Bắc Kinh 'ăn miếng trả miếng', Washington có tỉnh ngộ?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Bắc Kinh đáp trả các hạn chế xuất khẩu của Washington cũng bằng các biện pháp tương tự. Các hạn chế xuất khẩu kim loại của Trung Quốc tạo ra vấn đề không nhỏ cho Mỹ. Lần này, Mỹ sẽ khó có thể kiện lên WTO. Tuy nhiên, đây cũng là một hồi chuông cảnh tỉnh cho Mỹ và thế giới phát triển.

Bắc Kinh và Washington dường như đã bước vào một cuộc cạnh tranh ăn miếng trả miếng về thương mại. Cuối năm ngoái, chính quyền Biden đã đặt ra các hạn chế đối với việc xuất khẩu thiết bị sản xuất chất bán dẫn tiên tiến sang Trung Quốc, đồng thời công bố trợ cấp cho sản xuất chất bán dẫn trong nước. Washington thậm chí còn mời Nhật Bản và Hà Lan tham gia lệnh cấm xuất khẩu. Bây giờ, ngay trước cuộc gặp cấp cao Trung Quốc - Mỹ về thương mại, Bắc Kinh đã đáp lại những động thái này bằng cách áp đặt các hạn chế đối với việc xuất khẩu hai kim loại - gali và gecmani - cả hai đều cần thiết cho nhiều ứng dụng thương mại và quân sự. Cho đến nay, Washington vẫn chưa có phản ứng trước động thái của Bắc Kinh.

Không còn nghi ngờ gì nữa, do các cuộc đàm phán thương mại, Bắc Kinh đã trì hoãn việc bắt đầu lệnh cấm này đến ngày 01/08. Điều đó có lẽ là một lời mời gọi để Washington hạ nhiệt các vấn đề bằng cách làm dịu đi những gì trong những tháng gần đây đã trở thành một cách tiếp cận ngày càng thù địch với Trung Quốc. Tuy nhiên, Bắc Kinh rõ ràng đang chuẩn bị để sử dụng vũ khí thương mại này. Nhớ lại chiến thắng năm 2014 của Mỹ tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) khi Trung Quốc cấm xuất khẩu các nguyên tố đất hiếm, lệnh cấm mới nhất này có cấu trúc hành chính rất khác. Để khiến việc kiện ra WTO trở nên khó khăn hơn, chứ đừng nói đến việc kiện thành công, Bắc Kinh sẽ không chỉ đơn giản là cấm xuất khẩu mà thay vào đó sẽ yêu cầu các nhà sản xuất phải xin giấy phép đặc biệt để xuất khẩu kim loại. Sau đó, các quan chức có thể cấp giấy phép cho từng trường hợp cụ thể theo những gì Bắc Kinh tuyên bố là nhằm bảo vệ “an ninh và lợi ích quốc gia”.

Đối với giai đoạn sắp tới, Mỹ phải đối mặt với một vấn đề không nhỏ. Trung Quốc hiện là nhà cung cấp lớn nhất thế giới đối với các kim loại quan trọng này. Khối lượng sản xuất và thương mại của chúng là nhỏ, nhưng các kim loại này lại rất cần thiết để sản xuất và bảo trì chất bán dẫn, bộ sạc điện thoại, công nghệ tên lửa, xe điện, hệ thống cáp quang, pin mặt trời, v.v. Hiện tại, khoảng 94% lượng gali của thế giới và một phần tương tự nguồn cung gecmani của thế giới đến từ Trung Quốc. Chắc chắn là, cả hai kim loại đều không đặc biệt hiếm. Thật vậy, Mỹ là nơi có mỏ gecmani lớn nhất thế giới. Các trữ lượng lớn cũng tồn tại ở Nga, Bỉ và Canada. Gali được tìm thấy ở Nga, Ukraine, Nhật Bản và Hàn Quốc. Nhưng trong những năm qua, Trung Quốc đã hạ thấp giá đối với quá trình khai thác và tinh chế đôi khi rất tốn kém nên nhiều nguồn cung cấp trong số này đã không còn được sử dụng, bao gồm cả mỏ gali khổng lồ ở Mỹ.

Bắc Kinh và Washington 'ăn miếng trả miếng'
Đất hiếm chất thành đống để chất lên một con tàu tại một cảng ở Liên Vân Cảng, tỉnh Giang Tô phía đông của Trung Quốc, vào ngày 05/09/2010 (Ảnh: STR/AFP qua Getty Images)

Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen gần đây đã tới Trung Quốc để đàm phán về thương mại. Mặc dù Bắc Kinh đã đưa ra thời hạn một tháng trước khi cuộc phản công của nó có hiệu lực, bà Yellen có rất ít cơ hội để đưa ra bất kỳ nhượng bộ nào cho Bắc Kinh để đổi lấy sự thay đổi trong chính sách được đề xuất với gali và germani. Với luận điệu chống Trung Quốc trong quá khứ của Washington và các hành động khác từ chính quyền Biden, hầu như bất kỳ sự mềm mỏng nào cũng có thể được coi là sự mềm yếu ở Washington.

Hồi chuông cảnh tỉnh

Ngay cả khi Bộ trưởng Yellen tìm ra cách nào đó để tháo gỡ thế bế tắc hiện tại, lời đe dọa của Trung Quốc đối với gali và germani, cũng như những lời đe dọa cắt đứt nguồn cung cấp nguyên tố đất hiếm trước đó, sẽ là một hồi chuông cảnh tỉnh cho Mỹ và phần còn lại của thế giới phát triển. Mỹ, cũng như châu Âu và Nhật Bản, đang có nhu cầu cấp thiết phải đa dạng hóa nguồn cung ứng nguyên liệu thô và hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc, để “giảm rủi ro”, theo cụm từ được Liên minh Châu Âu ưa thích hơn là “tách rời”. Nhật Bản, tại các cuộc họp G-7 gần đây, đã cảnh báo thế giới về sự nguy hiểm của việc phụ thuộc quá nhiều vào các nguồn cung ứng của Trung Quốc. Tokyo đã đề xuất một kế hoạch nhằm tìm các giải pháp thay thế ở những nơi khác trên thế giới, chẳng hạn như châu Phi, đối với các nguyên tố đất hiếm và nếu cần, cung cấp tài chính cho sự phát triển nguồn cung. Cho đến nay, không có quốc gia nào khác, kể cả Mỹ, tỏ ra nhiệt tình với kế hoạch của Nhật Bản, nhưng mối đe dọa mới nhất với gali và gecmani có thể thay đổi thái độ ở cả Washington và các thủ đô châu Âu.

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTD Việt Nam.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch

Tác giả Milton Ezrati là biên tập viên của The National Interest - một chi nhánh của Trung tâm Nghiên cứu Nguồn Nhân lực tại Đại học Buffalo (SUNY), và là nhà kinh tế trưởng của Vested - công ty truyền thông có trụ sở tại New York. Trước khi gia nhập Vested, ông từng là nhà chiến lược thị trường và nhà kinh tế trưởng cho Lord, Abbett & Co. Ông thường xuyên viết bài cho City Journal và viết blog cho Forbes. Cuốn sách mới nhất của ông có tựa đề "Thirty Tomorrows: The Next Three Decades of Globalization, Demographics, and How We Will Live" (30 mươi năm sau: Ba thập kỷ tiếp theo của toàn cầu hóa, nhân khẩu học, và cách chúng ta sẽ sinh sống).



BÀI CHỌN LỌC

Bắc Kinh 'ăn miếng trả miếng', Washington có tỉnh ngộ?