So với 2G, 3G và 4G, công nghệ 5G an toàn hay có hại hơn?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Kể từ khi Motorola giới thiệu điện thoại cầm tay không dây đầu tiên vào đầu những năm 1970, điện thoại di động và thiết bị không dây đã dần trở thành phương tiện thiết yếu trong cuộc sống của con người. Công nghệ này đã phát triển đáng kể, từ nhắn tin cơ bản đến phát trực tuyến video và trò chơi.

Các mạng viễn thông sử dụng bức xạ điện từ để truyền thông tin, cũng đã phát triển từ 1G (hiện không còn tồn tại), vốn chỉ hỗ trợ các cuộc gọi thoại, lên công nghệ 5G tân tiến, hứa hẹn khả năng truyền dữ liệu tốc độ cao.

Tuy nhiên, bên cạnh những tiến bộ này, đã xuất hiện những lo ngại về ảnh hưởng tiềm ẩn đối với sức khỏe, trong đó công nghệ 5G đặc biệt gây tranh cãi.

Trong khi các công ty viễn thông và cơ quan quản lý khẳng định rằng, không có bằng chứng khoa học nào cho thấy bức xạ điện thoại di động có liên quan với các vấn đề sức khỏe, thì nhiều chuyên gia lại không đồng tình.

Năm 2017, 180 nhà khoa học và bác sĩ quốc tế đã kiến ​​nghị Liên minh Châu Âu tiến hành đánh giá độc lập về các rủi ro sức khỏe tiềm ẩn liên quan đến 5G.

Nhưng những rủi ro này nghiêm trọng đến mức nào?

Nghi ngờ về viễn thông không dây ngay cả trước 5G

Các nghiên cứu được thực hiện từ những năm 1970 đã gợi ý mối liên hệ có thể có giữa bức xạ điện thoại di động và các vấn đề sức khỏe như vô sinh, các vấn đề về tâm thần kinh, ung thư và viêm nhiễm.

1. Vấn đề về tài trợ

Nghiên cứu về ảnh hưởng của bức xạ điện thoại di động đem lại những kết quả không nhất quán, với một số khác biệt tùy thuộc vào nguồn tài trợ.

Giáo sư nghiên cứu Henry Lai tại Đại học Washington trước đó đã kiểm tra 200 nghiên cứu về tác động sinh học của bức xạ liên quan đến điện thoại di động. Ông phát hiện ra rằng khoảng một nửa số nghiên cứu báo cáo không có mối liên hệ sinh học nào, trong khi nửa còn lại chỉ ra mối liên hệ có thể xảy ra.

Ông Lai nói: “Khi nhìn vào nghiên cứu không do ngành tài trợ, nó có tỷ lệ khoảng 3 trên 1 - cứ 4 bài báo thì có 3 bài cho thấy [bức xạ do điện thoại di động phát ra] có tác động [đến sức khỏe]. Nhưng, nếu bạn nhìn vào nghiên cứu do ngành tài trợ, nó gần như ngược lại - cứ bốn bài báo thì chỉ có một bài cho thấy có ảnh hưởng”.

2. Nghiên cứu trên động vật

Các nghiên cứu trên động vật cho thấy công nghệ 2G, 3G và 4G tiềm ẩn các rủi ro sức khỏe tiềm ẩn.

Một nghiên cứu được Viện Sức khỏe Khoa học Môi trường Quốc gia Hoa Kỳ công bố vào năm 2018 cho thấy, mức độ bức xạ 2G và 3G cao có liên quan đến sự gia tăng nguy cơ ung thư và tác động xấu đến DNA ở chuột.

Nghiên cứu cho thấy chuột cống và chuột nhắt tiếp xúc với loại bức xạ đó biểu hiện tổn thương DNA trong não và tế bào máu, bằng chứng là sự xuất hiện của khối u tim và cân nặng khi sinh thấp hơn trong trường hợp phơi nhiễm trước khi sinh.

Nhưng nghiên cứu thừa nhận có một số hạn chế do sử dụng mức bức xạ cao bất thường, vốn không phản ánh các tình huống phơi nhiễm trong đời thực.

Ông John Bucher, nhà khoa học cấp cao tại Chương trình Chất độc Quốc gia (Hoa Kỳ) và đồng tác giả của nghiên cứu cho biết: “Mức độ phơi nhiễm được sử dụng trong các nghiên cứu không thể so sánh trực tiếp với mức độ phơi nhiễm mà con người trải qua khi sử dụng điện thoại di động”.

Tuy nhiên, việc tăng mức độ phơi nhiễm có thể đẩy nhanh nghiên cứu về các rủi ro dài hạn mà không cần nghiên cứu suốt đời, ông Martin Pall, giáo sư danh dự về hóa sinh và khoa học y tế tại Đại học bang Washington, nói với The Epoch Times.

Mặc dù vậy, hầu hết các nghiên cứu vẫn chưa tìm thấy bằng chứng thuyết phục về mối liên hệ giữa bức xạ điện thoại di động với những ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.

3. U não

Các nghiên cứu về bức xạ điện thoại di động được công bố trước khi triển khai 5G vào năm 2019 đã chứng minh rằng, việc đặt điện thoại gần tai làm tăng khả năng hấp thụ bức xạ của các mô não bên trong hộp sọ.

Một số nghiên cứu đã đề xuất mối tương quan tiềm năng giữa việc sử dụng nhiều điện thoại di động và u nguyên bào thần kinh đệm, một loại ung thư não.

Theo một phân tích của các nhà nghiên cứu tại Thụy Điển, những người sử dụng điện thoại di động lâu dài, những người đã sử dụng điện thoại trong hơn 10 năm, đối mặt với nguy cơ cao phát triển các khối u lành tính. Đáng chú ý, nguy cơ cao nhất ở phía đầu tiếp xúc với điện thoại.

Tuy nhiên, mối quan hệ nhân quả vẫn chưa chắc chắn.

Các nghiên cứu điều tra cư dân sống gần tháp điện thoại di động và trạm gốc đã báo cáo các khiếu nại về các vấn đề tâm thần kinh, bao gồm đau đầu, các vấn đề về trí nhớ, chóng mặt, trầm cảm và mất ngủ.

5G có tệ hơn so với những công nghệ tiền nhiệm của nó không?

Câu trả lời ngắn gọn là các nhà khoa học không biết.

Trong khi 2G, 3G và 4G truyền bức xạ tần số vô tuyến và vi sóng, thì 5G phát ra bức xạ sóng milimet.

Bức xạ sóng milimet khác với bức xạ sóng vi ba và sóng vô tuyến, hoạt động ở tần số cao hơn và tạo điều kiện truyền tín hiệu nhanh hơn. Tuy nhiên, những ảnh hưởng sức khỏe tiềm ẩn của bức xạ sóng milimet vẫn chưa được biết do thiếu các nghiên cứu do chính phủ tài trợ.

Những gì các nhà khoa học biết là, không giống như bức xạ tế bào vi sóng, sóng milimet không thể xâm nhập sâu vào cơ thể. Do đó, nhiều nhà khoa học tin rằng 5G là an toàn.

Mặc dù sóng milimet mang lại tốc độ nhanh hơn, nhưng tần số cao của chúng khiến chúng yếu hơn và do đó dễ bị lá cây, nước mưa và tường cản trở. Để đảm bảo vùng phủ sóng hoàn chỉnh, các công ty viễn thông phải triển khai thêm ăng-ten 5G.

Tuy nhiên, do các ăng-ten này cũng truyền tín hiệu 2G, 3G và 4G nên việc triển khai rộng rãi 5G tiềm ẩn rủi ro về sức khỏe.

Bà Magda Havas, người có bằng tiến sĩ về độc chất học môi trường, là giáo sư danh dự chuyên về ảnh hưởng sức khỏe của bức xạ điện từ và là người ký kết lệnh cấm của EU, đã bày tỏ lo ngại về việc triển khai 5G.

Bà nói với The Epoch Times: “Những gì họ đang làm là triển khai ăng-ten cứ sau khoảng 100m ở các khu vực thành thị. Mọi người sẽ tiếp xúc với tần số [3G và 4G] bình thường ở mức cao hơn nhiều so với những gì họ đã tiếp xúc, cộng với các sóng milimet bổ sung, vốn chưa được kiểm tra và thẩm định về bất kỳ ảnh hưởng sức khỏe lâu dài nào”.

Tác động sức khỏe của sóng 5G milimet

Ảnh hưởng sức khỏe của 5G vẫn là một chủ đề tranh luận, nhưng ông Pall và bà Havas cho rằng bức xạ milimet có khả năng vẫn tạo ra tác động đến sức khỏe.

Mặc dù sóng milimet của 5G dường như không thể xuyên qua cơ thể nhưng da vẫn có thể hấp thụ chúng. Bà Havas cho biết, đèn cực tím không xâm nhập vào cơ thể nhưng có thể gây ra các khối u ác tính ở da.

Một nghiên cứu được thực hiện vào năm 2020 về bức xạ 5G đã chứng minh rằng nó có thể xuyên qua da khoảng 0,9mm khi truyền đi từ khoảng cách 10cm.

Mặc dù độ sâu này nông hơn so với 4G và 3G nhưng cường độ bức xạ lại cao hơn đáng kể. Hơn nữa, 0,9mm thậm chí không thể được coi là nông. Theo một nghiên cứu năm 2008 về sóng milimet, độ sâu thâm nhập 0,65mm là đủ “để tác động đến hầu hết các cấu trúc da nằm ở lớp biểu bì và hạ bì”, các tác giả viết.

“Trong một số nghiên cứu khác nhau đã chỉ ra rằng, nếu quan sát các loại tế bào khác nhau (chúng ta có nhiều loại tế bào khác nhau trong cơ thể), bạn sẽ thấy rằng một số loại tế bào nhạy cảm với EMF (bức xạ) hơn nhiều so với những tế bào khác”, ông Pall nói.

Ông nhấn mạnh thêm rằng tính không đồng nhất sinh học phải được xem xét và không thể sử dụng vật lý đơn giản để đưa ra dự đoán chính xác về các tác động sinh học.

Mặc dù vẫn chưa rõ tác động sức khỏe lâu dài của 5G, nhưng ông Pall đã tiến hành nghiên cứu cho thấy sóng milimet có thể kích hoạt phản ứng sinh học bằng cách thay đổi điện tích của tế bào.

Khi các mạng viễn thông phát triển và công nghệ 5G hứa hẹn tốc độ nhanh hơn cũng như kết nối tốt hơn, nhu cầu hiểu tác động đối với sức khỏe con người ngày càng trở nên quan trọng. Cuộc tranh luận xung quanh những ảnh hưởng tiềm ẩn của 5G đối với sức khỏe sẽ tiếp tục là chủ đề gây quan tâm và tranh cãi.

Theo Marina Zhang từ The Epoch Times
Chấn Hưng biên dịch

Marina Zhang là cây viết về sức khỏe của The Epoch Times, có trụ sở tại New York. Cô ấy chủ yếu đưa tin về các câu chuyện về COVID-19 và hệ thống chăm sóc sức khỏe, đồng thời có bằng cử nhân y sinh học tại Đại học Melbourne.



BÀI CHỌN LỌC

So với 2G, 3G và 4G, công nghệ 5G an toàn hay có hại hơn?