Nhựa làm tăng nguy cơ đau tim, đột quỵ, tử vong sớm

Giúp NTDVN sửa lỗi

Theo các nhà nghiên cứu Ý, hít phải nhựa làm tăng đáng kể nguy cơ đau tim, đột quỵ và tử vong sớm của một người.

Thông qua các xét nghiệm chuyên biệt, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy các hạt vi nhựa có hại trộn lẫn với clo trong động mạch bị tắc nghẽn của hơn một nửa số người trong nghiên cứu của họ (150 trên 312 người).

Những người này có nguy cơ bị đau tim, đột quỵ hoặc tử vong trong ba năm tới cao gấp 4,5 lần do các hạt vi nhựa làm gián đoạn quá trình xử lý chất béo của cơ thể.

Giáo sư Philip Landrigan cho biết động mạch của họ chứa khoảng 21,7 microgam nhựa phổ biến nhất (polyethylene) và 5,2 microgam nhựa phổ biến thứ ba (polyvinyl clorua), rất có thể thông qua ăn uống và hít thở.

Ông nói: “Polyethylene và polyvinyl clorua, ở nhiều dạng khác nhau, được sử dụng trong nhiều ứng dụng, bao gồm sản xuất hộp đựng thực phẩm, mỹ phẩm và ống dẫn nước”, đồng thời cảnh báo các hạt nhựa trong đường ống xâm nhập vào nước uống.

Ông nói: “Khám phá của chúng tôi cho thấy những hạt nhựa nhỏ này tập trung ở những nơi động mạch bị tắc nghẽn”.

“Ở dạng liên kết với vật chất dạng hạt mịn, có thể hít vào... được gió vận chuyển đi khoảng cách xa”.

Ông cho biết các hạt nhỏ hơn 200 nanomet bị mắc kẹt giữa các tế bào động mạch sau khi đi qua các rào cản như ruột.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố rằng các hạt lớn hơn 150 micromet không thể xâm nhập vào máu hoặc mạch máu.

Các nghiên cứu khác ở người đã tìm thấy các hạt có kích thước lên tới 30 micromet trong gan, lên tới 10 micromet trong nhau thai, 88 micromet trong phổi, 12 đến 15 micromet trong sữa mẹ và nước tiểu, và tổng thể hơn 700 nanomet trong máu.

Một micromet là 1.000 nanomet.

Ông Landrigan lưu ý rằng việc phát hiện ra hạt vi nhựa trong cơ thể người là một bước đột phá và đặt ra nhiều vấn đề cấp bách cần được quan tâm ngay lập tức.

Ví dụ, ông chỉ ra các chất phụ gia nguy hiểm trong các hạt nhựa, chẳng hạn như clo, có khả năng gây ung thư cao và đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe con người.

Ông đặt câu hỏi: "Ngoài tim, những cơ quan nào khác có thể gặp nguy hiểm? Làm thế nào để chúng ta có thể giảm thiểu tiếp xúc?"

"Bước đầu tiên là nhận ra rằng chi phí thấp và sự tiện lợi của nhựa là đánh lừa, và trên thực tế, chúng che giấu những tác hại to lớn", ông nói.

Ông khuyến khích giảm sử dụng nhựa, đặc biệt là các mặt hàng sử dụng một lần không cần thiết, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giám sát và giảm thiểu việc sử dụng nhựa trong cá nhân và tại nơi làm việc.

Nghiên cứu nói trên có sự tham gia của những người từ 18 đến 75 tuổi bị tắc nghẽn nghiêm trọng ở động mạch cổ sắp được phẫu thuật để thông tắc.

Những người bị suy tim, một số vấn đề về tim, ung thư hoặc các vấn đề khác không được đưa vào.

Tám bệnh nhân bị đột quỵ hoặc chết trước khi nghiên cứu bắt đầu.

Hiểu biết hạn chế về vi nhựa: WHO

WHO gần đây đã điều tra các hạt vi nhựa trong nước uống và công bố một báo cáo về các nguy cơ sức khỏe liên quan đến chúng sau khi sự hiện diện của vi hạt nhựa trong môi trường gia tăng.

Tuy nhiên, tổ chức này lưu ý rằng thông tin về mức độ nguy hại của micro nhựa khi hít thở hoặc ăn uống còn "hạn chế".

"Các thành phần của micro nhựa gây ra rủi ro lớn nhất cho sức khỏe con người vẫn chưa được hiểu rõ, mặc dù không thể loại trừ tác động của chúng", một phát ngôn viên của WHO tuyên bố.

"Cần có thông tin về tác động của kích thước hạt, hình dạng, thành phần polymer và các yếu tố khác đại diện cho micro nhựa có liên quan đến môi trường".

Người phát ngôn lưu ý rằng micro nhựa cũng có thể có những tác động tiêu cực giống như các hạt rắn nhỏ khác.

Tuy nhiên, họ thừa nhận rằng công chúng đang ngày càng nhận thức rõ hơn về nhựa, với sự đồng thuận chung rằng chúng không nên tồn tại trong môi trường và cần thực hiện các bước để giảm thiểu tiếp xúc.

"Điều này bao gồm quản lý nhựa tốt hơn trong suốt vòng đời sản phẩm của chúng và giảm thiểu việc sử dụng nhựa khi có thể, để hướng tới một nền kinh tế nhựa bền vững hơn".

Theo Isabella Rayner - The Epoch Times
Bảo Vy

Isabella Rayner là phóng viên có trụ sở tại Melbourne, Australia. Cô là tác giả và biên tập viên của các tạp chí WellBeing, WILD và EatWell.



BÀI CHỌN LỌC

Nhựa làm tăng nguy cơ đau tim, đột quỵ, tử vong sớm