Bí quyết để vợ chồng ở bên nhau đến già, ẩn chứa trong 4 điều này

Giúp NTDVN sửa lỗi

Bắt đầu từ ngoại hình, quan điểm tương đồng, tồn tại bằng sự chân thành và cuối cùng là nhân phẩm. Tolstoy đã nói: “Mối quan hệ giữa vợ và chồng là một trong những mối quan hệ quan trọng nhất trong cuộc đời. Nó quyết định hạnh phúc của con người và sự hòa thuận của gia đình”.

Trong tất cả các mối quan hệ, không có gì gần gũi hơn mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái, và mối quan hệ gần nhất là vợ chồng.

Nữ thi nhân đời Đường Lý Dã từng viết: "Chí cận chí viễn đông tây, chí thâm chí thiển thanh khê, chí cao chí minh nguyệt, chí thân chí sơ phu thê".

Giữa vợ chồng rất thân thiết với nhau, dù không cùng huyết thống nhưng vẫn tốt hơn bà con ruột thịt và hỗ trợ nhau cho đến khi già.

Giữa vợ chồng, cũng có thể cách rất xa, mặc dù có tình cảm mấy chục năm, nó cũng có thể dần dần phai nhạt và gây tổn hại cho nhau.

Muốn biết có thể bên nhau đến già hay không, kỳ thật chỉ ở một câu: “Bắt đầu từ ngoại hình, quan điểm tương đồng, tồn tại bằng sự chân thành và cuối cùng là nhân phẩm”.

1. Bắt đầu từ ngoại hình

Bất kể nam hay nữ thì khi lựa chọn người mình thích, ấn tượng đầu tiên và trực quan nhất chính là vẻ bề ngoài của đối phương. Đây là một hiện tượng rất tự nhiên, bởi vì bề ngoài là cảm nhận trực tiếp và trực quan nhất của con người.

Sự hấp dẫn bắt đầu từ ngoại hình này là một trong những nền tảng quan trọng để xây dựng mối quan hệ giữa hai người. Khi hai người bị thu hút bởi nhau, có ấn tượng tốt về nhau và sẵn sàng chấp nhận nhau thì đây thường là sự khởi đầu của một mối quan hệ.

Tuy nhiên, ngoại hình không chỉ được thừa hưởng từ cha mẹ mà còn bao gồm ngoại hình được hình thành do quá trình tu dưỡng tâm tính, tích lũy trong cuộc sống tạo thành tướng mạo.

Ảnh Pixabay

Tướng do tâm sinh, mệnh do mình tạo, tướng mạo một người, cùng tâm tính tu dưỡng của người đó gắn bó mật thiết.

Có thể nói, dung mạo và khí chất của một người được hình thành bởi tâm tính và sự tu luyện của người đó.

Người mặt ủ mày chau, chán nản lâu ngày thường tỏ ra mệt mỏi, yếu đuối và thiếu sức sống.

Còn đối với những người quá sành sỏi và tính toán, đường nét trên khuôn mặt của họ có thể trở nên căng thẳng và u ám khiến người ta không thích.

Những người có tâm trạng thất thường và tâm lý không ổn định, có thể có nét mặt căng thẳng và lo lắng.

Ngược lại, ngoại hình đẹp đến từ nội tâm trong sáng, nhân hậu, dịu dàng và tự tin. Những phẩm chất này được thể hiện qua nét mặt, khí chất, phong thái khiến người khác cảm thấy thoải mái, vui vẻ.

Vẻ đẹp này không chỉ đến từ vẻ bề ngoài mà còn đến từ sự tu dưỡng và trải nghiệm của một người, bao gồm cả những cuốn sách họ đã đọc, những khung cảnh đã thấy và những con người đã gặp.

Vì vậy, ngoại hình không chỉ là vẻ ngoài đẹp hay xấu mà còn là hiện thân của nội tâm tu dưỡng và khí chất. Ngoại hình thực sự đẹp không chỉ bao gồm vẻ đẹp bên ngoài mà còn bao gồm sự tự tin và trau dồi nội tâm, có thể khiến người khác cảm thấy như gió xuân, không khỏi ngưỡng mộ.

2. Quan điểm tương đồng

Dư Thu Vũ nói: “Trong quá trình tìm kiếm bạn đời, điều quan trọng nhất không phải là ngoại hình, mà là quan điểm của hai bên có tương đồng hay không”.

Quan điểm tương xứng, mới có thể xây dựng được quan hệ hôn nhân ổn định, hạnh phúc chân chính.

Ảnh Pixabay

Hai người có quan điểm hợp nhau mới ở được cùng nhau, có cùng quan điểm thì không có áp lực phải hòa hợp với nhau.

Nếu quan điểm không tương ứng thì trong cuộc sống sẽ xảy ra nhiều mâu thuẫn, bất đồng, cãi vã là điều không thể tránh khỏi, theo thời gian, tình cảm sẽ ngày càng xa cách.

Trong bộ phim truyền hình "Những đứa con của nhà họ Kiều", cuộc hôn nhân của Kiều Nhất Thành và Diệp Tiểu Lang tan vỡ do quan điểm không hợp nhau.

Kiều Nhất Thành là anh cả trong nhà. Sau khi mẹ qua đời, cha vẫn mặc kệ không quan tâm tới con cái trong nhà, Kiều Nhất Thành hiểu chuyện liền gánh vác trách nhiệm chăm sóc em trai em gái. Mà cha mẹ Diệp Tiểu Lãng thì trọng nam khinh nữ, từ nhỏ đã thiên vị em trai.

Nỗi khao khát về tổ ấm khiến cả hai yêu nhau ba tháng rồi vội vàng kết hôn, sau khi cưới họ phát hiện quan điểm của hai người hoàn toàn trái ngược nhau:

Về phương diện tiêu dùng, Kiều Nhất Thành tiêu dùng trong khả năng của mình, Diệp Tiểu Lãng lại tiêu tiền như nước. Có một lần, một bữa cơm đã tiêu hết nửa tháng tiền lương của Kiều.

Về phương diện cuộc sống, Kiều Nhất Thành lấy tình thân làm trọng, đón các em trai em gái về nhà sống chung, điều này làm cho Diệp Tiểu Lãng không thể chịu đựng được.

Ở phương diện sự nghiệp, Kiều Nhất Thành cố gắng an ổn, thầm nghĩ kiên định làm việc ở đài truyền hình, còn Diệp Tiểu Lãng lại hướng tới cuộc sống ở Mỹ, một lòng muốn Kiều Nhất Thành cùng mình ra nước ngoài du học...

Quan niệm tiêu dùng, quan niệm cuộc sống và quan niệm sự nghiệp của hai người đều tồn tại khác biệt rất lớn, cuối cùng Diệp Tiểu Lãng một mình ra nước ngoài, hôn nhân cũng kết thúc.

Lâm Huy từng nói: “Chỉ có người tâm linh tương thông, mới có đồng cảm nhìn thủy triều lên thủy triều xuống trong cuộc sống. Chỉ có người có linh hồn gần gũi, mới có thể nhìn thấy vẻ đẹp ẩn sâu trong nội tâm lẫn nhau”.

Có một câu nói thế này: “Ngoại hình quyết định liệu hai người có thể ở bên nhau hay không, nhưng quan điểm sống quyết định cặp đôi có thể ở bên nhau bao lâu”.

Khi tìm kiếm bạn đời, quan điểm quan trọng hơn năm giác quan.

Duyên mắt quyết định người chúng ta thích, và cách nhìn cuộc sống quyết định chúng ta giữ ai trong đời.

Hai người đi ngược chiều nhau, một người rẽ trái, một người rẽ phải, sẽ không bao giờ đến cùng một điểm.

Tựa như câu nói: "Người ở thế giới khác nhau, cho dù sớm chiều ở chung, chung quy một vỗ hai tán. Người cùng một thế giới, cho dù trèo đèo lội suối, cuối cùng cũng có ngày gặp nhau”.

3. Đối đãi bằng tình cảm chân thành để mối quan hệ bền lâu

Nếu muốn xây dựng một mối quan hệ lâu dài, bạn cần đánh đổi sự chân thành lấy sự chân thành.

Ảnh Pixabay

Khi em ngã, anh nâng đỡ em; ​​khi anh vấp ngã, em trợ giúp, để mối quan hệ trở nên gần gũi hơn. Hai người tương hỗ, mới có thể đi tới cuối cùng.

Dương Giáng và Tiền Chung Thư ở chung hằng ngày, thể hiện hình dáng hôn nhân tốt đẹp.

Có một lần, Dương Giáng hỏi Tiền Chung Thư: "Tại sao khi cãi nhau anh luôn nhường nhịn em, có đôi khi nghiêm túc nghĩ lại, em phát hiện cũng không chỉ là lỗi của anh”.

Tiền Trọng Thư mỉm cười đáp: "Cho dù anh thắng trong cuộc cãi vã thì sao? Thắng đạo lý, mất đi tình cảm, mất đi em, anh sẽ mất tất cả trong cuộc đời mình. Trong thế giới của hai người, sẽ luôn có một người gây sự, người kia cười, một người ồn ào, một người dỗ dành".

Ngày thường, Tiền Chung Thư bởi vì kỹ năng sinh hoạt tương đối khiếm khuyết, thường thường làm hỏng đồ đạc trong nhà, mỗi khi như vậy, ông đều cảm thấy bất an.

Nhưng Dương Giáng chưa bao giờ chỉ trích Tiền Chung Thư nửa câu, còn nhẹ giọng an ủi: "Không sao, em có thể sửa được”.

Họ thường cùng nhau đi làm, cùng nhau học tập, không bao giờ rời xa nhau dù cuộc sống có khó khăn đến đâu, đồng tâm hiệp lực lo liệu cuộc sống.

Phương thức giải quyết vấn đề gia đình của Dương Giáng, kỳ thật phần lớn chính là đến từ cha mẹ cô.

Bà từng viết trong bài “Nhớ Cha”: “Cha mẹ tôi như những người bạn với nhau, từ nhỏ chúng tôi chưa từng nghe họ cãi nhau lần nào. Họ thường nói về mọi thứ, chuyện cũ, chuyện gia đình, chuyện quan trọng trong công việc... hai người trong cuộc đời đã trò chuyện rất lâu và không bao giờ thấy chán”.

Có người đã kết hôn nhiều năm và tình cảm vẫn bền chặt, có người lại trở thành người xa lạ sau khi kết hôn không lâu.

Đằng sau những cuộc hôn nhân hạnh phúc, đó là hai con người nỗ lực hết mình.

4. Nhân phẩm là điều then chốt quyết định

Yêu nhau là nhờ sự chân thành, ở bên nhau dựa vào nhân phẩm. Cuối cùng, điều quan trọng trong một mối quan hệ thực ra chính là nhân phẩm.

Ảnh Pixabay

Nhà văn Tô Sầm từng nói: "Đừng chỉ mê luyến tình yêu, nhân phẩm còn quan trọng hơn thế, tình yêu là tạm thời, nhân phẩm là vĩnh hằng".

Khi tình yêu từ từ phai nhạt, quan hệ của hai người là dựa vào thiện lương để duy trì.

Quả thật như thế. Ở chung, dựa vào chân tâm. Gần nhau, dựa vào nhân phẩm.

Từng có một câu chuyện, có một đôi vợ chồng, kết hôn nhiều năm, vẫn tương kính như tân, tình cảm thập phần hòa hợp.

Tuy nhiên, trong một tai nạn, người chồng bị thương nặng vì cứu người, đòi hỏi rất nhiều chi phí y tế và thời gian phục hồi lâu dài.

Để cứu chồng, người vợ đã không ngần ngại dành tất cả tiền tiết kiệm trong nhà để hỗ trợ hết mình cho việc điều trị và phục hồi của chồng.

Trong quá trình này, người vợ không chỉ phải lo cho cuộc sống thường ngày của chồng mà còn phải chăm lo công việc, gia đình rất vất vả. Nhưng cô không hề phàn nàn mà cứ im lặng cho đi.

Người chồng vô cùng xúc động và thề sẽ điều trị thật tốt, sớm bình phục để báo đáp tình yêu và sự tận tâm của vợ.

Cuối cùng, người chồng cũng bình phục và mối quan hệ giữa hai vợ chồng ngày càng sâu sắc hơn.

Họ hỗ trợ lẫn nhau, cùng nhau vượt qua những thử thách, khó khăn trong cuộc sống và trở thành chỗ dựa vững chắc nhất của nhau.

Dương Lan nói: "Giữa vợ chồng ngoại trừ yêu, còn có nghĩa khí chân thành gắn bó, ăn ý không rời không bỏ, cùng nhau thai nghén trưởng thành, cùng với ân tình khắc cốt ghi tâm”.

Một mối quan hệ bắt đầu bằng ngoại hình, đi đến cuối bằng nhân cách.

Đường xa mới biết ngựa hay, lâu ngày mới thấy lòng người.

“Nắm tay nhau từ khi còn trẻ đến lúc già đi”, đây có lẽ là niềm khao khát tột cùng của mỗi người về tình yêu và hôn nhân.

Mong rằng tất cả các cặp vợ chồng trong thiên hạ đều có thể tương thân tương ái, bạc đầu đến già, đợi đến thời khắc cuối cùng của sinh mệnh, có thể không hối hận mà nói: "Thật tuyệt vời khi có anh/em trong cuộc đời này!"

Theo Triệu Lệ - Aboluowang - Nguồn: Ten O'clock Reading
Nguyên Anh biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Bí quyết để vợ chồng ở bên nhau đến già, ẩn chứa trong 4 điều này