Từ dư thừa công suất, Cú sốc Trung Quốc 2.0 đến kế hoạch bá chủ toàn cầu

Giúp NTDVN sửa lỗi

Mỹ và EU không thể ngồi yên trước nguy cơ về Cú sốc Trung Quốc 2.0. Trong khi đó, đằng sau hoạt động trợ cấp và tình trạng dư thừa công suất là kế hoạch bá chủ toàn cầu của Trung Quốc.

Gần đây, khi lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tham dự các cuộc họp ngoại giao trong chuyến thăm châu Âu, những người đồng cấp bên phía châu Âu đã bày tỏ quan ngại sâu sắc và cho rằng Trung Quốc đang khiến thị trường toàn cầu tràn ngập bởi hàng hóa dư thừa. Ông Tập phủ định những lời cáo buộc đó.

Các nhà phân tích không đồng tình với ông Tập. Họ khẳng định rằng cách làm này, kết hợp với thực tế là ĐCSTQ đang cung cấp các khoản trợ cấp đáng kể cho các ngành công nghiệp khác nhau như xe điện, thể hiện một chiến lược có tính toán dùng lợi thế về quy mô nhằm đảm bảo sự thống trị trên thị trường quốc tế và gây ảnh hưởng toàn cầu.

Vào ngày 8/5, bà Ursula von der Leyen, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu, đã đề cập đến vấn đề này trong bài phát biểu tại Berlin. Bà nhấn mạnh làn sóng xe điện của Trung Quốc tràn vào thị trường EU, với những sản phẩm được hỗ trợ rất nhiều bởi các khoản trợ cấp của chính phủ. “Chúng ta cần xử lý vấn đề này. Chúng ta cần bảo vệ các ngành công nghiệp của mình”, bà nhấn mạnh.

Trong cuộc thảo luận với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và bà von der Leyen hôm 6/5, ông Tập đã bác bỏ các cáo buộc về “dư thừa công suất” ở Trung Quốc, khẳng định những lo ngại như vậy là vô căn cứ khi xét đến lợi thế so sánh và nhu cầu toàn cầu.

Nói chuyện với The Epoch Times, Giáo sư Tạ Điền (Frank Xie) của Trường Kinh doanh Darla Moore thuộc Đại học Nam Carolina đưa ra những nhận định trái ngược với những tuyên bố của ông Tập. Ông Tạ tin rằng, “Không thể phủ nhận rằng Trung Quốc đang phải đối mặt với tình trạng dư thừa công suất trầm trọng. Gần đây, chính quyền ĐCSTQ đang thúc đẩy cái gọi là “lực lượng sản xuất mới” và xe điện là một trong ba động lực. Trung Quốc có khoảng 280 công ty sản xuất xe điện khác nhau với công suất hàng năm từ 25 đến 27 triệu xe, trong khi thị trường Trung Quốc chỉ có thể hấp thụ tối đa 15 đến 17 triệu xe, cho thấy tình trạng dư thừa công suất đáng kể”.

Sau các cuộc thảo luận ba bên, bà von der Leyen nhắc lại những lo ngại trong một cuộc họp báo, cảnh báo rằng các khoản trợ cấp của ĐCSTQ cho xe điện và ngành công nghiệp thép gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với ngành sản xuất của châu Âu, có khả năng dẫn đến “phi công nghiệp hóa” ở lục địa này. Bà cảnh báo: “Thế giới không thể hấp thụ được sản lượng dư thừa của Trung Quốc”.

Dữ liệu gần đây từ cơ quan truyền thông nhà nước Trung Quốc Tân Hoa Xã cho thấy vào năm 2023, Trung Quốc đã sản xuất 9,59 triệu phương tiện sử dụng năng lượng mới, với doanh số tương đương 9,49 triệu phương tiện, đảm bảo vị thế là nhà sản xuất hàng đầu thế giới trong 9 năm liên tiếp. Xuất khẩu tăng lên 1,20 triệu xe, đánh dấu mức tăng đáng kinh ngạc 77,6% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó thị trường châu Âu chiếm 38%.

Hoạt động xuất khẩu xe điện của Trung Quốc đang nhanh chóng có chỗ đứng ở châu Âu, lợi dụng sự chênh lệch giá từ hành vi bán phá giá bị cáo buộc. EU đã bắt đầu điều tra vấn đề này để đánh giá khả năng áp thuế, báo hiệu căng thẳng thương mại leo thang.

Cú sốc Trung Quốc 2.0

Kể từ khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) từ năm 2001 đến năm 2011, một cơn lũ hàng hóa do Trung Quốc sản xuất đã tràn vào Hoa Kỳ, gây ra “Cú sốc Trung Quốc” và dẫn đến việc mất đi ít nhất 2 triệu việc làm trong lĩnh vực sản xuất tại Hoa Kỳ.

Theo thống kê của nhà nước Trung Quốc, hai thập kỷ sau khi gia nhập WTO, xuất khẩu hàng hóa toàn cầu của Trung Quốc đã tăng hơn 14%. Điều này làm nổi bật mối đe dọa về “Cú sốc Trung Quốc 2.0” tiềm tàng.

Hồi tháng 4, trong chuyến công du Bắc Kinh, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen nói rằng chính quyền Biden sẽ không cho phép lịch sử tái diễn, “Tôi đã nói rõ rằng Tổng thống Biden và tôi sẽ không chấp nhận thực tế đó một lần nữa”.

Chính quyền ĐCSTQ từ lâu đã ban hành chính sách trợ cấp cho các ngành công nghiệp được ưu đãi. Sau đại dịch, để kích thích phục hồi kinh tế, nước này đã tăng cường các biện pháp hỗ trợ, bao gồm giảm thuế, giảm phí và cho vay lãi suất thấp cho lĩnh vực sản xuất, từ đó nâng cao công suất sản xuất và có nguy cơ tạo ra “Cú sốc Trung Quốc 2.0”.

Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), lượng dư thừa thép toàn cầu đã vượt quá 550 triệu tấn, với một phần lớn đến từ các doanh nghiệp Trung Quốc.

Năm 2023, xuất khẩu thép của Trung Quốc đạt mức cao nhất trong 7 năm, tăng 36,2% một năm nhưng giá lại giảm mạnh từ 20 đến 30% so với năm trước. Các tấm pin mặt trời hiện đủ rẻ để được thay đổi mục đích sử dụng để làm hàng rào, trong khi ô tô điện đang được bán với giá thấp hơn nhiều so với giá thị trường quốc tế hiện hành.

Một cuộc khảo sát của Nikkei tiết lộ rằng trong số hơn 5.000 công ty niêm yết của Trung Quốc, 10 công ty nhận trợ cấp hàng đầu của chính quyền Trung Quốc trong nửa đầu năm 2023 bao gồm 5 nhà sản xuất xe điện hoặc pin, với số tiền trợ cấp tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Trong số này, BYD đã nhận được khoảng 247 triệu USD tiền trợ cấp, gần gấp ba lần số tiền nhận vào năm trước.

Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Hoa Kỳ (CSIS) ước tính rằng chính quyền Trung Quốc đã bơm 173 tỷ USD để trợ cấp cho các doanh nghiệp sản xuất phương tiện sử dụng năng lượng mới, nhằm mục đích thống trị ngành này.

Vào tháng 2 năm nay, BYD đã công bố một chiếc xe hybrid có giá trên 11.000 USD một chút. Lợi thế đáng kể về hiệu quả chi phí của các sản phẩm của BYD là nhờ các khoản trợ cấp đặc biệt của chính quyền Trung Quốc.

Theo ông Tạ, chiến thuật của ĐCSTQ là mở rộng các ngành công nghiệp thông qua các chính sách khuyến khích và tham gia vào hoạt động “bán phá giá với giá thấp” trên thị trường toàn cầu, nhằm đánh bại các đối thủ cạnh tranh nước ngoài. Ngay cả khi không có lợi nhuận, việc bán hàng vẫn tiếp tục, tất cả đều nhằm mục đích tiêu diệt đối thủ. Sau chiến thắng, ĐCSTQ khao khát độc quyền thị trường và khẳng định quyền lực tối cao toàn cầu.

Ông Tạ nhấn mạnh: “Những gì ĐCSTQ đang dàn dựng vượt ra ngoài kinh tế thị trường; đó là một bài tập thực hành về tính kinh tế theo quy mô, theo đuổi quy mô tuyệt đối để đạt được hiệu suất. Mục tiêu là thúc đẩy các doanh nghiệp đạt được sức mạnh độc quyền không thể bị đánh bại”.

Ông cảnh báo: “Một khi ĐCSTQ giành được quyền thống trị thị trường quốc tế, chắc chắn họ sẽ tăng giá trở lại. Đến lúc đó, ngành công nghiệp ô-tô ở các quốc gia khác có thể đã bị tàn phá, không có nhiều cơ hội để trả đũa – đây là chiêu trò của ĐCSTQ”. Tuy nhiên, “kịch bản như vậy là không thể chấp nhận được đối với châu Âu và Mỹ”.

Từ dư thừa công suất, Cú sốc Trung Quốc 2.0 đến kế hoạch bá chủ toàn cầu
Các container vận chuyển từ Trung Quốc và các nước châu Á khác được dỡ xuống cảng Los Angeles ở Long Beach, California, Mỹ, vào ngày 14/9/2019. (Ảnh: Mark Ralston/AFP/Getty Images)

Mỹ và châu Âu cùng phản ứng

Kể từ khi Trung Quốc gia nhập WTO, ĐCSTQ đã tận dụng nguồn lao động giá rẻ dồi dào và các lợi thế chi phí khác, khai thác các lỗ hổng thương mại để xuất khẩu hàng hóa Trung Quốc giá rẻ ra toàn cầu, chiếm thị phần đáng kể trên thị trường toàn cầu về dệt may, thiết bị gia dụng và đồ nội thất.

Theo các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc, xuất khẩu dệt may và quần áo của Trung Quốc đã chiếm 1/3 thị trường toàn cầu trong nhiều năm. Từ năm 2006, Trung Quốc đã nổi lên là nước xuất khẩu đồ nội thất hàng đầu thế giới, chiếm hơn 35% giá trị sản xuất toàn cầu. Trong lĩnh vực thiết bị gia dụng, sự thống trị của Trung Quốc được thể hiện rõ rệt, với máy giặt và tủ lạnh chiếm hơn 50% thị phần toàn cầu và máy điều hòa không khí vượt 80%, củng cố vị thế của Trung Quốc là nhà xuất khẩu hàng đầu trên toàn thế giới.

Chỉ riêng năm 2023, thặng dư thương mại của Trung Quốc đã tăng vọt lên xấp xỉ 800 tỷ USD.

Nhằm thu hẹp thâm hụt thương mại với Trung Quốc, chính quyền Trump đã khởi xướng các biện pháp trừng phạt vào năm 2018, một xu hướng được chính quyền Biden tiếp tục và mở rộng. Ngoài các lĩnh vực kinh tế và thương mại, chính quyền Biden đã mở rộng phạm vi của các biện pháp trừng phạt sang ngoại giao, quốc phòng và tất cả các lĩnh vực khác, tập hợp các đồng minh quốc tế như Nhật Bản, Anh và EU để đối đầu và hạn chế ảnh hưởng gây rối của ĐCSTQ đối với trật tự quốc tế.

Vào tháng 4, chuyến thăm Trung Quốc của Bộ trưởng Tài chính Yellen nhằm mục đích cảnh báo về tình trạng dư thừa công suất của Trung Quốc và tình trạng bán phá giá trên toàn cầu. Bà Yellen nhấn mạnh tác động bất lợi của các công ty xe điện Trung Quốc, với nguồn trợ cấp của chính phủ, đối với thị trường toàn cầu, đồng thời cảnh báo về sự biến dạng giá cả thị trường.

Vào cuối tháng 2, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã mở một cuộc điều tra về rủi ro bảo mật thông tin do xe điện Trung Quốc gây ra. Vào ngày 3/4, EU đã công bố một cuộc điều tra về các khoản trợ cấp tiềm tàng cho các công ty sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời của Trung Quốc. Vào ngày 17/4, Tổng thống Joe Biden đã kêu gọi tăng thuế đáng kể đối với các sản phẩm thép và nhôm của Trung Quốc nhằm ngăn chặn tình trạng bán phá giá hàng hóa dư thừa của Trung Quốc.

Theo Tổ chức phi lợi nhuận Cảnh báo thương mại toàn cầu (Global Trade Alert), các chính phủ trên toàn thế giới đã công bố hơn 70 biện pháp can thiệp chống lại hàng xuất khẩu của Trung Quốc kể từ đầu năm 2023.

Để đối phó với phản ứng dữ dội trong thương mại toàn cầu, các quan chức Bộ Tài chính Trung Quốc đã bác bỏ lời cáo buộc về “tình trạng dư thừa công suất” ở Trung Quốc trong cuộc họp báo ngày 8/4, bác bỏ các biện pháp bảo hộ thương mại. Các phương tiện truyền thông của nhà nước Trung Quốc cho rằng việc Mỹ và châu Âu đề cập đến “dư thừa công suất” là những nỗ lực nhằm ngăn chặn sự phát triển trong lĩnh vực năng lượng mới của Trung Quốc và duy trì quyền bá chủ.

“Hiện tại, ĐCSTQ đang bị EU điều tra về hành vi bán phá giá; bất chấp các cuộc thảo luận riêng biệt với Đức và Pháp, các tiến bộ vẫn khó đạt được”, theo ông Tạ. “Ngoài ra, ĐCSTQ có kế hoạch bán ô tô sang Mỹ thông qua Mexico, khiến cơ quan lập pháp Hoa Kỳ đang tích cực chuẩn bị để hạn chế những hoạt động như vậy. Các quốc gia phát triển khác cũng đang thực hiện các biện pháp để chống lại nỗ lực bán phá giá và thống trị thị trường của ĐCSTQ”.

Do đó, “con đường tương lai của ĐCSTQ ngày càng bị hạn chế, cũng như ảnh hưởng thị trường của nó”.

Thúc đẩy mục tiêu chính trị

Vào năm 2023, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường đã tích cực thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu đối với “ba mặt hàng mới” - xe điện, pin lithium và các sản phẩm quang điện - chứng kiến mức tăng 30%, lên tới khoảng 147 tỷ USD.

Theo báo cáo của công ty tư vấn và nghiên cứu thị trường quốc tế Mordor Intelligence, quy mô thị trường xe điện của Trung Quốc dự kiến sẽ đạt 305,57 tỷ USD vào năm 2024 và có thể tăng vọt lên 674,27 tỷ USD vào năm 2029.

Tiến bộ công nghệ của Trung Quốc không chỉ nhằm mục đích hội nhập vào bối cảnh công nghệ cao toàn cầu trên cơ sở bình đẳng với các quốc gia khác. Thay vào đó, họ tìm cách sử dụng các chiến thuật bất chính để tiêu diệt kẻ thù, làm suy yếu các nền kinh tế phương Tây – đặc biệt là Hoa Kỳ – và khẳng định sự thống trị toàn cầu.

Ông Tạ khẳng định thêm: “ĐCSTQ đã liên tục biến nền kinh tế thành công cụ để đạt được mục đích chính trị. Những nỗ lực trước đây của họ như viện trợ nước ngoài và các sáng kiến như Sáng kiến Vành đai và Con đường không chỉ là những dự án kinh tế mà còn là những bước đi chiến lược với các mục tiêu chính trị”.

Ông tiếp tục cho rằng, ĐCSTQ mở rộng dấu ấn toàn cầu của mình thông qua các nỗ lực kinh tế như thống trị xuất khẩu và chiếm lĩnh thị trường, từ đó củng cố quyền lực của ĐCSTQ và thúc đẩy kế hoạch bá chủ toàn cầu dưới chiêu bài ‘Cộng đồng Vận mệnh chung’.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Từ dư thừa công suất, Cú sốc Trung Quốc 2.0 đến kế hoạch bá chủ toàn cầu