Người vạch trần đại dịch HIV/AIDS những năm 1990 ở Trung Quốc vừa qua đời ở tuổi 95

Giúp NTDVN sửa lỗi

Bác sĩ Cao Diệu Khiết (Gao Yaojie), người được mệnh danh là “người tiên phong ngăn chặn bệnh HIV/AIDS” ở Trung Quốc, đã qua đời tại New York, Mỹ vào ngày 10/12, hưởng thọ 95 tuổi. Bà Cao từng tiết lộ sự thật về đại dịch HIV/AIDS do nạn buôn bán máu bất hợp pháp ở tỉnh Hà Nam, Trung Quốc gây ra và bị chính quyền Trung Quốc đàn áp, buộc phải lưu vong tới Hoa Kỳ.

Theo tờ Sing Tao Daily của Hong Kong, tin tức về cái chết của bà Cao Diệu Khiết đã được xác nhận bởi người bạn lâu năm của bà là Giáo sư Lê An Hữu (Li Anyou), một nhà khoa học chính trị Trung Quốc tại Đại học Columbia.

Bà Cao Diệu Khiết từng vạch trần sự thật về đại dịch HIV/AIDS do nạn buôn bán máu bất hợp pháp ở tỉnh Hà Nam. HIV là tên của loại virus gây suy giảm hệ miễn dịch ở người, gây nên bệnh AIDS; còn AIDS là hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người do virus HIV gây nên.

Với hành động trên, bà Cao đã giành được nhiều giải thưởng trong đó có Giải thưởng Nhân quyền của Tổ chức Phụ nữ Hoa Kỳ. Bà còn được Business Weekly vinh danh là "Ngôi sao Châu Á" và được tạp chí TIME bình bầu là “Anh hùng Châu Á".

Bà Cao Diệu Khiết vốn là một giáo sư, chuyên gia về ung thư phụ khoa tại Học viện Đông y Hà Nam. Ngày 7/4/1996, bà Cao lần đầu tiên tiếp xúc với bà Ba Tú Anh (Ba Xiuying), một bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS sau khi được truyền máu; tới mùa thu năm đó bà Cao bắt đầu quá trình tự tuyên truyền về vấn đề này. Ngày 18/3/2000, bà Cao chính thức bước chân vào làng HIV/AIDS để đi giao thuốc, tặng đồ dùng, tài liệu, tờ rơi và sách; toàn bộ chi phí đều do bà tự chi trả.

Bà Cao đã viết một số cuốn sách về bệnh HIV/AIDS. Trong đó mô tả kết cục bi thảm tan cửa nát nhà, sinh ly tử biệt của những gia đình bệnh nhân HIV/AIDS tại Trung Quốc. Đồng thời tiết lộ rằng việc Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) thúc đẩy “nền kinh tế huyết tương” đã khiến cho bệnh HIV/AIDS ở Trung Quốc lan rộng.

Hành động của bà Cao Diệu Khiết đã thu hút sự chú ý rộng rãi của cộng đồng quốc tế, nhưng ĐCSTQ luôn từ chối chịu trách nhiệm và từ lâu đã theo dõi, đàn áp bà Cao; vào tháng 5/2009, bà Cao bị buộc phải sống lưu vong ở Hoa Kỳ. Bà Cao viết trong hồi ký của mình rằng: "Bởi vì tôi muốn nói sự thật với thế giới".

Bà Cao Diệu Khiết từng tự mô tả mình là “người chạy nạn suốt đời”. Bà Cao nói rằng muốn dùng cả đời này để lưu lại lịch sử về bệnh HIV/AIDS ở Trung Quốc: “Vấn đề lớn nhất của ĐCSTQ là làm giả và nói dối. ĐCSTQ muốn tôi nói dối, (tôi) thà chết cũng không quay trở về [Trung Quốc]”.

Bà Cao hy vọng rằng sau khi qua đời, tro cốt của bà có thể được đưa về Trung Quốc và rải xuống sông Hoàng Hà cùng với tro cốt của người chồng quá cố, thay vì đưa vào mộ, để tránh bị ĐCSTQ lợi dụng lập quỹ lừa đảo tiền bạc.

Đại dịch HIV/AIDS những năm 1990 ở Trung Quốc

Vào cuối những năm 1980, để giải quyết vấn đề “thiếu máu” ở thành thị, chính quyền trung ương ĐCSTQ đã ra chính sách “lập kế hoạch hiến máu” và áp chỉ tiêu cho các chính quyền địa phương. Đồng thời, Trung Quốc cũng nhập khẩu thiết bị sản xuất và xử lý chế phẩm máu từ nước ngoài với hy vọng phát triển ngành công nghiệp chế phẩm máu trong nước.

Vì việc bán máu không chỉ giúp đạt được mục tiêu thu thập máu mà còn "tăng thu nhập" cho nông dân, các quan chức địa phương đã bắt tay với các ‘cò’ máu ở nông thôn để khuyến khích việc bán máu. Ở khu vực nông thôn bắt đầu xuất hiện một lượng lớn các trạm tách huyết tương và những người hiến máu là nông dân. Mỗi người có thể nhận được 50 nhân dân tệ với mỗi một lần hiến. Còn những ‘cò’ máu có thể nhận được thù lao từ các trung tâm máu và công ty thu gom máu của chính quyền. Việc này đã thúc đẩy dẫn đến sự ra đời của chuỗi ngành bán máu ở nông thôn.

Tách huyết tương là việc đưa máu thu thập được vào máy ly tâm để phân ly, sau khi lấy được huyết tương, tế bào hồng cầu sẽ được truyền trở lại vào người bán máu để người đó có thể nhanh chóng phục hồi thể lực. Huyết tương chiết xuất được sẽ không thể sử dụng trực tiếp để cung cấp máu mà thường được các công ty dược phẩm sản xuất thành các chế phẩm máu.

Tuy nhiên, trong quá trình thực tế, để đẩy nhanh tốc độ lấy máu, các trạm lấy máu thường tách huyết tương của người hiến máu trước đó và trực tiếp chuyển tế bào hồng cầu của người này cho người hiến máu tiếp theo. Cách làm này cũng đã làm tăng đáng kể khả năng lây truyền các bệnh lây truyền qua đường máu như AIDS và viêm gan B…

Nguyên nhân trực tiếp dẫn đến dịch bệnh HIV/AIDS lây lan trong những năm đó là do "nền kinh tế huyết tương" địa phương ở Hà Nam, nơi coi việc bán máu như một ngành công nghiệp. Ngoài Hà Nam, các tỉnh khác như Hà Bắc, Sơn Đông, Sơn Tây, An Huy, Tứ Xuyên, Quý Châu cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Năm 1992, Sở Y tế tỉnh Hà Nam và Trung tâm Chữ thập đỏ Hà Nam đã đạt được thỏa thuận tăng gấp đôi mục tiêu kế hoạch hiến máu nhằm nỗ lực vượt chỉ tiêu được phân bổ. Dưới sự thúc đẩy mạnh mẽ của ông Lý Trường Xuân (Li Changchun), lúc đó là Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam, và ông Lưu Toàn Hỷ (Liu Quanxi), khi đó là Giám đốc Sở Y tế tỉnh Hà Nam, việc bán máu đã trở thành một phong trào.

Năm 1991, bác sĩ Cao Diệu Khiết, đại biểu của Đại hội đại biểu nhân dân tỉnh Hà Nam, phát hiện ra rằng do bán máu, bệnh gan đã trở nên phổ biến ở một số vùng nông thôn Hà Nam; đồng thời bệnh sốt rét đã lâu không xuất hiện ở miền Nam Hà Nam cũng lại bắt đầu phổ biến trở lại. Năm 1992, một cuộc điều tra dân số ở Hà Nam cho thấy tỷ lệ mắc bệnh viêm gan C thậm chí còn tương đương với viêm gan B.

Năm 1993, bác sĩ Vương Thục Bình (Wang Shuping), người phụ trách ngân hàng máu ở thành phố Chu Khẩu, tỉnh Hà Nam, phát hiện một số người hiến máu có dữ liệu xét nghiệm gan bất thường. Sau khi phát hiện tỷ lệ mắc bệnh viêm gan C cao, bà Vương đã báo lên Sở Y tế tỉnh. Năm 1995, lần đầu tiên bà Vương phát hiện ra các trường hợp mắc bệnh HIV/AIDS khi làm xét nghiệm trong phòng thí nghiệm, và đại dịch HIV/AIDS đã được báo cáo lên cấp trên. Cuối cùng đơn vị công tác của bà Vương đã bị giải tán và bà phải phiêu bạt tới Mỹ vào năm 2001.

Ngay từ năm 1994, cơ quan y tế và kiểm dịch của Hà Nam đã biết được từ Viện nghiên cứu Dược phẩm sinh học Lan Châu và Thượng Hải rằng, huyết tương mà họ cung cấp có chứa bệnh HIV/AIDS.

Chính quyền địa phương đã có thái độ bao che cho hoạt động mua bán máu này và trốn tránh trách nhiệm. Chính quyền trung ương ĐCSTQ cũng im lặng trước hành động của chính quyền địa phương, những vụ việc liên quan đã trở thành chủ đề cấm kỵ.

Hoạt động kinh doanh huyết tương này đã khiến các bệnh HIV/AIDS, viêm gan B, viêm gan C lây lan trên diện rộng và được gọi là “thảm họa máu”.

Mãi đến năm 2001, chính quyền Trung Quốc mới chính thức thừa nhận thảm họa này. Theo ước tính của chính quyền, tính đến năm 2004, số người nhiễm HIV/AIDS, bao gồm cả người nghiện ma túy và nạn nhân của “thảm họa máu”, chiếm hơn 2/3 số người nhiễm HIV/AIDS ở Trung Quốc.

Đài Á Châu Tự do (RFA) ước tính một cách dè dặt rằng có ít nhất 300.000 người là nạn nhân của “thảm họa máu”.

Năm 2001, Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) đưa tin về “thảm họa máu” và ước tính số người nhiễm HIV/AIDS trên toàn quốc lên tới 600.000 người.

Tuần báo Á châu của Hong Kong đưa tin, trong tổng số 1,4 triệu người ở tỉnh Hà Nam tham gia vào "nền kinh tế huyết tương", có hàng chục nghìn người đã chết vì HIV/AIDS và số còn lại đều bị mắc căn bệnh này. Tờ báo này dẫn lời bà Cao Diệu Khiết cho hay, "Dựa trên trung bình mỗi huyện có 20.000 người nhiễm bệnh, vậy ít nhất có 1,02 triệu người đã bị nhiễm HIV/AIDS”. Bài viết này cũng trích dẫn suy đoán trên tờ Libération của Pháp, cho biết có 1,5 triệu người ở Hà Nam đã bị lây truyền.

Sau vụ việc, tất cả các trạm mua bán máu cá nhân ở tỉnh Hà Nam đều bị đóng cửa. Năm 1998, chính quyền Trung Quốc ban hành “Luật Hiến máu”, cấm giao dịch máu; để giải quyết phần nào vấn đề "thiếu máu", chính quyền đã ra lệnh cho quân nhân, nhân viên doanh nghiệp nhà nước và sinh viên thực hiện nghĩa vụ hiến máu.

Những người có liên quan đến “thảm họa máu”, bao gồm cả ông Lý Trường Xuân và ông Lưu Toàn Hỷ, đều được miễn trách nhiệm, cả hai tiếp tục được thăng chức và nghỉ hưu một cách suôn sẻ.

Người lãnh đạo kế nhiệm của tỉnh Hà Nam là ông Lý Khắc Cường. Ông Lý được bổ nhiệm vào thời điểm quan trọng, khi lần đầu tiên Hà Nam tiến hành cuộc tổng điều tra cấp tỉnh về HIV/AIDS. Tuy nhiên ông này cũng chặn tin tức về dịch bệnh HIV/AIDS trong thời đầu nhiệm kỳ của mình.

Sự nghiệp chính trị của ông Lý Khắc Cường không bị ảnh hưởng nhiều. Ông này được thăng chức Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam vào năm 2002 và chuyển sang làm Bí thư Tỉnh ủy Liêu Ninh vào năm 2004. Sau đó, ông Lý trở thành Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị ĐCSTQ vào năm 2007. Năm 2013, ông Lý Khắc Cường được bầu làm Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc. Ông Lý nghỉ hưu vào năm 2023 và qua đời vì bệnh vào tháng 10 cùng năm.

Theo NTD tiếng Trung

Minh Lý biên dịch và tổng hợp



BÀI CHỌN LỌC

Người vạch trần đại dịch HIV/AIDS những năm 1990 ở Trung Quốc vừa qua đời ở tuổi 95