phát biểu khai mạc cuộc triển lãm với ngôn ngữ truyền thống của người Maori. Ông nói với các vị khách tại lễ khai mạc rằng, cả gia đình ông đã biết sự thật về cuộc bức hại Pháp Luân Công. Ông nghiêm túc nói: “Cả gia đình tôi, bộ tộc của chúng tôi và dân tộc Maori chúng tôi sẽ luôn ủng hộ Pháp Luân Đại Pháp!”

Hình 3: tù trưởng bộ tộc Maori Amato Akarana phát biểu chúc mừng tại lễ khai mạc triển lãm nghệ thuật.

Năm 2010, tại buổi triển lãm nghệ thuật tại thành phố Gold Coast, Úc, nhà giáo dục Monique Jeremiah chia sẻ: “Đây là cuộc triển lãm mãn nhãn nhất mà tôi từng xem, nó khiến tôi cảm động sâu sắc”.

Phó Giám đốc Chủ tịch Hiệp hội Cộng đồng Châu Phi Pushpa Vaghela nói rằng, thông qua triển lãm nghệ thuật, ông cảm nhận được tinh thần quý giá của các họa sĩ và nhân vật trong tranh. Ông cảm nhận được sự liên kết với Trung Quốc và người dân Trung Quốc.

Năm 2011, khi Triển lãm Nghệ thuật Chân - Thiện - Nhẫn được trưng bày tại Port Adelaide - một thành phố văn hóa nổi tiếng ở Nam Úc, một doanh nhân trong lĩnh vực mua bán tàu du lịch cho biết: “Tôi vẫn luôn đi tìm kiếm ý nghĩa của cuộc sống, dù tôi giàu có và có rất nhiều bạn bè, nhưng tôi vẫn rất bối rối. Cuộc triển lãm hội họa này có một điều rất đặc biệt, mang lại cho tôi rất nhiều cảm hứng. Cuộc đàn áp vô nhân tính xảy ra vào thế kỷ 21 này chính là một nỗi ô nhục”.

Châu Á

Vào tháng 6 năm 2009, Triển lãm Nghệ thuật Chân - Thiện - Nhẫn đã đến huyện Antakya, thành phố Hatay, Thổ Nhĩ Kỳ. Giáo viên thể dục Derya Duyan cảm thấy những bức tranh này đã truyền tải thông điệp về sự thiện lương và mỹ hảo không gì sánh bằng, anh không thể tìm được từ ngữ nào tốt hơn để diễn tả sự xúc động trong tâm mình. Anh hy vọng có thể học các bài công pháp của Pháp Luân Công và dạy lại cho các học trò của mình.

Năm 2008, tại thành phố Mumbai, Ấn Độ, nghệ sĩ Kahini Arte Merchant đã nói: “Tín ngưỡng là nền móng trong cuộc sống của chúng ta. Hiện giờ, chúng ta cần Chân, Thiện, Nhẫn hơn tất cả”.

Hình 4: Khán giả ở thành phố Mumbai, Ấn Độ chăm chú chiêm ngưỡng các bức tranh.

Năm 2009, một chuyện đã xảy ra khi “Triển lãm Nghệ thuật Chân - Thiện - Nhẫn” được trưng bày tại thành phố Kawaguchi, tỉnh Saitama, Nhật Bản. Vào ngày thứ hai của cuộc triển lãm, một người Trung Quốc đã đến và đưa cho nhân viên một chiếc phong thư chứa 200.000 yên và nói: “Đây là chút tấm lòng của tôi, xin bạn hãy nhận lấy và dùng vào việc tổ chức triển lãm nghệ thuật. Một người thân của tôi cũng bị giam ở Trại lao động cưỡng bức Mã Tam Gia, bị kết án ba năm tù chỉ vì tu luyện Pháp Luân Công”.

Vào tháng 8 năm 2009, triển lãm nghệ thuật đã đến thành phố Jinju ở miền nam Hàn Quốc. Nhà thư pháp Park Woo-hee chia sẻ: “Những bức tranh này thể hiện sự bình hòa và sức mạnh to lớn để vượt qua khó khăn, bất cứ ai nhìn vào đều cảm thấy bình yên”.

Tại hội trường triển lãm, có một cụ bà nói rằng, sau khi xem triển lãm nghệ thuật, trái tim vốn nặng nề của bà bỗng trở nên rộng mở trong sáng hơn. “Ngắm nhìn những bức tranh này, mọi phiền muộn của tôi đều tan biến. Tôi đã xem tranh trong suốt cuộc đời mình, nhưng đây là lần đầu tiên tôi xem được những bức tranh có thể tháo gỡ những nút thắt trong lòng giống như thế này. Tôi đang nghĩ tại sao lại có những bức tranh tốt đẹp đến như vậy?”

Tại triển lãm nghệ thuật ở thành phố Gimhae, Hàn Quốc, ông Park Jung-ae - Giám đốc văn phòng của một quận trong thành phố, cho biết: “Đây là một bức tranh phi phàm, giống như một bức Thần họa vậy. Cảm giác toát ra từ bức tranh thật huyền bí, hơn nữa, còn cảm thấy có năng lượng truyền qua nữa”.

Vào tháng 9 cùng năm, triển lãm nghệ thuật được trưng bày tại Trung tâm Văn hóa Quốc tế Busan. Ông Choi Sang-yoon - Chủ tịch Liên đoàn Nghệ thuật Busan, cho biết: “Khi tôi chiêm ngưỡng những bức tranh này, trong giây lát, tôi như đã ngừng thở, tôi sốc đến mức toàn thân sững lại ngay tại đó. Chân thành cảm ơn các nghệ sĩ vì những gì họ đã làm để giải cứu con người. Những bức tranh này thể hiện những vấn đề đạo đức cơ bản nhất của nhân loại, và là những tác phẩm nghệ thuật chân chính”.

Ông Seol Dae-su - một khán giả tại buổi triển lãm, đứng trước tác phẩm điêu khắc “Tượng Phật” của nghệ sĩ Trương Côn Luân một hồi lâu, hai tay hợp thập và cảm thán: “Tôi sinh năm 1917, từ khi còn nhỏ, tôi đã nhìn thấy vô số tượng Phật trong rất nhiều ngôi chùa; nhưng đây là lần đầu tiên tôi nhìn thấy một bức tượng Phật từ bi như vậy. Thật vậy, bạn hãy nhìn biểu cảm đó…”.

Hình 5: Tác phẩm “Tượng Phật”; tác giả: Trương Côn Luân; thể loại: tượng điêu khắc; chất liệu: sợi thủy tinh; kích thước: 57x19x14 inch; năm 2002 (Trung tâm Nghệ thuật đệ tử Pháp Luân Đại Pháp)

Ông Bae Deok-kwang - Quận trưởng quận Haeundae-gu, đã bị thu hút bởi cuộc triển lãm tranh. Ông viết trong cuốn lưu bút: “Tôi cầu nguyện rằng sự hồng ân của Pháp Luân Đại Pháp sẽ đến với thế giới này”.

Đài Loan

Tại Đài Loan - nơi ngăn cách với Trung Quốc Đại lục bởi eo biển Đài Loan, các cuộc triển lãm Chân - Thiện - Nhẫn lưu động dường như chưa bao giờ dừng lại. Từ các tòa nhà chính phủ, khuôn viên trường đại học đến ga tàu điện ngầm, dấu tích của những bức tranh tiết lộ sự thật này trải khắp từ bắc đến nam. Khán giả trước tiên khen ngợi sức truyền tải và tính chân thực của các tác phẩm, thứ hai là họ bị sốc trước sự tàn bạo của cuộc đàn áp, thứ ba là họ cảm thông, thấu hiểu ý nghĩa sâu xa của các bức tranh và cuộc triển lãm tranh có tiếng vang cực đại tại thế gian.

“Đây là những bức tranh đẹp nhất mà tôi từng thấy trong suốt 70 năm cuộc đời” - Tiếng tán thán của họa sĩ đồng quê được mệnh danh là “Millet của Đài Loan” - Trần Giáp Thượng, đã nói thay tiếng lòng của nhiều khán giả. “Tinh thần và cảnh giới trong tranh rất cao, rất thuần thiện, kiểu phác họa tỉ mỉ này chuyên nghiệp hơn cả chuyên nghiệp, đòi hỏi kỹ năng thực sự, như vậy mới có thể vẽ ra những bức tranh mang nội hàm của Chân - Thiện - Nhẫn”.

Ông Lý Xuân Thành - họa sĩ tranh sơn dầu, bày tỏ:

  • “Mỗi bức tranh đều là một tác phẩm đỉnh cao, là kết tinh tâm huyết nghệ thuật của sự dày công tôi luyện, khiến tâm hồn thanh tịnh, giúp việc sáng tác được thăng hoa”;
  • “Tranh tả thực mới là hội họa chính thống, những bức tranh này vô cùng chân thực, có thần sắc, sống động như thật, ý cảnh cũng rất sâu rộng. Đôi mắt của cô bé và những hạt mưa rơi trong bức tranh ‘Lời kêu gọi thuần chân’ rất có thần sắc, nếu không phải người có kỹ năng thâm sâu thì sẽ không sáng tác ra được. Ý cảnh của bức tranh ‘Nhẫn’ quá sâu sắc, trong gió tuyết, người phương Tây này vẫn cầm tấm biển trên tay, đứng vững không lay động”.
Hình 6: Ông Lý Xuân Thành - Ủy viên Ban Quyết sách Triển lãm Quốc gia, Chủ tịch Đoàn thể Văn hóa và Nghệ thuật thành phố Cao Hùng, cho biết mỗi bức tranh đều là tác phẩm đỉnh cao và không gì sánh bằng ở Đài Loan ngày nay.

Sau khi xem triển lãm, một doanh nhân Đài Loan có doanh nghiệp gia đình đầu tư tại Trung Quốc chia sẻ: “Tôi đã ngầm đồng ý với những hành động ngang ngược của Đảng Cộng sản Trung Quốc, tôi chính là người tiếp tay cho kẻ làm bậy”.

Ông tin rằng, các đệ tử Đại Pháp thực sự đang cứu độ người Trung Quốc, tâm tư sâu sắc của họ vĩ đại hơn cả những vị Thần, Phật thời cổ đại, đồng thời, cũng siêu việt nhận thức có hạn về tín ngưỡng của con người ngày nay.

Một doanh nhân nước ngoài khác đang kinh doanh tại Trung Quốc Đại lục và Đài Loan, trở nên trang trọng và nghiêm túc sau khi chứng kiến những hình ảnh về cuộc bức hại, “Tôi không ngờ rằng cuộc bức hại tàn khốc như vậy lại đang diễn ra tại Trung Quốc!”

Đến từ nước Nga xa xôi, Tiến sĩ Igor Bbckih - Giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Tôn Trung Sơn, nói trong nước mắt: “Tôi đến từ nước Nga, ở Nga cũng từng xảy ra một cuộc đàn áp tàn bạo, nên điều này rất gần gũi với tiếng lòng của tôi. Câu chuyện trong mỗi bức tranh đều khiến người ta cảm động, tôi cảm thấy kính phục vô cùng”.

Ở bờ bên kia eo biển Đài Loan, chính là nơi cuộc đàn áp tàn bạo đang diễn ra. Chúng ta có thể tưởng tượng rằng, cuộc triển lãm nghệ thuật gây cảm động sâu sắc trong lòng dân chúng này, lại không thể băng qua eo biển và xuất hiện trước mặt người dân bên kia eo biển. Tuy nhiên, bên ngoài Trung Quốc Đại lục cổ xưa, những bức tranh trĩu nặng này đã băng sông vượt núi, và xuất hiện trước mắt những người dân có màu da khác nhau, khiến họ kinh ngạc, bi phẫn và trầm tư. Khi các khán giả xem được những bức tranh này, chúng ta cũng thấy được những trái tim cao cả, nhiệt huyết và chưa bị xã hội ngày nay làm cho tha hóa.

Thế giới này sẽ nhẫn chịu bóng tối trong bao lâu? Người ta sẽ im lặng đến bao giờ? Làm thế nào để đạt được chính nghĩa cuối cùng? Những trái ngọt của sự thiện lương được hình thành, phát triển ra sao để triển hiện rõ chân lý sau cùng? Những bức tranh kỳ diệu này cùng nhau xuất phát và đến với con người nơi thế gian.

(Hết)

Hạ Đảo, Chu Di Tú - Tân Kỷ Nguyên
Gia Ý biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Nghệ thuật của thế kỷ mới: Quay trở về với Chân - Thiện - Nhẫn (8)