8 lợi ích sức khỏe tuyệt vời của quả sung: Tăng cường sức khỏe tim mạch và giảm nguy cơ ung thư

Giúp NTDVN sửa lỗi

Quả sung được coi là "trái cây trường thọ" và là thực phẩm chính trong chế độ ăn Địa Trung Hải. Nhiều nghiên cứu đã phát hiện ra rằng sung cung cấp nhiều lợi ích cho sức khỏe, hỗ trợ sức khỏe tim mạch và chức năng nhận thức, đồng thời hỗ trợ phòng chống ung thư.

Sung là một trong những loại trái cây lâu đời nhất thế giới, cung cấp một loạt các hợp chất hoạt tính sinh học, bao gồm vitamin, khoáng chất, axit hữu cơ, axit amin và chất xơ, cũng như các phytochemical khác nhau như carotenoid và polyphenol.

8 lợi ích sức khỏe của quả sung

  • Sức khỏe tim mạch

Sung giàu các hợp chất polyphenol, bao gồm flavonoid và anthocyanin, có lợi cho sức khỏe tim mạch.

Polyphenol được biết đến là có tác dụng cải thiện huyết áp cao, có hoạt tính chống tiểu cầu, giảm oxy hóa lipoprotein mật độ thấp và ức chế sự hình thành các tổn thương xơ vữa động mạch.

Một nghiên cứu trên động vật cho thấy chiết xuất từ sung có tác dụng "hạ huyết áp và chống tăng huyết áp ở chuột tăng huyết áp do glucose".

  • Giảm nguy cơ ung thư

Polyphenol và flavonoid có trong sung cũng được chứng minh là có hoạt tính chống viêm, điều hòa miễn dịch và chống ung thư mạnh mẽ.

Một bài tổng quan được công bố trên tạp chí Phytomedicine vào năm 2022 đã nêu bật "khả năng đáng kể của sung trong việc ức chế sự hình thành khối u và phát triển của tế bào ung thư".

Theo bài đánh giá, sung có thể điều chỉnh nhiều cơ chế báo hiệu trong cơ thể, bao gồm các cơ chế liên quan đến "phân bào, điều hòa chu kỳ tế bào và apoptosis", do đó ngăn ngừa sự xuất hiện và phát triển của ung thư.

  • Bệnh tiểu đường

Tiểu đường là một trong những bệnh mãn tính phổ biến nhất trên toàn thế giới.

Trong một bài đánh giá, các nhà nghiên cứu đã so sánh tác dụng của quả sung (tươi và khô) với thuốc metformin điều trị bệnh tiểu đường type 2.

Kết quả cho thấy metformin làm giảm lượng đường trong máu 27.6%, trong khi sung làm giảm lượng đường trong máu 13,5%, hiệu quả bằng khoảng một nửa so với metformin.

Ngoài ra, một thử nghiệm lâm sàng cho thấy nước sắc lá sung có thể làm giảm hiệu quả lượng đường trong máu sau ăn ở bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường type 1.

Một nghiên cứu trên động vật khác cho thấy ficusin, được chiết xuất từ lá sung, có thể làm giảm lượng đường trong máu ở chuột mắc bệnh tiểu đường type 2, đồng thời cải thiện hồ sơ lipid, insulin huyết tương, glycogen gan, các dấu hiệu về thận và enzym gan.

  • Tác dụng chống oxy hóa

Christopher Gardner, nhà khoa học dinh dưỡng tại Trung tâm Nghiên cứu Phòng ngừa Stanford, tuyên bố trong một thông cáo báo chí của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ rằng sung rất ngọt và chứa nhiều đường tự nhiên, nhưng chất xơ trong sung giúp làm chậm quá trình hấp thụ đường vào máu.

Ông lưu ý rằng sung khô có thể tiêu thụ như một bữa ăn nhẹ, nó cũng chứa các chất dinh dưỡng và chất chống oxy hóa từ thực vật lành mạnh, giúp ngăn ngừa tổn thương tế bào.

Một nghiên cứu cho thấy so với vitamin C và E, sung khô có đặc tính chống oxy hóa vượt trội. Những người tham gia nghiên cứu ăn 40 gram sung khô đã trải qua "sự gia tăng đáng kể về khả năng chống oxy hóa trong huyết tương trong bốn giờ".

Hơn nữa, quả sung ức chế stress oxy hóa do "tiêu thụ xi-rô ngô có hàm lượng fructose cao trong nước ngọt có ga".

Nhiều nghiên cứu cho thấy việc hấp thụ quá nhiều fructose có thể dẫn đến các rối loạn chuyển hóa khác nhau, bao gồm tăng huyết áp, bệnh tim, tăng mỡ nội tạng và rối loạn lipid máu.

  • Bệnh Alzheimer

Sung giàu chất xơ và các nguyên tố khoáng chất khác nhau, đồng thời là nguồn cung cấp proanthocyanidins và quercetin dồi dào, có đặc tính chống oxy hóa và có lợi cho sức khỏe não bộ.

Trong một nghiên cứu, các nhà nghiên cứu cho hai nhóm chuột biến đổi gen mắc bệnh Alzheimer sử dụng cùng một chế độ ăn, trong đó, một nhóm được thêm 4% sung vào chế độ ăn uống.

Sau 15 tháng, kết quả cho thấy những con chuột không được thêm sung có hành vi lo lắng tăng cao và suy giảm trí nhớ đáng kể, cũng như suy giảm nghiêm trọng về khả năng học tập phân biệt không gian, vị trí và phối hợp vận động.

Những kết quả này cho thấy việc bổ sung sung trong chế độ ăn uống có thể giúp cải thiện các khiếm khuyết về nhận thức và hành vi ở bệnh nhân Alzheimer.

  • Táo bón

Sung được coi là phương thuốc cổ xưa trị táo bón, giúp nuôi dưỡng đường ruột. Một nghiên cứu cho thấy việc thêm sung trong bốn tháng giúp cải thiện đáng kể tần suất đại tiện, tần suất đau, trướng bụng và các triệu chứng phân cứng ở bệnh nhân mắc hội chứng ruột kích thích so với nhóm đối chứng, cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống của họ.

Một nghiên cứu trên động vật cho thấy chiết xuất từ sung có tác dụng nhuận tràng tự nhiên không gây tiêu chảy và có thể làm giảm đáng kể mức độ nghiêm trọng của táo bón do viêm đại tràng.

  • Mật độ xương

Sung giàu khoáng chất và là nguồn cung cấp canxi và kali dồi dào. Các khoáng chất này có thể giúp cải thiện mật độ xương, do đó ngăn ngừa các bệnh như loãng xương.

Một nghiên cứu trên 8.732 nam giới và phụ nữ sau mãn kinh từ 50 tuổi trở lên cho thấy phụ nữ tiêu thụ nhiều kali có mật độ xương cao hơn những người tiêu thụ ít kali.

Ngoài ra, việc hấp thụ kali hàng ngày cao hơn giúp giảm đáng kể nguy cơ loãng xương ở phụ nữ sau mãn kinh. Tuy nhiên, không có mối liên quan rõ ràng giữa lượng kali trong chế độ ăn và nguy cơ loãng xương ở nam giới.

Canxi là thành phần cấu trúc chính của xương và việc hấp thụ canxi đầy đủ rất cần thiết cho việc duy trì sức khỏe xương ở người lớn tuổi.

  • Tình trạng da

Sung có đặc tính chống oxy hóa, chống viêm, kháng virus và kháng khuẩn, có lợi cho việc điều trị viêm da cơ địa.

Một nghiên cứu cho thấy, trẻ em mắc bệnh viêm da cơ địa nhẹ đến trung bình, chiết xuất từ sung có thể mang lại kết quả điều trị tốt hơn so với Hydrocortisone 1%; đồng thời nó cũng làm giảm triệu chứng, an toàn và dung nạp tốt hơn.

Sử dụng sung trong y học cổ truyền

Trong Y học cổ truyền, người ta tin rằng "thực phẩm và thuốc có nguồn gốc từ cùng một nguồn".

Các văn bản y học cổ, chẳng hạn như "Bản thảo cương mục", đã ghi chi tiết về giá trị dược liệu của sung, bao gồm khả năng kích thích ăn uống và bổ tỳ, cũng như hiệu quả trong việc điều trị tiêu chảy, trĩ và đau họng.

Những lưu ý khi ăn sung

Yip Yiman, một chuyên gia dinh dưỡng từ Trung tâm Dinh dưỡng và Sức khỏe VNS Hồng Kông, nhấn mạnh trong một bài báo rằng cả sung tươi và sung khô đều có giá trị dinh dưỡng, trong đó sung tươi đặc biệt có lợi cho cơ thể.

Tuy nhiên, do hàm lượng chất xơ cao nên những người có chức năng tiêu hóa kém hoặc đang bị tiêu chảy nên hạn chế ăn sung để tránh làm nặng thêm các triệu chứng.

Theo Ellen Wan - The Epoch Times
Hoàng Tuấn

Ellen Wan đã làm việc cho phiên bản tiếng Nhật của The Epoch Times từ năm 2007.



BÀI CHỌN LỌC

8 lợi ích sức khỏe tuyệt vời của quả sung: Tăng cường sức khỏe tim mạch và giảm nguy cơ ung thư