10 biểu hiện của người có giáo dưỡng

Giúp NTDVN sửa lỗi

Người có giáo dưỡng sẽ nhận được sự tôn trọng từ người khác, một người có giáo dưỡng sẽ khiến người khác cảm nhận được sự giáo dục tốt từ gia đình và sự tôi rèn của bản thân. Ngược lại, những người không có giáo dưỡng, cho dù học vấn và địa vị cao đến mấy, cũng khó có được sự tôn trọng từ người khác.

Giáo dưỡng là tấm danh thiếp vô hình đầu tiên mà bạn trao cho người khác, người có giáo dưỡng sẽ mang lại ấn tượng tốt đẹp với người khác trong lần gặp đầu tiên.

Thông qua những lời nói, hành động và chi tiết trong cuộc sống, chúng ta có thể đoán được một người có giáo dưỡng tốt hay không? Vậy làm thế nào để trở thành một người có giáo dưỡng?

Chỉ cần chú ý đến 10 chi tiết dưới đây, bạn có thể lưu lại ấn tượng tốt đối với những người xung quanh:

1. Lắng nghe

"Lắng nghe" được đặt ở vị trí đầu tiên trong tầm quan trọng thể hiện sự giáo dưỡng của một người. Người có giáo dưỡng khi nói chuyện sẽ không tùy tiện ngắt lời người khác, họ sẽ cẩn thận lắng nghe những gì đối phương nói, sau đó họ mới biểu đạt, thảo luận ý kiến.
Mỗi người đều có cách biểu đạt và nói chuyện khác nhau, có người đưa ra quan điểm cá nhân rồi mới nêu ví dụ; có người lại nói bóng nói gió trước, sau đó nghe ý kiến của đối phương rồi mới nói ra quan điểm của mình; có người thì lại cố tình nói ngược lại vấn đề, sau đó mới nói lên suy nghĩ của bản thân,... Nếu ngắt lời, không nghe đối phương nói hết, bạn rất có thể sẽ làm loạn mạch tư duy của họ, dễ gây ra hiểu nhầm. Nếu xảy ra hiểu nhầm, đôi bên sẽ tốn thời gian giải thích, cuối cùng khiến đối phương không hài lòng.

Làm sao để tránh?
- Đừng làm gián đoạn cuộc trò chuyện của người khác bằng những chủ đề không liên quan. Ví như thấy đám bạn đang vui vẻ bàn luận về một chủ đề, nếu bạn đi tới và chèn vào một câu chuyện khác, chắc rằng họ sẽ không hài lòng.
- Đừng vội vàng đưa ra kết luận cá nhân. Như đã nói ở trên, mỗi người đều có cách biểu đạt khác nhau, khi giao tiếp, chúng ta hãy cố gắng lắng nghe ý kiến của đối phương một cách trọn vẹn, từ đó hiểu được đối phương đang muốn biểu đạt điều gì. Như vậy sẽ giảm bớt những hiểu lầm trong khi giao tiếp.
- Đừng cướp lời của người khác, hành động này sẽ khiến người khác cảm thấy không được tôn trọng, sinh ra những cảm xúc khó chịu. Cố tình ngắt lời người khác là điều tối kỵ trong giao tiếp. Trở thành một người biết lắng nghe sẽ mang lại cho bạn kết quả giao tiếp tốt và nhận được sự ưu ái từ người khác.

2. Nói nhỏ nhẹ
Một người có giáo dưỡng có thể đảm bảo giọng nói của mình sẽ không tạo thành phiền phức và ảnh hưởng cho người khác. Không ai thích nghe người khác to tiếng, đặc biệt là ở nơi công cộng.

Bất kể là đang trò chuyện với bạn bè hay nói chuyện điện thoại ở nơi đông người, hãy đảm bảo rằng, bản thân không được gây ra quá nhiều tiếng ồn, gây ảnh hưởng đến những người xung quanh. Đây là thể hiện của phép lịch sự tối thiểu nhất.

Khi đi du lịch, tôi sợ nhất là gặp các nhóm du khách Trung Quốc, bạn sẽ dễ bắt gặp hình ảnh như thế này, người hướng dẫn viên du lịch cầm cờ và lớn tiếng hô: "Nhanh lên! Nhanh lên! Phong cảnh ở đây rất tuyệt, nhanh đến chụp ảnh, chụp xong chúng ta lại đến địa điểm khác", theo sau đó là âm thanh nói chuyện rôm rả của những du khách, rất thu hút sự chú ý. Nhiều người không biết sẽ có thể tưởng rằng họ đang cãi nhau.

Khi ở nơi đông người, chúng ta cần chú ý đến những phương diện sau:
- Khi sử dụng những phương tiện giao thông công cộng như tàu điện ngầm, xe buýt, xe lửa, v.v. Một số người xung quanh cần nghỉ ngơi, có người tranh thủ học tập hoặc xem tin tức trong thời gian di chuyển, .... Khi đó, âm thanh giọng nói của bạn có thể ảnh hưởng đến người khác.
- Ở nhà hàng, cùng tụ tập ăn uống với bạn bè là một điều vui vẻ, nhưng không nhất thiết phải quá ồn ào, náo nhiệt. Cùng nhau vui vẻ ăn uống nói chuyện, điều này còn quan trọng hơn so với việc lớn tiếng hô hào.
- Tại các điểm du lịch, đặc biệt là vào những dịp lễ tết, khách du lịch sẽ đông đúc hơn, mọi người đến để chụp ảnh, mua sắm, tham quan,... không khí vào những ngày đó sẽ vô cùng náo nhiệt, ồn ào. Nếu mọi người đều biết tiết chế giọng nói, không to tiếng ở nơi đông người, vậy thì những ngày lễ như vậy sẽ trôi qua nhẹ nhàng, vui vẻ hơn.

3. Đúng giờ
Người có giáo dưỡng không dễ đến muộn, bởi suy cho cùng, thời gian của mỗi người đều rất đáng giá. Nhiều cô gái có thể hiểu lầm rằng, chàng trai càng có thể chờ đợi lâu thì càng quan tâm đến mình. Thực ra, ngoại trừ những kẻ ngốc nghếch trong tình yêu, hầu như không ai thích chờ đợi một ai đó.

Cảm giác bất an, lo lắng khi chờ đợi là một trải nghiệm vô cùng tồi tệ. Cho dù việc bạn đến muộn là vô tình hay cố ý thì việc để mọi người phải chờ đợi sẽ khiến bạn cảm thấy không được người khác tôn trọng và đánh giá cao. Đi trễ là một thói quen xấu, hãy nhanh chóng thay đổi nó nếu bạn muốn người khác tôn trọng.

Nhắc nhở đặc biệt:

Nếu bạn dự định sẽ đến muộn, hãy nhớ thông báo cho đối phương càng sớm càng tốt. Đây là phép lịch sự cơ bản.

Khi gặp phải sự việc ngoài ý muốn, bạn phải đến muộn và không thể thông báo kịp thời cho đối phương, hãy giải thích lý do và xin lỗi một cách chân thành khi gặp mặt.

Đúng giờ là một đức tính tốt, nó thể hiện thái độ nghiêm túc và tôn trọng của một người đối với công việc. Những người có quan niệm đúng đắn về thời gian sẽ khiến cho mọi người cảm thấy thoải mái, tin tưởng khi làm việc cùng.

4. Thường sử dụng câu "Cảm ơn", "Xin lỗi"

Người có giáo dưỡng sẽ không ngại ngùng khi bày tỏ lòng biết ơn, họ cũng không tiết kiệm những lời xin lỗi chân thành.

Ngay từ khi còn nhỏ, chúng ta đã học cách biết ơn và xin lỗi. Nhưng sau khi lớn lên, chúng ta bước đi vội vã, đôi khi quên nói những lời cảm ơn và xin lỗi với người khác. Trong cuộc sống, chúng ta thường coi một số việc người khác làm cho mình là đương nhiên (điều hiển nhiên), từ đó quên đi cách cảm ơn.

Giáo sư Adam M. Grant và Giáo sư Francesca Gino đã phát hiện trong một nghiên cứu rằng: Lòng biết ơn sẽ tăng gấp đôi tỷ lệ thành công của một sự việc. Nguyên nhân là, mọi người đều thích cảm giác khi được người khác cảm ơn, từ đó họ hiểu được giá trị của bản thân đối với người khác, qua đó cũng xúc tiến quan hệ giữa người với người.

Nghiên cứu còn chỉ ra rằng, khi một người luôn cảm thấy biết ơn, người đó có thể tác động tích cực đến người khác. Đồng thời, khi làm sai điều gì, chúng ta nên dũng cảm đối mặt và chịu trách nhiệm, một lời xin lỗi chân thành có thể mang lại hiệu quả tốt.

Người có giáo dưỡng sẽ thường xuyên bày tỏ lòng biết ơn, cũng có thể thừa nhận lỗi sai của mình, đây cũng chính là cơ hội tốt nhất để thể hiện sự chân thành và giáo dưỡng của một người.

5. Không phán xét người khác một cách tùy tiện
Trong Thánh Kinh có viết: “Judge not, or you will be judged” (Đừng phán xét, nếu không bạn sẽ bị phán xét), đây là một triết lý sống rất khôn ngoan. Chúng ta thường dễ dàng phán xét người khác thông qua ngoại hình, màu da, lời nói,... trong buổi gặp gỡ, nói chuyện. Trên thực tế không có chuyện gì là ngẫu nhiên cả.

Cô gái mà bạn phán xét là yếu đuối kia có lẽ vừa khóc một trận sau khi lìa xa người thân; người đồng nghiệp mà bạn phán xét là keo kiệt kia có thể là cô ấy vừa gửi hết số tiền cho bố mẹ chữa bệnh; người bán hàng mà bạn cho là khó tính kia có lẽ vì anh ta sinh ra trong một gia đình nghèo, để tồn tại, anh ta phải trải qua nhiều áp lực trong cuộc sống,... Bạn không thể phán xét người khác thông qua cái nhìn thoáng qua.

Bao dung, thông cảm và không dễ dàng phán xét người khác, đó chính là biểu hiện của những người có giáo dưỡng. Những người khôn ngoan sẽ không dễ dàng lãng phí thời gian để phán xét, bình luận người khác, họ cũng không lo lắng quá nhiều về những gì người khác dị nghị sau lưng họ, điều này cần phải dựa trên nền tảng của sự hiểu biết và giáo dưỡng tốt.

6. Không dễ phàn nàn, oán trách trước mặt người khác
Người có giáo dưỡng rất ít khi phàn nàn trước mặt người khác, dù là trong cuộc sống hay công việc, không ai thích tiếp xúc với một người thích phàn nàn, oán thán.

Nhịp sống của xã hội hiện đại ngày càng căng thẳng, cuộc sống và công việc không hề dễ dàng với tất cả mọi người, mỗi ngày ai cũng có thể gặp phải những điều tồi tệ này hay điều khác. Người có giáo dưỡng sẽ biết kiềm chế cảm xúc của mình, họ biết cách giải quyết vấn đề một cách bình tĩnh mỗi khi mọi thứ xảy ra không như ý muốn.

Nhiệm vụ của chúng ta là làm tốt việc của bản thân, quản lý tốt cảm xúc của mình. Người gặp chuyện không vừa ý liền phàn nàn khắp nơi, họ coi người khác như thùng rác tình cảm, điều này không chỉ làm tốn thời gian mà còn mang đến cho người khác những áp lực mà họ không nên gánh chịu.

Những người có giáo dưỡng sẽ không dễ phàn nàn, họ luôn biết cách tự đối mặt với khó khăn bằng sự lạc quan, từ đó mà bình tĩnh vượt qua mọi nghịch cảnh.

7. Không tạo ra tiếng ồn khi đang ăn
Nhiều người thích nói chuyện khi đang ăn, vừa ăn vừa nói. Thức ăn trong miệng vẫn chưa nuốt hết, họ vẫn không ngừng nói. Kỳ thực, đây là một thói quen rất xấu, không chỉ ảnh hưởng đến hình ảnh cá nhân, mà còn khiến những người xung quanh thấy phản cảm. Một người có giáo dưỡng sẽ nhai xong thức ăn rồi mới tiếp tục câu chuyện.

Một số thói quen xấu trong bữa ăn cần tránh:

  • Ăn xong có cặn rau bám giữa kẽ răng, không đứng dậy súc miệng, xỉa răng mà ngồi vào bàn dùng lưỡi mút như không có ai.
  • Tạo ra âm thanh lớn khi ăn mì và uống canh, thay vào đó, bạn có thể lấy thìa múc canh và ăn từ từ.
  • Bởi vậy những người có tu dưỡng sẽ quan tâm đến cảm xúc của người khác, ngay cả khi đang ăn.

8. Xử lý rác mà bạn tự tạo ra
Những người có giáo dưỡng sẽ không coi việc được người khác phục vụ là điều hiển nhiên.

Khi ăn ở nhà hàng, có người sẽ rải xương, đồ ăn thừa, rác,... xung quanh bàn ăn. Số rác đó không chỉ tràn ra đĩa ăn, vương vãi trên bàn mà đôi khi còn chiếm cả mặt bàn của người khác.

Thành thật mà nói, dù bạn có xinh đẹp đến đâu, tướng ăn có đẹp đến mấy, nhưng đống rác mà bạn tạo ra sẽ khiến những người xung quanh phát ngán. Bạn có thể bảo người phục vụ đến dọn dẹp, nhưng đối với người có giáo dưỡng, thay vì để nhân viên phục vụ, họ sẽ chủ động vứt rác mà mình tạo ra, tránh ảnh hưởng đến người khác.

Một người chu đáo và biết nghĩ cho người khác, họ sẽ cố gắng tạo ra ít rác càng tốt. Ở nhà hàng cũng vậy, ở các nơi công cộng khác cũng vậy, bạn cần chủ động dọn dẹp rác do mình tạo ra. Xử lý tốt rác thải do mình tạo ra cũng thể hiện sự tôn trọng đối với sức lao động của người khác, cũng góp phần bảo vệ môi trường.

9. Lau bụi ở đế giày trước khi bước vào nhà

Trước khi bước vào nhà người khác, hãy lau sạch bụi bẩn ở đế giày và bàn chân trên tấm thảm trước cửa, đặc biệt là những ngày mưa. Chủ nhà sẽ rất cảm kích trước sự chu đáo của bạn. Cần biết rằng, chủ nhà có thể đã lau sàn nhà hàng giờ đồng hồ để đón tiếp khách tới chơi, chúng ta cũng cần tôn trọng chủ nhà.

Nếu bạn bước vào nhà người khác với tấm chân lấm lem, giày dép bẩn thỉu, chủ nhà có thể sẽ cảm thấy khó chịu trong lòng. Tất nhiên, người có giáo dưỡng sẽ không làm như vậy, bởi họ biết cách trân trọng sự lao động của người khác.

10. Khi xếp hàng lên xe, hãy đợi người khác xuống trước rồi mới lên
Khi xếp hàng lên xe, người có giáo dưỡng sẽ đợi người khác xuống xe trước, sau đó họ mới lên. Điều này giúp mọi người di chuyển dễ dàng hơn.

Mặc dù 10 chi tiết nhỏ trên không thể bao gồm tất cả các lĩnh vực mà giáo dưỡng nên đề cập nhưng ít nhất chúng cũng bao gồm một số yếu tố cần thiết, đó là sự tôn trọng, quan tâm, chân thành và không ảnh hưởng đến người khác. Nếu như ai ai cũng có thể chú ý đến 10 điểm này một cách có ý thức thì mối quan hệ giữa mọi người trong xã hội sẽ hài hòa hơn rất nhiều.

Giáo dưỡng là tấm danh thiếp của một người, một người có giáo dưỡng sẽ dễ thành công hơn trong cuộc sống, bởi họ được nhiều người chào đón, giúp đỡ và tôn trọng.

Theo Tống Vân - Aboluowang
Gia Hân biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

10 biểu hiện của người có giáo dưỡng