Trung Nam Hải họp kín 2 ngày về kinh tế, thừa nhận có ‘áp lực bên ngoài’ và ‘khó khăn bên trong’

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nền kinh tế Trung Quốc đang gặp khó khăn, Trung Nam Hải gần đây đã tổ chức một cuộc họp kín kéo dài hai ngày để thảo luận về các biện pháp ứng phó.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin, các nhà chức trách đã công khai thừa nhận những khó khăn kinh tế cả ở bên trong lẫn bên ngoài nước này. Từ “ổn định” xuất hiện 6 lần liên tiếp chỉ trong một câu ngắn. Điều này cho thấy cuộc khủng hoảng kinh tế ở Trung Quốc đang lan rộng.

Giới lãnh đạo chóp bu đang phải đối mặt với ‘áp lực bên ngoài’ và ‘khó khăn bên trong’

Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương kéo dài hai ngày kể trên tại Bắc Kinh đã kết thúc vào ngày 12/12. Ông Tập Cận Bình, người lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), chỉ phát biểu trong ngày khai mạc hội nghị và rời đi vào ngày hôm sau để bay sang Việt Nam.

Theo các phương tiện truyền thông của ĐCSTQ, trong cuộc họp này, các lãnh đạo cao nhất đã công khai thừa nhận rằng nền kinh tế Trung Quốc đang trải qua những “áp lực bên ngoài” và “khó khăn bên trong”.

Chuyên gia về Trung Quốc, ông Vương Hách (Wang He) đã viết một bài báo trên tờ The Epoch Times vào ngày 13/12 và nói rằng, “áp lực bên ngoài” mà ĐCSTQ đề cập đến có lẽ là đang ám chỉ việc phương Tây “giảm thiểu rủi ro” nhằm đối phó với ĐCSTQ trong năm 2023.

Trên phương diện chính quyền quốc gia, lấy Mỹ làm ví dụ, ngày 2/12, Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Gina Raimondo đã gọi Bắc Kinh là “mối đe dọa lớn nhất [Mỹ] từng phải đối mặt” tại diễn đàn quốc phòng thường niên và nhấn mạnh rằng “Trung Quốc không phải là bạn của chúng ta”.

Bộ Tài chính Hoa Kỳ đã ban hành lệnh cấm vào ngày 9/8, cấm các công ty đầu tư mạo hiểm và công ty cổ phần tư nhân của Hoa Kỳ đầu tư vào các công ty công nghệ nhạy cảm của Trung Quốc, đồng thời yêu cầu họ thông báo cho chính phủ Hoa Kỳ về các khoản đầu tư khác.

Ngày 7/10, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã ban hành phiên bản sửa đổi của lệnh cấm chip bán dẫn năm 2022, trong đó hạn chế nghiêm ngặt hơn nữa việc ĐCSTQ mua các loại chip cao cấp trọng yếu và ngăn Trung Quốc sử dụng chip trí tuệ nhân tạo (AI) để phát triển quân sự.

Ngoài ra, Hoa Kỳ cũng đã thành lập liên minh “Chip 4” với Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan, đồng thời ký thỏa thuận chip bán dẫn với Nhật Bản và Hà Lan; mũi kiếm đang chĩa về phía ĐCSTQ.

Trên phương diện kinh tế, dữ liệu công khai cho thấy trong 11 tháng đầu năm 2023, xuất nhập khẩu của Trung Quốc với hầu hết các nước phương Tây, bao gồm Liên minh Châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Vương quốc Anh, Canada và New Zealand đã giảm đáng kể. Bắc Kinh đang lo lắng về điều này và đã nhiều lần hô hào về việc không tách rời, ổn định đầu tư nước ngoài và ngoại thương.

Hội nghị kinh tế kín lần này cũng chỉ ra rằng, việc thúc đẩy phục hồi kinh tế của Trung Quốc đang phải đối mặt với những khó khăn và thách thức, “chủ yếu là do nhu cầu hiệu dụng không đủ, một số ngành dư thừa năng lực sản xuất, kỳ vọng xã hội yếu, rủi ro và nguy hiểm tiềm ẩn vẫn khá nhiều, nền kinh tế nội tuần hoàn có các điểm tắc nghẽn, môi trường bên ngoài gia tăng mức độ phức tạp, nghiêm trọng và bất ổn định”.

Hội nghị này yêu cầu “năm tới phải kiên trì cầu tiến trong khi duy trì sự ổn định, lấy sự tiến lên để thúc đẩy sự ổn định, liên tục đột phá, tạo ra nhiều chính sách có lợi cho việc ổn định kỳ vọng, ổn định tăng trưởng và ổn định việc làm; đồng thời tích cực mạnh dạn trong việc chuyển đổi phương thức, điều chỉnh cơ cấu, nâng cao chất lượng, gia tăng hiệu quả; không ngừng củng cố nền tảng của việc tiến lên trong sự ổn định”.

Chỉ trong một câu trên đã có tới 6 từ “ổn định”, cho thấy nền kinh tế Trung Quốc đang bị khủng hoảng bao vây tứ phía, thiếu sự ổn định.

Chuyên gia: Không có giải pháp cho nền kinh tế của Trung Quốc

Kể từ đầu năm nay, dữ liệu kinh tế Trung Quốc liên tục bật đèn đỏ, đơn đặt hàng ngoại thương giảm, chỉ số giá tiêu dùng CPI giảm, đầu tư giảm, vốn nước ngoài rút ồ ạt, tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên tăng vọt, ngành bất động sản rơi vào hố sâu khủng hoảng, chính quyền địa phương nợ nần chồng chất, thậm chí nền kinh tế còn có dấu hiệu “giảm phát”.

Ngày 5/12, tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Moody's đã hạ bậc xếp hạng tín nhiệm của chính quyền Trung Quốc từ “ổn định” xuống “tiêu cực” và cảnh báo rằng rủi ro nợ của chính quyền địa phương cũng như cuộc khủng hoảng trong ngành bất động sản đang ngày càng sâu sắc.

Hôm 6/12, Moody's cũng đã hạ triển vọng tín nhiệm của chính quyền Hong Kong và Ma Cao, 8 ngân hàng Trung Quốc, 36 doanh nghiệp cơ sở hạ tầng nhà nước và phi tài chính của Trung Quốc cùng các công ty con của họ, và 22 phương tiện tài chính của chính quyền địa phương (thường được gọi là trái phiếu đầu tư đô thị) từ "ổn định" xuống "tiêu cực". Trong số này bao gồm triển vọng tín nhiệm của 5 ngân hàng quốc doanh lớn.

Ông Khưu Vạn Quân (Qiu Wanjun), Giáo sư Khoa Tài chính tại Đại học Đông Bắc (Northeastern University) ở Boston, Mỹ gần đây nói với đài NTD rằng, tính hợp pháp của chính quyền ĐCSTQ nằm ở sự phát triển kinh tế, một khi nền kinh tế bị trì trệ, thậm chí bắt đầu đi xuống, cộng thêm tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, thì tính hợp pháp của chính quyền này sẽ bị lung lay.

Ông Ngô Gia Long (Wu Jialong), nhà kinh tế tổng hợp của Đài Loan, nói với tờ The Epoch Times vào ngày 12/12 rằng, Bắc Kinh đã dỡ bỏ lệnh phong tỏa dịch bệnh mà không thông báo trước vào đầu tháng 12 năm ngoái, tới nay đã qua 1 năm nhưng nền kinh tế Trung Quốc vẫn chưa hồi phục và đang tiếp tục suy giảm. Vì vậy, việc dỡ bỏ lệnh phong tỏa cũng không thể cứu vãn nền kinh tế, mà các vấn đề kinh tế cũng không hoàn toàn do lệnh phong tỏa gây ra.

Ông Ngô nói: “Các đơn đặt hàng đã mất thì không thể quay trở lại, các doanh nghiệp vừa và nhỏ đã phá sản rồi cũng không thể cải tử hoàn sinh, các doanh nghiệp tư nhân đã chạy ra khỏi [Trung Quốc] rồi cũng sẽ không bao giờ quay trở lại”.

Ông Ngô cho rằng, các vấn đề kinh tế của Trung Quốc không hoàn toàn do sự chỉ huy mù quáng và sự hỗn loạn của giới lãnh đạo ĐCSTQ gây ra, mà còn có những vấn đề sâu xa hơn mang tính thể chế: Toàn bộ hệ thống quan chức và vòng quyền lực chính trị đang cướp bóc và rửa tiền, tham nhũng có mặt khắp nơi từ trung ương cho đến địa phương, không có giải pháp cho vấn đề kinh tế của Trung Quốc.

Ông Vương Hách cho rằng, "Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương" lần này đang đâm vào ngõ cụt, hoặc là họ đang né tránh vấn đề gốc rễ của thể chế và các yếu tố bên ngoài - những điều khiến nền kinh tế Trung Quốc rơi vào thế khó, hoặc là chỉ đang phô trương thanh thế chứ không dám động chạm đến những vấn đề thực chất.

Theo ông Vương, năng lực chính sách kinh tế của ĐCSTQ (bao gồm cả khả năng lập ra và thực thi chính sách) cực kỳ thấp, nền kinh tế Trung Quốc năm 2024 sẽ không có cách nào để thoát khỏi khó khăn. Người lãnh đạo hiện tại của ĐCSTQ và ‘ê-kíp’ của ông này có thể phải đối mặt với một cuộc xung kích chưa từng có trong năm tới.

Theo NTD tiếng Trung

Minh Lý biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Trung Nam Hải họp kín 2 ngày về kinh tế, thừa nhận có ‘áp lực bên ngoài’ và ‘khó khăn bên trong’