Vạn vật hữu linh: Dưới góc nhìn của khoa học hiện đại qua học thuyết Panpsychism

Giúp NTDVN sửa lỗi

Vạn vật hữu linh (vạn vật đều có linh hồn) chỉ là nhận thức trong tôn giáo hay là thực tại đang chờ khoa học nghiên cứu thấu đáo? Học thuyết Panpsychism (toàn tâm luận) cho rằng Ý thức không chỉ có ở con người và động vật, mà nó được tìm thấy trong toàn vũ trụ, nghĩa là mọi vật đều có thế giới quan của riêng mình.

Thuở sơ khai, con người tin rằng vạn vật đều có linh hồn: đất trời, thời tiết, cây cỏ, chim muông… Thân xác hữu hình chỉ là bình chứa, linh hồn vô hình bên trong mới là bất diệt. Tuy nhiên con người hiện đại không có khả năng cảm nhận được điều này.

Những bằng chứng cho thấy ‘vạn vật hữu linh’

Thí nghiệm của hãng IKEA: Hai chậu cây xanh

Tại khuôn viên một trường học, IKEA đã mang tới hai chậu cây xanh. Cả hai chậu cây đều được đặt trong lồng kính, được chăm sóc nghiêm ngặt giống nhau với cùng lượng nước, phân bón và ánh sáng mặt trời. Điều khác biệt duy nhất là các học sinh được hướng dẫn mắng nhiếc, chê bai một cây trong khi dành những lời khen ngợi, thể hiện tình yêu thương với chậu cây còn lại.

Kết quả sau 30 ngày, sức sống của hai chậu cây có sự khác biệt rõ rệt. Chậu cây bên trái bị dọa nạt trở nên héo úa, còn chậu cây bên phải được yêu thương phát triển xanh tươi. Sau một thời gian, chậu cây bị mắng trong 30 ngày cuối cùng đã chết.

Phản ứng của tinh thể nước với thái độ của con người

Tiến sĩ Masaru Emoto đã thực hiện hàng loạt các thí nghiệm: Chụp ảnh của các tinh thể nước dưới kính hiển vi trong các điều kiện con người đối xử với các nguồn nước khác nhau.

Kết quả nghiên cứu của ông đã tổng hợp thành một cuốn sách, vén lên một bức màn bí ẩn của vũ trụ, gửi đến chúng ta 5 thông điệp sâu sắc của nước gửi đến nhân loại để cuộc đời trở nên tốt đẹp hơn.

Tiến sĩ Emoto muốn truyền rộng những phát hiện của ông ra xã hội để công chúng và thế hệ trẻ biết được rằng, các suy nghĩ tốt đẹp như tình yêu thương và lòng biết ơn sẽ tạo ra những biến đổi ở nước làm cho tinh thể nước vô cùng đẹp mắt. Ngược lại, những thông điệp có ý nghĩa xấu khiến cho các tinh thể có hình dạng rất xấu xí, đáng sợ.

Thực vật có giác quan, có cảm xúc giống con người

Cleve Backster là một quân nhân làm việc tại Cục phản gián với chuyên môn về thẩm vấn với phương pháp sử dụng máy dò nói dối đối với con người. Máy phát hiện nói dối kiểm tra 3 yếu tố: Xung điện, nhịp hô hấp và mức mồ hôi tiết ra. Nếu một người đang lo lắng bị phát hiện nói dối, các chỉ số sẽ tăng vọt hoặc sụt giảm.

Nhưng một phát hiện lớn bất ngờ đã đến với ông vào ngày 02/02/1966. Trong một phút hứng khởi, Backster quyết định nối một máy dò nói dối vào những chiếc lá của cây huyết dụ, sau đó tưới nước cho cây. Ban đầu, mục đích của ông chỉ là muốn xem sau bao lâu thì cái cây mới giảm điện trở và gia tăng tính dẫn điện, một thí nghiệm vật lý đơn thuần.

Điều không ngờ là máy dò nói dối đã vẽ ra một đường cong trùng khớp với đường cong biểu thị tâm trạng vui vẻ của con người. Dường như nó rất vui khi được cho uống nước.

Backster tiếp tục làm thí nghiệm khác, ông quyết định đốt một chiếc lá của cây đó. Nhưng trước khi ông làm vậy, các chỉ số trên máy phát hiện nói dối đã nhảy điên cuồng và cho thấy một phản ứng dữ dội của cây. Tương tự như khi con người cảm thấy sợ hãi.

Quá ngạc nhiên, Backster tiếp tục làm thêm nhiều ví dụ khác và nhận thấy thực vật cũng có giác quan, có cảm giác không kém gì con người, thậm chí còn nhạy cảm hơn. Thí nghiệm vừa kể trên cho thấy, Backster chỉ nghĩ đến việc đốt chiếc lá của cái cây thì nó đã cảm nhận được rồi, tức là nó có thể đọc được suy nghĩ của Backster, điều mà con người không thể thực hiện được.

Các bằng chứng khác trong video dưới đây:

Học thuyết Panpsychism - vạn vật đều có linh hồn và nội tâm

Khái niệm về Học thuyết panpsychism đã tồn tại hàng trăm năm. Nhà triết học người Ý Francesco Patrizi đã đặt ra thuật ngữ này vào cuối thế kỷ 16. Ông kết hợp các từ tiếng Hy Lạp παν (phát âm là “pan” và có nghĩa là mọi thứ) và ψυχή (tâm lý, linh hồn hoặc tâm trí) để đề cập đến một linh hồn đặc biệt vốn có trong mỗi trật tự của sự sáng tạo.

Tuy nhiên, khái niệm này đã có từ thời Hy Lạp cổ đại, khi nhà thiên văn học, nhà toán học và nhà triết học tiền Socrates Thales nói rằng “mọi thứ đều có các vị thần” và một trong những nhà triết học được nghiên cứu nhiều nhất trên thế giới, Plato, nói rằng thế giới thực sự là một sinh mệnh sống được phú cho tâm hồn và trí thông minh.

Vào thế kỷ 19, thuyết panpsychism đã phát triển ở phương Tây, được ủng hộ bởi những triết gia vĩ đại Arthur Schopenhauer, và cha đẻ của tâm lý học hiện đại, William James. Sau đó, xuất hiện phong trào triết học nổi lên ở Vienna vào những năm 1920 với chủ nghĩa thực chứng logic đã bác bỏ hoàn toàn học thuyết panpsychism.

Cho đến gần đây, sự bất lực của khoa học thực nghiệm trong việc giải quyết vấn đề khó khăn về ý thức – tại sao và bằng cách nào vật chất lại tạo ra những trải nghiệm về ý thức; cùng với sự phát triển trong các lĩnh vực khoa học thần kinh, tâm lý học và vật lý lượng tử gần đây, đã khơi dậy sự quan tâm đến học thuyết panpsychism, theo trang Popularmechanics.

Năm 2004, Tiến sĩ, nhà thần kinh học và tâm thần học người Ý Giulio Tononi, đã đề xuất lý thuyết thông tin tích hợp về ý thức (integrated information theory of consciousness), trong đó nói rằng ý thức rất phổ biến và có thể được tìm thấy ngay cả trong một số hệ thống đơn giản.

Trong bài viết của mình trên tạp chí Scientific American, Tiến sĩ thần kinh học hàng đầu người Mỹ Christof Koch đã chỉ trích chủ nghĩa duy vật và quan điểm của nó về ý thức. Koch viết trong bài báo rằng khái niệm vật chất có trước ý thức là hoàn toàn mâu thuẫn với một tiên đề trong triết học và khoa học hiện đại: “ex nihilo nihil fit” nghĩa là “bên ngoài của không gì cả, không có gì xảy ra”. Ông lập luận rằng các hạt cơ bản hoặc có điện tích hoặc không có điện tích; tương tự như vậy, nơi nào có những khối vật chất có tổ chức thì ý thức sẽ theo sau nó.

Nhà sinh vật học nổi tiếng Rupert Sheldrake, Ph.D., tin tưởng rằng không chỉ con người chúng ta có ý thức mà cả thiên hà cũng có ý thức. Ông nêu ra giả thuyết về sự cộng hưởng hình thái (morphic resonance). Cộng hưởng hình thái là một quá trình trong đó các hệ thống tự tổ chức có kế thừa ký ức từ các hệ thống tương tự trước đó.

Theo Sheldrake, các sinh vật tương tự có chung mối liên kết thần giao cách cảm bí ẩn và các loài có chung ký ức chung: đây là cách con chó của bạn báo trước khi bạn về nhà và tại sao bạn cảm thấy khó xử khi ai đó đang nhìn chằm chằm vào mình.

Trong một bài báo đăng trên Tạp chí Journal of Consciousness Studies vào năm 2021, Sheldrake đã nêu ra câu hỏi “Mặt trời có ý thức không?” Với ông thì chắc chắn là như vậy.

Ông nói: “Ý thức không cần phải giới hạn trong bộ não”. “Mối liên hệ giữa tâm trí và hệ thống vật lý dường như được thực hiện thông qua các trường điện từ nhịp nhàng, tất nhiên hiện diện trong não của chúng ta. Chúng cũng hiện diện trong và xung quanh mặt trời, và đây có thể là giao diện giữa tâm trí của mặt trời và cơ thể của nó.”

Vì vậy, nếu mặt trời có ý thức, nó có khả năng nhận thức được các hoạt động ở bên trong nó, kể cả ở đây trên Trái đất, cũng như về mối quan hệ của nó với các ngôi sao khác trong thiên hà và toàn bộ thiên hà.

Không có gì ngạc nhiên khi các nhà khoa học mô tả ý thức là ông tổ của mọi bí ẩn về hành vi con người. Tuy nhiên, nếu bạn tán thành quan điểm của học thuyết panpsychism, bạn có thể giật mình khi biết rằng mặt trời có ý thức để đưa ra những lựa chọn của mình. Sheldrake nói: “Nó có thể chọn hướng phát ra các tia sáng mặt trời hoặc các vụ phóng khối lượng vành nhật hoa, những điều mà có thể gây ảnh hưởng to lớn đến sự sống trên Trái đất và công nghệ của chúng ta”.

(Tổng hợp)



BÀI CHỌN LỌC

Vạn vật hữu linh: Dưới góc nhìn của khoa học hiện đại qua học thuyết Panpsychism