Anh: Thủ tướng Johnson 'thoát hiểm' sau Bỏ phiếu tín nhiệm, tiếp tục giữ ghế

Giúp NTDVN sửa lỗi

Thủ tướng Anh Boris Johnson đã vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm trong nội bộ Đảng Bảo thủ cầm quyền, với 211 nghị sĩ ủng hộ ông và 148 nghị sĩ muốn ông từ chức.

Nếu hơn một nửa số nghị sĩ của đảng bỏ phiếu chống lại ông Boris Johnson, ông sẽ bị buộc phải từ chức lãnh đạo đảng, và do đó cũng phải từ chức thủ tướng.

Thủ tướng Johnson buộc phải đối mặt với cuộc bỏ phiếu tín nhiệm sau khi 54 nghị sĩ Đảng Bảo thủ gửi thư cho Ngài Graham Brady, chủ tịch Ủy ban 1922 — ủy ban có vai trò quan trọng trong việc lựa chọn lãnh đạo Đảng Bảo thủ. 54 nghị sĩ này nói rằng họ không còn tín nhiệm ông Johnson, 57 tuổi.

Điều này xảy ra sau báo cáo ngày 25/5 của công chức Sue Grey về bê bối tiệc tùng của ông Johnson, và sau nhận xét của cố vấn đạo đức của thủ tướng là Ngài Geidt rằng, ông Johnson có thể đã vi phạm quy tắc áp dụng cho thành viên Nội các khi ông tham dự các bữa tiệc trong thời gian xảy ra đại dịch.

Kết quả bỏ phiếu ủng hộ ông Johnson có nghĩa là ông hiện được miễn nhiễm trong vòng một năm với bất kỳ cuộc bỏ phiếu nào chống lại mình. Tuy nhiên, nhiều nhà bình luận, từ khắp các quan điểm chính trị, nói rằng ông có thể vẫn sẽ bị các thế lực chính trị khác ép rời khỏi ghế.

Trước đó, Jacob Rees-Mogg Bộ trưởng phụ trách các cơ hội Brexit và là người trung thành với ông Johnson cho biết, chiến thắng dù chỉ nhờ một phiếu bầu cũng đủ để thủ tướng tiếp tục ở lại số 10 Phố Downing.

Nhà vận động Steven Bray đứng cạnh một người biểu tình cầm biểu ngữ chế nhạo Boris Johnson, gần trường College Green, London, 06/06/2022. (Carl Court / Getty Images)

Tuy nhiên, cựu Bộ trưởng Y tế Jeremy Hunt người được cho là có thể là một nhà lãnh đạo tương lai của Đảng Bảo thủ đã viết trên Twitter: "Bất cứ ai tin rằng đất nước của chúng ta mạnh hơn, công bằng, và thịnh vượng hơn khi được lãnh đạo bởi Đảng Bảo thủ nên ngẫm nghĩ rằng, hậu quả của việc không thay đổi sẽ là trao đất nước cho những người không có cùng những giá trị đó. Quyết định của ngày hôm nay là sự thay đổi hoặc là mất mát. Tôi sẽ bỏ phiếu cho sự thay đổi".

Điều này đã dẫn đến phản ứng giận dữ từ Bộ trưởng Văn hóa Nadine Dorries người đã đưa ra một số cáo buộc về ông Hunt trên Twitter, và nói rằng việc xử lý đại dịch của ông Hunt "sẽ là một thảm họa".

Bà Dorries từng là bộ trưởng y tế nói thêm rằng "Sự chuẩn bị cho đại dịch của ông trong sáu năm làm bộ trưởng y tế đã cho thấy sự thiếu sót. Bây giờ trò hai mang của ông trong việc gây bất ổn cho đảng và đất nước để phục vụ cho tham vọng cá nhân của chính mình, còn cho thấy hơn thế nữa".

Sau đó, bà khẳng định những nhận xét của mình "không mang tính cá nhân".

Một thành viên Nội các khác thể hiện rõ lòng trung thành của mình là Ngoại trưởng Liz Truss người cũng được cho là một nhà lãnh đạo tương lai của đảng.

Bà Truss viết trên Twitter: "Thủ tướng được tôi ủng hộ 100% trong cuộc bỏ phiếu hôm nay và tôi đặc biệt khuyến khích các đồng nghiệp ủng hộ ông ấy. Ông ấy đã thành công trong công cuộc khôi phục đất nước sau Covid, và hỗ trợ Ukraina trước sự xâm lược của Nga. Ông ấy đã xin lỗi vì những sai lầm đã gây ra. Bây giờ chúng ta phải tập trung vào tăng trưởng kinh tế".

Bê bối tiệc tùng không phải là lý do duy nhất được đưa ra bởi những người cảm thấy ông Johnson đang đưa Đảng Bảo thủ đi sai hướng.

Jesse Norman, một nghị sĩ phản đối ông Johnson, đã viết trong lá thư bất tín nhiệm của mình rằng "Không có chính phủ Bảo thủ thực sự nào lại nên đi ủng hộ lệnh cấm biểu tình ồn ào gần đây — nhất là khi các quyền tự do cơ bản của con người đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng ở Ukraina".

Người tiền nhiệm của ông Johnson là Theresa May, đã sống sót sau cuộc bỏ phiếu tín nhiệm vào tháng 12/2018. Bà May — khi ấy đang cố gắng thúc đẩy thỏa thuận Brexit của mình thông qua Quốc hội — đã vượt qua cuộc bỏ phiếu tín nhiệm với số phiếu 200 trên 117, mặc dù sáu tháng sau, bà tuyên bố từ chức.

Cao Dương

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Anh: Thủ tướng Johnson 'thoát hiểm' sau Bỏ phiếu tín nhiệm, tiếp tục giữ ghế