Telegram có bảo mật không? Những lưu ý khi sử dụng Telegram

Giúp NTDVN sửa lỗi

Telegram hiện là một ứng dụng nhắn tin phổ biến và có khá nhiều người dùng. Như vậy, người dùng có thể sẽ đặt câu hỏi liệu Telegram có bảo mật không? Có những lưu ý nào khi sử dụng Telegram?

Telegram bảo mật thế nào?

Có hai loại trò chuyện trên Telegram, trò chuyện bình thường (tên khác là Cloud Chats) và trò chuyện ‘bí mật' (Secret chats). Trò chuyện bí mật là tính năng tùy chọn, có nghĩa là bạn phải thực hiện một số thao tác để sử dụng tính năng này.

Tin nhắn trong Trò chuyện bí mật sử dụng mã hóa máy khách-máy khách (client-client encryption; đây là mã hoá đầu cuối), trong khi Trò chuyện bình thường sử dụng mã hóa máy khách-máy chủ hoặc máy chủ-máy khách (client-server/server-client encryption) và tin nhắn đã được mã hóa được lưu trữ trên Đám mây của Telegram (Telegram Cloud).

Lưu ý rằng tính năng trò chuyện ‘bí mật' chỉ dành cho trò chuyện cá nhân. Trò chuyện nhóm (group chat) không có tính năng này.

Telegram có bị nghe trộm không?

Theo thông tin từ mục hỏi và đáp trên trang web chính thức của Telegram, “Trò chuyện bí mật dành cho những người muốn giữ bí mật hơn những người bình thường. Tất cả các tin nhắn trong cuộc trò chuyện bí mật sử dụng mã hóa đầu cuối. Điều này có nghĩa là chỉ bạn và người nhận mới có thể đọc những tin nhắn đó - không ai khác có thể giải mã chúng, kể cả chúng tôi ở đây tại Telegram”.

Như vậy, câu trả lời là nếu bạn sử dụng trò chuyện ‘bí mật' (Secret chats) thì tin nhắn của bạn hoàn toàn không bị nghe trộm. Nhưng nếu bạn sử dụng trò chuyện bình thường, thì khi đó mã hoá được sử dụng không phải là mã hoá đầu cuối, mà là mã hoá máy khách-máy chủ hoặc máy chủ-máy khách (client-server/server-client encryption). Một khả năng có thể xảy ra, đó là nhà phát triển ứng dụng Telegram có thể giải mã được nội dung tin nhắn của bạn.

Hình ảnh mô tả cơ chế mã hoá đầu cuối. Mã hoá đầu cuối đảm bảo rằng chỉ người gửi và người nhận mới xem được nội dung tin nhắn. (Ảnh: Pixabay),Telegram có bảo mật không?
Hình ảnh mô tả cơ chế mã hoá đầu cuối. Mã hoá đầu cuối đảm bảo rằng chỉ người gửi và người nhận mới xem được nội dung tin nhắn. (Ảnh: Pixabay)

Những thông tin lưu ý khi sử dụng Telegram

  • Mã hoá đầu cuối không được bật mặc định. Để đảm bảo tin nhắn được an toàn thì chúng ta nên sử dụng mã hoá đầu cuối. Lưu ý rằng, tin nhắn nhóm trên Telegram không có tính năng mã hoá đầu cuối.
  • Telegram thu thập dữ liệu trong danh bạ của bạn. Theo thông tin từ chính sách của Telegram, Telegram sẽ thu thập dữ liệu cơ bản về các liên lạc trên danh bạ điện thoại của bạn. Telegram cho biết họ làm điều này để thông báo cho bạn khi ai đó bạn biết đăng ký Telegram.
  • Telegram thu thập siêu dữ liệu (metadata) của người dùng như địa chỉ IP, thiết bị và ứng dụng Telegram mà bạn đã sử dụng, lịch sử thay đổi tên người dùng, v.v ... Những siêu dữ liệu này có thể được lưu giữ tối đa trong 12 tháng.

Như vậy, dựa vào những thông tin trong bài viết này, bạn có thể đưa ra lựa chọn cho bản thân là có nên sử dụng Telegram hay không. Nếu so với một số ứng dụng khác (ví dụ như Facebook Messenger) thì Telegram khá bảo mật.

Tuy nhiên, khi so sánh với những ứng dụng có mã hoá đầu cuối mặc định (ví dụ như Signal), thì Telegram có thể ít bảo mật hơn.

Xem thêm:

Khoa học Công nghệ


BÀI CHỌN LỌC

Telegram có bảo mật không? Những lưu ý khi sử dụng Telegram