4 kiểu người cha có thể hủy hoại cuộc đời đứa trẻ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tầm quan trọng của người cha trong quá trình giáo dục con cái là không thể phủ nhận, như một nhà tâm lý học đã từng nói: "Người cha là sự tồn tại độc nhất, đối với việc nuôi dưỡng con cái có một lực lượng đặc biệt".

Tuy nhiên có một số ông bố, họ không những không thể trở thành tấm gương cho con cái noi theo, mà còn trở thành hình tượng tiêu cực trước mặt con cái, ví như 4 kiểu ông bố dưới đây:

Người cha thường xuyên vắng mặt trong quá trình trưởng thành của con

Nhiều ông bố luôn vắng mặt trong quá trình trưởng thành của con với lí do quá bận rộn với công việc, tuy nhiên ít ai hiểu được, tuổi thơ của con trôi qua rất nhanh, một khi qua rồi sẽ không quay lại nữa.

Nếu bạn là một người cha, bạn chưa từng chứng kiến những bước chân chập chững đầu đời của con, nếu bạn chưa từng chia sẻ niềm vui với con khi chúng đạt điểm tuyệt đối trong kỳ thi, nếu bạn chưa bao giờ an ủi con về nỗi thất vọng sau khi thất bại… Vậy thì trong thế giới của con trẻ, bạn chỉ là 'người lạ từng quen’, mặc dù chúng gọi bạn là bố, nhưng rốt cuộc trong tiềm ý thức của chúng, hình ảnh của bạn cũng không có ấn tượng sâu sắc gì.

Một chuyên gia từng nhiều năm phân tích tâm lý tội phạm đã đưa ra quan điểm rằng, việc không có cha trong quá trình trưởng thành dễ khiến con cái cảm thấy bất an, vai trò của người cha trong việc vun đắp trách nhiệm lớn hơn nhiều so với người mẹ.

Hình ảnh người cha thường xuyên công tác và đi làm xa, ít khi về nhà, không có nhiều thời gian trò chuyện với con, điều này rất phổ biến ở nhiều gia đình, thậm chí nhiều người quen với điều này.

Trong một nghiên cứu chỉ ra rằng, những đứa trẻ không có cha thường xuyên xuất hiện trong quá trình trưởng thành, chúng có nguy cơ rơi vào cảnh nghèo đói hoặc phạm tội trong tương lai, cao gấp 5 lần so với những đứa trẻ bình thường được cha dành nhiều thời gian quan tâm, chăm sóc.

Chúng có nguy cơ bỏ học trong tương lai cao gấp 9 lần, tỷ lệ bị bỏ tù trong tương lai cao gấp 20 lần, chúng cũng có nhiều khả năng phát triển các vấn đề về hành vi, có nhiều khả năng bỏ nhà đi và có nhiều khả năng trở thành cha mẹ khi ở tuổi thiếu niên.

Chúng ta cũng hiểu rằng, việc người bố vắng mặt lâu ngày ở nhà phần lớn là do áp lực cuộc sống, tin rằng người bố nào cũng mong muốn vợ con có cuộc sống tốt đẹp hơn, tuy nhiên khi quan điểm sống của các con bị lệch lạc do thiếu vắng cha, hoặc thậm chí tương lai của chúng bị hủy hoại, khi đó mọi vật chất cha mẹ đã từng hy sinh để tích góp cho con sẽ còn ý nghĩa gì nữa?

Người cha nóng tính, ưa thích bạo lực

Cha mẹ là người thầy đầu tiên trong cuộc đời đứa trẻ, mỗi lời nói hành động của cha mẹ đều có tác động sâu sắc đối với chúng. Tính cách nóng nảy của cha mẹ chắc chắn sẽ khiến con học theo.

Những đứa trẻ lớn lên trong sự mắng mỏ sẽ chỉ cảm thấy sợ hãi, tổn thương chứ không cảm nhận được hơi ấm của gia đình. Khi bọn trẻ còn nhỏ, chúng chỉ có thể thỏa hiệp vì không có khả năng phản kháng. Khi lớn lên, sử dụng bạo lực và ngôn từ mạnh bạo lực sẽ trở thành cách chúng giải quyết vấn đề.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, những đứa trẻ tiếp xúc với bạo lực khi còn nhỏ hoặc cha mẹ có hành vi bạo lực, thường xuyên nóng nảy và la mắng trẻ, chúng sẽ có nguy cơ thực hiện hành vi bạo lực khi lớn lên cao gấp nhiều lần so với những đứa trẻ bình thường.

Một bà mẹ từng kể rằng, chồng cô thường la mắng, thậm chí còn đánh con bằng ghế dài.

Có một lần, đứa trẻ vô tình làm vỡ một món đồ, người cha đã bước đến và đá đứa trẻ rất mạnh, khiến cậu bé nằm dưới đất và không đứng dậy được.

Cô không hiểu tại sao người chồng hiền lành của mình khi yêu lại trở nên dễ nóng nảy sau khi kết hôn và có con.

Mãi cho đến một lần trò chuyện với mẹ chồng, và bà đã kể với cô về tuổi thơ của chồng, cô mới nhận ra bố chồng mình là một người có tính tình nóng nảy, khi đi làm thì không hòa hợp với những người trong nhà máy, khi xảy ra mâu thuẫn thì bắt đầu đánh nhau, về đến nhà thấy vợ con thường thấy chướng mắt, sau đó đánh đập vợ con. Hãy tưởng tượng một người lớn lên trong môi trường như vậy, đức tính tốt sẽ hình thành như thế nào đây?

Vì họ chưa bao giờ nhận được tình yêu thương và không biết cách yêu thương con cái, nên tính khí nóng nảy có thể lây lan sang những người xung quanh.

Nhưng trên thực tế, các ông bố cần biết rằng nổi giận và đánh mắng con trẻ cũng không giải quyết được vấn đề gì. Cư xử điềm tĩnh là chỗ dựa tốt cho gia đình, là trách nhiệm của một người cha đủ tư cách.

Người cha không yêu thương mẹ

Chỉ khi con cái được nuôi dưỡng bằng tình yêu thương trong gia đình đầm ấm thì chúng mới lớn lên khỏe mạnh và hạnh phúc. Người cha yêu thương và quan tâm đến người mẹ sẽ khiến gia đình trở nên hòa thuận, tạo nên không khí tích cực đối với sự phát triển nhân cách của đứa trẻ.

Người ta nói, dạy dỗ bằng lời nói và việc làm là cách giáo dục gia đình tốt nhất, người cha thương mẹ là tấm gương cho con cái noi theo, không khí gia đình hòa thuận sẽ khiến con cái cảm thấy an toàn.

Cha yêu thương mẹ là nền giáo dục gia đình tốt nhất, cũng vậy, người cha không yêu thương mẹ cũng có thể gián tiếp gây tổn thương cho con suốt đời. Những đứa trẻ thuở nhỏ thường xuyên chứng kiến những cuộc cãi vã của cha mẹ thường dễ nghi ngờ bản thân, dễ cảm thấy mặc cảm tự ti.

Người cha ham ăn lười làm

Từng có một câu chuyện như thế này được lưu truyền trên mạng Internet, có một ông bố từ quê lên thăm nhà cô con gái đã lấy chồng, cô con gái bưng trà mời ông bố uống, sau đó vội vã vào bếp làm cơm, khắp người đổ mồ hôi nhễ nhại nhưng chàng rể lại chẳng làm gì cả. Chứng kiến cảnh đó, ông bố giận dữ khi nhìn thấy sự vất vả của con gái mình. Ông bố gặm hỏi, nhưng cô con gái lại nói: "Bố ơi, trước kia ở nhà bố cũng như thế này, bố chỉ việc ngồi và chờ cơm sôi nước rót, còn mẹ thì vất vả làm bao nhiêu việc. Con tưởng sau khi lấy chồng ai cũng sẽ như thế này".

Việc người cha lười biếng không làm gì cả, vẫn thản nhiên lướt điện thoại di động, chơi game, trong khi người mẹ thì tất bận giữa bộn bề công việc. Hình ảnh này sẽ hình thành nên quan niệm lệch lạc cho đứa trẻ về vai trò của chúng trong gia đình. Về lâu dài, nó có thể trở thành nguồn gốc của những mâu thuẫn trong gia đình.

Một gia đình tốt bắt buộc mỗi người cần phải thực hiện tốt bổn phận của mình, mỗi người phải nỗ lực để gia đình trở nên tốt đẹp hơn. Cách đây một thời gian, thủ khoa đứng đầu trong một kỳ thi tuyển sinh Đại học đã chia sẻ rằng, sự giúp đỡ từ gia đình không phải do giàu có hay cuộc sống thoải mái, mà là do bố mẹ đã luôn nỗ lực làm việc chăm chỉ, và sự nỗ lực của họ đã trở thành động lực cho con cái của họ.

Giáo dục con cái là một quá trình không ngừng tu chính và hoàn thiện bản thân, mỗi người trong chúng ta cũng không phải là cha mẹ hoàn hảo, tuy nhiên, điều đáng quý cũng ở chỗ này, chúng ta biết vấn đề xuất hiện ở đâu, từ đó nguyện ý phó xuất và hành động.

Hy vọng mỗi người cha luôn là anh hùng vĩ đại trong mắt mỗi người con, trở thành tấm gương sáng giúp con noi theo và trưởng thành hơn từng ngày.

Theo Vương Hòa - Aboluowang
Gia Hân biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

4 kiểu người cha có thể hủy hoại cuộc đời đứa trẻ