Cuộc đời bị huỷ hoại của những nạn nhân vụ lừa đảo ngân hàng nông thôn Hà Nam (TQ)

Giúp NTDVN sửa lỗi

Cho đến nay, vẫn còn hơn 1.000 người gửi tiền chưa được bồi thường. Cuộc đời của nhiều người đã bị huỷ hoại hoàn toàn: các doanh nhân phải đóng cửa công ty, các gia đình trở nên tan nát… Họ coi đây trên thực tế là một vụ sung công nhằm vào các khoản tiết kiệm của các doanh nhân tư nhân không phải người địa phương.

Các ngân hàng nông thôn ở tỉnh Hà Nam, Trung Quốc, đã đóng băng tài khoản của người gửi tiền trong hơn một năm, ngay cả sau khi chính quyền hứa sẽ phục hồi các thiệt hại. Hơn 1.000 chủ tài khoản lớn không nhận được tiền hoàn trả mà bị cảnh sát và quan chức địa phương đàn áp, khiến tình cảnh vốn đã tồi tệ của họ càng thêm khốn khổ.

Vào ngày 25/10, các quan chức địa phương đã phái hàng trăm cảnh sát để chặn hơn 100 người gửi tiền đang cố gắng đòi tiền tiết kiệm từ ngân hàng.

Ông Chen Yang, một doanh nhân và là nạn nhân của vụ lừa đảo ngân hàng, nói với The Epoch Times phiên bản tiếng Trung rằng khoảng 50 người trong số họ đã mất tích và hầu hết trong số họ là chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Theo ông Chen, vào cuộc biểu tình khác của các nạn nhân vào ngày 21/10, cảnh sát đã xuất hiện và những người mặc đồ đen không rõ danh tính đã khống chế những người gửi tiền bằng cách kẹp cổ họ bằng các biểu ngữ.

Vẫn còn hơn 1.000 người chưa được bồi thường

Vào tháng 4/2022, bốn ngân hàng nông thôn ở tỉnh Hà Nam đã chặn khả năng tiếp cận tiền gửi của người dân, ảnh hưởng đến 413.000 người gửi tiền Trung Quốc và tổng trị giá ước tính là 5,93 tỷ USD.

Các cuộc biểu tình quy mô lớn đã nổ ra vào tháng 7. Chính quyền địa phương đã phản ứng bằng một kế hoạch trả nợ cho những người có tài khoản bị đóng băng tại các ngân hàng nông thôn.

Theo ông Chen, cho đến nay, vẫn còn hơn 1.000 người gửi tiền với số tiền tiết kiệm đáng kể không được bồi thường, với tổng số tiền ước tính khoảng 13 tỷ CNY (1,78 tỷ USD).

Đầu tháng 1, phương tiện truyền thông Caixin của Trung Quốc cũng đưa tin các ngân hàng đã không hoàn thành việc thanh toán cho các tài khoản lớn.

Một số nạn nhân nói với The Epoch Times rằng sự áp bức vẫn đang tiếp diễn, hậu quả là nhiều người trong số họ bị phá sản và các gia đình đã tan nát.

Cuộc đời bị huỷ hoại

Bà Wang Lin, một doanh nhân, mở tài khoản tiết kiệm tại Ngân hàng Thương mại Nông thôn Hứa Xương vào cuối năm 2011.

“Tôi có thẻ ngân hàng, tất cả tiền tiết kiệm của tôi đều được ghi vào thẻ. Nhưng trong 600 ngày qua, chính quyền Hà Nam đã từ chối trả lại tiền. Tiền tiết kiệm của tôi trở thành thứ được gọi là vốn bất hợp pháp.

Bà Wang nói: “Tất cả đều là tài sản lưu động của tôi. Nhưng họ chỉ coi đó là bất hợp pháp mà không có bất kỳ tài liệu hay bằng chứng nào. Tôi có người già ốm yếu ở nhà, con tôi cần đi học, tôi phải trả một khoản thế chấp và các khoản tiền lương”.

Công ty của bà đang trên bờ vực đóng cửa và chồng bà đang đấu tranh với bà để đòi ly hôn. “Cuộc đời tôi hoàn toàn bị hủy hoại”, bà nói.

Theo bà Wang, bà đã đến Hà Nam hơn 10 lần để lấy lại tiền và mỗi lần như vậy, bà hoặc bị đưa đến đồn cảnh sát hoặc bị quản thúc tại gia.

Bà cho biết tiền của bà được cất giữ trong một ngân hàng với Ngân hàng Thương mại Nông thôn Hứa Xương là cổ đông lớn. Nó được liên kết với chính quyền thông qua Ủy ban Quản lý và Giám sát Tài sản Nhà nước Hứa Xương.

Bà cho biết ngân hàng vẫn hoạt động bình thường nhưng từ chối giải ngân bất kỳ khoản tiền gửi nào của bà.

Trước đó, cuộc điều tra của cơ quan thực thi pháp luật Hà Nam cho biết một băng nhóm tội phạm đã thao túng bất hợp pháp bốn ngân hàng nông thôn và hệ thống ngân hàng trực tuyến của họ, thông qua các công ty bao gồm Henan New Wealth Group, để chuyển tiền bất hợp pháp.

Có thông tin cho rằng Henan New Wealth Group đã tham gia vào các hoạt động bất hợp pháp bằng cách tích lũy và quản lý quỹ công một cách bất hợp pháp thông qua sự hợp tác trong và ngoài ngân hàng, cũng như tận dụng nền tảng của bên thứ ba và các bên trung gian huy động vốn. Những hoạt động này bao gồm việc thao túng dữ liệu kinh doanh ban đầu để che giấu hành vi trái pháp luật của họ.

Truyền thông Trung Quốc đưa tin, rõ ràng là phần lớn khách hàng có liên quan tới các hoạt động ngoài sổ sách đều không được thông báo hoặc không hiểu biết rõ về các hành động tội phạm bị nghi ngờ của công ty trên. Sau vụ việc, chính quyền đã tiến hành một loạt các đợt hoàn trả cho những khách hàng bị ảnh hưởng.

Bà Wang cho biết ngân hàng nông thôn đã cáo buộc những chủ tài khoản lớn ở ngoài địa phương tham gia vào các hoạt động bất hợp pháp. Bà Wang cho biết: “Họ liên tục bôi nhọ chúng tôi bằng lời nói, cáo buộc chúng tôi tham gia tích lũy tiền quỹ bất hợp pháp, mặc dù không có bằng chứng bằng văn bản nào chứng minh cho tuyên bố của họ”.

Trung Quốc: Cuộc đời bị huỷ hoại của những nạn nhân vụ lừa đảo ngân hàng nông thôn Hà Nam
Một nhân viên của chi nhánh Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC) đếm tiền khi phục vụ một khách hàng tại Khu Thương mại Tự do Thí điểm Trung Quốc (Thượng Hải) vào ngày 24/09/2014. (Ảnh: JOHANNES EISELE / AFP qua Getty Images)

Số phận của các nạn nhân

Ông When Yang, một doanh nhân và nạn nhân của vụ lừa đảo ngân hàng nông thôn Hà Nam, cho biết: “Sau 70 ngày bị đóng băng tài khoản một cách bất hợp pháp, huyết mạch tài chính của tôi đã bị cắt đứt”.

Nhà máy của ông, nơi cung cấp hàng trăm việc làm cho người dân địa phương, đã ngừng hoạt động và ông phải cho nghỉ việc tất cả công nhân của mình. Vợ ông cũng bỏ ông.

Ông đang nợ nần chồng chất với hàng đống khoản vay ngân hàng chưa trả được. “Việc kinh doanh của tôi đã bốc hơi. Cuộc sống thịnh vượng một thời của tôi đã sụp đổ thành từng mảnh. Bây giờ tôi đang ở trong một tình huống khó xử khi tôi không chỉ nợ nần chồng chất mà còn bị coi là kẻ vỡ nợ. Thật kỳ lạ khi biết rằng tài khoản ngân hàng của tôi có hàng triệu USD, vậy mà giờ đây tôi lại bị coi là người vỡ nợ. Điều đó thực sự làm tôi kinh ngạc”, ông Chen nói.

Chính phủ và các ngân hàng Hà Nam đã gây ra tất cả những tai họa này. Ông nói: “Họ đang công khai cướp bóc tiền tiết kiệm của các doanh nhân và người dân bình thường”.

Ông Chen đã phải đối mặt với bạo lực thể xác, giam giữ, đe dọa và hăm dọa bất cứ khi nào ông đến Hà Nam để rút tiền.

Theo ông Chen, cuộc sống của vô số doanh nhân đã thay đổi tiêu cực vì hành động của chính quyền Hà Nam. Nhiều người trong số họ đã chết, một số người thân của họ qua đời, một số không thể tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe phù hợp do hạn chế về tài chính, trong khi những người khác liên tục bị các bên đòi nợ bức bách. Một số người phải chiến đấu với chứng trầm cảm trầm trọng, và đối với một số người, nỗi tuyệt vọng tột độ đã khiến các bệnh trạng đã có từ trước tái phát.

Trung Quốc: Cuộc đời bị huỷ hoại của những nạn nhân vụ lừa đảo ngân hàng nông thôn Hà Nam
Người dân xếp hàng bên ngoài một ngân hàng ở Thượng Hải, Trung Quốc, hôm 02/06/2022. (Ảnh: Hu Chengwei / Getty Images)

Một vụ sung công

“Tôi đã bị trầm cảm nặng kể từ tháng 4 năm ngoái và thậm chí đã có lúc phải nhập viện. Cuộc sống rất khốn khổ. Tôi phải dựa vào thuốc ngủ”, bà Liu Hong, một nữ doanh nhân có tiền tiết kiệm được gửi vào ngân hàng nông thôn cho biết. Công ty của bà đã đóng cửa và cho nghỉ việc hơn 200 nhân viên.

Bà Liu cho biết: “Các ngân hàng nông thôn Hà Nam đã khiến chúng tôi rơi vào tình thế thảm hại, không có nguồn trợ giúp pháp lý nào”.

Theo bà Liu, bà đã vấp phải sự can thiệp trên đường đến tỉnh Hà Nam, với bí thư Đảng ủy địa phương “xuất hiện trước cửa nhà chúng tôi trong đêm khuya. Đó là một tình huống không thể chịu đựng được”, bà Liu nói.

Bà cho biết trước đây bà thích đi du lịch, giờ bà đang phải dựa vào tiền vay mượn từ bạn bè, người thân, con cái cũng không có tiền đi học.

“Tôi đã mở một tài khoản tại quầy giao dịch ngân hàng nhưng hiện tại nó đã bị đóng băng. Ngân hàng đang hoạt động và số dư vẫn còn khi tôi kiểm tra qua ngân hàng trực tuyến. Họ chỉ cho phép bạn gửi tiền, nhưng không cho rút tiền. Chúng tôi có thể làm gì?” bà Liu nói.

Theo một số người gửi tiền bị ảnh hưởng, khách hàng địa phương ở Hà Nam có thể tự do rút tiền tiết kiệm của mình, trong khi tài khoản của khách hàng không phải là người địa phương sẽ bị đóng băng. Các nạn nhân coi đây trên thực tế là một vụ sung công nhằm vào các khoản tiết kiệm của các doanh nhân tư nhân không phải người địa phương.

Các nạn nhân tiết lộ thêm rằng chính quyền Hà Nam đã ra lệnh cho Phòng Công an các tỉnh khác, cản trở những người gửi tiền di chuyển đến Hà Nam. Điều này bao gồm các chiến thuật như cài đặt thiết bị theo dõi GPS trên xe của người gửi tiền, triển khai các cá nhân không rõ danh tính để theo dõi hoạt động của họ tại nơi cư trú và thậm chí dùng đến biện pháp đe dọa tâm lý thông qua các cuộc điện thoại của cảnh sát.

Tất cả những người được phỏng vấn đều sử dụng hóa danh vì sợ bị chính quyền trả thù.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Cuộc đời bị huỷ hoại của những nạn nhân vụ lừa đảo ngân hàng nông thôn Hà Nam (TQ)