Trung Quốc: Sụt giảm tài sản của người giàu phản ánh khó khăn kinh tế

Giúp NTDVN sửa lỗi

Giới giàu có ở Trung Quốc chứng kiến tài sản của mình sụt giảm, đồng thời họ cũng tìm cách di cư sang nước ngoài. Trong khi đó, chênh lệch giàu nghèo có xu hướng tăng cao.

Báo cáo về các thành phố giàu có nhất thế giới năm 2024, công bố vào tháng 5, cho thấy sáu thành phố của Trung Quốc trong số 50 thành phố hàng đầu trên toàn cầu đã giảm trung bình hai bậc so với năm ngoái, báo hiệu sự suy giảm về tổng tài sản. Danh sách người giàu toàn cầu Hurun 2024 cũng tiết lộ xu hướng sụt giảm tài sản của những công dân giàu có nhất Trung Quốc.

Vào ngày 7/5, công ty đầu tư di cư Henley & Partners và công ty thông tin tài sản New World Wealth đã công bố Báo cáo về các thành phố giàu có nhất toàn cầu. Thành phố New York đứng đầu danh sách, tiếp theo là San Francisco, Tokyo và Singapore. Hong Kong ở vị trí thứ chín và Bắc Kinh ở vị trí thứ mười.

Ngoài Hong Kong và Bắc Kinh, các thành phố khác của Trung Quốc lọt vào top 50 bao gồm Thượng Hải, Hàng Châu, Thâm Quyến và Quảng Châu.

Bảng xếp hạng này chủ yếu dựa vào số lượng cư dân và người nắm giữ tài sản có tài sản vượt quá 1 triệu USD tại thành phố đó.

So sánh bảng xếp hạng với năm trước, cho thấy, trung bình các thành phố của Trung Quốc tụt 2,33 bậc trong danh sách. Hong Kong tụt từ vị trí thứ bảy xuống vị trí thứ chín, Bắc Kinh từ vị trí thứ tám xuống vị trí thứ mười và Thượng Hải từ vị trí thứ chín xuống vị trí thứ mười một.

Những con số này phản ánh sự suy giảm kinh tế của Trung Quốc trong năm qua, trong lúc khoảng cách giàu nghèo ngày càng gia tăng ở nước này.

Tài sản người giàu Trung Quốc suy giảm

Nhà kinh tế học Trung Quốc Lý Hằng Thanh (Li Hengqing) làm việc tại Hoa Kỳ gần đây nói với The Epoch Times rằng do sự suy thoái của nền kinh tế Trung Quốc và bất ổn trên thị trường bất động sản nước này, tài sản của đại đa số những người trong danh sách người giàu đã bị suy giảm, với nhiều tài sản bị thanh lý.

Vào ngày 25/3, Viện nghiên cứu Hurun đã công bố Danh sách người giàu toàn cầu Hurun 2024, trong đó doanh nhân Trung Quốc và chủ tịch Nông phu Sơn tuyền (Nongfu Spring), ông Chung Thiểm Thiểm (Zhong Shanshan), đứng đầu danh sách người giàu ở Trung Quốc với khối tài sản 450 tỷ CNY (nhân dân tệ) (63 tỷ USD). Tuy nhiên, tài sản của ông ấy đã giảm 9% so với năm trước.

Những cá nhân có giá trị tài sản ròng cao (HNWI) ở Trung Quốc phần lớn có được sự giàu có từ việc sở hữu cổ phần công ty. Do các lệnh phong tỏa nghiêm ngặt nhằm ngăn chặn đại dịch của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), nền kinh tế Trung Quốc đang trải qua thời kỳ suy thoái ngay cả sau đại dịch. Vốn hóa thị trường chứng khoán của Trung Quốc đã bốc hơi 6,3 nghìn tỷ USD trong ba năm qua, dẫn đến sự sụt giảm tài sản. Theo báo cáo, giá bất động sản ở Trung Quốc giảm cũng đã làm giảm tài sản ròng của các HNWI nắm giữ bất động sản.

Danh sách tỷ phú thế giới năm 2024 của tạp chí Forbes cũng cho thấy số lượng cá nhân giàu có ở Trung Quốc đạt 406 người, giảm liên tiếp trong 3 năm. Năm ngoái có 495 cá nhân, và năm 2021 có con số kỷ lục là 626 cá nhân.

Tổng tài sản của các tỷ phú Trung Quốc đã giảm từ 16,7 nghìn tỷ USD năm ngoái xuống còn 13,3 nghìn tỷ USD trong năm nay, thấp hơn mức 19,6 nghìn tỷ USD vào năm 2022 và 25 nghìn tỷ USD vào năm 2021.

Người giàu di cư

Trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc suy thoái và rủi ro chính trị ngày càng gia tăng, nhiều công dân Trung Quốc giàu có đã chuyển tài sản của họ ra nước ngoài để đầu tư và tránh rủi ro, trong đó nhiều người rời Trung Quốc và di cư ra nước ngoài. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến số lượng người giàu ở Trung Quốc giảm sút.

Theo Báo cáo di cư của cải tư nhân Henley năm 2023, ước tính có khoảng 122.000 HNWI đã di cư trên toàn cầu vào năm 2023, trong đó Trung Quốc dẫn đầu về dòng người di cư với ước tính khoảng 13.500 triệu phú di cư, tăng 2.700 người so với năm 2022.

Định nghĩa của HNWI là những cá nhân có tài sản vượt quá 1 triệu USD sẵn sàng để đầu tư. Định nghĩa di cư là những cá nhân đã cư trú tại quốc gia đích đến hơn sáu tháng, không bao gồm những người có thẻ cư trú ở quốc gia khác mà không di cư.

Đối với những người Trung Quốc di cư giàu có, môi trường kinh tế, chính trị và xã hội ngày càng tồi tệ ở Trung Quốc, cùng với các lệnh trừng phạt ngày càng gia tăng của Hoa Kỳ đối với ĐCSTQ, đã khiến họ tìm kiếm sự đảm bảo tài chính và phòng tránh rủi ro ở nơi khác.

Dữ liệu cho thấy trung bình mỗi người di cư giàu có từ Trung Quốc đã mang đi 6,6 triệu USD. Năm ngoái, 13.500 HNWI từ Trung Quốc đã mang theo khoảng 89,1 tỷ USD khi họ chuyển đến một quốc gia khác.

Ông Andrew Amoils, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu của New World Wealth, lưu ý trong một báo cáo rằng “Trung Quốc tiếp tục mất đi một số lượng lớn triệu phú vì tình trạng di cư. Tăng trưởng tài sản chung ở nước này đã chậm lại trong vài năm qua, điều đó có nghĩa là dòng vốn chảy ra gần đây có thể gây thiệt hại nhiều hơn bình thường”.

Ông Lý nói: “Ông Tập Cận Bình tập trung vào ngành nào thì ngành đó bị ảnh hưởng và sau đó sụp đổ”. Ông Lý lấy ngành bất động sản làm ví dụ, cho rằng một số cá nhân giàu có không chỉ chứng kiến tài sản của mình bị xóa sổ mà còn phải gánh những khoản nợ đáng kể. Vì vậy, việc số lượng người giàu giảm đáng kể không có gì đáng ngạc nhiên, ông Lý giải thích.

Ông nhấn mạnh rằng, so với giới tinh hoa quyền lực trong ĐCSTQ và gia đình họ, những người trong danh sách người giàu thực sự chỉ là phần nổi của tảng băng chìm khi nói đến sự giàu có tại Trung Quốc. Những người như cháu trai của cựu lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân, ông Giang Chí Thành, khối tài sản khổng lồ của họ đơn giản là vô hình. Ông Lý cho biết, khi thấy trước những rủi ro trong nền kinh tế Trung Quốc, họ đã chuyển các công ty đầu tư của mình từ Hong Kong sang Singapore từ lâu.

“Tài sản cá nhân của họ có thể đã được giao phó cho các công ty đầu tư khác từ lâu. Vì vậy, chúng ta không biết họ thực sự có bao nhiêu tài sản”, ông nói.

Xu hướng chênh lệch giàu nghèo gia tăng

Điều đáng chú ý là mặc dù suy thoái kinh tế năm 2023 khiến số lượng người giàu ở Trung Quốc giảm, con số này đã liên tục tăng trong 9 năm trước năm 2023.

Ngược lại, tăng trưởng thu nhập của người dân Trung Quốc bình thường lại tương đối chậm.

Nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã và đang mạnh mẽ thúc đẩy và quảng bá cho “thịnh vượng chung” trong thập kỷ qua, nhưng những con số trên hàm ý rằng khoảng cách giàu nghèo của Trung Quốc đang dần nới rộng.

ĐCSTQ không công bố bất kỳ dữ liệu nào về tình hình thu nhập thực tế của người dân Trung Quốc hay khoảng cách giàu nghèo. Tuy nhiên, cựu Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường trước đó đã thừa nhận rằng ít nhất 600 triệu người ở Trung Quốc kiếm được ít hơn 1.000 CNY (nhân dân tệ) (140 USD) mỗi tháng, nêu bật khoảng cách giàu nghèo rất lớn ở Trung Quốc.

“Bây giờ Trung Quốc đang trong tình trạng suy thoái. Nền kinh tế và chính trị đều đang đi theo chiều hướng xấu đi”, ông Lý nói.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Trung Quốc: Sụt giảm tài sản của người giàu phản ánh khó khăn kinh tế