Trung Quốc: Nạn nhân của vụ lừa đảo ngân hàng tại Hà Nam tiếp tục biểu tình

Giúp NTDVN sửa lỗi

Các khách hàng có tiền gửi bị đóng băng tại các ngân hàng nông thôn tỉnh Hà Nam tiếp tục biểu tình, tìm cách để thế giới bên ngoài nghe được tiếng nói của họ. Cuộc biểu tình đã tạo ra một số tác động, dù khó có thể giải quyết được vấn đề.

Vào ngày 02/04, hàng trăm người gửi tiền Trung Quốc đã tập trung trên một cây cầu vượt đông đúc ở thành phố Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam để phản đối và giương biểu ngữ của họ. Họ đồng thanh hét lên: “Chính quyền Hà Nam, trả lại tiền gửi cho tôi” và “Ngân hàng Hà Nam, trả lại tiền gửi cho tôi”. Tiền gửi của những khách hàng của các ngân hàng nông thôn tỉnh Hà Nam đã bị đóng băng kể từ tháng 4 năm ngoái.

Cuộc tụ tập được tổ chức bí mật. Một người biểu tình tiết lộ với The Epoch Times phiên bản tiếng Trung rằng, cảnh sát Trung Quốc không thể ngăn chặn cuộc tụ tập, mặc dù một số người biểu tình đã bị bắt sau đó.

Chiến dịch phản đối

Ông Xiu (tên giả) là một người đã tham gia cuộc biểu tình. Ông cho biết, những người gửi tiền hoàn toàn nhận thức được rằng cuộc biểu tình sẽ không giải quyết được vấn đề. Ông nói rằng, mục đích của họ là để thế giới bên ngoài nghe thấy tiếng nói của họ.

Những người biểu tình muốn thể hiện sự phản đối của họ trên Internet thông qua video và hình ảnh. Ông nói, “lần này chúng tôi tổ chức khá bí mật nên chiến dịch đã thành công". “Với khoảng 300 người, chúng tôi đã tạo ra một số tác động trực tuyến”.

Ông Xiu giải thích rằng, vì có rất nhiều nạn nhân đến Hà Nam để phản đối mỗi ngày nên cảnh sát không thể chú ý đến chỉ vài trăm người trong số họ.

Ông nói: “Chúng tôi đã chọn khung thời gian khi [số lượng] lực lượng cảnh sát ở mức tối thiểu".

Vào khoảng 5 giờ sáng Chủ nhật, ngày 02/04, những người biểu tình đã tới ba điểm đến: Ngân hàng Thương mại Nông thôn Tân Trịnh của Hà Nam, Chi nhánh Tân Trịnh của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc và cầu vượt đường cao tốc ở Trịnh Châu. Cây cầu vượt cách ngân hàng năm phút đi bộ. Ông Xiu cho biết, để tránh bị bắt, họ chỉ biểu tình trong thời gian ngắn và sau đó nhanh chóng sơ tán khỏi khu vực.

Tiếng nói giận dữ

Một video được đăng trực tuyến cho thấy những người gửi tiền treo các biểu ngữ có kích cỡ khác nhau trên cầu vượt ở Trịnh Châu, với các thông điệp như “Thẻ UnionPay có thể cho phép rút tiền trên toàn cầu, tại sao ở Hà Nam thì không như vậy?” Các khẩu hiệu khác bao gồm “Ngân hàng Hà Nam đã cướp tiền gửi của chúng tôi tại Thẻ UnionPay, quốc gia nên giúp đỡ những người gửi tiền!”, “Ngân hàng Thương mại Nông thôn Hứa Xương, trả lại tiền gửi cho tôi”, “Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, trả lại tiền gửi cho tôi”, và “Liên minh Tín dụng Nông thôn Hà Nam, trả lại tiền gửi cho tôi”. Những người biểu tình cũng đồng thanh hô to các khẩu hiệu của họ.

Một cư dân mạng đã đăng trên mạng xã hội: “Sau một năm đầy nước mắt, những người gửi tiền bằng thẻ UnionPay của các ngân hàng Hà Nam đã bị từ chối rút tiền. Vào sáng sớm ngày 02/04/2023, họ đã kêu la giận dữ!”

Ông Xiu nói với The Epoch Times rằng, cuộc biểu tình của họ được tổ chức để thu hút sự chú ý đến việc những người gửi tiền của Mỹ tại Ngân hàng Thung lũng Silicon đã nhận được tiền của họ trong vòng ba ngày kể từ khi ngân hàng này được cơ quan nhà nước tiếp nhận, nêu bật một trong những khác biệt cơ bản giữa Mỹ và Trung Quốc. Ông nói: “Một bên bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền, trong khi bên kia lại đẩy người gửi tiền vào ngõ cụt".

“Chúng tôi đã không lấy lại được tiền gửi. Họ chỉ đang trì hoãn việc tiếp cận khoản tiết kiệm của chúng tôi bằng cách lừa dối và che giấu”.

Ông Xiu cũng tiết lộ rằng sau các cuộc biểu tình, cảnh sát đã bắt giữ hơn 20 người, nhưng tất cả họ đều được thả sau đó.

Vào tháng 04/2022, nhiều người gửi tiền Trung Quốc nhận thấy mình không thể tiếp cận tài khoản ngân hàng ở tỉnh Hà Nam. Kể từ đó, nhiều cuộc biểu tình đã nổ ra.

Theo thông tin điều tra từ phía Trung Quốc, chính quyền địa phương đã xác định được một doanh nhân tên là Lü Yi, người được cho là thủ lĩnh của một băng nhóm tội phạm. Các nhà chức trách cáo buộc rằng băng nhóm này đã thao túng bất hợp pháp bốn ngân hàng nông thôn và hệ thống ngân hàng trực tuyến của họ. Điều này sau đó dẫn đến vụ lừa đảo trị giá hàng tỷ USD đối với hàng trăm nghìn người gửi tiền ngân hàng trên khắp Trung Quốc.

Cảnh sát đã bắt giữ 234 người mà họ cho là có liên quan đến vụ lừa đảo ngân hàng. Mặc dù chính quyền địa phương đã quản thúc ông Lü tại gia trong một thời gian ngắn vào đầu năm 2022, nhưng nhân vật 48 tuổi này vẫn chưa bị bắt.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Trung Quốc: Nạn nhân của vụ lừa đảo ngân hàng tại Hà Nam tiếp tục biểu tình